Phong tục đón Tết đặc biệt của người Mông Cổ
Người Mông Cổ chuẩn bị đón Tết cổ truyền, một lễ hội truyền thống được gọi là “Trăng trắng” ở nước này.
Cặp vợ chồng người Mông Cổ đến thăm người lớn tuổi trong dịp Tết.
Tết cổ truyền của người Mông Cổ là Tsagaan Sar (Trăng trắng). Lễ kỷ niệm đánh dấu năm cũ và năm mới tính theo lịch của người Mông Cổ. Giống như tên gọi, ngày Tết này có liên quan nhiều đến chu kỳ của Mặt Trăng. Năm nay Tsagaan Sar rơi vào ngày 21/2.
Tsagaan Sar đã được người Mông Cổ tổ chức từ nhiều thế kỷ nay và coi là một ngày lễ cổ truyền và quốc gia lớn nhất. Dịp lễ bắt nguồn từ năm 1206 khi đế chế Mông Cổ được thành lập. Thời điểm đó, người Mông Cổ tổ chức Tết Nguyên đán vào những tháng đầu mùa đông, gọi là “Lễ hội sữa”, theo lệnh của Thành Cát Tư Hãn. Họ thường ăn mừng ngày lễ bằng cách mặc đồ trắng, cưỡi ngựa trắng, ăn món ăn màu trắng làm từ các chế phẩm sữa và trao đổi những món quà trắng.
Lễ hội này sau đó được gọi là “Lễ hội của người chăn nuôi” và chỉ được tổ chức bởi những người chăn gia súc từ năm 1952 đến năm 1990. Vào năm 1988, ngày lễ truyền thống quan trọng này bắt đầu được tổ chức như Tết Nguyên đán trên toàn quốc. Mọi người ăn mừng Tsagaan Sar với hy vọng có một năm mới dồi dào và xóa bỏ mọi điều xui xẻo của năm trước.
Mục lục bài viết
Chuẩn bị Tsagaan Sar
Vì dịp lễ tượng trưng cho một cuộc sống khỏe mạnh và giàu có, người Mông Cổ bắt đầu chuẩn bị cho Tsagaan Sar trước một tháng. Các gia đình bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, sửa chữa đồ đạc và thiết bị gia dụng bị hỏng. Người Mông Cổ tin rằng nơi nào sạch sẽ thì may mắn sẽ đến.
Người Mông Cổ làm bánh bao buuz cho Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, họ chuẩn bị sẵn trang phục truyền thống (gọi là “Deel”) và nấu những món ăn dành riêng cho ngày lễ. Những người phụ nữ may đồ truyền thống mới cho từng thành viên trong gia đình. Mỗi nhà sẽ làm vài trăm đến vài nghìn buuz và bansh (2 loại bánh bao) để tiếp đón họ hàng, hàng xóm và bạn bè đến thăm.
Mọi người chào đón năm mới và lễ Tsagaan Sar với một tâm trí tích cực, lạc quan, trái tim nhân hậu và tâm hồn trong sáng không có những suy nghĩ đen tối. Không được làm, nghĩ và nói những điều xấu trong dịp lễ. Ngoài ra, các khoản nợ phải được trả trước năm mới và không nên tranh cãi trong ngày lễ vì người ta tin rằng cả năm sẽ chỉ có tranh cãi, cãi vã.
Người Mông Cổ ăn mừng Tsagaan Sar như thế nào?
Đêm giao thừa Tết Nguyên đán
Ngày trước Tsagaan Sar được đặt tên là “bituun” (ngày không có trăng) với tất cả công việc còn dang dở nên được giải quyết trong ngày. Để chuẩn bị cho đêm giao thừa, các gia đình làm một bữa tiệc thịnh soạn với thịt cừu, xếp các lớp bánh truyền thống trên những chiếc đĩa lớn theo số lẻ, trang trí bằng kẹo và các sản phẩm từ sữa.
Trên bàn có đồ uống sữa ngựa lên men Airag, cơm nấu với sữa đông, bánh bao hấp… Người Mông Cổ tin rằng nhiều thức ăn và đồ uống tượng trưng cho một cuộc sống sung túc trong năm tới.
Đêm giao thừa chuẩn bị chu đáo các loại đồ ăn, thức uống.
Buổi lễ Bittun bắt đầu sau khi Mặt Trời lặn. Mọi người mặc quần áo mới, sạch sẽ, ngồi quanh bàn và ăn nhiều nhất có thể. Những người hàng xóm, họ hàng và gia đình cũng có thể đến thăm nhau. Trong bữa ăn, người già kể cho con cháu nghe những câu chuyện dân gian, thần thoại. Các thành viên trong gia đình cũng chơi những trò chơi truyền thống.
Một phong tục đặc biệt là các gia đình đặt 3 miếng băng và cỏ khô ở ngưỡng cửa cho vị thần Baldan Lham vì tin rằng vị thần đến thăm họ vào đêm giao thừa Tsagaan Sar. Bạn có thể thấy phong tục này khi bạn trải qua Tsagaan Sar với các gia đình sống trong gers (lều tròn của người Mông Cổ).
Ngày đầu tiên của Tsagaan Sar
Vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thức dậy trước khi Mặt Trời mọc, mặc quần áo đẹp nhất và đi về hướng quy định theo hoàng đạo để bắt đầu một năm mới đúng hướng. Phong tục này được cho là mang lại may mắn, sức khỏe tốt và an toàn cho năm tới.
Tiếp theo, những người đàn ông leo lên ngọn núi hoặc ngọn đồi gần nhà để đón ánh bình minh đầu tiên. Phụ nữ đun trà sữa và cúng thổ công rồi phục vụ đồ ăn cho các thành viên trong gia đình. Họ đặt bánh bao lớn và nhỏ đã nấu chín lên bàn, sau đó bắt đầu nghi thức chúc mừng năm mới.
Người trẻ tuổi thực hiện nghi thức chào ”Zolgolt” với người lớn.
Người Mông Cổ thực hiện nghi thức chào hỏi gọi là ”Zolgolt” trong ngày Tsagaan Sar. Kỳ nghỉ lễ Tsagaan Sar chính thức kéo dài 3 ngày. Mọi người thường đến thăm cha mẹ, ông bà và họ hàng lớn tuổi. 15 ngày đầu tiên của năm mới rất quan trọng trong đó, ngày thứ 7 của Tsagaan Sar, mọi người không ra khỏi nhà. Vào dịp Tết, nhiều người tìm đến chùa, thiền viện để nghe những lời cầu nguyện và tụng kinh cầu an lành cho năm mới.
Người Mông Cổ cảm thấy có sự gắn kết về văn hóa và tinh thần với nhau thông qua các nghi lễ. Đây là giá trị của Tsagaan Sar. Du khách có thể đến Mông Cổ du lịch và trải nghiệm đón Tết Nguyên đán cũng như tìm hiểu những di sản văn hóa quan trọng của họ trong dịp này.
Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.