Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Quá trình phát triển đất nước phải gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần. Đảng ta coi phát huy giá trị văn hoá như một trọng tâm gồm: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững…

Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành được độc lập, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc không những được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; đồng thời có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang có những biểu hiện lệch lạc cản trở sự phát triển. Trong khi hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau hơn 30 năm phát triển đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa thế giới theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới, nhiều hoạt động văn hóa không thua kém các nước có nền văn hóa hùng mạnh, tình trạng không giống ai bớt dần, thì ngay trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam lại xảy ra hiện tượng lệch lạc về giá trị. Hiện thời, vị trí của danh và thực, của lao động và sự giàu có, của địa vị và tài năng, của tiền bạc và tình người, của thói phô trương và đức khiêm tốn, của sự vô cảm và lòng vị tha…, trong bảng giá trị cộng đồng khá lệch lạc. Theo đó, vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt Nam hiện thời là lệch lạc về giá trị. Hệ giá trị của người Việt đã vô tình bị xếp sai một số vị trí thành ngụy giá trị. Thói vụ lợi và thực dụng qua sự kích thích của mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho không ít người tưởng rằng có tiền bạc và địa vị xã hội là giá trị đỉnh cao của đời sống. Giả dối đã tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thậm chí giả dối đôi lúc đã lấn át sự tử tế và chân thật.

Sự phát triển của đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu này để văn hóa trở lại với các chân giá trị. Xã hội muốn phát triển, thì ngụy giá trị không thể chiếm chỗ của chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật. Theo đó, để phát huy giá trị của văn hoá, con người Việt Nam trong phát triển bền vững đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay, phát huy giá trị văn hoá Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cũng như tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông.

Hai là, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa.

Ba là, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Phát huy giá trị văn hóa là phát triển cùng với kinh tế, củng cố quốc phòng, do đó phát huy những giá trị văn hóa không của riêng ai, mà của mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Mục đích cao nhất là phát huy giá trị văn hóa để phục vụ đất nước đưa phát triển văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng sự phát triển bền vững của đất nước.

Bốn là, phát triển và phát huy đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường văn hoá một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hoá thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hoá ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hoá, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại.

Năm là, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực văn hóa. Để phát huy sức mạnh văn hóa, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, năng động hóa nền văn hóa dân tộc, đồng thời hạn chế sự phân tầng trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, cần phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể do thị trường điều tiết theo sự định hướng của Nhà nước. Cần đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực các giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam là một nội dung quan trọng của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò ảnh hưởng sâu sắc trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển mỗi quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đó nhận diện, phê phán, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc về những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp.

ThS. Lê Đình Tư

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

——————–

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị Quyết số 33 NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hà Nội.

  2. https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam.

  3. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

  4. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2021-2025).