Phí giao dịch tại các công ty chứng khoán lớn
Mục lục bài viết
Phí giao dịch tại các công ty chứng khoán lớn
Phí giao dịch là loại phí phải trả khi nhà đầu tư mua bán cổ phiếu qua công ty chứng khoán, hiện khoảng 0,1-0,35% giá trị giao dịch.
Phí giao dịch chứng khoán (hay phí môi giới chứng khoán) là khoản phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty chứng khoán khi giao dịch mua hoặc bán chứng khoán thành công (lệnh được khớp) qua công ty đó. Thông thường, các giao dịch có giá trị càng lớn, phí giao dịch sẽ càng thấp, tương tự với các khách hàng thân thiết, khách hàng quan trọng…
Ngoài ra, khi giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư còn phải chịu thêm các loại phí khác như phí mở tài khoản, phí sử dụng ứng dụng, phí lưu ký chứng khoán, phí ứng trước tiền bán chứng khoán, phí giao dịch ngoài sàn, phí dịch vụ tin nhắn SMS…
Phí giao dịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng phí mà nhà đầu tư phải chịu. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thông tư 128 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ tháng 2/2019 quy định, các công ty chứng khoán không được phép thu phí giao dịch quá 0,5% giá trị một lần giao dịch và không quy định mức tối thiểu. Thực tế, mức phí này đang dao động trong khoảng 0,1% đến 0,35%. Các công ty chứng khoán lâu đời thường có mức phí cao hơn các công ty mới hoạt động vì đã có tệp khách ổn định nên không cần hạ phí để thu hút khách mới.
Thực tế khi giao dịch chứng khoán, khoản phí này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng phí mà nhà đầu tư phải chịu. Ví dụ, một khách hàng đặt mua 1.000 cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động qua công ty chứng khoán A với giá khớp lệnh 166.500 đồng mỗi đơn vị. Vậy tổng giá trị mua của giao dịch trên là 166,5 triệu đồng. Với mức phí 0,2% của công ty A, khách hàng này cần trả thêm 333.000 đồng phí giao dịch. Tổng cộng, người này cần chi 166,833 triệu đồng để mua thành công 1.000 cổ phiếu MWG.
Đa phần các công ty thường có mức phí giao dịch cố định cho loại hình giao dịch trực tuyến. Với giao dịch qua kênh khác, mức phí được chia ra nhiều mức tùy thuộc vào giá trị giao dịch của khách hàng.
Biểu phí giao dịch của 10 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất, theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) như sau:
Công ty
Thị phần
Phí giao dịch (tổng giá trị giao dịch mỗi ngày trên một tài khoản)
VPS
13,24%
Giao dịch trực tuyến: 0,2%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Dưới 100 triệu đồng: 0,3%
– Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,27%
– Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25%
– Từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng: 0,22%
– Từ 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng: 0,2%
– Từ 2 tỷ đồng trở lên: 0,15%
SSI
11,89%
Giao dịch trực tuyến: 0,25%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Dưới 50 triệu đồng: 0,4%
– Từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng: 0,35%
– Từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng: 0,3%
– Từ 500 triệu đồng trở lên: 0,25%
HSC
8,23%
Giao dịch trực tuyến: 0,2%
Riêng giao dịch từ 1 tỷ đồng trở lên là 0,15%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Dưới 100 triệu đồng: 0,35%
– Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,3%
– Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25%
– Từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng: 0,2%
– Từ 1 tỷ đồng trở lên: 0,15%
VNDS
7,46%
Giao dịch trực tuyến: 0,15%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Giao dịch độc lập: 0,2%
– Giao dịch có hỗ trợ: 0,3%
– Giao dịch qua môi giới: 0,35%
VCSC
5,62%
0,15% đến 0,35%
MAS
4,41%
Giao dịch trực tuyến: 0,15%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Dưới 100 triệu đồng: 0,25%
– Từ 100 triệu đồng trở lên: 0,2%
MBS
4,07%
Giao dịch trực tuyến: 0,12%
Giao dịch qua các kênh khác:
– Dưới 100 triệu đồng: 0,3% – 0,35%
– Từ 100 đến dưới 300 triệu đồng: 0,3% – 0,325%
– Từ 300 đến dưới 500 triệu đồng: 0,25% – 0,3%
– Từ 500 đến dưới 700 triệu đồng: 0,2% – 0,25%
– Từ 700 triệu đến dưới 1 tỷ đồng: 0,15% – 0,2%
– Từ 1 tỷ đồng trở lên: 0,15%
TCBS
3,6%
0,1% trên tất cả các kênh giao dịch
Với khách hàng đăng ký sử dụng Gói ưu đãi iWealth Pro hoặc Trial: 0,075%
FPTS
3,46%
– Dưới 200 triệu đồng: 0,15%
– Từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng: 0,14%
– Từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng: 0,13%
– Từ 3 đến dưới 5 tỷ đồng: 0,12%
– Từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng: 0,11%
– Từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng: 0,1%
– Từ 15 đến dưới 20 tỷ đồng: 0,09%
– Từ 20 tỷ đồng trở lên: 0.08%
BCS
3,25%
Gói tư vấn đầu tư online: 0,18%
Gói chuyên gia tư vấn: 0,2%
Ngoài các công ty chứng khoán lớn, các đơn vị có thị phần nhỏ hơn đang có xu hướng cạnh tranh bằng phí giao dịch. Trong đó, Công ty Chứng khoán Pinetree dùng chiến lực miễn phí giao dịch để thu hút khách hàng. Công ty Chứng khoán Apec cũng tung chính sách miễn phí giao dịch trọn đời cho khách hàng tham gia những gói tài khoản nhất định. Mới đây, Công ty Chứng khoán AIS cũng có chính sách miễn phí giao dịch trong 3 tháng đầu cho các tài khoản mở từ tháng 4/2021.
Khi mở tài khoản chứng khoán, ngoài phí giao dịch, nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng tư vấn của công ty chứng khoán. Không thể khẳng định các công ty miễn phí giao dịch, giảm nhiều loại phí sẽ có chất lượng tư vấn thấp. Ngược lại, các công ty thu phí cao chưa hẳn là sự lựa chọn an toàn tuyệt đối cho nhà đầu tư.
Những ai đã có kiến thức nhất định, có tần suất giao dịch cao, phí giao dịch thấp có thể là một ưu tiên. Nhưng với những nhà đầu tư F0 lần đầu tham gia thị trường, chất lượng tư vấn và sự hỗ trợ của những công ty chứng khoán có thể là yếu tố đáng quan tâm.