Phòng 7 – Văn hóa Óc Eo (Thế kỷ 1 – 7)
Vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên chúng ta, các dân tộc ở Đông Nam Á đã thiết lập những mối liên hệ chặt chẽ với những nền văn minh lớn nhất như Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông, và Ấn Độ ở phía Tây. Những mối quan hệ này dựa trên hoạt động giao thương mạnh mẽ, bởi Đông Nam Á là khu vực có rất nhiều mặt hàng quý hiếm: gỗ, gia vi, kim loại, vải vóc, mật ong, sáp ong…
Ở miền Nam Việt Nam hiện nay, tức vùng châu thổ sông Mê Kông, những mối quan hệ này đã đạt đến mức độ đặc biệt khăng khít. Có thể thấy rõ điều này qua các nghiên cứu khảo cổ học được thực hiện ở rất nhiều di chỉ, trong đó đứng đầu là di chỉ Óc Eo.
Ngoại trừ khía cạnh kiến trúc – chỉ được biết đến qua rất ít phát hiện khảo cổ – những di tích được tìm thấy tại đây cho thấy tính độc đáo và trình độ phát triển cao của cư dân bản địa: công cụ và vật dụng hàng ngày làm bằng đá, đất nung hoặc kim loại. “Nền văn hóa” Óc Eo đạt đến trình độ vô cùng tinh tế trong lĩnh vực nghệ thuật, thể hiện qua rất nhiều đồ trang sức (nhẫn, vòng cổ, vòng tay) bằng vàng, đồng, thiếc hoặc bằng đá bán quý và hạt thủy tinh.
Bên cạnh các tôn giáo truyền thống, các tôn giáo của Ấn Độ – Phật giáo và Ấn Độ giáo – đã nhanh chóng lan rộng trong khu vực. Những bức tượng đa dạng và có chất lượng cao, làm bằng đá hoặc bằng đồng, thể hiện hình ảnh của Phật và Bồ tát, cũng như một số vị thần của Ấn Độ giáo (như Siva, Visnu hay Surya) cho thấy tầm quan trọng của các tôn giáo Ấn Độ vào buổi đầu phát triển của Việt Nam.