Sách giáo khoa lớp 1 có điểm mới, song có quá nhiều kiến thức
(GDVN) – Qua nghiên cứu, nhiều cán bộ, giáo viên dạy lớp 1 tại Hải Phòng đánh giá 5 bộ sách giáo khoa mới có nhiều điểm mới, hấp dẫn, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong thời gian học sinh nghỉ học để chống dịch Covid-19, cán bộ, giáo viên các trường tiểu học tổ chức nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Qua khảo sát, hầu hết cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, nhất là giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020-2021 đều tích cực tìm hiểu, đánh giá để lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới ban hành.
Sau nghi nghiên cứu, nhiều giáo viên dày dặn kinh nghiệm dạy học lớp 1 cho rằng, cả 5 bộ sách giáo khoa có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng.
Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh.
Các bộ sách đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phù hợp, cùng hướng tới mục đích cần đạt theo thông điệp của từng bộ sách.
Đánh giá về bộ sách “Cánh diều”, một số giáo viên dạy lớp 1 tại quận Lê Chân (Hải Phòng) cho rằng, bộ sách của các môn có tính kế thừa và đổi mới so với sách giáo khoa hiện hành.
Môn toán có nội dung, thiết kế quy trình dạy học phù hợp, học sinh được thực hành nhiều hơn. Sách tiếng Việt dễ dạy, dễ học.
Đối với bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, qua khảo sát, các giáo viên đánh giá cao bởi, bộ sách này có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sách khác.
Cụ thể, sách xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt, nhất là có nhân vật robot thể hiện sự tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cấu trúc theo bài học, chủ đề giúp giáo viên dạy học linh hoạt.
Lãnh đạo Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Kiến An) chia sẻ: “Mỗi bài học ở bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có 4 phần: khám phá, tìm hiểu, trò chơi, luyện tập.
Sách toán gắn với thực tiễn, lồng ghép, tích hợp nội dung liên môn. Sách tiếng Việt cấu trúc bài rõ ràng, giáo viên dễ định hướng dạy cho học sinh và các em cũng dễ tìm hiểu, biết nội dung cần đạt ở mỗi bài”.
Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” có cấu trúc, trình bày có nhiều điểm tương đồng với bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Sách thiết kế nhiều hoạt động tạo tính tương tác, hợp tác cao giữa các học sinh và học sinh với giáo viên, nội dung rõ ràng, tránh những kỹ thuật lắt léo, nhất là ở môn toán.
Sách giáo khoa ở các môn tự nhiên – xã hội, đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc, hoạt động trải nghiệm đều được thiết kế, trình bày đẹp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp với trẻ và điều kiện của địa phương.
Ngoài những ưu điểm, theo nhiều giáo viên, các bộ sách giáo khoa lớp 1 cũng bộc lộ một số hạn chế.
Khuyết điểm chung của hầu hết các bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1.
Cụ thể, sách tiếng Việt 1 của bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” sang học kỳ 2 cho học sinh học viết hoa, trong khi ở độ tuổi này thì viết chữ thường còn nhiều khó khăn.
Ở một số bộ sách, môn tiếng Việt hầu hết kết thúc phần học vần ở học kỳ 1, các bài học có nhiều vần.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Lê Chân, phần lớn các bộ sách quá nhiều hình ảnh, nhiều ảnh to sẽ gây mất chú ý cho học sinh.
Sách còn có nhiều ảnh về đồ dùng, con vật, cảnh quan, trong khi đó ảnh thật rất sẵn, hiệu quả giáo dục cao hơn.
Một số sách Toán nhiều hình, trình bày còn rối. Sách môn Đạo đức của hầu hết bộ sách đều có phần khởi động là hát.
Học sinh lớp 1 chưa biết đọc, thuộc ít bài, nhất là bài hát cần phù hợp với nội dung học nên rất khó thực hiện.
LÃ TIẾN