Quan điểm của Đảng về đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay

Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này thể hiện tư duy mới về đổi mới toàn diện về công tác cán bộ của Đảng ta; cũng là yêu cầu khách quan và quan điểm chỉ đạo về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, trình độ, bản lĩnh và năng lực, đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của cách mạng Việt Nam.

Ảnh minh họa: Internet

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ “then chốt của vấn đề then chốt”; cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”(1).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm, những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, kể cả khi đã chuyển công tác.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao”(2). Công tác cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng; xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phần lớn đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, được Nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Đảng ta thẳng thắn đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”(3). Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt được mục đích đề ra. Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời. Bên cạnh đó: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất”(4). Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu có nguy cơ ngày càng tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

GIẢI PHÁP TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. 

Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp cơ bản nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo và bảo vệ cán bộ: “Đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị”(5). Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của Nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà nòng cốt là các cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là cơ quan tổ chức, cán bộ. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt, mật thiết với Nhân dân; phải thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Cần xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ; kết hợp nhiều hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng thông qua thực tiễn công tác, học tập, rèn luyện… của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ. Công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng đúng cán bộ là khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ, tuy nhiên, đánh giá cán bộ phải trên quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng những cán bộ đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ thiếu về phẩm chất và năng lực ở những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết kéo dài. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền và xử lý nghiêm những cán bộ suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật Nhà nước. 

Đánh giá cán bộ là một nội dung quan trọng để lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ. Do đó, công tác đánh giá, xếp loại cán bộ sau đào tạo phải được thực hiện đúng theo quy định, bảo đảm khách quan, dân chủ, phát huy trách nhiệm của tập thể và cá nhân; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, nhận xét, đánh giá sát thực tế, cụ thể, công tâm, khách quan. Đây là cơ sở để việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao.

Căn cứ vào kết quả đánh giá để rút ra nhận xét, kết luận về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng, triển vọng phát triển của từng cán bộ để bổ nhiệm, đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, đồng thời đưa những người không đủ tiêu chuẩn, tha hóa, biến chất ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội. Nghiêm khắc nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, địa phương để rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới. Theo đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ trong diện quy hoạch. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm, những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết nội bộ, kể cả khi đã chuyển công tác.

Ba là, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ quản lý.

Cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực tiễn quá trình thực hiện chủ trương này cho thấy, ở những nơi bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, tình hình kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; lề lối, phong cách, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở địa phương dần đi vào nền nếp, ổn định, khoa học hơn. Nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết; nội bộ đoàn kết, tạo bầu không khí, xung lực mới tại địa phương, cơ sở… điều này khẳng định, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là đúng đắn. Bên cạnh đó, thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng đồng bào dân tộc, vùng có nhiều khó khăn để đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác tư tưởng; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với các trường hợp do ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế./.

————————

Ghi chú:

(1),(2),(3),(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.230, tr.219-220, tr.222-223, tr.230.

(5) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 05/8/2021.

 

Th.S Nguyễn Văn Hưng – Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội

 

Theo: https://tcnn.vn/