Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam
(BKT) Giá trị văn hóa đã nhiều lần được nhấn mạnh trong các nghị quyết, diễn đàn về các vấn đề văn hóa – xã hội. Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định, một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ảnh minh họa
Xây dựng các hệ giá trị là cần thiết và cấp bách
Theo GS,TS. Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm. Quá trình nhận thức về xây dựng hệ giá trị đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VIII và liên tục được khẳng định, tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước. Đến Đại hội XIII, những vấn đề này đã được Đảng ta đề cập ở tầm nhận thức mới. Theo đó, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình… coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết cũng như lâu dài của quá trình phát triển đất nước… Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Trọng Nghĩa yêu cầu các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng… cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị nêu trên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Từ góc độ nghiên cứu, GS,TS. Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam – nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các hệ giá trị nêu trên là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nước ta vốn là một nước nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, hiện đang ở nhóm các quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, GS,TS. Từ Thị Loan cho rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta rất cần xác định hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân. Việc củng cố, xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng rất phù hợp, giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh – quốc phòng…
Xác định rõ nội hàm của các hệ giá trị
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam, để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, chúng ta phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại. Cách tiếp cận và xây dựng các hệ giá trị vừa đảm bảo có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.
Đề xuất các giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học trong thời kỳ mới, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, cần xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách chính để đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội; đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị…
Liên quan đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới, theo GS,TS. Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cần xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia, bổ sung thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình. Đồng thời, cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam…/.