Phong Tục Đón Tết Miền Bắc: Những Nét Đặc Trưng Bạn Cần Biết

Phong tục đón Tết ở miền Bắc có rất nhiều nét đặc trưng thú vị. Cùng Intertour tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé, có thể bạn sẽ bất ngờ đấy.

*Nguồn ảnh: Sưu tầm trên mạng

Hoa đào: biểu tượng Tết miền Bắc

Nếu như miền Nam nhắc đến Tết là nhắc đến những cành mai vàng rực rỡ thì ngoài Bắc cũng có một loại hoa đặc trưng cho dịp đặc biệt này. Đó là hoa đào. Mỗi mùa xuân về, màu hồng lại bao trùm khắp các ngọn núi Tây Bắc, phủ khắp các phiên chợ miền xuôi. Hoa được bày bán tràn trên các con đường. Vài người tranh thủ muốn kiếm thêm dịp Tết còn dậy từ sáng sớm rồi chở các gốc chi chít hoa về dưới thành phố để bán.

Hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Màu sắc tươi sáng còn mang ý nghĩa may mắn, sung túc và thịnh vượng. Đúng là một loài hoa sinh ra để dành cho ngày Tết.

Mâm cỗ Tết

Phong tục đón Tết miền Bắc thì đặc biệt không thể nào thiếu được mâm cỗ cúng gia tiên. Mâm cỗ Tết ở miền Bắc được chuẩn bị rất cầu kỳ từ màu sắc, hương vị đến cả hình thức đều vô cùng đẹp mắt. Trong các gia đình truyền thống, thậm chí mâm cỗ cúng còn phải đảm bảo đầy đủ 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho 4 phương 4 hướng. Cỗ bày trên mâm đồng hoặc gỗ thì mới đúng bài.

Các món thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết miền Bắc bao gồm: giò lụa, thịt lợn luộc, thịt gà luộc, chả quế. Nếu thời gian dư dả, người ta còn chuẩn bị thêm cả thịt đông – món ăn đặc trưng trong những ngày Tết lạnh của khu vực này.

Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả luôn xuất hiện trên bàn thờ tổ tiên của người miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây không chỉ có ý nghĩa biểu trưng cho sự tròn đầy, sung túc mà còn là một cách thức báo cáo thành quả lao động sau cả một năm của gia đình. 

Các loại trái cây được cho là không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người miền Bắc là nải chuối xanh tượng trưng cho sự bao bọc che chở, phật thủ hoặc bưởi tượng trưng cho phước lộc bình an, đu đủ biểu thị sung túc đủ đầy, cuối cùng là các loại trái như cam quýt với màu sắc tươi vui ý chỉ sự hòa thuận may mắn trong năm mới. Người ta sắp xếp các loại trái cây trên thật đẹp mắt lên mâm rồi để cho tới hết mùng 3, mùng 4. 

Các phong tục đón Tết truyền thống ở miền Bắc

Ngày Tết, người miền Bắc rất coi trọng các phong tục truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài cúng ông Công ông Táo, bày biện mâm ngũ quả, cành đào ngày Tết mà Intertour vừa kể trên thì còn rất nhiều hoạt động đặc trưng khác. Ví dụ như ăn cơm tất niên. Mâm cơm tất niên là một cái gì đó tượng trưng cho sự đoàn tụ, sum vầy. Trong thời khắc chia tay năm cũ, tất cả thành viên trong nhà sẽ ngồi lại với nhau ăn uống bên mâm cơm gia đình. 

Sau khi đón giao thừa, mọi người sẽ cùng ra ngoài hái lộc cầu may và lì xì cho nhau. Thay vì đón giao thừa ngoài đường thì người miền Bắc thích giản dị bên nhau trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Các điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết miền Bắc

Trong phong tục đón Tết miền Bắc có những điều cần phải kiêng kỵ. Quen thuộc nhất có lẽ là kiêng quét nhà, đổ rác vào những ngày đầu năm. Với người dân nơi đây, việc quét nhà giống như việc bạn đang quét hết tất cả may mắn đi ra vậy. Tương tự, người miền Bắc rất kiêng cho lửa ngày đầu năm. Lửa tượng trưng sự ấm áp, may mắn, đem đi cho người khác thì gia đình mình sẽ gặp nhiều điều không lành.

Ngoài ra người miền Bắc còn kiêng nước, kiêng làm vỡ bát đĩa, kiêng đi chúc Tết khi nhà có tang…

Trên đây là một số phong tục đón Tết miền Bắc. Nếu bạn muốn tìm hiểu những đặc trưng đón Tết ở các vùng miền khác của nước ta thì hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Intertour nhé!

Mọi thông tin chi tiết về tour và tư vấn miễn phí, quý khách vui lòng liên hệ tại địa chỉ:

CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH INTERTOUR VIỆT NAM

– Địa chỉ: 115 Nguyễn Thái Bình – Quận 1 – TPHCM
– Điện thoại: 028. 3822 9999
– Hotline 24/24: 0961 118899
– Email: [email protected]