Quảng Trị: Xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh

Quảng Trị là vùng đất chứng kiến nhiều biến động của lịch sử dân tộc Việt Nam. Nơi đây có 562 di tích văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp quốc gia và hàng trăm di tích cấp tỉnh. Với mục tiêu thúc đẩy và phát triển du lịch trong thời kỳ mới tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hành động cụ thể như chuyển đổi số các di sản văn hóa phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hỗ trợ phát triển du lịch thông minh.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch

Với mục tiêu phát triển du lịch quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị, trong đó nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Và lưu ý triển khai các đề án trọng điểm như: Đề án khai thác và phát huy các giá trị, di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; Đề án liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch”. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần tích cực đổi mới trong thời đại công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định, du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam. Gần đây là Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đã đặt mục tiêu: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Quảng Trị hiện có 562 di tích văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn giá trị như: Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, trằm Trà Lộc, rừng sinh thái Rú Lịnh…; các cụm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia (Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm gắn với sự kiện 81 ngày đêm năm 1972,…). Đây là tiền đề để xúc tiến và phát triển du lịch của tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế động lực.

Những kết quả bước đầu

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch của tỉnh, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Sở Khoa học và Công ngh Quảng Trị đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị và một số đơn vị chức năng thực hiện nhiều nghiên cứu như: “Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, “Xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D”, “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”… nhằm góp phần xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Bước đầu các hướng nghiên cứu này đã thu được những kết quả cụ thể và được triển khai áp dụng trong thực tế, hỗ trợ phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Điển hình là cơ dữ liệu (CSDL) số về du lịch Quảng Trị bằng công nghệ GIS, giúp số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu của ngành du lịch theo một cơ chế thống nhất, phục vụ công tác quy hoạch và quản lý du lịch nói riêng và phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung.

Hình 1. Giới thiệu Tour du lịch số Di sản tỉnh Quảng Trị.

Một số sản phẩm đã được đưa vào sử dụng như: (i) CSDL số di sản Quảng Trị (di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, kể cả vật thể và phi vật thể); (ii) Tích hợp các công nghệ GIS-3D, UAV và AI để hỗ trợ khai thác sử dụng; (iii) Xây dựng thành công các ứng dụng: hệ thống thông tin di sản Quảng Trị; các cụm di tích: Thành cổ Quảng Trị, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Cụm di tích Địa đạo Vĩnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh… các ứng dụng sử dụng trên các thiết bị di động thông minh. Những thành công bước đầu này sẽ là tiền đề trong việc số hóa các di tích văn hóa, lịch sử, từ đó thúc đẩy phát triển ngành du lịch thông minh của tỉnh.

Hình 2. Giao diện App Di sản Văn hóa Quảng Trị.

Hình 3. Giao diện chính VR-360 Cụm di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

*

*                    *

Có thể nói, những kết quả mà Quảng Trị đã đạt được trong việc xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh thông qua các đề tài khoa học là cơ sở quan trọng cho việc số hóa các di sản văn hóa, hỗ trợ tiếp cận du lịch thông minh trong công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Các sản phẩm như ứng dụng Di sản Văn hóa Quảng Trị sẽ hỗ trợ cho du khách tiếp cận các điểm du lịch; hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa – du lịch, giúp các công ty dịch vụ du lịch sử dụng sản phẩm để hỗ trợ cho quảng bá các dịch vụ du lịch của đơn vị, đồng thời giới thiệu các thông tin du lịch đến với du khách trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Tuấn Anh, Phan Thị Hoa Lợi (2017), “Công nghệ GIS cho giáo dục di sản”, Kỷ yếu Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2017, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, tr.443-454.

2. Phan Thị Hoa Lợi, Phan Tuấn Anh (2017), “Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kỹ thuật và Công nghệ, 126(2A), tr.177-188.

3. Phan Tuấn Anh, Phan Thị Hoa Lợi (2017), “GIS technology applications for building database of Quang Tri promotion and development of tourism”, International Conference on Earth Observations and Natural Hazards 2017.

4. Phan Tuấn Anh, Phan Thị Hoa Lợi (2018), “Xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D”, Kỷ yếu Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2018, NXB Nông nghiệp, tr.491-499.

5. UBND tỉnh Quảng Trị (2022), “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”, Đề tài khoa học cấp tỉnh.