Phát huy giá trị di tích quốc gia chùa Vĩnh Tràng
Phát huy giá trị di tích quốc gia chùa Vĩnh Tràng
(Tạp chí Du lịch) – Vùng đất Tiền Giang vốn nổi tiếng với nhiều danh thắng mang đậm bản sắc vùng sông nước miệt vườn miền Tây Nam bộ. Trong đó, chùa Vĩnh Tràng (thành phố Mỹ Tho) được xem là một công trình kiến trúc đặc sắc, giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây. Đây là những điều kiện thuận lợi để Mỹ Tho đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế du lịch, trong đó có loại hình du lịch tâm linh, sinh thái. Những năm qua, chính quyền và nhân dân thành phố Mỹ Tho đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút du khách thập phương đến với chùa Vĩnh Tràng.
Giá trị nghệ thuật và văn hóa chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ linh thiêng của Tiền Giang, được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX và hoàn thành vào năm 1849. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn, uy nghiêm.
Về tổng thể, chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc”, có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, hoa sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Ngôi chùa gồm có bốn hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu), có diện tích 1.400m², dài 70m, rộng 20m, vách tường xung quanh được xây bằng xi măng, toàn bộ cột được làm bằng gỗ quý. Riêng mặt trước của tiền đường được xây dựng theo lối kiến trúc Âu – Á hài hòa với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong ngôi chánh điện là những cây cột tròn to bằng gỗ quý, kiến trúc theo kiểu “thượng thu hạ cách”. Phía trong ngôi chính điện và nhà tổ làm theo kiểu truyền thống của người Hoa nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam và kiểu nhà Nam Bộ năm gian hai chái. Nối hai ngôi này là hai dãy Đông, Tây và một giếng trời có hòn non bộ ở giữa. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau ngôi chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Roma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ kiểu Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.
Chùa Vĩnh Tràng còn có các cột, bao lam, hoành phi, câu đối… chạm khắc gỗ độc đáo. Cổng tam quan xây gạch vươn cao như hai tòa lâu đài cổ. Nét độc đáo của cổng tam quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với nhiều màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài: Tứ quý, tứ linh, hoa lá…
Chùa còn bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung, tất cả đều được thếp vàng rực rỡ; trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng 18 vị La Hán nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20. Trong chùa hiện còn hơn 20 bức tranh sơn thủy in hình mai, lan, cúc, trúc, hình phong cảnh mang đậm nét dân gian Việt Nam do Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904.
Xung quanh chùa là những vườn cây cảnh trồng nhiều loại hoa, những hồ nước thơm ngát hương sen và những cây cổ thụ che trùm bóng mát tạo nên sự hài hòa, cổ kính, thâm nghiêm. Gần đây, chùa đã xây dựng thêm 3 tượng Phật lớn: tượng Phật đứng, Phật ngồi và Phật nằm trong khuôn viên chùa, càng làm tôn nên vẻ trang nghiêm, thanh tịnh.
Vẻ đẹp đặc sắc của chùa Vĩnh Tràng tập trung ở nghệ thuật tạo hình, phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang. Ngày 30/8/1984, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và được xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia ngày 6/12/1989.
Năm 2007, chùa Vĩnh Tràng được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có các kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”. Năm 2013, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận chùa Vĩnh Tràng là Điểm du lịch văn hóa tâm linh trong Chương trình Việt Nam – Những điểm đến ấn tượng.
Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, chính quyền, nhà chùa và nhân dân địa phương đã nỗ lực duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của chùa Vĩnh Tràng, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh, tín ngưỡng cũng như đáp ứng nhu cầu vãn cảnh, chiêm bái của nhân dân và du khách thập phương. Để chùa Vĩnh Tràng trở thành một điểm đến nổi bật của Du lịch Tiền Giang, việc phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Một là, tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị của Di tích quốc gia chùa Vĩnh Tràng, góp phần xây dựng hình ảnh Du lịch Tiền Giang và sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hai là, bảo tồn nguyên trạng kiến trúc của chùa Vĩnh Tràng, gắn kết với các điểm đến trong và ngoài thành phố Mỹ Tho. Lấy không gian chùa Vĩnh Tràng làm trung tâm để thu hút và lan tỏa, kết nối các điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Khai thác tối đa cơ sở hạ tầng, nhất là trục tâm linh chùa Bửu Lâm – chùa Vĩnh Tràng – chùa Phổ Đức – chùa Pháp Bảo Tự. Ðồng thời, liên kết xây dựng các tour du lịch chuyên đề phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Ba là, tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng du lịch cho người dân địa phương nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của chùa Vĩnh Tràng. Đồng thời, chủ động khai thác những nét độc đáo của chùa Vĩnh Tràng, cụ thể hóa thành các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu về tâm linh, vãn cảnh, ẩm thực, nghỉ dưỡng…. của du khách.
Bốn là, đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp, phương tiện tuyên truyền giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của di tích; tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và thương mại quanh chùa Vĩnh Tràng; nâng cao ý thức của người dân địa phương cũng như du khách trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa.
Năm là, hoàn chỉnh quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc quảng bá, khai thác chùa Vĩnh Tràng là tài nguyên du lịch đặc sắc của Tiền Giang trong sự liên kết đặc biệt với các di sản văn hóa khác, cùng các hoạt động của dự án phát triển du lịch con đường di sản văn hóa Tây Nam Bộ.
Trải qua thăng trầm của thời gian, chùa Vĩnh Tràng vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân thành phố Mỹ Tho nói riêng và Tiền Giang nói chung. Ngày nay, chùa Vĩnh Tràng đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách khi về với vùng đất Tiền Giang. Bảo tồn di tích quốc gia chùa Vĩnh Tràng là bảo tồn nét văn hóa, tín ngưỡng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa và góp phần phát triển du lịch Tiền Giang.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) xưa, NXB. Thanh niên.
2. Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, NXB Tôn giáo.
3. Trần Hoàng Diệu và Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên năm 2007), Địa chí Tiền Giang (tập 2), Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.
4. Tỉnh ủy Tiền Giang (2017), Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 5 tháng 4 năm 2017 của về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 vàđ ịnh hướng đến năm 2030.
5. Ủy Ban Nhân dân Tiền Giang (2019), Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2019 về quy định phân công quản lý di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
ThS. Võ Văn Sơn
ThS. Phan Thị Khánh Đoan
(Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)