Quy trình 5 bước bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị trong nhà máy

13.12.2022
2385
doantrangbc

Bạn thường nghe nhắc nhiều đến cụm từ “bảo trì thiết bị”, vậy bạn có hiểu rõ bản chất của công việc này là gì? Cũng như phương pháp và quy trình cụ thể ra sao? Bài viết sau đây của Vieclamnhamay.vn sẽ giúp bạn giải đáp những điều này.

Trong ngành công nghiệp sản xuất việc bảo trì máy móc thiết bị là một công việc không thể thiếu và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp. Mỗi đơn vị nên xây dựng cho mình quy trình, phương pháp và đội ngũ bảo trì phù hợp. Cùng tham khảo quy trình chuẩn 5 bước trong bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị được áp dụng tại các nhà máy, xí nghiệp hiện nay.

Quy trình bảo trì máy móc

​​Bảo trì thiết bị được hiểu là gì?

Bảo trì là hoạt động chăm sóc về mặt kỹ thuật, sửa chữa, điều chỉnh hay thay thế một số linh kiện, chi tiết bên trong các loại máy móc, thiết bị nhằm mục đích duy trì hoặc khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường của máy móc sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định.

Vì sao cần bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị?

Như đã biết cùng với con người thì máy móc thiết bị là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất. Việc bảo trì bảo dưỡng máy móc thiết bị đúng cách đúng thời điểm rất quan trọng, chúng mang lại những lợi ích như:

– Giảm thiểu hao mòn, hư hỏng, kéo dài tuổi thọ của máy móc

Thường xuyên kiểm tra sẽ giúp phát hiện những lỗi phát sinh trong quá trình vận hành, từ đó ngăn chặn được những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra gây hư hỏng, hao mòn máy móc. Bảo trì đúng cách giúp máy móc kéo dài tuổi thọ sử dụng, phục vụ tốt hơn và an toàn cho người sử dụng.

– Nâng cao hiệu suất sử dụng của các trang thiết bị, máy móc

Máy móc thiết bị tuy là những vật vô tri nhưng chúng cũng biết “mệt mỏi” sau quá trình làm việc dài, vòng đời của máy móc trải qua các giai đoạn : Vận hành – hỏng hóc – sửa chữa – vận hành – thay thế, tuy nhiên thời gian cho vòng đời của máy móc có thể sẽ kéo dài khác nhau nếu chúng được bảo dưỡng, bảo trì hợp lý.

bảo trì máy móc thiết bị trong nhà máy

– Đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra ổn định

Đương nhiên nếu máy móc hoạt động tốt sẽ giảm thiểu tối đa thời gian chết do hỏng hóc, sửa chữa, tránh những gián đoạn trong quá trình sản xuất từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh diễn ra ổn định hơn.

Có thể bạn quan tâm: Bản mô tả công việc Tổ trưởng Bảo trì trong nhà máy 

Các phương pháp bảo trì thiết bị hiệu quả

Phương pháp bảo trì được xây dựng và áp dụng tùy theo mục đích và khả năng của từng doanh nghiệp. Các phương pháp này ngày càng có nhiều thay đổi và tiến bộ hơn nhằm đảm bảo tối ưu chi phí và hiệu quả trong sản xuất của doanh nghiệp. Một số phương pháp bảo trì phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

– Bảo trì phục hồi (Bảo trì chữa cháy hay bảo trì máy móc thiết bị hỏng)

Phương pháp này được thực hiện khi máy móc sau một thời gian dài sử dụng xảy ra vấn đề, hỏng hóc cần sửa chữa, phục hồi. Đây là phương pháp không thiết thực chỉ áp dụng với những cơ sở nhỏ lẻ hay hoạt động sản xuất không mang tính dây chuyền, bởi vì tình trạng máy móc không được bảo trì thường xuyên cho đến khi trục trặc sẽ tốn chi phí sửa chữa rất cao, tốn nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, chưa kể trường hợp phải thay thế toàn bộ máy móc mới nếu không thể khắc phục.

– Bảo trì phòng ngừa (Bảo trì dựa trên kế hoạch)

Đây là phương pháp thực hiện dựa trên kế hoạch được xây dựng sẵn, các chuyên gia, kỹ sư dựa vào kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình về hoạt động của máy móc từ đó thiết lập một loạt các hoạt động kiểm tra, thay thế các thành phần , linh kiện cần thiết.  Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ, vòng đời sử dụng của máy móc, thiết bị, giảm thiểu được những hỏng hóc không đáng có trước thời hạn. 

– Phương pháp bảo trì cơ hội

Thiết bị được kiểm tra bảo dưỡng khi nhà máy dây chuyền không sản xuất, ngoài ca sản xuất. Và cần có sự phối hợp đồng nhất giữa bộ phận bảo trì và bộ phận sản xuất để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất chung.

– Bảo trì căn cứ vào tình trạng máy

Phương pháp này được tiến hành dựa theo những dữ liệu đo được từ hệ thống cảm biến, qua đó kỹ sư sẽ phát hiện những vấn đề phát sinh, lên kế hoạch xử lý tình trạng hư hỏng, thay thế, sữa chữa phù hợp

Đây là phương pháp tối ưu đảm bảo đáp ứng cho máy móc hoạt động tối đa công suất, bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sửa chữa, thay mới, nhân công và chủ động ứng phó với các vấn đề mà không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.

bảo trì máy móc thiết bị trong nhà máy

5 bước thực hiện bảo trì bảo dưỡng máy móc thiết bị

Công t​ác bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị trong nhà máy bao gồm những bước sau:

Lập kế hoạch và làm đề xuất thực hiện bảo trì

Xây dựng kế hoạch bảo trì dựa theo yêu cầu doanh nghiệp, đặc điểm của từng loại thiết bị máy móc. Kế hoạch bảo trì sẽ bao gồm: Danh sách máy móc thiết bị theo thời gian, tên thiết bị, vị trí đặt, loại máy móc, nội dung thực hiện, đơn vị thực hiện, người giám sát.

Trưởng phòng kỹ thuật sẽ thực hiện làm đề xuất bảo trì, bảo dưỡng theo mẫu và gửi kèm bản kế hoạch đến phòng hành chính nhân sự trước thời gian thực hiện ít nhất 3 ngày.

Xác nhận thông tin và nhận phê duyệt

Phòng hành chính, nhân sự sau khi tiếp nhận đề xuất thực hiện bảo trì từ bộ phận kỹ thuật sẽ tiến hành xem xét và xác nhận thông tin, phê duyệt căn cứ dựa trên tính hợp lý, độ tin cậy. Thời gian xác minh và báo cáo kết quả phê duyệt không quá 3 ngày làm việc.

Tiến hành bảo trì và bảo dưỡng

Sau khi các bộ phận liên quan xác nhận, thống nhất hoạt động sẽ tiến hành bảo trì, bảo dưỡng. Thường công tác bảo trì sẽ do bộ phận kỹ thuật của công ty tiến hành hoặc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện.

Kỹ sư kỹ thuật cùng công nhân tiến hành bảo trì, bảo dưỡng theo nội dung kế hoạch đã phê duyệt trước đó. Đảm bảo rằng có sự phối hợp giữa bộ phận bảo trì và bộ phận sản xuất để quá trình bảo trì diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất chung.

Mục lục bài viết

Kiểm tra và nghiệm thu

Bước tiếp theo, Trưởng phòng kỹ thuật hoặc phòng hành chính nhân sự kiểm tra và nghiệm thu kết quả bảo trì, bước này cần đảm bảo các yêu cầu: 

  • Tiến hành giám sát quá trình bảo hành, bảo dưỡng trang thiết bị máy móc

  • Kiểm tra từng hạng mục theo kế hoạch có sẵn, cam kết trung thực trong quá trình kiểm tra.

  • Lập biên bản nghiệm thu và ghi nhận kết quả bảo trì, bảo dưỡng. Ghi rõ tất cả các vấn đề phát sinh không nằm trong kế hoạch ban đầu.

Tổng hợp và lưu hồ sơ để theo dõi

Phòng hành chính nhân sự sẽ thực hiện tổng hợp và lưu hồ sơ theo dõi. Trong đó tổng hợp và ghi chép đầy đủ số liệu vào sổ theo dõi theo biên bản nghiệm thu để làm dữ liệu cho những lần bảo trì tiếp theo. Báo cáo tình hình bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị máy móc cùng chi phí cho Ban giám đốc.

Trên đây là tất tần tật những thông tin liên quan đến vấn đề bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị trong nhà máy. Hy vọng phần nào giúp những người làm công tác quản lý thấy được tầm quan trọng của việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc đối với hoạt động sản xuất và sự phát triển của doanh nghiệp. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

Ms. Công nhân