Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải được ưu tiên hàng đầu

Tháng 9/2016, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành. Đây được xem là nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ các nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong 5 năm qua, thông qua việc triển khai Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, tạo hướng đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa.

Phát biểu tại hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, những mỏ dầu, mỏ sắt, mỏ than không còn nhưng tài nguyên văn hóa chỉ cần được đầu tư, được định hướng đúng mức thì càng được phát huy, lan tỏa, được quảng bá và càng làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam. Tôi cũng đã lấy ví dụ nhiều lần, một ban nhạc của Hàn Quốc được tổng thống Hàn Quốc đánh giá là thu của họ bằng 20 lần doanh thu của nhà máy Huyndai”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị

Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ trong việc đóng góp vào tỷ trọng GDP cả nước: năm 2010 là hơn 2,40%; năm 2015 là 3,5%; năm 2018 là trên 3,6%. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực văn hóa tăng từ trên 1,7% của năm 2009, lên 5% vào năm 2019. Số lượng không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập tăng từ 40 không gian của năm 2017, lên 195 không gian vào năm 2021. Trong lĩnh vực làng nghề, năm 2020 cả nước có gần 1.930 làng nghề, tăng 275 làng nghề so với năm 2011… Một số lĩnh vực khác như điện ảnh, du lịch cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Về điện ảnh thì đến năm 2019 tổng doanh thu đạt 4,1 nghìn tỷ đồng vượt chỉ tiêu chiến lược năm 2020, trong đó ngành điện ảnh Việt Nam chiếm 29% tổng doanh thu. Về du lịch văn hóa thì đến năm 2019 đã đạt doanh thu 720 nghìn tỷ đồng. Hiện nay cả nước có khoảng có 1.926 làng nghề. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD và hiện đã có mặt trên 163 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các ngành công nghiệp văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên mềm văn hóa. Chính vì thế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Khó khăn bao giờ cũng đến từ nhận thức, vậy nên khi mà chúng ta tháo gỡ được những khó khăn về nhận thức thì sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu nghệ sĩ, nhưng cái chúng ta thiếu là môi trường, thể chế cho các tài năng sáng tạo bùng nổ. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó điện ảnh hỗ trợ cho du lịch, văn hóa, hỗ trợ cho thời trang, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác nhau thì rất khó để phát triển”.

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, để văn hóa không chỉ là ngành tiêu tiền mà thực sự là ngành kiếm ra tiền. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đến thời điểm này khi chúng ta đã quen thuộc với khái niệm CNVH, đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề, nó giống như cấu trúc của một ngôi nhà. “Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng và thứ hai cần có nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam CNVH chưa được coi là một ngành được ưu tiên và vì vậy chúng ta khó chuyển động. Chính vì thế phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động”.

5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra cho chúng ta không ít những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những thách thức luôn hàm chứa gợi mở để có những giải pháp tháo gỡ, tất cả để hướng tới sự phát triển bền vững.

Mời nghe âm thanh tại đây: