Phải niêm yết đầy đủ GCN kiểm định trạm gốc viễn thông
Trụ sở Viễn thông Đà Nẵng. Ảnh: https://dothi.net
Mục lục bài viết
Nhiều ưu điểm
Đoàn đã kiểm tra, xác minh việc triển khai các giấy phép được Bộ TT&TT cấp cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng, đại lý vật tư, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị và nhu cầu của khách hàng; khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình viễn thông, công nghệ thông tin; việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo, dịch vụ truyền thông; việc chấp hành pháp luật về chất lượng mạng, dịch vụ, hàng hóa viễn thông, Internet, truyền hình, chứng thực chữ ký số công cộng; việc chấp hành pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; việc gắn nhãn hàng hóa viễn thông, Internet, truyền hình; việc chấp hành pháp luật về việc bảo hành và thực hiện bảo hành sản phẩm bán cho người tiêu dùng; việc chấp hành chế độ báo cáo.
Theo kết luận thanh tra, ưu điểm của Viễn thông Đà Nẵng là nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định số 932/QĐ-TTra ngày 3/12/2019 của Chánh Thanh tra Bộ TT&TT.
Chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý tần số vô tuyến điện, nộp đầy đủ phí sử dụng tần số vô tuyến điện. Thực hiện đúng quy định về công tác kiểm định trạm gốc viễn thông. Thực hiện đúng quy định, chỉ đạo của VNPT về công tác đo kiểm chất lượng mạng, dịch vụ viễn thông.
Viễn thông Đà Nẵng đã đưa vào lắp đặt, sử dụng, kết nối mạng viễn thông các thiết bị đã được kiểm định, có nhãn hàng hoá đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ báo cáo.
Một số sai phạm, tồn tại
Bên cạnh đó, Viễn thông Đà Nẵng vẫn còn sai phạm, tồn tại như không niêm yết giấy chứng nhận (GCN) kiểm định trạm gốc viễn thông theo quy định đối với 01 trạm gốc viễn thông (trạm: THANH-KHE_DNG). Đăng ký cấp GCN kiểm định trạm gốc viễn thông nhầm địa chỉ 01 trạm. 21 trạm gốc viễn thông chưa có GCN kiểm định. Cụ thể:
Trong thực hiện quy định về đảm bảo chất lượng mạng, dịch vụ viễn thông, thời kỳ thanh tra, Viễn thông Đà Nẵng niêm yết, công bố chỉ tiêu chất lượng dịch vụ qua việc dán tại các điểm giao dịch và công bố trên các trang website: http://www.vnpt.vn/qlcl/Default.aspx.
Kết quả kiểm tra website http://www.vnpt.vn/qlcl/Default.aspx cho thấy, không có nội dung niêm yết chất lượng dịch vụ viễn thông. Theo báo cáo của Viễn thông Đà Nẵng, trong thời gian đoàn thanh tra đang làm việc, Tổng Công ty VNPT Media thay đổi giao diện và đường dẫn đến mục chất lượng dịch vụ nên khi truy nhập không có nội dung niêm yết chất lượng dịch vụ.
Theo quy định, VNPT có trách nhiệm xây dựng mục “quản lý chất lượng dịch vụ” trên website của mình để công khai thông tin về công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2013/TT-BTTTT. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, website http://www.vnpt.vn/qlcl/Default.aspx không có nội dung về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho từng dịch vụ; bản công bố chất lượng các dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp đang cung cấp; báo cáo định kỳ chất lượng dịch vụ viễn thông đã gửi Cục Viễn thông; kết quả tự kiểm tra định kỳ chất lượng dịch vụ viễn thông, kết quả tự đo kiểm chỉ tiêu chất lượng cho từng dịch vụ.
Kết quả truy nhập https://vnpt.vn/gioi-thieu/chat-luong-dich-vu cho thấy, VNPT chưa tự công bố chất lượng theo tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với như dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ thông thông tin vệ tinh (đã được nêu tại Kết luận thanh tra số 3968/KL-CVT ngày 16/11/2018 của Cục Viễn thông); không đăng tải báo cáo định kỳ chất lượng dịch vụ viễn thông đã gửi Cục Viễn thông, không đăng tải kết quả tự kiểm tra định kỳ chất lượng dịch vụ viễn thông và kết quả tự đo kiểm chỉ tiêu chất lượng cho từng dịch vụ theo quy định.
Trong năm 2018 và 2019, Viễn thông Đà Nẵng thực hiện báo cáo đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 10/2018/TT-BTTTT ngày 29/6/2018 về quy định chế độ báo cáo thống kê ngành TT&TT và Quyết định số 7256/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thu thập hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh và các báo cáo chuyên ngành đột xuất khác theo yêu cầu của UBND thành phố và Sở TT&TT Đà Nẵng.
Việc chấp hành quy định về tự kiểm tra chất lượng dịch vụ viễn thông, VNPT triển khai quy định quản lý, tự kiểm tra chất lượng dịch vụ viễn thông được ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-VNPT-CLG. Theo đó, yêu cầu các đơn vị đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn QCVN 35:2011/BTTTT và thực hiện báo cáo chất lượng dịch vụ viễn thông định kỳ hàng quý cho Tập đoàn trên hệ thống báo cáo: http://ereport.vnpt.vn (báo cáo trước ngày 07 của tháng đầu quý). VNPT báo cáo Cục Viễn thông trong vòng 20 ngày đầu tiên hàng quý.
Về chấp hành quy định tự giám sát chất lượng dịch vụ viễn thông, việc giám sát chất lượng dịch vụ được thực hiện thường xuyên thông qua phần mềm giám sát chất lượng tự động cài trên tổng đài của Tổng Công ty Hạ tầng mạng thông qua thiết bị mà Viễn thông Đà Nẵng được cấp, theo đúng quy định tại Điều 20 Thông tư số 08/2013/TT-BTTTT.
Trong việc kiểm định trạm gốc viễn thông di động, kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy, tại thời điểm thanh tra, Viễn thông Đà Nẵng đang vận hành, khai thác sử dụng 355 trạm gốc đã có chứng nhận kiểm định có giá trị đến ngày 30/8/2024 do Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3 thuộc Cục Viễn thông chứng nhận; 39 trạm gốc Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung thuộc Tổng Công ty Hạ tầng mạng, VNPT, tự công bố chất lượng; 45 trạm Inbuilding không phải kiểm định; 21 trạm gốc chưa có GCN kiểm định. Tuy nhiên, Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung đã gửi văn bản đến Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3 đề nghị cấp chứng nhận. Như vậy, Viễn thông Đà Nẵng thực hiện kiểm định trạm gốc viễn thông theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 16/2011/TT-BTTTT và quy định tại Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-BTTTT.
Kết quả kiểm tra thực địa 10 trạm gốc di động trên địa bàn quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, huyện Hoà Vang cho thấy, 08 trạm đã niêm yết GCN kiểm định do Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3 cấp, 01 trạm gốc có Bản công bố số DNG_064_2018 do Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung thực hiện (trạm: Trai-Giam-Hoa-Sơn-HVG_DNG) và 01 trạm không niêm yết GCN kiểm định theo quy định (trạm: THANH-KHE_DNG). Trong đó, trạm HO-TUNG-MAU_DNG có địa chỉ trong GCN kiểm định không trùng khớp địa chỉ thực tế (địa chỉ theo GCN là số 145, đường Trần Nguyên Đán, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu; địa chỉ thực tế là số 155, đường Trần Nguyên Đán, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu). Thiết bị lắp đặt tại 10 trạm trùng với thiết bị theo GCN kiểm định, bản công bố do doanh nghiệp thực hiện, độ cao cột anten đúng theo kiểm định.
Biện pháp xử lý
Qua thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu Viễn thông Đà Nẵng rà soát tất cả các trạm gốc viễn thông thuộc quyền quản lý để niêm yết đầy đủ GCN kiểm định trạm gốc viễn thông theo quy định.
Bên cạnh đó, làm hồ sơ thay đổi địa chỉ trạm gốc viễn thông HO-TUNG-MAU_DNG từ địa chỉ theo GCN là số 145, đường Trần Nguyên Đán, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, đúng địa chỉ thực tế là số 155, đường Trần Nguyên Đán, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu.
Chủ động đề nghị Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung làm việc với Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3 để cấp GCN kiểm định cho 21 trạm gốc viễn thông chưa có GCN kiểm định.
Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đỗ Hữu Trí giao Phòng Thanh tra Viễn thông và Công nghệ thông tin; Phòng Tổng hợp giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra.
————–
Nhiệm vụ chính của Viễn thông Đà Nẵng
Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa mạng viễn thông của VNPT tại thành phố Đà Nẵng; tổ chức, quản lý, kinh doanh và cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin; sản xuất, kinh doanh, cung ứng, đại lý vật tư, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị và nhu cầu của khách hàng; khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình viễn thông, công nghệ thông tin; kinh doanh dịch vụ quảng cáo, dịch vụ truyền thông; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng; tổ chức phục vụ thông tin đột xuất theo yêu cầu của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cấp trên; kinh doanh các ngành nghề khác khi được VNPT cho phép.
Theo Thanhtra