Review top 12 ứng dụng theo dõi thói quen trên App Store (siêu chi tiết) – Tuấn Mon
Xin lưu ý, đây là một bài post rất (rất) dài, vì nó ghi lại toàn bộ trải nghiệm của mình trong vòng 30 ngày về 12 app theo dõi thói quen.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể bấm đến phần mà bạn quan tâm ở menu bên phải. Tuy nhiên, mình rất khuyến khích bạn đọc hết bài post này, để có thể lựa chọn được cho mình chiếc app phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích. Dù sao mình cũng đã dành tới 30 ngày cho bài viết này mà ?
Mục lục bài viết
Hoàn cảnh ra đời
Đọc sách là một trong những thói quen mà mình muốn duy trì trong năm 2021.
Tuy mình biết đọc sách rất cần thiết, mình gặp khó khăn trong việc làm nó hằng ngày. Vì thế, mình đã tìm đến sự trợ giúp của các ứng dụng theo dõi thói quen.
Nhân cơ hội này, mình đã dùng thử luôn 12 ứng dụng top đầu bảng xếp hạng ở trên App Store (với từ khóa: “Habit tracker”) để có thể lựa chọn được ứng dụng phù hợp với mình nhất.
Để đọc thêm về hành trình 30 ngày và những bài học mình rút ra được qua quá trình này, mời bạn đọc bài viết Dùng thử 12 app habit trackers để tạo thói quen đọc sách và cái kết.
Mình hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm hiểu và chọn được ngay ứng dụng phù hợp với bản thân mình.
Một vài chú thích
1. Ứng dụng theo dõi thói quen không phải là giải pháp duy nhất
Mình tiếp cận các ứng dụng theo dõi thói quen với tâm thế chúng là công cụ giúp mình duy trì và củng cố các thói quen sẵn có. Bên cạnh các công cụ này, mình đặc biệt quan tâm đến lý do mình muốn tạo thói quen đó và phương pháp để tạo ra nó. Mình nghĩ đó mới là chìa khóa để giúp mình duy trì được thói quen hiệu quả.
Phương pháp theo dõi thói quen mình áp dụng trong trải nghiệm này được lấy từ cuốn sách Mini Habits của Stephen Guise.
Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp này, bạn ghé bài viết Tôi nói gì khi nói về thói quen nhé!
2. Cách mình phân loại các app
Sẽ thật là dài dòng và tốn thời gian nếu mình liệt kê ra toàn bộ các app và các ưu, nhược điểm của chúng. Thay vào đó, mình sẽ nhóm chúng lại thành 3 nhóm chính để bạn tiện theo dõi:
- Nope: Những app mình sẽ không bao giờ sử dụng
- Maybe: Những app mình sẽ chỉ sử dụng trong một vài trường hợp
- Yes: Những app mình chắc chắn sẽ sử dụng
3. Cách mình đánh giá các app
Mình đánh giá các app dựa vào nhu cầu thực tế của mình là duy trì thói quen đọc sách. Vì vậy, bạn sẽ thấy tất cả các thói quen của mình ở các app đều là “Read book”. Bằng cách theo dõi 1 thói quen ở 12 app, mình sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt của chúng.
Bên cạnh nhu cầu, mình sẽ đánh giá các app dựa trên:
- Thiết kế (User Interface)
- Trải nghiệm người dùng (User Experience)
- Cảm xúc cá nhân (phần này rất ngẫu hứng)
Chê nhiều cũng không hay, mình sẽ chỉ ra 1 điểm đặc biệt nhất của mỗi app để giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn.
Các app mình đánh giá đều là các app của iOS (do mình dùng iPhone). Nếu app nào có mặt trên Android Play Store mình sẽ chú thích lại cẩn thận cho bạn.
Nào chúng ta cùng bắt đầu thôi!!!
Top 12 app theo dõi thói quen trên thị trường
Tóm tắt
Bạn có thể bấm vào tên từng app để đến phần review của nó
- NOPE: Những app mình sẽ không bao giờ sử dụng
- Everest
- Hapit
- ShineDay
- Nox Better
- Daily Planner
- MAYBE: Những app mình có thể sử dụng trong tương lai, vì hiện tại nó đang thiếu 1 điểm gì đó
- Avocation
- Habit
- Habitty
- YES: Những app mình chắc chắn sử dụng
- Habitify
- Productive
- Done
- Habit Tracker (logo đỏ)
NOPE: Những app mình chắc chắn sẽ không bao giờ sử dụng ??♂️
1. Everest – Habit Tracker
Chiếc logo được thiết kế khá bắt mắt làm mình nhầm tưởng đây là một app được thiết kế cẩn thận. Trên thực tế, nó làm mình hoàn toàn thất vọng.
Khi mới mở app, không có onboarding (hướng dẫn sử dụng), chỉ có một màn hình trống trơn, chán không cơ chứ:
Về mặt tính năng, so với các sản phẩm khác trên thị trường, Everest không có một chỗ đứng. Mình vẫn không hiểu sao Everest nằm trong top 12 app trên App Store được.
Everest chỉ có đúng 2 tính năng là check-in (bấm hoàn thành thói quen) và xem progress (tiến độ hoàn thành). Bực một cái là 2 tính năng này cũng làm chưa tới nơi tới chốn. Muốn hoàn thành thói quen thì phải bấm vào thói quen đó, vào lịch, bấm vào ngày đó để hoàn thành. Mình mất hơn 1 phút mới tìm ra được chức năng đó. Còn phần progress thì chỉ có đúng 1 con số là % hoàn thành, chấm hết.
Thiết kế của sản phẩm cũng rất cơ bản (không phải tối giản nhé, là cơ bản!), khiến cho mình cảm giác đây là một con app từ những năm 2010 gì á (cái thời iphone 4 ấy). Và, các bạn có biết điều khó chịu nhất về sản phẩm này là gì không?
NÓ LAG.
Mình dùng iPhone 11 Chip A13 Bionic 3GB RAM mà chạy ứng dụng này còn lag up lag down thì không hiểu mấy bạn dùng máy đời thấp hơn bây giờ sẽ thế nào… LAG từ lúc chuyển màn hình này sang màn hình kia, lúc tạo thói quen, lúc bấm check-in. Túm lại là lag, lag lắm. Mà lag là một điều không thể chấp nhận được với các app bây giờ.
Nếu hỏi Everest có điểm gì tốt không, thì là nó miễn phí và không có quảng cáo.
2. Hapit
Ứng cử viên tiếp theo cho giải thưởng mâm xôi vàng trong làng App chính là Hapit. Có thể nói Hapit là phiên bản đẹp hơn một chút của Everest, còn lại thì trải nghiệm vẫn tệ y nguyên.
Hapit không có onboarding, design cũng rất thô sơ, tính năng thì cũng chỉ giới hạn trong tạo thói quen và xem tiến độ (cũng rất thô sơ nốt). Có một cái mà mình cực không thích đấy là tính năng nhắc nhở hằng ngày – một trong những tính năng quan trọng nhất của habit tracker – lại là tính năng trả phí.
Đây có vẻ là bước đi hơi mạo hiểm của Hapit vì đối thủ của nó đang free hết tính năng này rồi.
Điểm tốt duy nhất của Hapit là mình có thể upgrade với gói one-time purchase chỉ có 129.000vnđ. Khá rẻ so với thị trường, nhưng bù lại thì những tính năng premium cũng ít hơn so với thị trường rất nhiều (không giới hạn số lượng thói quen, nhắc nhở, backup và đồng bộ dữ liệu…)
3. ShineDay
Lý do lớn nhất mà mình sẽ không dùng ShineDay là vì mình không biết tiếng Trung Quốc. Đây là app do một nhà phát triển người Trung Quốc làm, và cái mình thấy khó chịu nhất là nó chưa được dịch sang tiếng Anh 100% mà Apple đã cho phép nó có mặt trên App Store.
Lúc mới vào mình thấy có một chút tiếng Anh nên nghĩ cứ thử cài đặt xem sao. Ai ngờ lúc tạo thói quen mới nửa Anh nửa Trung chẳng hiểu cái gì cả, bực. Thiết kế của app cũng chưa thực sự được trau chuốt nữa, nhiều lúc mấy cái hướng dẫn của app cứ chèn lung tung lên các nút khác làm mình chẳng đọc được gì cả.
Phần dữ liệu cũng khá đơn giản. Thông số thì nhiều hơn Everest và Hapit, nhưng mới chỉ ở dưới dạng thô, nên chưa có nhiều ý nghĩa lắm.
Điểm đặc biệt duy nhất của ShineDay đó là nó có nhiều tùy biến về icon, màu, theme, background của app. Tuy nhiên, mình nghĩ đây không phải là một lợi thế cạnh tranh, vì nó chẳng tăng thêm giá trị mình nhận được khi sử dụng cái app này tí nào cả.
4. Noxbetter
Noxbetter có rất nhiều điểm tốt về mặt thiết kế, nội dung, cài đặt, nhưng mình cũng sẽ chọn không bao giờ sử dụng nó. Lý do rất đơn giản: Vì mình không thể hoàn thành thói quen của ngày hôm qua.
Trong quá trình tạo thói quen, nhiều khi mình vẫn làm thói quen đó nhưng quên không check-in ở trong app. Với các ứng dụng khác, mình hoàn toàn có thể làm điều này, nhưng với Noxbetter, mình không thể. App sẽ tự động coi ngày mình bị lỡ là ngày mình chưa hoàn thành thói quen, và coi như là mọi cố gắng của mình sẽ bị vứt hết xuống sông xuống biển nếu mình quên.
Bên cạnh đó, khi mới cài đặt, Noxbetter tạo cho mình một cảm giác rất… ngờ vực. Mình vừa mở app lên một phát đã xin ngay quyền được theo dõi location của mình (wtf?), và xin quyền được gửi notification tới mình. Dĩ nhiên, đây là hai tính năng rất có ích nếu đặt trong đúng hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi ứng dụng chưa giới thiệu cho mình các giá trị nó sẽ đem lại mà bụp phát hỏi xin này xin nọ luôn thì… mình rất lăn tăn xem họ sử dụng thông tin về địa điểm của mình để làm gì, và sẽ gửi notification về cái gì (có phải Spam không…)
Nói thì nói vậy, nhưng không thể không khen Noxbetter được.
← Thứ nhất, Noxbetter có thư viện thói quen rất đa dạng, với hình ảnh trực quan, dễ hiểu. Những bạn mới sẽ thấy phần này cực kì có ích.
Thứ hai, Noxbetter có tính năng “Nhóm” khá thú vị. Các nhóm được chia ra theo nhiều chủ đề như “8 glasses of water a day”, “Burn my calories”… và trong mỗi nhóm này sẽ là các thành viên đang cùng thực hiện thói quen của nhóm đó.
Tuy nhiên điều khiến mình lăn tăn là: habit thì chỉ làm đc 1 lần, mình có cố thì cũng không vượt được những người hiện tại (trong trường hợp họ cứ đều đặn làm).
Tính năng cộng đồng rất hay, nhưng với người đã bắt đầu thói quen trước mình quá lâu thì mình sẽ chẳng bao giờ vượt được họ :((
Thứ ba, Noxbetter là một trong số các app hiếm hoi đầu tư về mặt nội dung ở trong app. Cụ thể, app để rất nhiều nội dung để giáo dục người sử dụng về cách tạo thói quen, tầm quan trọng của thói quen. Mặc dù nguồn của nội dung này toàn là từ TedTalk hoặc Youtube thôi, nhưng không thể không khen ngợi nỗ lực của họ được.
Điểm cuối cùng chính là Noxbetter khá hào phóng đối với các tính năng mà đáng nhẽ sẽ tính phí ở ứng dụng khác. Đây là một app hoàn toàn miễn phí, mà vẫn có những tính năng như backup dữ liệu miễn phí hoặc tạo bao nhiêu thói quen và nhắc nhở cũng được.
5. Daily Planner
Daily Planner làm khá tốt ở nhiều mặt, nhưng mình chắc chắn sẽ không sử dụng nó, vì trải nghiệm người dùng thực sự rất khó chịu.
Ngay từ khi mình mới mở app lên, điều đầu nó làm là xin được thu thập thông tin của mình để theo dõi mình trên các kênh khác. Ngay sau đó, app xin tiếp quyền bật thông báo. Bước thứ ba là hiện lên một trang bắt mình upgrade lên phiên bản Premium. 3 bước đầu tiên chưa thấy đem lại được giá trị gì cho người dùng nhưng đã xin hết cái này cái kia có bực không cơ chứ.
Điểm trừ siêu lớn thứ hai chính là việc app này có quá nhiều notification. Đồng ý là mình đã cho phép nó gửi thông báo đến cho mình, nhưng mình không nghĩ sẽ bị làm phiền đến vậy. Đã thế, notification cũng chẳng mang tính thúc đẩy hành động gì cả.
Daily Planner gửi cho mình nhiều thông báo tới mức mà iPhone của mình phải hỏi là mình có muốn tắt đống thông báo đó không, hay là vẫn nhận nó những ở chế độ im lặng. Thank god iOS.
Điểm tốt nhất của Daily Planner, nhưng lại là điểm ít hữu ích nhất với một người muốn duy trì thói quen, đó là phần tùy biến. Giống ShineDay, Daily Planner có rất nhiều lựa chọn tùy biến về icon, theme, màu sắc. Nhưng tất cả không bù đắp lại được sự thiếu sót về trải nghiệm người dùng…
MAYBE: Những app mình có thể sẽ sử dụng trong tương lai ?
1. Avocation
Avocation là một ứng dụng theo dõi thói quen với concept trồng cây. Bạn càng duy trì được thói quen lâu thì cây càng lớn.
Thiết kế và trải nghiệm người dùng chính là điểm ăn tiền của chiếc app này. Ngay từ khi mới cài đặt, phần onboarding đã hướng dẫn mình cách sử dụng khá tỉ mỉ. Hình ảnh được trau chuốt rất đẹp, màu sắc dịu mắt (mà không hiểu sao cái vibe đem lại cho mình khá giống Headspace). Mình thích nhất là tuy là app có phần nâng cấp, nhưng nó không hề quảng cáo, hay mời chào mình với các chương trình ưu đãi gì cả.
Nhà phát triển cũng dày công viết nội dung giáo dục người dùng ở trong app. Đây cũng là một điểm mình rất thích ở app này.
Tuy nhiên, mình vẫn xếp app này vào nhóm MAYBE vì app này không có phần thống kê dữ liệu thói quen của mình. Tất cả những gì nó hiện cho mình biết là mình đã thực hiện được thói quen vào ngày nào trong tuần này, và hôm nay mình đã làm xong chưa. Hết. Đối với mình, dữ liệu là phần có thể giúp mình review được thói quen đó, để có kế hoạch cải thiện. Nhìn vào một chuỗi những ngày hoàn thành thói quen liên tục cũng có cảm hứng lắm chứ bộ.
Nếu trong tương lai app này có bổ sung phần dữ liệu, mình sẽ cân nhắc sử dụng nó.
2. Habit – Daily Tracker
Habit – Daily Tracker ghi điểm với mình bởi thiết kế rất đơn giản và có phần giống với Loop Habit Tracker ngày xưa mình từng dùng bên Android.
Mình thích nhất của app này là phần lịch được mang ra ngoài, và nó sẽ hiện kết quả trong 5 ngày gần nhất của mình. Hôm nào mình quên check in thì mình có thể dễ dàng check in bù vào ngày hôm sau.
Phần số liệu thì không có gì quá nổi bật
Mình sẽ cân nhắc sử dụng app này nếu như phần onboarding của nó đỡ khó chịu hơn (mà sao hình như app nào cũng làm mình khó chịu ngay từ đầu thế nhở :v). Vừa mới vào, chưa kịp làm gì app đã giới thiệu ngay các tính năng Premium và có nút mời mình mua. Mình cứ tưởng là phải trả tiền mới được dùng cái app này, đang định out thì phát hiện cái nút “x” bé tí tì ti ở bên góc phải màn hình.
Onboarding chưa xong, mình lại gặp phải cái màn hình Premium đó một lần nữa, cảm giác kiểu nhà phát triển sắp chết đói vậy. Onboarding xong, ra màn hình chính mình thấy có một thói quen được tạo sẵn có tên “Just For You”, xong lại có thời gian đếm ngược. Tưởng cái gì hóa ra gỉ cái tường. Tôi bấm vào nó lại ra cái màn hình bắt mua Premium tức không để đâu cho hết. Mà tính năng Premium có xịn xò gì cho cam, cũng chỉ là cho phép mình tạo thói quen không giới hạn, nhắc nhở không giới hạn, dark mode với ba cái linh tinh nữa. Hầy. Tự nhiên chỉ vì mong muốn người dùng trả tiền mà nhà phát triển làm hỏng mất một chiếc app tốt.
3. Habitty
Habitty có thể nói là phiên bản “thô sơ” hơn của Habit – Daily Tracker mình vừa review phía trên. Nói đúng hơn nó là phiên bản copy của Loop Habit Tracker nhưng mà ở trên iOS á. Nhưng mình có thiện cảm với Habitty hơn vì nó không bị nhồi nhét bởi các quảng cáo bán sản phẩm. Nó hoàn toàn không có một mẩu quảng cáo nào luôn, vì đơn giản là nó hoàn toàn miễn phí.
Phần dữ liệu cũng khá giống Habit – Daily Tracker, đa phần là số thô, chưa có gì đặc biệt lắm
Mình sẽ cân nhắc dùng Habitty nếu như ứng dụng này có phần đồng bộ và backup dữ liệu. Mặc dù free thì thích thật đấy, nhưng mà khi dùng mình cứ hoang mang là lỡ mất máy, hoặc xóa app, sang máy mới, dữ liệu của mình nó sẽ đi đâu về đâu. Vì thế mặc dù mình rất thích check in hằng ngày trên chiếc app này, mình cảm giác sẽ không thể lựa chọn nó làm “bạn đồng hành” với mình được.
YES: Những app mình chắc chắn sử dụng ?
Trong 12 apps thì chỉ có 4 apps thực sự khiến mình cảm thấy hài lòng trong quá trình trải nghiệm. Mỗi app một vẻ, mười phân vẹn mười.
1. Habitify
Habitify vẫn là ứng dụng mình tin tưởng sử dụng trong suốt 3 năm vừa qua. Mình có may mắn là một trong những người đầu tiên xây dựng nên sản phẩm này (ngạc nhiên chưa!), nhưng không vì thế mà mình ưu ái nó hơn các sản phẩm khác.
Phần giới thiệu rất ấn tượng ở trên website https://habitify.me
Điểm mình thích nhất khi sử dụng Habitify là sự tối giản và trau chuốt trong thiết kế. Khác với các app khác, tuy Habitify không có nhiều tính năng và thiết kế cầu kì kiểu hoa lá cành, nhưng các chi tiết của nó được chăm chút cực kì cẩn thận. Bạn sẽ rất khó để tìm thấy lỗi lầm hoặc sự giật lag ở sản phẩm này (dĩ nhiên ngày xưa mình quản lý chất lượng của nó mà hehe)
Do mình còn phải dành không gian cho những app xịn xò khác, mình muốn mời bạn tới bài viết Những ứng dụng theo dõi thói quen tốt nhất 2020. Tại đây mình có review rất chi tiết về Habitify.
2. Productive
Link app trên iOS – Link app trên Android
Trong tiếng Anh thường hay có cụm “in a love-hate relationship” – và nó miêu tả chính xác cảm xúc của mình khi sử dụng ứng dụng này.
Productive gây một ấn tượng cực kì mạnh ngay từ ban đầu vì thiết kế rất đẹp, hình ảnh ở trong app được đầu tư kĩ càng, hoàn thiện. Tông app màu đen cũng tạo cho mình cảm giác gì đó rất chuyên nghiệp.
← Chuyển động mượt mà luôn :v
Nói về onboarding thì Productive là một trong những app làm tốt nhất. Ngay từ khi mới vào, Productive đã hỏi mục đích sử dụng app của mình là gì:
Phần onboarding hướng dẫn rất cụ thể bằng animation, thành ra mình không mất quá nhiều thời gian để làm quen với app.
Productive có đầy đủ các tính năng cơ bản của một habit tracker, và nó làm rất tốt các tính năng đó. Bạn có thể:
- Tạo các thói quen có mục tiêu: ví dụ đọc 10 trang sách/ngày.
- Tạo nhắc nhở hằng ngày dựa trên thời gian hoặc địa điểm (ví dụ bạn đến một nơi nào đó thì Productive sẽ nhắn nhắc bạn làm một thói quen gì đó)
- Thêm notes vào cho mỗi habit sau một ngày
Productive không quá mạnh về tùy biến nhưng mình thấy cũng rất đủ với nhu cầu:
Bạn có thể tùy biến icon, tần suất, thời điểm của thói quen
← Rất nhiều template có sẵn để tạo thói quen
Có hai cái cực thú vị mà chỉ Productive có.
Thứ nhất: Vacation mode. Tức là nếu mình đi chơi, mình ốm đau mà không muốn bị break mất streak thì bật chế độ này lên, Productive sẽ giữ nguyên các thông số hiện tại cho mình => quá phù hợp với cuộc sống bận rộn.
Thứ hai: Challenge. Productive sẽ xây sẵn một bộ thói quen giúp cho cuộc sống của bạn tốt hơn, và thử thách của bạn là hoàn thành được thói quen đó mỗi ngày. Bộ thói quen này sẽ được xây dựng từ dễ đến khó, và thường theo một chủ đề nhất định. Ví dụ mình đang tham gia challenge là “Fresh Morning Challenge”. Thử thách đầu tiên của hôm nay là uống một cốc nước sau khi thức dậy. Ngày mai, vẫn thử thách đó, nhưng thêm một cái là ăn một bữa sáng lành mạnh. Ngày tiếp theo là gồm 3 thói quen trên cộng thêm tập thể dục buổi sáng. Mình thấy phần challenge này rất hay và phù hợp với những bạn nào chưa biết nên tạo thói quen gì trong cuộc sống.
Challenge được xây dựng rất bài bản
Mặc dù Productive rấttt là ngon nhưng cũng có một vài điểm hạn chế.
Điểm đầu tiên là nhà sản xuất của Productive cũng rất mê tiền T_T Onboarding chèn thêm quá nhiều offer, sales, premium purchase, làm cho mình cảm thấy hơi khó chịu vì mình còn chưa biết bản free đủ dùng hay không.
Tôi không mua, tôi không mua, được chưa?
Trong suốt thời gian mới sử dụng, mấy cái offer hiện ra rất nhiều. Lỡ quẹt một cái không để ý lại hiện ra sales, “premium offer sắp hết hạn nè”… Mà giá của Productive thì không hề rẻ một chút nào…
Điểm thứ hai là phần số liệu cũng bị hạn chế. Nếu mình muốn xem hết số liệu của mình thì phải nâng cấp lên Premium. Mình bị giới hạn là chỉ xem được chỉ số chung của mọi thói quen thôi, còn chỉ số riêng của từng cái là không xem được. Tuy cũng là một cách rất hay để kích thích người dùng upgrade, nhưng mà nếu so với Habitify hoặc là Habit – Daily Tracker thì không có lợi thế bằng.
Kết luận: Nếu bạn muốn xài sản phẩm này free thì chịu khó chấp nhận hay bị mời chào upgrade :)) nhưng bù lại thì sẽ được sử dụng một sản phẩm rất hoàn thiện, đẹp, ít lỗi và nhiều tính năng.
3. Done
Mình sẽ xếp Done vào cùng một nhóm với Habitify bởi sự đơn giản trong thiết kế và tính năng của nó. Màn hình chính gồm các thói quen được thiết kế dưới dạng khối (block) nhìn rất rõ ràng. Nút bấm hoàn thành nằm ở bên tay phải nên khi nào mình sử dụng app bằng một tay cũng có thể check in được (không như Habitify thì nút bấm ở bên trái)
Phần onboarding của Done cực kì ấn tượng, nhìn phát là hiểu luôn cách dùng:
Tại sao cứ app nào tôi thích thì onboarding một đống sales vậy???
Phần tạo thói quen của Done khá giống với Productive, chỉ bao gồm các lựa chọn đơn giản:
Điểm mình thích nhất ở Done chính là những tính năng phụ trợ của nó:
- Viết nhật ký: Bạn có thể ghi chú lại những suy nghĩ, bài học của mình khi hoàn thành một thói quen. Tính năng này hơi ẩn một chút nhưng chỉ cần để ý là bạn sẽ thấy liền.
- Cho phép cài đặt mật mã (bằng passcode hoặc faceID): trên thị trường mình chỉ thấy có thằng Habitify là làm được cái này. Thói quen là một thứ gì đó rất cá nhân, nhiều cái còn hơi nhạy cảm, nên mật mã giúp cho mình cảm thấy tự tin hơn khi đưa máy cho ai khác dùng
- Done cũng cho phép xuất dữ liệu thô ra dạng csv để những ai có khả năng về dữ liệu có thể sử dụng các công cụ khác để phân tích
- Done cũng cho phép backup lên iCloud và Dropbox một cách hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn có chế độ nhắc nhở mình backup dữ liệu nữa, khá là tiện cho những ai não cá vàng như mình =))
Điểm yếu của Done nằm ở phần trực quan hóa dữ liệu. Done sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin như: Lịch check in của bạn trong tháng; Số lượng check in theo giờ, ngày, tuần, tháng, năm; Thời gian bạn hay check in nhất…
Cá nhân mình thì thấy thông tin này hay nhưng chưa đủ để giúp mình hiểu hơn về bản thân (thực ra chưa có công cụ nào làm được điều đó hết)
Kết luận: Nếu bạn là người thích sự tối giản, và không quan tâm nhiều đến số liệu hay các tính năng cầu kì, thì Done là một sản phẩm rất rất đáng để thử!
4. Habit Tracker: người chiến thắng ?
Đứng top 1 trong bảng xếp hạng của App Store, Habit Tracker (viết gọn là Habit) đã đạt được rất nhiều tiêu chuẩn của một ứng dụng theo dõi thói quen đẹp, có nhiều tính năng mạnh mẽ và trải nghiệm người dùng mượt mà.
Ngay từ đầu, mình đã rất ấn tượng với onboarding của ứng dụng này. App hướng dẫn khá tỉ mỉ về các tính năng cho người mới sử dụng, và vui nhất là không có hiện ra các chương trình khuyến mãi để bắt mình upgrade (!)
Phần màn hình chính của Habit là sự kết hợp giữa Productive và Done (lịch phía trên của Productive, còn phần thói quen là của Done). Tuy nhiên, khác với Done một chút, Habit tập trung vào các thói quen có sự đo lường. Ví dụ, ở Done bạn có thể tạo một thói quen có tên “Đọc sách”. Khi nào xong thì bạn chỉ cần bấm hoàn thành là coi như đã check in. Còn ở Habit, bạn sẽ cần khai báo thêm là “Đọc sách” tức là đọc bao nhiêu trang, hoặc trong bao nhiêu lâu. Khi bạn check in, bạn sẽ check in theo số lượng bạn đã hoàn thành.
Điểm ấn tượng thứ hai của Habit chính là phần trực quan hóa dữ liệu. Ở phiên bản miễn phí, mình có mọi số liệu về thói quen mà Productive bắt mình phải upgrade mới có được. Các số liệu cũng được biểu diễn rất sinh động và ý nghĩa.
Với dữ liệu này, mình sẽ biết được tình hình thực hiện một thói quen của mình đến đâu, ngày nào nhiều, ngày nào ít, tương quan giữa các thói quen như thế nào. Đặc biệt, có cái màn hình liệt kê tất cả thói quen trong năm 2021 của mình nhìn đẹp tuyệt cú mèo, dùng để share thành tích lên mạng xã hội thì hết sảy!
Bạn quan tâm đến các lĩnh vực như Product Management, Business, Technology, Productivity...? Mình và một số người bạn tại Holistics đã tổng hợp lại những articles chất lượng nhất mà tụi mình đọc trong năm 2021. Bạn có thể nhận danh sách tổng hợp tại đây.
Điểm ấn tượng thứ ba của Habit là tính năng tạo thói quen cùng bạn bè. Mình có thể mời một ai đó cùng sử dụng app này với mình và theo dõi thói quen cùng họ. Điều này mang lại cho mình động lực để tiếp tục duy trì thói quen lâu hơn. Mình thấy Habit đã khá sáng suốt trong việc thiết kế và sử dụng tính năng này chứ không phải tính năng Community giống như của NoxBetter. Bởi lẽ, ở NoxBetter, mình sẽ nhìn thấy tiến độ của những người lạ hoắc, và đa phần là họ đã duy trì thói quen đó cả năm trời rồi. Nhìn vào con số của họ làm cho mình cứ cảm thấy áp lực thế nào ấy =))) cảm giác kiểu mình có thực hiện được thói quen này hôm nay thì ngày mai khoảng cách giữa mình và họ vẫn y hệt như vậy =)))
Bên cạnh những tính năng này thì Habit còn rất rất nhiều tính năng khác mà bạn có thể tận dụng:
- Đồng hồ đếm ngược + âm thanh giúp bạn tập trung hơn
- Tính năng journaling giúp bạn ghi chú lại bài học, sự kiện cho mỗi thói quen
- Mật mã vân tay/ FaceID
- Vacation mode (giống của Productive)
- Đồng bộ dữ liệu qua iCloud
- Xuất dữ liệu
- Tùy biến màu sắc, ngày đầu tiên trong tuần (thứ hai/ chủ nhật)
Mình phải nhấn mạnh là mặc dù có rất nhiều tính năng như vậy nhưng giao diện của Habit rất đơn giản, thân thiện, và đặc biệt là không có mấy cái premium offer như các app khác.
Nói đến giá cả, Habit có một mức giá cực kì phải chăng, đảm bảo là với các bạn đã đi làm hay mới đang là sinh viên đều có thể chi trả được: 82.000/năm (9.000/tháng) hoặc mua một lần giá 109.000đ (tương đương 2 cốc trà sữa). So với Productive thì giá subscription theo tháng của Habit rẻ hơn 17 lần (9.000 so với 159.000đ/tháng).
Điểm duy nhất mình chưa hài lòng ở Habit đó là nó chưa hỗ trợ việc bấm một phát để hoàn thành thói quen luôn. Không phải thói quen nào của mình cũng có thể đo được (ví dụ: nhỏ mắt vào buổi sáng) và vì vậy việc cứ phải quẹt từ trái sang phải để hoàn thành thói quen hơi phiền phức đối với mình. Nếu số lượng thói quen lớn thì làm như vậy khá là mệt đấy :v
Kết luận: Habit là một ứng dụng toàn diện cả về thiết kế, tính năng và trải nghiệm người dùng. Đây là ứng dụng Habit tracker mình yêu thích nhất tính đến thời điểm này, và chắc chắn là mình sẽ mua bản Premium để ủng hộ cho nhà sản xuất (người mà, thank God, đã không hề tuyệt vọng mời chào mình mua sản phẩm từ những giây phút đầu tiên).
Kết luận
Vì là mỗi app mình đều có phần kết luận nên đến đây cũng không biết viết gì nữa. Chi bằng, làm một cái bảng tổng hợp lại tất cả những thông tin quan trọng nhất để bạn dễ dàng tham khảo và chia sẻ cho những người quan tâm.
Sử dụng 12 app theo dõi thói quen liên tục và ghi chép lại hằng ngày cảm nghĩ của mình về chúng quả thực không dễ tí nào, thế nên khi bạn share bài này hay share hình ảnh dưới đây, mình rất hi vọng các bạn sẽ ghi rõ nguồn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!
–
Nếu đây là lần đầu bạn đến với blog của mình, đừng quên đăng ký newsletters của Many One Percents cùng gần 2000 bạn đọc mỗi tuần. Những lợi ích độc quyền cho các bạn subscribers:
- Đọc các bài blog sớm nhất (2-3 tuần trước khi mình publish lên mạng xã hội)
- Đọc Weekly Discovery (sản phẩm thú vị nhất tuần)
- Giveaway code để sử dụng các sản phẩm công nghệ miễn phí
- Những cập nhật và dự định mới nhất về blog