(P7) Họa tiết trang trí truyền thống trong Kiến Trúc Đông Dương | Fedic

Trở lại với chuyên mục “Lược sử kiến trúc Đông Dương” kỳ này, Fedic sẽ đi sâu và phân tích các họa tiết trang trí truyền thống được sử dụng trong Kiến trúc Đông Dương. Những họa tiết mang yếu tố mĩ thuật truyền thống Việt Nam làm nên sự ấn tượng và khác biệt của lối kiến trúc này, tạo ra những đặc trưng riêng của phong cách Indochine tại nước ta thời bấy giờ.

Sau khi xuất hiện và dần thay thế kiến trúc thuộc địa tiền kỳ, kiến trúc Đông Dương cũng trải qua một quá trình chuyển hóa rõ nét và dần tạo được dấu ấn đậm nét. Với sự hòa hợp cùng kiến trúc văn hóa bản địa, kiến trúc Đông Dương được xem là một thiết kế hài hòa, thẩm mỹ và phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng khu vực. Điều này thể hiện qua việc lựa chọn vật liệu, kết hợp các họa tiết truyền thống cũng như dung hòa các nét văn hóa đặc trưng của Đông Dương.

I. Bản sắc dân tộc trên nền kiến trúc phương Tây

Văn hóa mỹ thuật Việt Nam từ ngàn đời xưa nổi tiếng với những hình thù, họa tiết độc đáo và đẹp mắt. Nó được xem là một phần trong bản sắc dân tộc. Và việc kiến trúc phương Tây du nhập và phát triển tại đất nước này, cũng không thể bỏ qua những nét đặc trưng độc đáo ấy. Đó là những hoa văn, họa tiết truyền thống thời Đông Sơn với những đường nét kỷ hà đơn giản cách điệu từ hoa lá, cách thể hiện tỉ mỉ và chi tiết. 

Đến thời An Nam, hoa văn họa tiết được tổng hợp lại và được cách điệu từ những hình ảnh khác: hình kỷ hà, hình chữ, hình cây, hình hoa lá, hình tĩnh vật,… với đường nét và cách thể hiện phong phú hơn. Những hoa văn, họa tiết này thường được ứng dụng để xử lý các chi tiết sàn, tường, trần, các vách ngăn, vật dụng trang trí, trang thiết bị nội thất.

Chính vì được ưu ái “chọn mặt gửi vàng” trên Kiến trúc phong cách Đông Dương, nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam đã thể hiện ưu thế và vai trò của mỹ thuật trong lịch sử văn hóa tại nước ta. Qua đó, bản sắc dân tộc được gìn giữ và phát huy qua nhiều thập kỷ. Từ đó góp phần tạo nên một lối kiến trúc rất riêng, độc đáo và trường tồn theo thời gian.

II. Các motip, họa tiết đặc trưng được sử dụng trong kiến trúc Đông Dương

1. Motip Tam đa Phúc – Lộc – Thọ

Motip Tam đa Phúc – Lộc – Thọ có nghĩa là ba cái nhiều: nhiều phúc tức nhiều may mắn, nhiều thọ tức sống lâu, nhiều lộc tức có nhiều bổng lộc. Trong chiêm nghiệm của người xưa, con người sống trên đời thường rất khó để đạt được sự trọn vẹn trong cuộc sống. Người ta có thể có được thứ này, nhưng lại đánh mất thứ khác, để đạt được điều nọ, phải hi sinh điều kia… Hình ảnh ba ông Phúc – Lộc – Thọ (Tam Đa) chính là đại diện của những ước muốn mà mỗi con người đều khao khát có được trong đời. Tuy nhiên, mỗi ông chỉ tượng trưng cho duy nhất một điều viên mãn.

2. Motip Tứ linh – Tứ quý (Tứ thời)

Hình ảnh Tứ Linh trong văn hóa phương Đông là 4 con vật linh thiêng và có nhiều phép màu nhiệm. Bốn con vật đó là Rồng – Kỳ Lân – Rùa – Phượng Hoàng, hay còn được gọi ngắn gọn với cái tên thân thuộc là Long – Lân – Qui – Phụng. Đề tài Tứ linh xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, từ thời đầu Công Nguyên và phát triển mạnh từ thời Lý với huyền thoại “Thăng Long”.

Trong khi đó, Tứ quý hay Tứ thời thường là các bộ pano 4 miếng đi liền với nhau. Trên mỗi miếng có vẽ hoặc chạm khác hình ảnh cây mai, cây lan, cây cúc, cây tre và có thể có hoa kèm theo. Motip Tứ quý thể hiện cho 4 mùa xuân – hạ – thu – đông trong năm. Và là hình ảnh quen thuộc trong đời sống phương Đông.

3. Motip Bát bửu

Bát bửu thường được biết đến là tám loại đồ quí theo quan niệm của người Trung Hoa ngày xưa. Trong nghệ thuật bài trí và phong thủy, chúng thường được kết hợp thành từng bộ, và là những đồ vật trang trí đem lại nhiều ý nghĩa cho ngôi nhà.

Kiểu mô thức trang trí này thường phổ biến trong trang trí cung đình Huế. Đây cũng là hình tượng quen thuộc xuất hiện trong kiến trúc chùa, văn miếu và đình đền ở nước ta. Chúng thường được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau, cũng như được trình bày một cách đa dạng và phong phú. 

4. Motip bát giác

Bát giác là hình thù được diễn đạt một cách đơn giản hơn, trực quan hơn cho khái niệm Bát quái trong văn hóa phương Đông. Ở những nền văn hóa khác như phương Tây, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Shiva giáo (Champa)… hình bát giác được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên, hàm ý của những motip này hoàn toàn khác biệt, không liên quan gì đến Bát quái.

Ở Việt Nam – một trong những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán thời xưa, thì tất cả những hình thức có tám cạnh (bát giác) đều được qui gán cho ý nghĩa của Bát quái.

5. Motip chim – thú

Đây là những họa tiết được cách điệu từ những con vật trong tự nhiên theo quan niệm của người Việt cổ, với ý nghĩa đem lại những điều may mắn, tốt lành. Họa tiết hình thú không đứng riêng lẻ mà kết hợp với những họa tiết kỷ hà, hồi văn, hình chữ… Tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính văn hóa và lịch sử.

Dưới đây là một vài hình ảnh họa tiết chim thú đặc trưng mang dấu ấn văn hóa nước ta:

– Họa tiết Tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng là những hình tượng xuất hiện tại Việt Nam từ lâu đời, có nguồn gốc từ Trung Hoa

– Họa tiết  Hạc, Trĩ và Công cũng đều có chứa một hàm ý triết học hoặc văn hóa sâu sắc.

– Họa tiết hình con dơi, con cá, con cọp đều là những con vật quen thuộc trong văn hóa truyền thống.

Họa tiết cá hóa rồng

Họa tiết con hổ

6. Motip thực vật (lá đề, hoa sen, hoa chanh)

Thực vật, cây cối hoa lá vốn là những chất liệu tự nhiên gần gũi với đời sống con người. Chính vì thế mà hình ảnh thực vật luôn là chất liệu xuất hiện thường xuyên trong kiến trúc phương Đông nói chung và nhà ở Việt Nam nói riêng. Ý nghĩa của mỗi hình tượng cây cối, hoa lá là khá phong phú và tùy thuộc vào thể loại chức năng, gồm có những loại hình như sau:

– Tứ quý gồm: tùng, cúc, trúc, mai, biểu tượng cho bốn mùa thanh tịnh

– Hoa sen: có từ thời Lý, biểu tượng của sự trong sạch, thanh tịnh của Phật giáo và cũng là Quốc hoa của Việt Nam ta qua các thời kỳ.

– Hoa cúc: ảnh hưởng Phật giáo là biểu tượng cho sự bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền. Hoa Cúc được xem như Quốc hoa dưới triều nhà Nguyễn.

– Bồ Đề: Cây Bồ đề biểu trưng cho sự đại giác của Đức Phật.

– Hoa chanh: loài cây gắn liền với đời sống mộc mạc của nông thôn Việt Nam, đơn giản, mộc mạc và thanh cao.

Các họa tiết trang trí này thường được trang trí kiểu dấu nhấn, làm bật lên độ cong của nét hay thấy trong kiến trúc, được cách điệu từ đơn giản đến phức tạp.

7. Motip cửa võng

Cửa võng vốn là một thành phần quan trọng của nghệ thuật trang trí nội thất trong kiến trúc Việt Nam. Cửa võng thường được làm bằng gỗ tự nhiên, chạm thủng, sơn son thếp vàng… Và thường được dùng để trang trí trong các đình, chùa và nhà cửa của những tầng lớp quý tộc.

Cửa võng (phía Nam gọi là bao lam): là một diềm bằng gỗ, chạm thủng những đề tài trang trí đa dạng tùy theo tính chất của việc thờ tự.

8. Họa tiết Kỷ Hà

Họa tiết Kỷ Hà cũng là một trong những họa tiết khá phổ biến, gồm có 3 nhóm chính:

Họa tiết mắc lưới: có nhiều kiểu hình dạng khác nhau như hình thoi cạnh thẳng hoặc hơi cong nhẹ, hình lục giác giống vảy trên mai rùa, hình tam giác, hình chữ nhân…

Họa tiết vòng tròn: hình đồng tiền vàng, 2 vòng tròn đồng tâm tạo gờ mép bên ngoài và trong các vòng tròn khác chia cắt vòng ngoài 4 phần, tạo tâm là 1 lỗ hình vuông (hình 13). Hoa thị (biến thể từ họa tiết vòng tròn) gồm các vòng tròn cắt lẫn nhau và đi qua cùng một chỗ tạo ở tâm 1 ngôi sao 4 cánh (hình 14). Ngoài ra còn có họa tiết 2 vòng tròn- song hoàn- (hình 16) hoặc nhiều vòng (liên hoàn) liên kết với nhau.

Họa tiết hồi văn với đường nét hình học kỷ hà để tạo ra những hoa văn có tính lặp lại (hồi văn). Đây là một thể thức trang trí thường gặp trong kiến trúc cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Đối với Họa tiết hồi văn phương Đông, các chữ Hán-Việt gấp khúc vào nhau, bẻ gập lại, kéo dài ra, hoặc vuốt thon ngẫu hứng. Họa tiết hồi văn thường gợi các dáng chữ: chữ thập (亞), chữ vạn (卐, 萬 ), chữ công (工).

9. Họa tiết chữ Hán

Do có tính chất tượng hình, nên chữ Hán phù hợp với nhu cầu trang trí, cách điệu và là một trong những dạng nghệ thuật trang trí khá đặc biệt, tức là sử dụng văn tự để trang trí cho kiến trúc.

Họa tiết gồm các chữ Hán thường dùng như: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, được cách điệu đơn giản, liền nét, theo đường kỷ hà, đan xen chồng lớp, nằm gọn trong 1 ô vuông hoặc tự do theo nét.

10. Motip gạch hoa chanh

Gạch hoa chanh là chất liệu gốm được sử dụng rất nhiều trên các công trình Kiến trúc Phong cách Đông Dương. Về hình thức và tên gọi thì nó thuộc nhóm các chủ đề nghệ thuật trang trí thực vật. Chúng tôi xếp gạch hoa chanh như một motip trang trí độc lập.

11. Phù điêu, tượng tròn

Trong phong cách Đông Dương, phù điêu và tượng tròn với những vật liệu phong phú (gỗ, đất nung, đá, sứ, đồng,…), những hình dạng đa dạng là dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam và Champa.

Phù điêu, tượng tròn truyền thống Việt Nam thường được sử dụng trong phong cách Đông Dương được mô phỏng lại theo nhiều biểu tượng, những biểu tượng thường thấy: Tượng Phật, con giống, con rối, Tứ linh, hoa sen, hoa cúc, bồ đề…

Văn hóa Champa tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam, phù điêu và tượng tròn Champa được sử dụng nhiều trong các không gian nội thất phong cách Đông Dương.

Phù điêu, tượng tròn Champa thể hiện quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Champa, đã xuất hiện từ thời Lý và thời Mạc trong những ngôi đền, chùa tại Việt Nam. Một số phù điêu, tượng tròn thường thấy: Nhạc công thiên thần Gandharva, nữ thần đầu người mình chim Kinnari, tiên nữ Apsara, chim thần Garuda…

TẠM KẾT

Nghệ thuật trang trí truyền thống trong Kiến trúc phong cách Đông Dương đã khẳng định được sự sáng tạo của nghệ thuật Việt Nam. Tuy được khởi xướng bởi những kiến trúc sư người Pháp, nhưng không vì thế mà Kiến trúc Đông Dương mất đi tính chất dân gian và tính độc đáo của văn hoá truyền thống. 

Những giá trị thẩm mỹ, tạo hình, qui tắc bố cục, mỹ thuật chế tác…của dấu ấn dân gian đã tạo nên vẻ đẹp đặc sắc cho các công trình kiến trúc. Bên cạnh đó những giá trị văn hóa nội hàm được cài cắm trong những motip trang trí mỹ thuật truyền thống đó cũng cần được làm sáng tỏ, diễn giải rõ ràng với căn cứ chặt chẽ. Điều này sẽ giúp bộc lộ hết nét đẹp nội tại, nâng tầm những di sản văn hóa quí báu đó của dân tộc. Nghệ thuật đương đại cũng sẽ trở nên phong phú, đa dạng hơn và tránh được sự mai một về ngôn ngữ văn hóa. 

Qua bài viết kì này, Fedic mong muốn truyền tải một cái nhìn chi tiết và sâu sắc hơn về phong cách Đông Dương đến những người yếu quý nó. Ở phần tiếp theo, Fedic sẽ tiếp tục phân tích về sự hợp lý và thông minh của phong cách này khi hài hòa yếu tố thẩm mỹ và công năng. Bạn đọc hãy cùng theo dõi và góp ý để chúng tôi tiếp tục đem đến những nội dung hữu ích nhé!  

–>Tìm hiểu thêm về Phong cách nội thất Indochine.