Phát triển tổng hợp các loại hình du lịch tại một số tỉnh miền Trung :: Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh

PHÁT TRIỂN TỔNG HỢP CÁC LOẠI HÌNH DU LỊCH TẠI MỘT SỐ TỈNH MIỀN TRUNG

Nói đến miền Trung, là ta thấy ngay tiềm lực du lịch rất lớn, phong phú, đa dạng nhiều mặt có thể khai thác tốt ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh ở đây. Từ các thắng cảnh thiên nhiên, các bãi biển đẹp nhất thì thế giới đến các di tích lịch sử, công trình văn hóa, tôn giáo khá hấp dẫn đối với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

 

 

Vừa qua, nhân dịp nghỉ hè, người bạn thân (thầy Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, trưởng khoa Quản trị Kinh tế quốc tế Trường ĐH Lạc Hồng) và tập thể khoa này đã mời cá nhân tôi được đi du lịch một chuyến thú vị qua ba địa phương: Đà Nẵng, thành phố cổ Hội An và thành phố Huế, đúng là một chuyến du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái. Nhà trường ĐH Lạc Hồng lại có sáng kiến đa dạng hóa loại hình lữ hành qua các phương tiện vận chuyển: từ TP.HCM ra Đà Nẵng bằng xe lửa, đi lại tham quan giữa ba địa phương Đà Nẵng, Hội An, Huế bằng ôtô và chuyến về để dưỡng sức, đỡ mệt bằng máy bay từ cảng hàng không Phú Bài.

Thành phố Đà Nẵng phát triển kinh tế đi đôi với phát triển du lịch

Vừa đặt chân đến đất TP. Đà Nẵng, đã cảm  giác hoạt động du lịch khá sinh động ngay từ ga xe lửa của thành phố, với số lượng khách lên xuống tàu hỏa khá đông đảo (cả khách Âu, Á, Mỹ và nội địa), mặc dù đang trong thời điểm dịch cúm A/H1N1. Đà Nẵng hiện ra như một địa phương phát triển năng động, sầm uất và đang vươn đuổi bám sát theo sự thịnh vượng của TP.HCM và thủ đô Hà Nội, là những thành phố được xếp loại thành phố đặc biệt. Các hướng dẫn viên lữ hành trầm trồ với khách du lịch chúng tôi là triển vọng chừng 7, 8 năm nữa thôi, với đà phát triển này, sẽ được Nhà nước công nhận là thành phố đặc biệt, sánh vai cùng anh chị TP.HCM và Hà Nội. Chắc sự đánh giá đó không ba hoa chút nào qua thực tiễn phát triển ở đây.

Trong phát triển kinh tế, thương mại nhiều mặt ở đây, ngành du lịch cũng trở thành một trong những mũi nhọn chiến lược của thành phố này, một loại hình “công nghiệp không khói”. Với sự mạnh dạn, sáng tạo của lãnh đạo TP. Đà Nẵng và sự năng động của bà con nhân dân ở địa phương này đã bước đầu khai thác, phát triển dịch vụ du lịch khá tốt trên tiềm năng có sẵn với nhiều bãi biển đẹp: Non nước, Mỹ Kê, Sơn Trà, Thanh Bình, Tiên Sa; thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Núi Chúa; tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch, đặc biệt về du lịch sinh thái và tắm biển. Một số công trình nhân tạo trong thời kỳ quá độ công nghiệp hóa tại đây cũng có tác dụng lôi cuốn đối với khách thập phương cả trong và ngoài nước, như cầu quay Sông Hàn và cầu Thuận Phước đài trên 3 km bắt qua eo biển (mới thông cầu trước khi đoàn khách nội địa gần 100 người của chúng tôi đến đây chừng một tuần lễ). Mỗi buổi tối, thấy giới trẻ và bà con thành phố lẫn khách du lịch dạo chơi đông đảo ở hai cây cầu này và dọc bờ sông Hàn sạch sẽ, mát mẻ, ai cũng cảm thấy vui vui. Đỉnh Bà Nà với khí hậu mát như Đà Lạt, với cáp treo dài nhất thế giới với 5.142 mét, ở độ cao gần 1.292 mét có thể đưa khách lên xuống 1.500 lượt người/giờ, cũng là nơi hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Còn cái món “tắm biển” ở các bãi biển đẹp và khá sạch sẽ chạy dọc theo thành phố từ quận Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân, chạy qua thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đến tận biển Cửa Đại của phố cổ Hội An thì tuyệt cú mèo.

Là khách du lịch có gốc quê hương Đà Nẵng, dù đã rời xứ sở miền Trung đã 43 năm và thỉnh thoảng có quay về, tôi vẫn cảm giác rất ấn tượng về phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của Đà Nẵng. Hồi tưởng lại những năm còn đi học bậc trung học, chúng tôi năm ba đứa đạp xe đạp ngao du dọc con đường gió lộng từ Ngã Ba Thanh Khê, qua Hòa Khánh ra đến Nam Ô hoặc rẽ trái lên chân núi Chúa – Bà Nà chỉ thấy hai bên toàn nghĩa trang vắng vẻ, chỉ ngoại trừ xe ôtô chạy trên đường, nay đã đổi khác hoàn toàn với các khu dân cư đô thị hóa và các khu công nghiệp phát triển. Người sống lấn đất người chết rất dữ dội. Nhưng chắc chắn các linh hồn người quá cố ở đây không than trách gì trước yêu cầu phát triển đi lên của quê hương họ.

Khá nhiều tập đoàn du lịch lớn trong và ngoài nước đã “xí đất đầu tư” các khách sạn 5 sao, các cao ốc văn phòng trong tương lai gần trên tuyến đường dài ven biển, đặc biệt từ bãi biển Mỹ khê đến gần biển Cửa Đại (của tỉnh Quảng Nam). TP. Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị xây dựng tháp truyền hình và nếu mạnh dạn đầu tư, triển vọng thành phố sắp tới có thể khai thác cả loại hình du lịch nghĩ dưỡng, chữa bệnh, du lịch MICE rất tốt, vì có nhiều địa điểm lý tưởng phục vụ cho các loại hình du lịch hái ra tiền này.

Thành phố cổ Hội An tiếp nối Đà Nẵng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa

Tiếp nối tuyến du lịch Đà Nẵng là thành phố cổ Hội An với bãi biển Cửa Đại tắm rất đã, với nhiều du khách Âu Mỹ mặc đồ tắm nằm đọc sách và ngủ nghê êm đềm trên bãi cát và bên kia là cù lao Chàm cũng hấp dẫn cho khách tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức các loại hải sản. Tới đây, khách du lịch được các hướng dẫn viên du lịch khá sành sỏi tại chỗ giới thiệu về thương cảng Hội An xưa thời thế kỷ thứ 16, 17 như một trung tâm mậu dịch quốc tế đầu tiên của chúa Nguyễn đàng trong (ở giai đoạn lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh), nơi đã từng hội tụ các thương khách Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, v.v… và sau là triều đại nhà Nguyễn với các di tích, chùa chiền còn lại của người Nhật, người Hoa như: Chùa Cầu, Hội quán Phúc Kiến (xây dựng năm 1757), Quảng Triệu (xây dựng năm 1885), Triều Châu (xây năm 1887), nhiều nhà cổ, làng gốm Thanh Hà đã phát triển từ thế kỷ thứ 17 và thưởng thức hát giải trí có tính trò chơi dân gian Bài Chòi. Ở đây chúng tôi còn được thưởng thức hai đặc sản ẩm thực: cao lầu và mì quảng. Bên này, ở trung tâm thành phố cổ thì ăn cao lầu, bước qua cầu sông Hoài, đi xa một chút giáp giới huyện Duy Xuyên thưởng thức món mì Quảng. Nói đến tuyến du lịch Hội An – Quảng Nam còn phải kể đến di tích Chiêm Thành Mỹ Sơn, cần thiết cho sự chiêm nghiệm quá khứ lịch sử, phản phất đâu đó trong tập thơ “Điều tàn” của nhà thơ Chế Lan Viên và giọng ca não nùng của Chế Linh.

Đến cố đô Huế để du lịch lịch sử, văn hóa

Đúng là Huế cũng không thiếu các thắng cảnh tự nhiên như núi Bạch Mã, biển Lăng Cô rất đẹp, cửa biển Thuận An tắm cũng rất tốt, nhưng đến Huế du khách chú ý nhiều đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa của 13 vua chúa triều nhà Nguyễn để lại với cung điện, đền đài và nhiều lăng tẩm của các vua chúa qua bao nhiêu thăng trầm của nhà nước phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, với chùa Thiên Mụ, với sông Hương núi Ngự và thưởng thức nhạc cung đình, dân ca Huế trên sông Hương êm đềm vào buổi tối, được thưởng thức ẩm thực có đặc vị Huế và có hơi hướng truyền thống, chế biến, nấu nướng theo kiểu cách cung đình, các món ăn có ẩn chứa tính lịch sử và đặc điểm văn hóa của một thời với hương vị riêng của Huế. Đúng là đi du lịch xứ Huế là du lịch lịch sử văn hóa. Các hướng dẫn viên ở đây được đào tạo tương đối tốt để về lịch sử, văn hóa, địa lý nên đã hướng dẫn và giải thích cho khách khá đầy đủ theo yêu cầu tìm hiểu của khách du lịch. Hình ảnh Huế thơ, Huế mộng ngày xưa vẫn còn phản phất đây đó. Người viết có thời kỳ ra học ở Huế, mỗi sáng chiều đứng ngắm từng đoàn học sinh, sinh viên đi xe đạp qua cầu Tràng Tiền đồng phục với tà áo dài trắng lất phất bay với gió Sông Hương giống như đàn cò trắng bay lượn rất đẹp và thơ mộng. Thời đó, ngay cả các cô gái bán chè đậu ngự hàng rong cũng mặt áo dài, đội nón lá và ăn nói rất lịch sự đãi đưa, tạo một đặc điểm riêng cho Huế. Nói chung, các cô gái Huế nổi tiếng là đẹp với nếp sống kinh kỳ cũ được hấp thụ từ lâu đời truyền lại. Cho nên mới có sự tích vua Thành Thái mê gái đẹp xứ Kim Long (Huế) đến nỗi trốn kinh thành ra ngoài tìm người đẹp và chính nhà vua cũng cảm hứng thành thơ:

Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.

Cuối cùng, có thể nói tuyến du lịch Đà Nẵng, Hội An, Huế có thể liên hoàn bổ sung cho nhau, là một trong những tuyến du lịch trọng điểm miền Trung cho các loại hình du lịch sinh thái, tắm biển, nghỉ dưỡng và văn hóa lịch sử, du lịch MICE một cách đa dạng, phong phú không thua bất cứ nước nào trong khu vực Đông Nam Á. Một số nhà nghiên cứu du lịch có đề cập đến mặt hạn chế về thời tiết miền Trung về mùa Hạ là quá nóng và về mùa Đông là quá lạnh có ảnh hưởng nhất định đến phát triển du lịch, như một câu tục ngữ lâu đời trong dân gian:

Tháng mười mưa gãy cành trâm
Tháng tám, nắng rám trái bưởi

Ngoại trừ, mùa đông ở miền Trung mưa gió bão bùng, lụt lội, nhưng mùa hè có thể bù lại bằng tắm biển vẫn rất thích thú cho du khách.

Riêng với người viết, qua chuyến du lịch khá dài ngày qua ba địa phương trên, ngoài các ưu điểm khá nổi bật, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong quản lý dịch vụ du lịch và quản lý xã hội tại chỗ có ảnh hưởng không tốt đến dịch vụ du lịch tuy không lớn như: ở khu du lịch Ngũ Hành Sơn vẫn còn hiện tượng tranh bán các sản phẩm, đá Non Nước với giá cả vô tội vạ làm cho khách không vui. Tôi có gặp một bà khách Tây vừa mua một bức tượng đá trong cửa hàng ở chân núi Non Nước giá một trăm ngàn đồng, nhưng khi dạo qua các quầy cá nhân gần đó thì cũng bức tượng đó giá chỉ bốn chục ngàn đồng, làm cho bà du khách thất vọng, tuy rằng chất lượng có khác nhau mà khách du lịch rất khó đánh giá. Hay ở cáp treo Bà Nà tổ chức chưa khoa học, bắt khách du lịch phải chờ đợi lâu lắc và chen lấn nhau thiếu trật tự. Hoặc ở Huế, có hiện tượng một số người đạp xích lô bám theo khách để chiêu dụ đến các điểm vui chơi, thậm chí đến ổ tệ nạn xã hội ngầm bất hợp pháp đâu đó, làm khách khá bực mình phải từ chối nhiều lần.

Lẽ dĩ nhiên ngành du lịch từng địa phương đang trong quá trình nỗ lực khắc phục, hoàn thiện dần để cạnh tranh có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhưng chỉ có nổ lựa riêng của ngành du lịch không thôi chưa đủ, mà phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan khác, vì du lịch là một sản phẩm dịch vụ tổng hợp chịu sự tác động nhiều mặt của xã hội, từ cảnh quan, môi trường tự nhiên, đến văn hóa lịch sử, trật tự xã hội và cả nếp sống văn minh của một xứ sở, một địa phương nữa. Rất mong rằng trong một tương lai gần tuyến du lịch Đà Nẵng, Hội An, Huế sẽ tiếp tục phát triển phong phú sinh động hơn nữa để thu hút mạnh khách du lịch trong và ngoài nước, theo hướng phát triển tổng hợp các loại hình du lịch.

Luật sư Nguyễn Đăng Liêm