Quản lý Nhà Nước về DI SẢN VĂN HÓA và vấn đề BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ trong THỜI KỲ HỘI NHẬP

TS. NGUYỄN THỊ THU TRANG
(Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch)

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa có thể hiểu là quản lý hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, trước hết, để giữ gìn lâu dài các giá trị văn hóa tiêu biểu của đất nước hiện đang tích hợp/vật chất hóa trong các di sản văn hóa với tư cách là nguồn thông tin khoa học chân thực, có khả năng cung cấp tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm sống, bài học lịch sử có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, quản lý hoạt động bảo tồn di sản văn hóa còn phục vụ mục tiêu giáo dục, hình thành các nhân cách văn hóa và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về văn hóa phải căn bản dựa trên mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.

1. Thiết lập cơ sở pháp lý và khoa học – công cụ quản lý để tác động đến đối tượng bị quản lý nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản đặt ra

     Quản lý di sản văn hóa là quản lý các hoạt động của con người/ cộng đồng xã hội (nghiên cứu, kiểm kê, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị,…) có thể tác động ở cả hai chiều thuận và nghịch tới di sản văn hóa. Có thể hiểu, quản lý di sản văn hóa là thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và cộng đồng dân cư địa phương nơi có di sản cần được bảo vệ, phát huy. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa được thể hiện ở các dạng hoạt động chủ yếu sau:

     –   Bảo vệ di sản về mặt pháp lý và khoa học (nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xếp hạng di tích hoặc đưa vào các danh mục di sản quốc gia và quốc tế).

     –   Bảo vệ di sản về mặt khoa học – kỹ thuật (bảo quản, tu bổ, gia cường – đối với di tích và kiểm kê, tư liệu hóa, phục dựng – đối với di sản phi vật thể, kéo dài tuổi thọ và củng cố sức sống của di sản).

     –   Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững về kinh tế, xã hội (trao truyền, trình diễn, giới thiệu, quảng bá,…).

     Về mặt chiến lược, quản lý nhà nước về di sản văn hóa đặt ra những nhiệm vụ chính phải thực hiện như sau:

     –   Nhận dạng các mặt giá trị tiêu biểu của di sản, tình trạng kỹ thuật, hiện trạng môi trường thiên nhiên và xã hội xung quanh di sản.

     –   Làm rõ các yếu tố tác động tới di sản để có định hướng kiểm soát những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới sự toàn vẹn và làm suy giảm giá trị của di sản.

     –   Nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thiểu những xung đột có thể xảy ra trong quá trình bảo tồn và phát triển trong khu di sản, cũng tức là tạo lập sự cân bằng động giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội.

     –   Phát huy giá trị, truyền thông giáo dục, hình thành thái độ ứng xử văn hóa cho các cộng đồng có hoạt động liên quan tới di sản.

     –   Huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời đầu tư thỏa đáng cho hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

     Quản lý nhà nước về di sản văn hóa là sử dụng cơ chế, chính sách thông qua bộ máy quản lý tác động có tính chất định hướng tới cộng đồng xã hội nhằm đạt được mục tiêu đề ra mà không làm thay và đặc biệt là không “khoán trắng” cho dân. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế đều chỉ rõ, muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, cần thiết lập được những điều kiện cần và đủ cho tất cả các mặt hoạt động.

     –   Ban hành một cơ chế, chính sách phù hợp cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh có tác động nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa, tạo động lực cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

     –   Xây dựng và củng cố hệ thống quản lý và khoa học đủ mạnh, có khả năng triển khai trong đời sống xã hội các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

     –   Đào tạo nguồn nhân lực (nhân lực quản lý, cán bộ khoa học – kỹ thuật) có chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

     –   Truyền thông giáo dục di sản văn hóa nhằm từng bước thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, xác định rõ trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức trong việc tham gia các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

     –   Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nhất là tập trung đầu tư cho việc bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh ở tầm quốc tế và quốc gia cũng như những di sản có nguy cơ xuống cấp và mai một.

2. Nhận diện giá trị di sản văn hóa phi vật thể – tiền đề khoa học cho hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa

     Di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc, luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ lẫn nhau, nhưng có tính độc lập tương đối. Di sản văn hóa vật thể tồn tại dưới dạng công trình, địa điểm, di vật, cổ vật là kết tinh của trí tuệ, tài năng của những người thợ thủ công qua nhiều thời đại, còn di sản văn hóa phi vật thể lại là cái vô hình, tiềm ẩn trong trí nhớ và được biểu hiện thông qua hành vi và các kỹ năng, bí quyết do nghệ nhân nắm giữ – chủ thể sáng tạo di sản, di sản đó được lưu truyền lại bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề thông qua thực hành, trình diễn.

     Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” [Luật Di sản văn hóa 2009] và chia thành các loại hình:

– Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam;

– Ngữ văn dân gian;

– Nghệ thuật trình diễn dân gian;

– Tập quán xã hội và tín ngưỡng;

– Lễ hội truyền thống;

– Nghề thủ công truyền thống;

– Tri thức dân gian[1].

     Di sản văn hóa phi vật thể gắn chặt với sáng tạo của mỗi cá nhân hoặc nhóm người sở hữu bí quyết nghề nghiệp, cách thức truyền nghề. Di sản văn hóa phi vật thể dễ bị mai một, thất truyền bởi các đặc trưng:

     – Là di sản “sống”, tồn tại trong/cùng những con người cụ thể và chỉ được biểu hiện bằng hành vi, cử chỉ, ngôn từ của họ với sự phụ trợ của những công cụ khác nhau như nhạc cụ, trạng phục, vật liệu sản xuất,… trong môi trường thực hành, diễn xướng cụ thể;

     – Là sản phẩm tinh thần của cộng đồng được tích lũy qua nhiều thế hệ nhưng lại biểu hiện qua sự tiếp nhận và hành vi của từng con người cụ thể nên mang dấu ấn cá nhân và vai trò sáng tạo của cá nhân;

     – Được duy trì thông qua phương thức truyền miệng, truyền nghề, phụ thuộc vào trí nhớ và ý thức chủ quan của cá nhân nắm giữ, thực hành, tái tạo và chuyển giao nên di sản văn hóa phi vật thể rất “mong manh” và hàm chứa đặc tính biến đổi qua thời gian. Nói một cách dễ hiểu, khi nghệ nhân qua đời thì kỹ năng, bí quyết do nghệ nhân đó nắm giữ có thể mất đi vĩnh viễn;

     – Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có thể được bồi đắp, biến đổi theo thời gian nên rất khó xác định tính nguyên bản, tính chân xác lịch sử.

     Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, coi nó chỉ là một bộ phận phụ thuộc của di sản văn hóa vật thể (thực tế có cả phụ thuộc và không phụ thuộc) mà không phải là một di sản có tính độc lập tương đối. Vì thế, việc bảo vệ và phát huy giá trị đã chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị biến dạng và thậm chí mai một, thất truyền. Trong xã hội hiện nay, tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn. Di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng các mặt giá trị tiêu biểu sau đây:

     – Giá trị lịch sử, gắn với những sự kiện hay ký ức lịch sử quan trọng, những nhân vật lịch sử và huyền thoại, những anh hùng văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn, có công lao với cộng đồng, đất nước;

     – Giá trị văn hóa, thể hiện tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng, qua đó biểu hiện nét độc đáo về văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc; nơi gìn giữ những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc;

     – Giá trị khoa học, gắn với những tri thức về tự nhiên và vũ trụ, những kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm sống được tích luỹ trong quá trình hoạt động của con người;

     – Giá trị kinh tế, là phương tiện giao lưu văn hóa đồng thời là một sản phẩm văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống hấp dẫn phục vụ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

     Di sản văn hóa phi vật thể vì thế, được hiểu là tập hợp các hình thức biểu đạt mang tính văn hóa và xã hội đặc trưng cho tri thức cộng đồng thông qua các cá nhân và bắt rễ trong truyền thống, là “một bộ phận cơ bản và có tầm quan trọng không kém các loại hình di sản khác trong kho tàng di sản của nhân loại” [Koiichiro Matsuura, Amarreswar Galla 2004: 18].

3. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể- thiết lập và triển khai hệ thống pháp luật để bảo vệ và phát huy

     Năm 2001, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Di sản văn hóa, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, hai loại hình di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đều trở thành đối tượng điều chỉnh của luật pháp. Đây là một bước chuyển biến lớn lao trong nhận thức của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về di sản văn hóa. Năm 2009, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa được thông qua. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cũng kịp thời được nghiên cứu, xây dựng, nhằm đưa ra những quy định chi tiết, cụ thể việc thi hành Luật trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình hội nhập, như:

     – Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Chương II của Nghị định đã xác định rõ những nội dung cụ thể liên quan tới việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể: Lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đệ trình UNESCO ghi danh tại các Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Phong tặng Danh hiệu và chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

     – Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định quy định cụ thể các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cũng như quy trình, thủ tục đề nghị xét tặng hai danh hiệu cao quý này. Những quy định đó đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

     – Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã quy định cụ thể chính sách đãi ngộ đối với người có công gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

     – Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

     Có thể nói, các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai những nhiệm vụ cơ bản liên quan tới hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

     Năm 2005, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO, Việt Nam đã trở thành một trong 30 nước đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này. Từ 2006, Công ước 2003 đã trở thành công cụ giúp cho việc thực thi hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam có những bước tiến mới. Cho đến nay, Việt Nam có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Việc các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia và các Danh sách của UNESCO đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

4. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ hội nhập

     Văn hóa ngày càng được nhìn nhận như là một lực lượng dẫn đường và tạo động lực của phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, cùng với các ngành công nghiệp sáng tạo, ngành du lịch văn hóa trở thành một “ngành sản xuất”, tạo ra của cải xã hội và ngày càng chiếm một tỉ trọng lớn trong ngân sách mỗi quốc gia. Vấn đề đặt ra đối với các quốc gia thành viên tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003 là làm thế nào để di sản văn hóa phi vật thể đóng góp nhiều hơn vào quá trình hội nhập. Do đó, UNESCO đã rất nỗ lực để đưa di sản văn hóa vào trong chương trình nghị sự phát triển bền vững quốc tế và cho ra đời một chương mới trong Hướng dẫn Công ước 2003, khẳng định tầm quan trọng của di sản “sống” đối với hội nhập và phát triển bền vững: “Các hoạt động thương mại có thể xuất phát từ một vài loại hình di sản văn hóa phi vật thể và việc trao đổi các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản đó và tạo thu nhập cho người thực hành. Chúng có thể góp phần cải thiện mức sinh hoạt của các cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản, nâng cao kinh tế địa phương, và góp phần tăng cường liên kết xã hội”4. Hướng dẫn cũng đề cập cụ thể quyền thụ hưởng giá trị kinh tế do di sản mang lại của cộng đồng: “Các hoạt động không được đe dọa sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, và mọi biện pháp phù hợp phải được thực hiện nhằm đảm bảo rằng các cộng đồng có liên quan là những người hưởng lợi chính”5. Nội dung chương này cũng chứng minh rằng, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ có lợi đối với việc cải thiện an sinh xã hội và văn hóa của các cộng đồng, cũng như động viên sự sáng tạo văn hóa phù hợp với các điều kiện phát triển khác nhau.

     Ở Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp cho hòa bình và an ninh – điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cho phép cộng đồng các dân tộc hướng tới sự tham gia toàn diện vào việc ngăn ngừa tranh chấp, xây dựng hòa bình và thịnh vượng. Quán triệt nội dung Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần” của xã hội; là động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững6, là cơ sở hết sức quan trọng để tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay [Nguyễn Ngọc Thiện 2017: 41].

     Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa hiện hành về cơ bản đã tạo ra cơ chế thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ hội nhập. Để di sản văn hóa phi vật thể phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học cũng như khẳng định vai trò “thể hiện bản sắc của cộng đồng” các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, cần có sự chung tay của Chính quyền và ngành văn hóa các cấp cũng sự tự nguyện, đồng thuận của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trong các hoạt động:

     – Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể: Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, trước hết cần nhận diện đầy đủ được các mặt giá trị và sức sống của di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, cả 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này và đã kiểm kê được gần 60.000 di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, các địa phương cần đầu tư hơn nữa cho nội dung này.

     – Lựa chọn di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Đến nay, đã có 221 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục, thể hiện sự tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sự khác biệt văn hóa giữa các cộng đồng quốc gia, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta;

     – Truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể: Di sản văn hóa phi vật thể hiện hữu trong từng con người, vì thế, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ chủ thể nắm giữ di sản văn hóa. Triển khai Nghị định số 62/2014/NĐ-CP và Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, tại đợt xét tặng lần thứ nhất năm 2015, đã có 617 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và có 07 Nghệ nhân ưu tú thuộc đối tượng có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ theo quy định.

     Các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cũng được tổ chức tại nhiều địa phương, thu hút các nghệ nhân xuất sắc đến truyền dạy và các học viên thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi theo học: triển khai Dự án đào tạo về Nhã nhạc tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế, lớp Truyền dạy Nghệ thuật Bài Chòi tại Đà Nẵng, lớp truyền dạy Ca Trù tại nhiều câu lạc bộ ở Hà Nội, Hải Dương, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại các câu lạc bộ và Trung tâm văn hóa của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, lớp truyền dạy Hát Xoan trong các phường Xoan ở Phú Thọ, lớp học Nghệ thuật Trống đôi, Cồng ba, Chiêng năm ở Phú Yên, truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái trong các đội Xòe của các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, giảng dạy Ca Huế tại trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Học viện Âm nhạc Huế và các lớp truyền dạy Ca Huế miễn phí tại các trung tâm văn hóa, câu lạc bộ Ca Huế và tại nhà các nghệ nhân…

     Di sản văn hóa phi vật thể là một bộ phận cấu thành của tài sản văn hóa quan trọng của vùng, địa phương, lãnh thổ nên nếu được khai thác và phát huy đúng cách thì có thể tạo thêm việc làm, giảm nghèo và bất bình đẳng, tăng cường phát triển kinh tế địa phương, mang lại nguồn lợi sống bền vững cho chính cộng đồng sở hữu di sản. Do đó, song song với việc nhận diện để giữ gìn, bảo vệ di sản, thì khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ hội nhập phải được chú trọng triển khai đồng bộ với các nội dung nêu trên. Cụ thể là:

     – Tuyên truyền và nâng cao nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể, thông qua các cuộc tập huấn hàng năm của Ngành Di sản văn hóa và các đợt tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa tại các địa phương trong cả nước;

     – Đào tạo, xây dựng đạo đức, lối sống, hình thành phẩm chất tốt đẹp và nhân cách cho thế hệ trẻ, từ trong các trường học tới các thiết chế văn hóa như bảo tàng, trung tâm văn hóa, thư viện,… đã được thực hiện ở một số nơi như: 80/90 trường học ở Việt Trì, Phú Thọ đã được gắn kết Hát Xoan với chương trình của nhà trường để giáo dục học sinh về giá trị, ý nghĩa, đặc điểm của Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Triển khai dự án “Xây dựng phương pháp gắn kết việc dạy về di sản văn hóa phi vật thể với các môn học trong nhà trường ở Hà Nội”, “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa – lịch sử ở Hà Nội”, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” với mục đích nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ di sản văn hóa cho học sinh; Chương trình “Sân khấu học đường” đưa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống vào dạy trong hàng nghìn trường tiểu học và phổ thông trung học ở 40 tỉnh, thành phố trên cả nước…

     – Gắn kết giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội: Khuyến khích duy trì tri thức truyền thống, được tích lũy qua nhiều thế hệ đã giúp cho các cộng đồng tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh họ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và ứng phó với thiên tai cũng như những thách thức của biến đổi khí hậu, tạo thêm sức mạnh tinh thần trong cuộc sống mưu sinh cho cộng đồng (phát huy giá trị tốt đẹp của các di sản: Tri thức trồng cây trên hốc đá ở Cao nguyên đá Hà Giang, Lễ Cúng rừng, Lễ Cầu mưa, Lễ hội Cầu ngư, Lễ xuống đồng,…). Trong các lĩnh vực y học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và nghề thủ công truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể cũng góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo thêm thu nhập thông qua trao đổi hàng hóa và bổ sung cho khoa học hiện đại những tinh hoa của tri thức truyền thống;

     – Ứng dụng một cách phù hợp công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong nước và quốc tế;

     – Gắn kết văn hóa với du lịch và thể thao trong các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia và quốc tế, thể hiện bản sắc cộng đồng và sự kết nối, tương hỗ giữa các lĩnh vực. Các văn bản pháp lý đã cho chúng ta điều kiện tạo sự gắn kết này, chúng ta cần có nhận thức đầy đủ để tổ chức được các chương trình có sự gắn kết, để các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch bổ sung và quảng bá cho nhau. Tổ chức việc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể như những di sản sống trong sự phát triển không ngừng và sự hội nhập một cách đa dạng: Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong đó, chú ý kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, chuyên nghiệp (nghệ sĩ) và nghiệp dư (nghệ nhân);

     Di sản văn hóa phi vật thể cần được nhìn nhận như loại tài sản đặc biệt vì đây là loại tài nguyên văn hóa – kinh tế có khả năng gia tăng giá trị theo thời gian. Trong quá trình hội nhập, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ và phát huy để thực sự góp phần vào việc: Trở thành mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển và nhịp cầu giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế.

[1] Điều 2, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

4, 5 Chương IV, Hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể phiên họp thứ 5 (tại Paris, Pháp từ ngày 2 – 4 tháng 6 năm 2014)

6 Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Koiichiro Matsuura (Nguyên Tổng giám đốc UNESCO), Amarreswar Galla, 2004, Museum and Intangble Heritage. – ICOM New, tr. 18.

2. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung) 2009: Điều 4, H., NXB Chính trị Quốc gia.

3. Nguyễn Ngọc Thiện, 2017, “Gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 8(92) (2-2017).

Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”
Trích dẫn: Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng

Nguồn ảnh: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”.
Ảnh: Ban Tu Thư vietnamhoc.net thiết lập tone màu ảnh Nocturnal

Việt Nam Học
(https://vietnamhoc.net)

Xổ số miền Bắc