Quỹ bitcoin lớn nhất thế giới bị cuốn vào ‘cơn bão’ FTX – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
(KTSG Online) – Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), quỹ bitcoin lớn nhất thế giới với tài sản ròng hơn 10 tỉ đô la Mỹ, đang bị vạ lây bởi cơn hỗn loạn liên quan đến cú sụp đổ của FTX, sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ 3 thế giới. Cổ phiếu của GBTC đang giao dịch thấp hơn 45% so với giá trị tài sản mà quỹ này đang nắm giữ. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy “khẩu vị” của giới đầu tư đối với tài sản kỹ thuật số đang nhạt dần.
GBTC được thành lập vào năm 2013 và là thành viên của Digital Currency Group, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Stamford, bang Connecticut, Mỹ.
Đây là quỹ đầu tư tín thác tiền ảo đầu tiên và thành công nhất. Tín thác có nghĩa là nhà đầu tư ủy thác cho một công ty nắm giữ tài sản của mình với mục đích đầu tư sinh lời. Trong trường hợp của GBTC, tài sản là đồng bitcoin. Các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của GBTC để gián tiếp sở hữu bitcoin mà quỹ này đang nắm giữ. Hiện tại, điều kiện tiên quyết để tham gia quỹ GBTC là khách hàng phải đầu tư tối thiểu 50.000 đô la Mỹ và đóng phí 2% trên tổng tài sản của họ mỗi năm.
Dữ liệu từ nền tảng giám sát thị trường CoinGlass cho thấy tỷ lệ chênh lệch giữa tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu GBTC so với giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ này đang ở trong tình trạng tồi tệ trong những ngày gần đây.
Trưa 19-11, theo giờ Việt Nam, tỷ lệ chênh lệch này giảm sâu hơn nữa về mức âm hơn 45% do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu GBTC. Hiểu một cách đơn giản, giá cổ phiếu GBTC đang chiết khấu hơn 45% so với giá trị thị trường của tài sản bitcoin mà quỹ này nắm giữ.
GBTC đang nắm giữ 633.570 bitcoin, tương đương hơn 10,5 tỉ đô la Mỹ, tính theo giá thị trường của bitcoin hôm 18-11.
Cú sụp đổ giá cổ phiếu GBTC đã khiến các nhà đầu tư của quỹ này mất 83% giá trị tài sản kể từ khi giá bitcoin đạt đỉnh vào tháng 11-2021, vượt mức giảm 74% của chính bitcoin trong cùng thời kỳ.
Niềm tin vào tài sản kỹ thuật số đã bị ảnh hưởng bởi quyết định nộp đơn xin phá sản của sàn giao dịch FTX mới đây. Hậu quả của sự kiện này đang lây lan khắp ngành công nghiệp tiền ảo trị giá gần 1 nghìn tỉ đô la Mỹ do mối liên kết phức tạp và thường không rõ ràng giữa các bên liên quan.
Nỗi sợ hãi ập đến với nhà đầu tư của GBTC vào hôm thứ Tư (16-11) khi Công ty môi giới tiền điện ảo Genesis Trading, nơi đã phê duyệt các khoản vay tiền ảo trị giá hơn 50 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, đình chỉ hoạt động rút tiền và phê duyệt các khoản vay mới tại đơn vị cho vay của công ty này.
GBTC và Genesis Trading đều là công ty con của Digital Currency Group. Genesis Trading được GBTC ủy thác phát hành cổ phiếu mới có tên gọi Grayscale Securities, cho đến tháng trước khi GBTC ra mắt bộ phận môi giới nội bộ.
Digital Currency Group cũng là cổ đông lớn nhất của GBTC, nắm 4,1% cổ phần, tương đương 28,2 triệu cổ phiếu, theo dữ liệu của Refinitiv.
Vấn đề trọng tâm của GBTC là quỹ này thất thế trước sự xuất hiện của các công cụ tốt hơn để nắm giữ bitcoin.
Năm 2013, GBTC ra mắt dưới hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ và nó là một trong số ít tín quỹ bitcoin vào thời điểm đó. Khi ngành công nghiệp tiền ảo mở rộng, quỹ này đã nhanh chóng tăng phát hành cổ phiếu để hấp thụ làn sóng tiền mặt ập đến.
Theo dữ liệu của Morningstar, giá trị tài sản ròng của GBTC đạt đỉnh 39,8 tỉ đô la Mỹ vào tháng 10-2021 và trong nhiều năm cổ phiếu GBTC được giao dịch ở mức giá cao hơn so với tài sản ròng của nó.
Tuy nhiên, GBTC đã trở nên lép vế bởi sự xuất hiện của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin đầu tiên ở Canada vào năm ngoái. Phí của các quỹ ETF này thường thấp hơn một nửa so với mức phí 2%/ năm của GBTC. Các quỹ ETF bitcoin mới cũng cung cấp tính thanh khoản cao hơn. Khi các dòng tiền rời khỏi GBTC, cung và cầu đối với cổ phiếu của quỹ này mất cân đối nghiêm trọng, đẩy giá cổ phiếu giảm mạnh so với giá trị tài sản ròng.
Vấn đề cơ bản là không giống như các quỹ ETF bitcoin, GBTC không có cơ chế giao dịch chênh lệch giá để đưa cung và cầu trở lại trạng thái cân bằng. Cổ phiếu GBTC không thể được quy đổi sang bitcoin hoặc tiền mặt trên các sàn giao dịch lớn mà chỉ có thể được bán cho người mua khác thông qua thị trường tự do. GBTC cũng cần sự đồng ý của các cơ quan quản lý ở Mỹ để thiết lập chương trình mua lại cổ phiếu của họ.
GBTC đang muốn chuyển thành quỹ ETF bitcoin giao ngay để có thể giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán quốc gia, chẳng hạn như sàn Nasdaq. Nhưng Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã ngăn chặn kế hoạch này. GBTC đang kiện SEC để đòi quyền chuyển đổi GBTC sang quỹ ETF bitcoin giao ngay. Tuy nhiên, mức chiết khấu giá cổ phiếu GBTC ngày càng mở rộng cho thấy có ít người tham gia thị trường tin rằng GBTC có khả năng thắng kiện.
“Nếu GBTC thắng kiện thì bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được an toàn và mức chiết khấu cổ phiếu GBTC sẽ giảm mạnh vì quá trình phát hành và mua lại cổ phiếu có thể diễn ra tự do”, Todd Rosenbluth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty VettaFi, nói.
Nate Geraci, Chủ tịch The ETF Store, cho biết: “Cấu trúc của GBTC rõ ràng là dưới mức tối ưu vì quỹ này không mua lại cổ phiếu”.
Một số nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với GBTC. Trong tuần này, Ark Investment Management, cổ đông lớn thứ 3 của GBTC, đang nắm giữ 1% cổ phần, đã mua thêm 2,8 triệu đô la Mỹ cổ phiếu của GBTC.
Hồi tháng 10, Cathie Wood, Giám đốc điều hành Ark Investment Management, cho biết GBTC đang được giao dịch với mức giá chiết khấu cực sâu trong khi khả năng nó sẽ được chuyển đổi thành quỹ ETF vào một thời điểm nào đó. Nền tảng giao dịch và cho vay tiền tiền ảo BlockFi, cổ đông lớn thứ hai, đang nắm giữ 2,9% cổ phần GBTC, cũng đã tạm dừng việc rút tiền gửi của khách hàng do “tiếp xúc đáng kể” với FTX.
Peter Tchir, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại Academy Securities, đưa ra triển vọng GBTC sẽ được phép mua lại một lượng lớn cổ phiếu, sau đó thanh lý quỹ. Lúc đó, GBTC có khả năng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, đủ để bù đắp cho khoản mất mát thu nhập từ phí và giúp bảo vệ các nhà đầu tư bên ngoài trong quá trình này.
Tuy nhiên, Geraci cảnh báo vẫn có nhiều khả năng mức chiết khấu cổ phiếu GBTC còn mở rộng hơn nữa, “đặc biệt là nếu cú sụp đổ FTX lây lan rộng hơn và gây áp lực lên toàn bộ không gian tiền ảo”.
Theo Financial Times