Phật giáo và những ảnh hưởng đến phong tục, văn hóa người Việt (Dương Thụy) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

1. ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI PHONG TỤC TẠP QUÁN 

Phong tục tập quán thể hiện nét đặc sắc và đặc thù văn hóa của mỗi dân tộc. Thông qua việc tìm hiểu nó, chúng ta tìm lại được những giá trị văn hóa mang bản chất truyền thống của các dân tộc. Đối với người Việt Nam, những phong tục tập quán chịu ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo khá nhiều. Ở đây, tác giả xin đề cập đến một số những phong tục tập quán phổ biến trong đời sống tinh thần người Việt hiện nay.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua tập tục cúng rằm, mùng một và đi lễ chùa

Theo truyền thống, cúng rằm và mùng một là tập tục cúng sóc vọng. Khi ấy là ngày trong sạch để các vị Tăng kiểm điểm hành vi bản thân, gọi là ngày Bố tát và ngày sám hối, tín đồ về chùa để tham gia cầu nguyện, bỏ ác làm thiện và sửa đổi thân tâm. Ngoài đi chùa sám hối, Phật tử còn thắp nhang đèn, hương hoa để dâng cúng Tam bảo và tổ tiên, thể hiện lòng tôn kính, thương nhớ những người đã khuất. Đó cũng là hình thức cụ thể hóa hành vi tu tâm dưỡng tính và giáo dục con cháu về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngoài ra, vào ngày Rằm tháng Giêng, lễ Phật đản và lễ Vu Lan, người Việt cũng thường đi viếng chùa, lễ Phật. Đây là một tập tục, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Vào những ngày này, đông đảo các tầng lớp nhân dân quy tụ về đây, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Đức Phật. Những hình ảnh đó cũng góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua tục ăn chay, phóng sinh và bố thí

Về ăn chay, hầu như người Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của nếp sống văn hóa này. Nó xuất phát từ quan niệm từ bi của thế giới quan Phật giáo. Mỗi người Phật tử phải thọ giới và trai giới, trong đó giới căn bản là không sát sinh. Trong hành động, lời nói, ý nghĩ thì Phật tử phải thể hiện lòng từ bi. Để đạt được mục đích đó, Phật tử phải dùng đến phương pháp ăn chay. Nhiều người Việt Nam, cả Phật tử lẫn người không phải Phật tử cũng theo tục lệ này, họ ăn chay mỗi tháng hai ngày (mùng một và rằm mỗi tháng), có người ăn mỗi tháng bốn ngày là ngày 1, 14, 15 và 30 (nếu tháng thiếu thì ăn chay ngày 29),… Đôi khi có một số người phát tâm ăn trường trai giống như người xuất gia. Ăn chay và thờ Phật là việc đi đôi với nhau của người Việt. Ngoài Phật tử, nhiều người không phải Phật tử cũng dùng tượng Phật hay tranh ảnh có yếu tố Phật giáo để chiêm ngưỡng và trang trí cho cảnh nhà thêm trang nghiêm. 

Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, tục lệ bố thí và phóng sinh đã ăn sâu vào đời sống tinh thần nhân dân ta. Đến ngày rằm và mùng một, nhiều người thường mang cá sống đem vào chùa chú nguyện rồi phóng sinh. Người Việt cũng sẵn sàng làm phúc bố thí, giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn. Nhiều nhà chùa và Phật tử tổ chức những đợt cứu trợ, tiếp tế cho đồng bào bị thiên tai hoặc có hoàn cảnh khó khăn đúng với truyền thống “lá lành đùm lá rách”.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua nghi thức ma chay, cưới hỏi

Về ma chay, phong tục của người Việt trước đây rất cầu kỳ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự dẫn dắt của chư Tăng, tang lễ đã diễn ra đơn giản và trang nghiêm hơn. Khi trong gia đình (theo đạo Phật) có người qua đời, thân nhân thường đến chùa thỉnh chư Tăng về nhà để giúp đỡ phần tang lễ. Thông thường các nghi thức diễn ra tuần tự như sau: 1. Nghi thức nhập niệm; 2. Lễ phát tang; 3. Lễ tiến linh (cúng cơm); 4. Khóa lễ kỳ siêu cho hương linh; 5. Lễ cáo triều tổ (cáo tổ tiên ông bà trước giờ di quan); 6. Lễ di quan và hạ huyệt; 7. Đưa lư hương, long vị, hình vong về nhà hoặc chùa; 8. Lễ an sàng; 9. Tụng kinh cầu siêu và cúng cơm cho hương linh 49 ngày; 10. Lễ tiểu tường (sau ngày hương linh mất một năm); 11. Lễ đại tường (lễ xả tang, sau ngày hương linh qua đời hai năm). Ở những gia đình không theo đạo Phật, họ vẫn có thể thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cầu siêu cho hương linh và tổ chức tang lễ tương tự. Nhìn chung, tập tục ma chay tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những nghi thức Phật giáo.

Trong việc cưới hỏi, trước khi tiến đến hôn nhân, nhiều đôi trẻ theo tín ngưỡng Phật giáo, thường đến chùa khấn nguyện với chư Phật phù hộ cho mối lương duyên của họ được trăm năm hạnh phúc. Đến ngày cưới hỏi, họ được hướng dẫn về chùa để các chư Tăng làm lễ “hằng thuận quy y” trước khi rước dâu. Đó là một lễ chúc lành ngắn gọn và được chư Tăng khuyên dạy một số nguyên tắc đạo đức Phật giáo, để làm kim chỉ nam cho cuộc sống mới giữa hai vợ chồng.

2. ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA 

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua ngôn ngữ

Trong đời sống giao tiếp thường nhật của người Việt, nhiều từ ngữ chịu ảnh hưởng từ thế giới quan Phật giáo được các tầng lớp xã hội hay dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những từ ngữ này xuất phát từ thế giới quan Phật giáo, chẳng hạn như khi bày tỏ thương xót trước người gặp hoạn nạn, người ta bảo “tội nghiệp quá”. Hai chữ “tội nghiệp” là từ chuyên môn của Phật giáo, có nghĩa là tội do nghiệp tạo ra từ trước, dẫn tới tai nạn hay sự cố hiện nay. Theo giáo lý nhà Phật, không một hiện tượng hay tai nạn nào xảy ra ngẫu nhiên, mà đều là kết quả tập thành của nhiều nguyên nhân từ trước. Tất cả được gọi là nhân duyên, khi chín muồi thì đem lại kết quả. Cho nên nói “tội nghiệp quá” là bắt nguồn từ học thuyết “nghiệp cảm duyên khởi” (thuyết nhân quả) của nhà Phật. Học thuyết này cũng đi sâu vào nhận thức dân gian với những câu tục ngữ như: “ác giả ác báo; hại nhân nhân hại; ở hiền gặp lành; gieo gió gặp bão” hay ca dao:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Người Việt cũng thường nói: “Hiền như Bụt”, vì họ quan niệm Phật không chỉ có quyền năng mà còn rất hiền từ, luôn sẵn sàng cứu khổ cứu nạn. Còn nhiều từ ngữ khác như: Từ bi, hỷ xả, giác ngộ, giải thoát, sám hối, làm phúc,… được người Việt quen dùng như tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày. Sự ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo không chỉ ở phạm vi từ ngữ mà còn lan rộng, ăn sâu vào ca dao, thơ ca của người Việt nữa.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua ca dao, tục ngữ

Tư tưởng Phật giáo thường được người xưa đề cập đến trong ca dao, tục ngữ để nhắc nhở, khuyên răn con cháu, nhằm xây dựng một cuộc sống an vui phù hợp với truyền thống đạo đức dân tộc Việt Nam:

“Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”; 

Hay: 

“Cuộc đời khác nữa là hoa

Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn”.

Câu ca dao trên thể hiện thuyết vô thường trong thế giới quan Phật giáo, để đối trị với lòng tham vô đáy của người đời, tham sắc, tham của, tham danh, tham ăn, tham ngủ mà không hiểu rằng sắc đẹp mấy rồi cũng tàn phai, của nhiều mấy rồi cũng hết… như đóa hoa kia. 

Là người Việt Nam không thể không hiếu kính cha mẹ. Lòng tri ân và báo ân đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt, chịu ảnh hưởng đậm nét của thế giới quan Phật giáo.

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Cũng vì kính thương cha mẹ, nên người con luôn luôn cầu nguyện Phật, Trời gia hộ cho hai đấng từ thân: “Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Thực ra Hiếu tâm tức thị Phật tâm, làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ chính là một trong những pháp tu của nhà Phật: “Đi về lập miếu thờ vua/ Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha”.

Người Việt còn chịu ảnh hưởng bởi thuyết nhân quả luân hồi của Phật giáo và thường nhắn nhủ nhau chớ có vì danh lợi mà hại người để rồi chuốc lấy đau khổ. Hãy ăn ở lương thiện rồi thế nào cũng gặp điều may mắn và hạnh phúc: “Ai ơi hãy ở cho lành/ Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau”. Các bậc cha mẹ lại càng tu nhân tích đức cho con cháu về sau được nhờ: 

“Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua các tác phẩm thơ ca 

Trong các tác phẩm văn học, chúng ta thấy có nhiều tác phẩm chịu ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo. Ở đây, tác giả xin đề cập đến ảnh hưởng của Phật giáo trong thơ văn Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở về sau.

Tác phẩm thơ Nôm “Cung oán ngâm khúc” của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều (1741-1789), viết theo thể song thất lục bát, dài 356 câu, là khúc ngâm của người cung nữ bị vua ruồng bỏ, oán than về thân phận mình. Nội dung tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo, nhất là các học thuyết vô thường – vụ ngã – khổ đế. Khi diễn tả thân phận con người vốn đau khổ và mang tính vô thường, ông viết:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê…

Theo góc nhìn Phật giáo, nỗi khổ chúng sinh thường được dùng ẩn dụ như khổ ải (bể khổ). Cái khổ ấy từ đâu mà có, vốn từ vô minh hay “bến mê”. Mượn khái niệm “bể khổ” trong Phật giáo, Nguyễn Gia Thiều đã diễn tả thấu đáo nỗi khổ đau của kiếp người, điều đã chi phối cả cỏ, cây, hoa, lá,… Tất cả chịu chung quy luật khắc nghiệt: “Tang thương đến cả hoa kia cỏ này…”.

Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) là truyện thơ chịu nhiều ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo, nổi bật là thuyết khổ đế, nhân quả, nghiệp báo, kế đó là tinh thần về đạo Hiếu. 

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nhưng thế giới quan Phật giáo không chủ trương “Nghiệp quyết định luận” [7, tr.47] bằng hành động, người tạo ra nghiệp, cũng bằng hành động, con người có thể chuyển nghiệp, cởi bỏ nghiệp, cho nên Nguyễn Du mới tự tin nói rằng:

“Sư rằng phúc họa đạo trời

Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra

Có trời mà cũng có ta

Tu là cội phúc, tình là dây oan”.

Có hai câu trong Truyện Kiều rất hay, kết tinh triết lý hành động của thế giới quan Phật giáo: “Dù xây chín cấp phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Phù đồ là tháp Phật, chùa Phật. Thế giới quan Phật giáo cho rằng sống thiện lành, hành động thiện lành, với tấm lòng chân thực, muốn cho mọi người đều vui (lòng từ), muốn mọi người khỏi khổ (lòng bi), thì công đức còn gấp ngàn vạn lần. Sống như thế nào, hàng ngày suy nghĩ, nói năng, hành động thế nào, đó mới là điều quan trọng bậc nhất đối với Phật tử.

Qua đầu thế kỷ XX, chúng ta có một nhà thơ tuy không phải tín đồ Phật giáo, nhưng thỉnh thoảng thơ của ông cũng ảnh hưởng ít nhiều ngôn ngữ, tư tưởng từ Phật giáo, đó là thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940):

“Thơ tôi thơm huyền dịu

Mọc lên đạo từ bi

Khi xưa ta là chim Phượng Hoàng

Vỗ cánh bay chí tầng trời cao ngất

Bay từ Đao lợi, đến trời Đâu Suất

Họp tinh khí muôn năm thành Chánh quả…”

Và Vũ Hoàng Chương (1916-1976) lại đi xa hơn, mượn ngay những nội dung của thế giới quan Phật giáo như: Nhân quả, vô thường, luân hồi, khổ đế… để diễn tả nỗi niềm khao khát vượt ra khỏi bờ mê, để đến bến giác.

“Ta còn để lại gì không?

Kia non đá lở, nay sông cát bồi

Lang thang thì độ luân hồi

U minh nẻo trước, xa xôi dặm về

Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu cửa chớp, bốn bề một phương”.

Trên đây là điểm qua một số tác giả điển hình có ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo. Có thể thấy, tư tưởng Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trên thi đàn Việt Nam từ xưa đến nay.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo qua điêu khắc, hội họa

Ngày nay có dịp tham quan các viện bảo tàng, các chùa hay làng nghề điêu khắc truyền thống, chúng ta sẽ thấy nhiều cốt tượng, phù điêu của Phật giáo được trưng bày. Đây là niềm tự hào của nền văn hóa dân tộc và cũng là những dấu vết minh chứng cho sức ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo vào lĩnh vực điêu khắc là rất lớn. Nhiều tác phẩm như: Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh), 16 pho tượng tổ bằng gỗ chùa Tây Phương (Hà Nội), tượng Đức Phật Thích Ca ngồi kiết già cao 11 mét tại Vũng Tàu, tượng Phật chùa Khải Tường (TP HCM)…

Mái chùa cổ kính giữa núi non tĩnh mịch hay các lễ hội viếng chùa ngày đầu xuân hoặc tư tưởng thiền học Phật giáo luôn là đề tài tạo nhiều cảm hứng cho các nghệ nhân và họa sĩ. Nhiều tranh lụa, màu nước, sơn dầu, sơn mài đề cập đến chủ đề Phật giáo đã được các họa sĩ ở Việt Nam thể hiện sống động và tinh tế qua các tác phẩm như: “Chùa Thầy” của Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1938, “Lễ chùa” của Nguyễn Siêu, “Tăng” của Đỗ Quang Em, “Đi lễ chùa” của Nguyễn Khắc Vịnh. Đặc biệt từ thập niên 80 trở lại đây, có “Thiền Quán”, “Quan Âm Thị Hiện”, “Rừng Thiền” của họa sĩ Phượng Hồng, “Nhất Hoa Vạn Pháp” của Văn Quang… Trong cuốn “Lược sử Mỹ thuật Việt Nam” (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1970), tác giả Nguyễn Phi Hoanh viết rằng: “Nghệ thuật cổ của ta còn đến ngày nay, tối đại bộ phận là nghệ thuật Phật giáo. Trong thời đại xa xăm ấy, nếu tất cả nghệ sĩ không phải là tín đồ Phật giáo, thì chùa Phật là nơi đào tạo hầu hết các nghệ sĩ tạo hình” [8, tr.93].

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Bảy (1997), Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

2. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

3. Mai Thị Dung (2003), Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự biến đổi của nó trong quá trình đổi mới hiện nay, Luận văn thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

4. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội.

5. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Vũ Ngọc Khánh (1986), Phật giáo và văn hóa dân gian Việt Nam – Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội.

8. Lâm Thế Mẫn (2001), Những điểm đặc sắc của Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

9. Lê Hữu Tuấn (1998), Ảnh hưởng của tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.