Ripple, XRP là gì? Toàn tập về Ripple & XRP (chi tiết)

Ripple, XRP là gì? Liệu Ripple & XRP có phải là một? Bài viết sẽ giúp anh em hiểu rõ hơn về Ripple & XRP.

Có một sự thật rằng, 89% người tham gia thị trường tiền điện tử đều trả lời Ripple là XRP và ngược lại.

Nhưng sự thật liệu có phải như thế?

Trong bài viết ngày hôm nay, anh em cùng mình đi tìm hiểu xem sự thật về Ripple, XRP là như thế nào nhé!

Let’s go!

Ripple là gì?

Ripple hay Ripple Labs là công ty cung cấp giải pháp thanh toán xuyên biên giới với tốc độ gần như ngay lập tức, đáng tin cậy cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Được thành lập vào năm 2012, Ripple là một trong những công ty thế hệ đầu tiên trong ngành công nghiệp Blockchain.

Lịch sử hình thành

Vào năm 2005, hệ thống tiền kỹ thuật số phi tập trung Ripplepay được phát hành bởi nhà phát triển hệ thống phi tập trung tại Canada – Ryan Fugger.

Vào năm 2011, Jed McCable (Former founder của Mt.Gox) đã quyết định phát triển dự án tiền điện tử riêng của mình. Tháng 05/2011, Jed cùng Arthur Britto và David Schwartz phát triển sổ cái có tên XRP Ledger. 

Vào tháng 09/2012, sau khi thuyết phục được Fugger trao toàn quyền điều hành của Ripplepay, Jed McCaleb, Chris Larsen cùng Arthur Britto đã thành lập nên công ty OpenCoin. 

Sau khi được thành lập, OpenCoin bắt đầu xây dựng mạng lưới thanh toán Ripple với giao thức đồng thuận Ripple Consensus Protocol (RPCA).

Vào khoảng thời gian từ tháng 04 đến 05/2013, OpenCoin nhận được 5,5 triệu đô từ các quỹ đầu tư lớn như Google Ventures, Andreessen Horowitz, Pantera Capital, Digital Currency Group… ở vòng Seed Round.

Sau khi OpenCoin chính thức đổi tên thành Ripple Labs vào tháng 09/2013, Jed McCaleb đã chính thức rời khỏi Ripple Labs để thành lập nên Stellar (XLM).

Vào đầu năm 2015, Ripple ký kết hợp tác với Western Union. Vài tháng sau, Ripple bị FinCEN phạt 700 ngàn đô vì vi phạm đạo luật bảo mật ngân hàng thông qua việc bán XRP mà không được sự cho phép của cơ quan này.

Tuy nhiên, đây cũng là phần thú vị khi FinCEN lại mặc định XRP là một currency chứ không phải một security token.

Đến tháng 10/2015, Ripple Labs đổi tên thương hiệu thành Ripple nhưng công ty vẫn mang tên Ripple Labs Inc.

Vào tháng 09/2016, Ripple được công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Nhật Bản, SBI Holdings đầu tư 55 triệu đô (chiếm ~10,5% cổ phần của công ty Ripple Labs).

Năm 2017, Ripple tiếp tục phát triển với sự ký kết với nhiều ngân hàng sử dụng sản phẩm của họ RippleNet.

Cũng trong năm 2017 này, Ripple lần đầu tiên tổ chức sự kiện hằng năm SwellbyRipple. Tính đến 2019, sự kiện này đã được tổ chức lần thứ 3.

RippleNet 

Xu hướng thanh toán xuyên biên giới có chiều hướng phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thanh toán hiện tại đang gặp những vấn đề như phí giao dịch cao, thời gian chuyển tiền lâu, khó giám sát.

Chính vì thế, Ripple đã tạo ra mạng lưới thanh toán RippleNet để giải quyết các vấn đề đó. 

RippleNet là một mạng lưới kết nối các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng giải pháp do Ripple cung cấp. Gồm: xCurrent, xRapid & xVia.

xCurrent

Là giải pháp thanh toán với tốc độ gần như ngay lập tức. Nó cho phép các thành viên trong mạng lưới của RippleNet có thể theo dõi các giao dịch xuyên biên giới.

xCurrent được xây dựng trên giao thức do Ripple phát triển có tên là Interledger (ITL)* chứ không phải XRP Ledger. 

Điều này đồng nghĩa với việc các khách hàng sử dụng giải pháp này của Ripple sẽ không dùng đến token XRP.

* Interledger là một giao thức mở cho phép gửi thanh toán qua các loại sổ cái khác nhau (bao gồm cả Blockchain).

xRapid

Là giải pháp cung cấp thanh khoản theo nhu cầu On-Demand Liquidity (ODL) dành cho các ngân hàng bằng cách sử dụng XRP như một tiền tệ trung gian giữa nhiều loại tiền tệ fiat khác nhau.

Vì đây là giải pháp duy nhất sử dụng đồng XRP của Ripple và cũng là lá bài mạnh nhất ở thời điểm hiện tại của Ripple. Mình sẽ giải thích cho anh em hiểu về cách xRapid hoạt động.

Cách xRapid hoạt động:

Giả sử, ngân hàng A tại Mexico và ngân hàng B tại Ấn độ đều sử dụng giải pháp xRapid của Ripple và ngân hàng A muốn thực hiện chuyển 10,000 USD sang đồng INR (rupee) tại ngân hàng Ấn Độ.

Quy trình thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ngân hàng A sẽ gửi yêu cầu chuyển tiền và hệ thống Ripple sẽ trả lại cho ngân hàng A tỷ giá XRP/USD là 0.3 và tỷ giá XRP/INR là 20.
  • Bước 2: Ngân hàng A xem xét tỷ giá được trả về và quyết định chấp nhận thực hiện việc chuyển tiền.
  • Bước 3: Ripple sẽ dùng 10,000 USD của ngân hàng A chuyển đổi thành XRP theo tỷ giá 0.3$ (~33,333 XRP) tại sàn giao dịch đối tác của họ.
  • Bước 4: Số XRP vừa được chuyển đổi sẽ được chuyển đến đối tác của Ripple tại ngân Ấn Độ thông qua XRP Ledger.
  • Bước 5: Số XRP vừa được chuyển đến sẽ được đổi thành tiền rupee (INR) của Ấn Độ với tỷ giá 20 INR (~666,666 INR).
  • Bước 6: Đối tác của Ripple tại Ấn Độ sẽ gửi 666,666 INR đến tài khoản của ngân hàng B.

Tất cả quy trình này chỉ tốn khoảng vài phút nhanh hơn rất nhiều nếu sử dụng hệ thống thanh toán hiện tại (3-5 ngày).

xVia

xVia là giao diện chuẩn hoá dựa trên API. Nó cho phép các tổ chức tài chính, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán qua các thành viên khác trong mạng RippleNet.

XRP Ledger (XRPL)

XRP Ledger là sổ cái phi tập trung dựa trên mạng lưới các máy chủ ngang hàng, được tạo ra vào năm 2011 bởi Jed McCaleb, Arthur Britto và David Schwartz.

Khác với Bitcoin, để đạt được sự đồng thuận trong mạng lưới, XRP Ledger sử dụng thuật toán đồng thuận có tên Ripple Protocol Consensus Algorithm (RPCA).

XRP là gì?

XRP là đồng token chính thức hoạt động trong XRP Ledger. Với 100 tỷ token được pre-mined vào năm 2011.

Vào năm 2012, cả 3 founder của XRP Ledger đã quyết định tặng cho công ty OpenCoin 80% lượng XRP.

Thông tin cơ bản về đồng XRP

  • Ticker: XRP
  • Blockchain: XRP Ledger
  • Consensus: XRP Ledger Consensus Protocol
  • Token Type: Utility Token
  • Avg. Block time: 4 giây
  • Avg. Transaction Time: 1,500+ TPS
  • Smallest Unit: 1 XRP = 10^5 drops
  • Max Supply: 100,000,000,000 XRP
  • Total Supply: 99,991,316,762 XRP
  • Circulating Supply: 43,248,091,671 XRP

Token Allocation XRP

Với tổng cung tối đa lên đến 100 tỷ token, XRP được Ripple Labs năm giữ 80% và 20% còn lại thuộc về các founders. Cụ thể như sau:

Ripple Labs

Với việc nắm 80% tổng số token XRP, Ripple toàn quyền quyết định việc sẽ bán hoặc phát miễn phí XRP nhằm mục đích phát triển, quảng bá cho sản phẩm RippleNet.

Theo số liệu từ BitMEX Research, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2013 đến tháng 07/2015, Ripple đã bán khoảng 16.5 tỷ XRP. Trong đó, 12,5 tỷ XRP được bán cho đối tác, 4 tỷ XRP còn lại dùng để thanh toán chi phí hoạt động của công ty.

Ripple đã đã lập ra một quỹ Escrow nhằm cam kết hỗ trợ hoạt động của RippleNet với tỷ lệ 55% (tức 55 tỷ XRP) vào cuối năm 2017.

Với 1 tỷ XRP được mở khoá mỗi tháng để thanh toán các chi phí hoạt động của RippleNet. Các khoản tiền không được dùng sẽ được trả lại quỹ Escrow vào cuối tháng và chờ đợt giải ngân tiếp theo.

Founders

20% còn lại của XRP thuộc về 3 founders của XRP Ledger, gồm: Chris Larsen, Jed McCaleb và Arthur Britto.

Trong khi Chris Lersen và Jed McCaleb nhận 9.5 tỷ XRP mỗi người thì Arthur Britto nhận 1 tỷ XRP còn lại.

Vào năm 2014, Jed McCaleb rời khỏi Ripple để thành lập Stellar (XLM) nên số XRP của Jed sẽ được giải ngân theo thoả thuận sau:

  • Jed được bán tối đa $10,000 mỗi tuần trong năm đầu tiên.
  • Từ năm 2 đến năm 4: Tối đa được bán $20,000 mỗi tuần.
  • Năm 5 đến 6: Tối đa 750 triệu XRP được bán mỗi năm.
  • Năm thứ 7: Tối đa bán 1 tỷ XRP mỗi năm.
  • Sau năm thứ 7: Tối đa bán 2 tỷ XRP mỗi năm.

Tuy nhiên, thoả thuận này được sửa đổi vào năm 2016 sau khi Ripple nghi ngờ Jed đã vi phạm các điều khoản ban đầu.

Theo thoả thuận mới vào năm 2016, Jed phải quyên góp 2 tỷ XRP dành cho từ thiện và 5.3 tỷ XRP còn lại của JED được nắm giữ bởi Ripple.

7.3 tỷ XRP này sẽ được Ripple giải ngân theo từng năm như sau:

  • 0,5% cho năm đầu tiên.
  • 0.75% cho năm thứ 2 và 3.
  • 1.0% vào năm thứ 4.
  • 1.5% sau năm 4 trở đi.

XRP Supply

Theo dữ liệu từ trang chủ của Ripple, tính đến tháng 10/2019 thì tổng cung của XRP đang được thể hiện như biểu đồ bên dưới.

Mục đích sử dụng của XRP

XRP đang có một số mục đích sử dụng như sau:

Cross-Currency

XRP được sử dụng làm tiền tệ trung gian trong giải pháp On-Demand Liquidity (ODL) của Ripple.

Reserve requirement

Để có thể chuyển tiền, người dùng cần phải nắm giữ trong ví ít nhất 20 XRP. Đây là điều khoản nhằm hạn chế tình trạng spam của Ripple.

Fees

XRP được dùng để thanh toán phí giao dịch trong mạng lưới của XRP Ledger. Mức phí tối thiểu hiện tại là 0.00001 XRP (~10 drops). 

Validator trong XRP Ledger sẽ không được nhận phí giao dịch như các Blockchain khác, mà phí giao dịch này sẽ được đốt, loại bỏ ra khỏi nguồn cung của XRP.

Tuy nhiên, với mức phí quá nhỏ như trên sẽ không gây ra hiệu ứng giảm phát cho XRP.

Đào XRP như thế nào?

XRP Ledger sử dụng thuật toán RPCA để có sự đồng thuận trong mạng lưới. Vì thế anh em không thể đào cũng như Staking XRP được.

Ripple cũng không thực hiện bất kỳ một chiến dịch airdrop XRP nào ở thời điểm hiện tại như cách Stellar đang làm cả.

Vì vậy, anh em muốn sở hữu XRP thì chỉ còn cách lên sàn giao dịch UY TÍN để mua XRP mà thôi.

Có thể anh em quan tâm: Stellar (XLM) là gì? Toàn tập về đồng tiền ảo XLM

Ví lưu trữ XRP an toàn

Hiện tại, XRP được nhiều ví lưu trữ hỗ trợ. Anh em có thể chọn một số ví bên dưới để lưu trữ XRP:

  • Ví cứng: Ledger Nano S, Trezor (Model T), CoolWalletS
  • Ứng dụng:Ví Coinbase, Trust Wallet, Atomic Wallet…

Ngoài ra, anh em có thể lưu trữ XRP trên các sàn giao dịch UY TÍN để thuận tiện cho việc Trade.

Sàn giao dịch XRP

Sau 7 năm hình thành và phát triển, XRP đã được hỗ trợ mua bán trên 48 sàn giao dịch lớn nhỏ khác nhau.

Với tổng khối lượng giao dịch trung bình trong 30 ngày qua đạt hơn 1.8 tỷ đô, thể hiện được khả năng thanh khoản của XRP đang rất tốt ở thời điểm hiện tại.

Trong đó, XRP đang được giao dịch nhiều nhất trên sàn Upbit.

Tương lai của XRP

Tiềm năng thị trường

Ripple tham gia vào thị trường payment nhắm đến các khách hàng là ngân hàng nên sẽ có sự cạnh tranh với hệ thống thanh toán truyền thống với hơn 45 năm tuổi đời -SWIFT.

Hiện trạng, số giao dịch của SWIFT mỗi ngày hơn 34 triệu giao dịch với tổng trị giá hơn 5 ngàn tỷ USD.

Con số này thật sự khủng khiếp đúng không anh em?

Bây giờ, anh em cùng mình xem một so sánh nhỏ giữa Ripple và SWIFT.

Tình hình mạng lưới

Trước tiên, anh em cùng mình xem về lượng ví đang hoạt động (active) trên mạng lưới của XRP Ledger.

Lượng ví XRP hoạt động tăng đột biến lên 57.55 nghìn ví vào khoảng thời gian đầu tháng 07/2019, tương đường +364.25%. Sau đó, đã giảm về lại mức ổn định so với đầu năm.

Tiếp theo là số transaction trên toàn mạng lưới của XRP Ledger.

Anh em có thể thấy lượng transaction của XRP Ledger đã tăng mạnh lên mức 1.74 triệu transaction mỗi ngày, tương đương 228.4 % so với con số đầu năm.

Chỉ tính riêng từ giữa tháng 10, số transaction đã tăng hơn 139.5%. Đây chắc hẳn là hiệu ứng do giải pháp On-Demand Liquidity của Ripple được thương mại hoá vào tháng 10/2019.

Vào lúc ra mắt, ODL chỉ có khoảng 10 khách hàng sử dụng. Tính đến nay con số này đã đạt 24.

Trong đó, MoneyGram được xem là đối tác có nhiều transaction nhất khi 10% lượng giao dịch của họ được hoàn thành qua ODL của Ripple.

Escrow

Như mình đã đề cập ở phần Allocation, Ripple sẽ được mở 1 tỷ XRP mỗi tháng và toàn quyền sử dụng số này.

Vậy ở phần dưới đây, anh em cùng mình xem trong năm 2019 này, Ripple đã bán bao nhiêu XRP và trị giá của nó là bao nhiêu?

Đây cũng chính là nguồn bán ra lớn khiến XRP khó mà tăng giá được nên anh em hết sức lưu ý điểm này.

Anh em có thể thấy rõ, lượng XRP được bán ra ở Q3 của Ripple giảm mạnh ~74% so với Q2/2019. Đưa giá trị XRP được bán ra về mức 64.2 triệu đô.

Mặc dù lượng XRP được bán ra đã giảm đi rất nhiều nhưng giá của XRP vẫn tiếp tục giảm hơn 52.2% kể từ đầu Q3.

Có nên đầu tư XRP không?

Mình chắc rằng sau khi đọc đến đây, anh em cũng đã nắm bắt được 99% những thông tin cơ bản và cần thiết nhất về đồng XRP nói riêng và Ripple nói chung.

Hy vọng từ những thông tin đã được cung cấp ở trong bài viết. Anh em có thể tự mình đưa ra nhận định về cơ hội lẫn rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào đồng XRP.

Coin98 sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất về dự án này.

FAQ

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về Ripple và XRP.

Ripple & XRP có giống nhau không?

Không! Ripple là công ty phát triển XRP Ledger. Còn XRP là đồng tiền điện tử chạy trong XRP Ledger.

Tạo ví XRP ở đâu?

Ripple không phát hành ví lưu trữ XRP chính thức. Anh em có thể lưu trữ XRP ở các ví mà mình có đề cập ở trên.

Mua XRP ở đâu?

Hiện tại, ở Việt Nam anh em có thể mua XRP thông qua sàn Remitano hay Aliniex. Mình cũng đã có hướng dẫn chi tiết về cách mua XRP tại đây anh em có thể tham khảo.

Có bao nhiêu tổ chức tài chính, ngân hàng đã sử dụng RippleNet?

Theo con số hiện tại do Ripple cung cấp đã có hơn 300 khách hàng sử dụng RippleNet.

Lời kết

Ripple & XRP là cái tên mang lại nhiều cảm xúc thăng hoa cho rất nhiều anh em tham gia thị trường tiền điện từ cuối 2017. Nhưng cũng là nỗi đau dành cho anh em đu đỉnh với cú chia 12 thần thánh.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận công sức của Ripple khi họ đã cố gắng kiến tạo và làm cho XRP có giá trị sử dụng. Đặc biệt là thông qua giải pháp On-Demand Liquidity (ODL) của họ. 

Anh em có nghĩ rằng ODL sẽ làm yếu tố thay đổi cuộc chơi của Ripple đối với XRP hay không? Hãy bình luận ý kiến của anh em ở cuối bài viết này.

Và nếu anh em thấy thông tin do mình và đội ngũ Coin98 cung cấp là hữu ích. Đừng quên chia sẻ bài viết này cho những người anh em khác cùng đọc nha.

Thân chào và hẹn gặp lại anh em ở những bài viết sắp tới!