Quận 4 và giang hồ Sài Gòn trước 1975 (1)
Quận 4 chỉ cách Quận 1 đúng một con rạch Bến Nghé. Qua cầu Calmette hoặc cầu Ông Lãnh là cả hai thế giới khác biệt trái ngược nhau hoàn toàn. Từ Quận 1 xa hoa, tráng lệ với những đường phố rộng lớn, những tòa nhà cao tầng bề thế, nhưng chỉ cần phóng tầm mắt về phía Nam, người ta đã thấy cả một sự khác biệt. Sự nghèo khó, bần hàn, và tối tăm.
Trong các bản quy hoạch Sài Gòn, từ Tháng Sáu 1923 của kiến trúc sư Hébrard cho đến khi Toàn quyền Decoux cử hai kỹ sư Pugnaire và Cerutti lập quy hoạch Sài Gòn-Chợ Lớn từ năm 1940 đến 1954 nhằm giãn dân từ trung tâm ra ngoại thành, đều không nhắc gì đến khu vực Quận 4, ngoại trừ việc nhấn mạnh, đây là nơi phát triển hải cảng.
Đến năm 1960, chính quyền giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ quy hoạch tổng mặt bằng Sài Gòn-Chợ Lớn thì cũng chỉ tập trung ở vùng đất giữa Sài Gòn và Chợ Lớn với một số khu dân cư với nhà cao tầng. Cho đến trước năm 1972, các chuyên gia Mỹ và Tổng cục Gia cư đưa ra các phương án quy hoạch định hướng cho Sài Gòn với quy mô phát triển cho mười triệu dân. Tuy nhiên, các phương án đều nhấn mạnh đến việc phát triển Sài Gòn về phía Bắc và Đông Bắc hoặc phía Tây và Tây Bắc, là nơi có nền đất cứng và cao ráo. Không đặt nặng khu vực phía Nam vì đây là vùng kênh rạch, đất trũng, lại còn là nơi thoát triều của Sài Gòn.
Sau năm 1975, người ta phát triển đô thị ở phía Nam Sài Gòn, mở khu quy hoạch đô thị phát triển kinh tế – thương mại – văn hóa hướng ra biển. Có những thuận lợi cũng như có rất nhiều ách tắc, vướng mắc, bất cập khi thực hiện, ví dụ như khi mở khu công nghiệp thì có dự án ma hoặc thả nổi kéo dài, đẩy giá đất, chuyện giải tỏa đền bù, chuyện triều cường, sình lầy ngập nước mùa mưa… rất nhiều chuyện.
Như vậy trên bản đồ xưa, Quận 4 chỉ có rẻo đất ven sông Sài Gòn là nơi xây dựng cảng Sài Gòn. Ngoài trục đường Trịnh Minh Thế và Hoàng Diệu vuông góc với nhau tạo chữ L là có nhà phố đàng hoàng, còn những khoảng trống trong ô vuông đó phát triển tự do với những khu ổ chuột lụp xụp.
Quá trình đô thị hóa ở Quận 4 bắt đầu từ sau năm 1954, khi chiến tranh ngày càng lan rộng khắp miền Nam, nhiều nông dân mất nhà cửa vì bom đạn hay lo sợ đã ùn ùn kéo lên Sài Gòn kiếm sống. Không có quy hoạch, người ta thi nhau chiếm đất, cất chòi, nhà nọ nối nhà kia rẽ ngang rẽ dọc, không biết bao nhiêu “xoẹt” hay “xuyệt” (sur) với những con số đằng sau. Hẻm chia nhiều ngóc ngách chằng chịt.
Những khu nhà ổ chuột như thế mọc lên dày đặc ven các kênh rạch chằng chịt. Dân tứ xứ đến vùng đất Quận 4 trú chân, ngày ngày bươn chải kiếm sống, chiều tối về lại trong những ngôi nhà ổ chuột lụp xụp thuê mướn rẻ tiền được gá tạm bợ bằng tôn hay ván cũ để che mưa nắng. Mỗi căn nhà chỉ độ hơn chục mét vuông có khi cả một đại gia đình ở chung với nhau. Tối họ nằm ngủ xếp lớp cạnh nhau, mơ ngủ quơ chân tay là đụng ngay vào người kế bên.
Nhà văn Sơn Nam có nói một chút về Quận 4: “Rạch cầu Ông Lãnh xưa do ông Lãnh sự xuất tiền ra làm nên mới có tên là cầu Ông Lãnh”. Nhưng cũng người nói là do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, trấn thủ đồn Cây Mai, một vị tướng chống Pháp vào thế kỷ 18-19 ở Sài Gòn đã cho bắc cây cầu này qua rạch, ban đầu làm bằng gỗ, đến năm 1928, người Pháp cho xây lại bằng xi măng. Còn theo sách Địa chí tỉnh Gia Định xưa thì chợ cầu Ông Lãnh là ngôi chợ được xây cất rất sớm ở Sài Gòn, khoảng năm 1864, ngay sau đó chợ Cầu Muối cũng được lập.
Cái tên “Cầu Muối” bắt nguồn từ việc ngày xưa các ghe muối từ miền Trung, miền Tây đổ về các kho muối ở Sài Gòn nằm bên trong rạch Bến Nghé, khi ấy đường Nguyễn Thái Học ngày nay còn là một con rạch nhỏ cho ghe thuyền đi sâu vào kho trữ muối. Cả hai chợ đều là nơi “trên bến dưới thuyền”. Giao thương tấp nập nên nhiều người Hoa và dân lao động tứ xứ kéo đến đây dựng chòi lập ra chợ Cầu Muối.
Hàng quán ở chợ Cầu Muối phát triển, tiểu thương họp chợ càng đông, lượng hàng hóa càng lớn kéo theo đội quân bốc vác tăng lên. Tình trạng tranh giành trong làm ăn bắt đầu xảy ra. Lúc này, dân “cửu vạn” lập thành những nhóm nhỏ để thầu việc bốc xếp hàng hóa thì giới kinh doanh cũng cần bảo kê để yên ổn làm ăn. Một thế lực đen với những cái tên xuất hiện. Từ đó, chuyện đâm chém giữa các băng nhóm giang hồ tranh giành địa bàn diễn ra. Người làm ăn cũng phải trở nên dữ dằn để có thể tồn tại ở khu vực khốc liệt này.
Sau này rạch Cầu Muối đã bị lấp, để xây đại lộ Kitchener, là đường Lò Heo, bởi khu này xa xưa có lò mổ heo, sau đó tên đường là Nguyễn Thái Học. Chợ Cầu Muối đã không còn gần với bến sông nữa, bởi rạch đã lấp. Dân tứ xứ lại đến dựng chòi trên khu vực sình lầy này để ở. Từ những năm 1950-1965, chợ Cầu Muối được ví như “bến Thượng Hải” ở Việt Nam.
Trước năm 1975 và sau đó cho đến năm 2003, chợ Cầu Muối nằm ở góc phía Bắc đường Cô Giang và Nguyễn Thái Học ngày nay. Chợ Cầu Muối về sau này, từng rơi vào tay trùm Nguyễn Văn Minh tức “Minh cầu Muối”. Minh đã xây dựng một đế chế cai quản với cả trăm đàn em, vừa bảo kê hoạt động kinh doanh của các chủ hàng vừa điều binh khiển tướng đội khuân vác, lái xe chở hàng. Nội quy mà “Minh cầu Muối” đưa ra: “Đôi bên cùng có lợi, sạp hàng tồn tại thì chúng ta tồn tại”.
Sau năm 1975, nhiều vùng đất dữ ở Sài Gòn bị xóa sổ, nhưng rồi một ông trùm mới nổi lên ở chợ Cầu Muối là Châu Phát Lai Em, một đàn em Năm Cam. Ông trùm này ép các chủ hàng, tiểu thương cho nhóm đàn em của mình thầu việc bốc xếp và nộp tiền bảo kê hằng tháng. Nhưng dần dần các băng nhóm giang hồ không còn có thể dùng “luật ngầm” để hưởng lợi từ tiểu thương. Họ bị bắt, đưa đi cải tạo. Mọi thứ thay đổi. Đến năm 2003, chợ Cầu Muối dời ra Thủ Đức.
Thực ra khi xưa khu vực chợ Cầu Muối và chợ cầu Ông Lãnh nằm trong vùng “ba chợ” ở Sài Gòn. Vùng này trước kia còn có khu bán đồ khô tạp hóa, bị hỏa hoạn cháy rụi, chính quyền lúc đó cho xây lại, thành một chợ có tên “Chợ Cháy”. Do đó mà dân ở nơi này được gọi là “dân ba chợ”. “Ba chợ khi ấy là một xóm náo nhiệt nhất Sài Gòn xưa. Chợ này cách chợ kia chỉ chừng vài trăm mét. Đó là chợ cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối và chợ Cháy. Hàng hóa từ các tỉnh đưa về đây hoặc từ đây đưa đi các tỉnh thường là vào ban đêm.
Người tập trung buôn bán đến cả ngàn, riêng phu khuân vác cũng đông đến hai ba trăm người. Tính từ năm thành lập 1875 đến năm giải tỏa, xóm “ba chợ” xưa hiện hữu, kinh doanh buôn bán liên tục được ít nhất 128 năm. Người ta còn kể rằng vụ cháy lớn ở chợ Cầu Muối gần cầu Ông Lãnh năm 1971, sở cứu hỏa đã phải điều động hơn mười xe chữa cháy đến, nhưng vì lúc đó chợ đang rất đông, nhà cửa chằng chịt, san sát nhau nên rất khó vào, phải truyền tin gấp xuống Biên Hòa nhờ Không quân hỗ trợ. Trực thăng và máy bay CH 47 Chinook đã cất cánh về Sài Gòn chữa cháy kịp thời nên chỉ thiệt hại về vật chất, không có thương vong.
Sau năm 1975, với việc đô thị hóa, nhiều hộ dân đã bán nhà, dời đi nơi khác. Quận 4 thay đổi nhiều, từ hình thức đến tính chất xã hội. Nhưng trong tâm trí của người Sài Gòn khi nhớ về Quận 4 xưa, có thể vẫn còn hãi hùng từ những địa danh như Kho 5, khu Hai mươi thước, hẻm 148 Tôn Đản, xóm Oxi gạch, xóm Dừa, hẻm chùa Giác Quang, ô Cầu Dừa, hãng Phân, xóm Dừa, khu sân banh Gò Mụ, Viện Bài Lao, hẻm Hiệp Thành đầy tai tiếng.
Nếu như người ta nói Chí Phèo trong tác phẩm văn học của Nam Cao như một cá nhân có cuộc đời đen tối bế tắc, bị “lưu manh hóa” do xã hội thì tôi lại chợt nhớ đến một bài hát do Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác trước 1975 được nhiều người biết mà nhiều thanh niên lúc bấy giờ cảm thấy chơi vơi, tối tăm, như là một vết tích “du đãng hóa” trước thời cuộc. Bản nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, viết về một cuộc đời của tay giang hồ Sài Gòn, Đại Cathay ngày ấy, một cuộc đời tội lỗi, khép lại ở tuổi đời 26.
Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Cởi mở lòng ra với cõi đời
Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó, ôi
còn in những vết thù.
_______________
Bài 2: “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”