Phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản

448 lượt xem

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa chiếm 5% GRDP của thành phố. Với lợi thế về di tích, di sản, làng nghề, Hà Nội tập trung khai thác giá trị di sản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị tại Thủ đô liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác di sản để biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ.

Học sinh xem biểu diễn rối nước ở phường rối Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh).

Nếu như trước đây, các di tích của Hà Nội chủ yếu “sáng mở-tối đóng”, các di sản chật vật với việc bảo tồn, gìn giữ, thì nay nhiều loại hình di sản, nhiều di tích trở nên sống động khi được phát huy, khai thác một cách sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa.

Khi di sản “làm kinh tế”

Những ngày này, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) bận tíu tít khi đón đoàn khách gồm 50 em học sinh Trường phổ thông liên cấp Alfred Nobel (quận Đống Đa), đến xem biểu diễn rối nước. Rối nước là bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam, nhưng không phải ai cũng có dịp được tiếp xúc, cho nên những tích trò rối nước nhận được những tràng pháo tay sôi nổi của các em học sinh. Trong khi một nhóm nghệ nhân ngâm mình dưới nước biểu diễn thì một nhóm khác lại tất bật chuẩn bị phục vụ cho đoàn khách thưởng thức đặc sản ẩm thực “quê rối”. Tuy bận rộn, nhưng mọi việc diễn ra nhịp nhàng, khi các công đoạn dần được “chuyên nghiệp hóa”, từ khâu quảng bá, đón khách, biểu diễn, hướng dẫn khách học làm quân rối, biểu diễn đến phục vụ ăn uống… Từ Tết Nguyên đán đến nay, hầu như ngày nào các nghệ nhân Đào Thục cũng đón khách. Có ngày các nghệ nhân diễn đến hai, ba suất. Từng có lúc người Đào Thục lo không giữ được nghề, thì giờ, giới trẻ rất thích học nghề rối nước, các nghệ nhân biểu diễn có thu nhập nên ai cũng vui. Trưởng bộ phận kinh doanh – phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị cho biết: “Những năm gần đây, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ phường rối về hạ tầng, hỗ trợ truyền dạy nghề múa rối… tạo điều kiện cho phường rối phát triển du lịch. Hiện, chúng tôi không chỉ biểu diễn rối nước, mà còn mở thêm các dịch vụ gắn với văn hóa làng quê như: Đi cầu kiều, đi cà kheo, học làm nhà nông, đi xe trâu, xe ngựa ngắm cảnh làng quê… Khách cũng có thể lựa chọn tham quan, trải nghiệm một số di tích, làng nghề trong khu vực”.

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đưa những giá trị đó thành nguồn lực phát triển. Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, thành phố tập trung vào các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực… Một năm sau khi Nghị quyết số 09 ra đời, các hoạt động khai thác giá trị di sản văn hóa diễn ra hết sức sôi động. Sau thành công ấn tượng của chuỗi hoạt động trải nghiệm đêm, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò. Nhiều hoạt cảnh được đưa vào khai thác giúp công chúng cảm nhận chân thực, sâu sắc hơn về cuộc sống khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian”, không khí đấu tranh sôi sục của những bậc tiền bối cách mạng, như: Hoạt cảnh liệt sĩ Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết trước máy chém trước Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; phong trào “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”; hành trình vượt ngục năm 1945… Du khách còn được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự tối tăm, ngột ngạt của các phòng giam, xà lim… Cũng trong dịp đầu năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đưa vào khai thác tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” chuyên biệt dành cho khách nước ngoài. Tour đêm diễn ra trong thời gian 120 phút được nhiều khách lựa chọn.

Bên cạnh các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có thế mạnh ở hoạt động làng nghề, với 1.350 làng nghề các loại. Nhiều làng nghề đã được đầu tư hạ tầng, triển khai các dịch vụ du lịch, đẩy mạnh số hóa như: Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… Làng gốm Bát Tràng đưa vào hoạt động, khai thác Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Khách du lịch bị cuốn hút bởi bảy khối nhà của Trung tâm được thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc bàn xoay gốm, với mầu đỏ đất nung. Công trình được thiết kế là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng; nơi khách du lịch được khám phá tinh hoa của làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trung tâm còn có phòng lưu trú, nhà hàng, khu biểu diễn nghệ thuật dân gian, khu trải nghiệm để kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm… Là một khách du lịch từ Thanh Hóa, anh Trịnh Quốc Khánh cho biết: “Nhiều nước trên thế giới thường tổ chức những trung tâm mà khách du lịch có thể tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tôi thấy mô hình Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tương đối giống những mô hình đó. Dù chủ yếu giới thiệu về lịch sử, sản phẩm gốm Bát Tràng, nhưng khách cũng có thể mua những sản phẩm làng nghề khác, rất thuận tiện”.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố; đến năm 2030, công nghiệp văn hoá trở thành ngành mũi nhọn, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP. Thành phố cũng đề ra các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa những mục tiêu ấy. Trong đó, thành phố tiếp tục đầu tư bảo tồn di tích, di sản cũ; xây dựng các cơ chế, để chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống… Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong phát huy các giá trị di sản để “làm kinh tế”. Một Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh như Hoàng thành Thăng Long mỗi năm mới chỉ đón vài trăm nghìn khách du lịch là chưa tương xứng với tiềm năng. Hà Nội có nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, nhưng với các nhà hát cấp thành phố, chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long hoạt động thật sự hiệu quả. Ở các làng quê, những địa phương như rối nước Đào Thục là “của hiếm”. Trong khi đó, làng nghề vốn cùng lúc có thể phát triển các lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa như: Thiết kế, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nhưng thực tế, sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo; số lượng làng nghề thu hút du lịch chưa nhiều.

Di sản dù giá trị đến mấy, vẫn mới chỉ là “tài nguyên”. Muốn tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch thì cần biến giá trị di sản đó thành sản phẩm. Để làm được điều này, Hà Nội cần có đội ngũ nhân lực tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa chất lượng hơn. Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho biết: “Nếu biết bảo tồn và khai thác, chúng ta còn có thể biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, một ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội cần đào tạo đội ngũ am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững”. Thành công của một số sản phẩm du lịch, thí dụ như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chứng minh điều này. Bằng việc dẫn dắt câu chuyện sáng tạo, các tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn khiến khách phải đặt trước nhiều ngày mới mua được vé.

Đối với khối làng nghề, do nghệ nhân thiếu nghiệp vụ du lịch, cho nên cần sự hợp tác của các hãng lữ hành, sự hỗ trợ về chuyên môn của các làng nghề. Đại diện Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Trọng Đoàn chia sẻ, thành phố cần hỗ trợ xây dựng trung tâm hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đối với công tác thiết kế, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đề xuất, các trường, trung tâm đào tạo nghề cần biên soạn các giáo trình cho học viên về môn thiết kế sản phẩm và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm, động viên lớp trẻ ở làng nghề đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương. Bên cạnh đó, việc “tăng tốc” chuyển đổi số các làng nghề cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là trong quảng bá sản phẩm, thu hút du lịch.

Để trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành phố đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa… Đặc biệt, Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra cả nước.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tu-tai-nguyen-di-san-post742269.html