Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam cần được nhìn nhận một cách đúng đắn, phù hợp

Giao lưu, tiếp biến văn hóa là quá trình có ít nhất hai hoặc nhiều hơn nền văn hóa của các chủ thể khác nhau gặp nhau và tiếp xúc với nhau. Trong quá trình đó đã xảy ra, hoặc có thể dẫn đến sự thay đổi bên trong về cả mô hình và phương thức văn hóa của mỗi bên tham gia một cách tự nguyện hay áp đặt. Giao lưu, tiếp biến văn hóa không những tạo cơ sở phát triển của các nền văn hóa, mà quá trình đó cũng giúp các chủ thể nhận thức, hướng đến tinh thần khoan dung văn hóa, tôn trọng và chủ động hơn trong việc phát triển và giữ gìn bản sản văn hóa của mình. Giao lưu, tiếp biến văn hóa làm biến đổi và làm phong phú nền văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, của mỗi quốc gia.

Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Hàn năm 2022 tổ chức tại trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, ngày 01/7/2022 (Nguồn: https://ngonnguhan.donga.edu.vn)

Nhận thức rõ vai trò của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người mới và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) khẳng định: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác”[i]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[ii].

Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một bộ phận quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua đó, thế giới hiểu được Việt Nam là quốc gia có cội nguồn lịch sử văn hóa lâu đời, được hình thành và trải qua bao thăng trầm, tiếp biến; nền văn hóa Việt Nam luôn hướng đến những giá trị nhân văn, vì hòa bình và độc lập tự do. Văn hóa truyền thống Việt Nam là nền văn hóa bao dung, cởi mở, hòa đồng, có khả năng chuyển hóa những giá trị của nền văn hóa khác. Giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng mang đến cơ hội để Việt Nam đổi mới tư duy về phát triển văn hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ hai, giao lưu, tiếp biến văn hóa phải được thực hiện trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Trong lĩnh vực văn hóa, cái truyền thống mang tính đặc thù, văn hóa truyền thống tạo nên diện mạo, bản sắc dân tộc, là cái để thế giới nhận ra mình. Giao lưu, tiếp biến văn hóa để một dân tộc hòa nhập mà không hòa tan trong sự phát triển chung của nhân loại. Đây cũng chính là bệ phóng của bất cứ dân tộc nào không muốn tụt hậu để tiến lên cùng thời đại. Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa phản ánh sự phát triển cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trình độ tiên tiến của nền văn hóa không mâu thuẫn với bản sắc văn hóa dân tộc, ngược lại, hai đặc tính này luôn thống nhất biện chứng với nhau, tác động qua lại và quy định lẫn nhau.

Thứ ba, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc phải diễn ra theo hai chiều “cho” và “nhận”. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại không chỉ là quá trình học hỏi, thu nhận những điều hay, tiến bộ để cải biến, nâng tầm giá trị văn hóa dân tộc mà đây còn là cơ hội để mở rộng sự ảnh hưởng của giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới. “Cho” có nghĩa là góp vào kho tàng văn hóa nhân loại những giá trị đỉnh cao của dân tộc mình. “Nhận” có thể dẫn tới một trong hai hệ quả: được hoặc mất. Sẽ là được nếu có ý thức chọn lọc những tinh hoa để góp phần làm giàu vốn văn hóa của dân tộc. Sẽ là mất nếu du nhập bừa bãi văn hóa bên ngoài, không qua sàng lọc. Tiếp thu văn hóa nhân loại không phải là một sự sao chép, học đòi, lai căng mà là một quá trình bổ sung và sáng tạo không ngừng.

Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Nguồn: cucnghethuatbieudien.gov.vn)

Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giúp dân tộc Việt Nam không đứng trước sự lựa chọn giữa đóng hay mở cửa nền văn hóa dân tộc mà nên hấp thụ những yếu tố văn hóa nào, và cải biến chúng ra sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của dân tộc. Điều quan trọng là phải biết tận dụng thời cơ “vàng” mà quá trình giao lưu văn hóa tạo ra để học hỏi, tiếp thu những giá trị tốt đẹp, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của đất nước, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là hướng đến những giá trị tích cực ấy, chứ không phải là sự học đòi, lai căng một cách tràn lan, không có chọn lọc, làm ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa dân tộc như một số quan điểm sai lệch đã đưa ra.

 

[i] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 56.

[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 147.

Phạm Ngân (vienamthingvuong.com