Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh
Tỉnh Quảng Ngãi được xem là cái nôi của nền Văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đông Nam bộ là 3 trung tâm văn minh ở thời đại kim khí, trong đó Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam từ vùng Hà Tĩnh giao thoa với Văn hóa Đông Sơn đến vùng Bình Thuận và vùng trung tâm của văn hóa này nằm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía Bắc Bình Định.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đón nhận Bằng Di sản Quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh.
Mộ chum của người Sa Huỳnh xưa.
Vùng lõi văn hoá Sa Huỳnh cần được bảo vệ đặc biệt rộng hơn 1.600 ha. Văn hóa Sa Huỳnh có cách đây khoảng 3.000 năm, kéo dài đến giai đoạn đồ sắt. Cư dân Sa Huỳnh chính là chủ thể tạo ra văn hóa này. Đây là nền văn hóa bản địa. Không gian Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tại đây, các giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt vẫn còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy.
Mộ vò của người Sa Huỳnh cách nay khoảng 2000 năm.
Với những giá trị độc đáo, cuối năm 2022, Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Để phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Qua đó, xây dựng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, biển đảo độc đáo. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tỉnh hỗ trợ thị xã Đức Phổ phát triển, phục dựng các làng nghề, các hoạt động văn hoá, truyền thống của người dân Sa Huỳnh để hình thành nên các điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn… Đồng thời, xây dựng, phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm du lịch biển đảo Quốc gia theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và kết nối các khu điểm du lịch hiện có của tỉnh, sẽ tạo nên Quảng Ngãi, một điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng”./.