Quan niệm của Nguyễn Minh Châu về văn chương – Thích Văn Học

1.”Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”

2. Cái nghề viết văn là nghề cắc cớ. Cái sự cắc cớ ở đây hàm chứa cả về nỗi niềm khắc khoải sâu xa và chân thành của người nghệ sĩ đối với những bước thăng trầm của quê hương, của đất nước lẫn sự nhạy cảm của anh ta đối với những biến chuyển phức tạp của đời sống xã hội.

3. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống.

4.Nhà văn rất cần thiết có mặt ở trên đời để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa.

5.Sự thực trên từng dòng, từng trang thấy cả cuộc đời của người cầm bút từ khi còn tấm bé đều được huy động. Toàn bộ cuộc đời anh đều có in dấu trên trang sách.

6.“Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường”… để bênh vực cho những con người không còn ai để bênh vực”.

7.Tôi không nhiệt tình lôi kéo bất kỳ ai, thuyết phục bất kỳ ai về một vấn đề gì mà mình vốn hằng tin. Hãy để cho mỗi người tự đi tìm lấy lẽ phải trái cũng như chân lý và đức tin.

8.Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nỗi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ lớn với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm, với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.

9.Trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đọa, và công việc đó phải là phản ứng tự nhiên của nhà văn”

10.Nghệ thuật nhìn trở lại cuộc sống, nghệ thuật không bao giờ chết. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cái nhìn: sự trường tồn ấy mãi mãi đang nhìn vào khoảnh khắc thực tại. Cái vĩnh cửu đang nhìn cái khoảnh khắc.

11.Văn học bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi của ngày hôm nay, bao giờ cũng phải đối thoại với những người đương thời về những câu hỏi cấp bách của đời sống”.

Xem thêm:

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học