Sách giáo khoa mới: Đầu tư hình thức hay nội dung?

Giá sách giáo khoa tăng khiến một bộ phận phụ huynh, học sinh bị tác động lớn.
Giá sách giáo khoa tăng khiến một bộ phận phụ huynh, học sinh bị tác động lớn.

Giá sách tăng phi mã

Từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được triển khai với lớp 1 trên cả nước. Với chủ trương xã hội hóa, sách giáo khoa (SGK) mới có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản (NXB). SGK mới được đánh có sự tiến bộ hơn so với SGK hiện hành và được cải thiện đáng kể về hình thức như kích thước lớn hơn, màu sắc và chất liệu giấy đẹp hơn. Tuy nhiên, kéo theo đó là giá sách tăng “phi mã”.

Đơn cử như các bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023 tới đây. Những bộ sách của các lớp học này được đưa phê duyệt và đưa vào giảng dạy, gồm: Hai bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế liên kết sản xuất.

Với bộ SGK lớp 3 của NXB Giáo dục Việt Nam, giá bìa từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Trong khi đó giá SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ.

Tương tự, giá bộ SGK lớp 7 theo chương trình mới từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn). Trong khi đó, bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) khoảng 120.000 đồng/bộ. Giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học có là 164.000 đồng.

Với bộ sách Cánh Diều, theo công bố, bộ SGK lớp 3 theo chương trình mới (chưa tính giá SGK tiếng Anh) có giá là 220.000 đồng/bộ; giá SGK lớp 7 là 255.000 đồng/bộ; giá bộ SGK lớp 10 đối với 5 môn bắt buộc là 198.000 đồng/bộ. Như vậy, so với chương trình hiện hành, giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới của tất cả các NXB đều tăng gấp 2-3 lần.

Giá SGK những năm trở lại đây tăng khiến một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh chịu tác động lớn. Đối với những học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, SGK mới có lẽ trở thành một thứ xa xỉ. Biết tin giá SGK năm học mới sẽ tăng, anh Nguyễn Xuân Trường (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, gia đình anh lại tăng thêm gánh nặng. Hai năm dịch bệnh, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng khiến vợ chồng anh, người mất việc, người phải chuyển việc mới. Thu nhập bấp bênh nên năm học tới đây, vợ chồng anh lại canh cánh nhiều nỗi lo toan.

Không chỉ có giá SGK tăng mà nhiều phụ huynh còn chỉ ra SGK mới lãng phí khi có nhiều đầu sách không sử dụng tới. Chị Nguyễn Thu Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái, con trai tôi học SGK lớp 2 theo chương trình mới. Tôi thấy có nhiều đầu sách gần như không sử dụng tới, ví dụ như SGK môn Giáo dục Thể chất. Như vậy rất lãng phí. Với các gia đình khá giả thì không sao nhưng với gia đình kinh tế không dư giả gì thì tiền SGK sẽ là khoản chi lớn”.

So sánh giá sách cần sự tương đồng

Theo lý giải của NXB Giáo dục Việt Nam, sở dĩ SGK mới có giá cao hơn SGK hiện hành vì sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19×26,5cm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, SGK mới nên đầu tư hình thức hay nội dung khi hiện nay SGK mới còn quá nhiều “sạn”. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Khi có điều kiện thì chúng ta làm sách với mẫu mã đẹp, nhưng hình thức không quan trọng bằng nội dung. Nếu chúng ta tiết giản những cái trang trí để tập trung đầu tư cho nội dung sách, giảm chi phí để đáp ứng mọi phụ huynh vùng sâu, vùng xa thì điều đó quá tốt”.

Về giá SGK, trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội mới đây, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, khi so sánh giá SGK nên có sự tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Ông Sơn dẫn chứng, với các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam, được thực hiện theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa. Năm nay, giá thành các bộ sách này có giảm từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Còn giá các bộ SGK thuộc chương trình 2016 thấp hơn sách mới vì được Nhà nước hỗ trợ, bỏ tiền cho rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng cho hay, đối với NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ đã chỉ đạo mỗi bản sách dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, cần có các biện pháp khác. Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành, Bộ đã yêu cầu NXB cung cấp file PDF lên các trang của NXB để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện.

“Bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách ở mức hợp lý nhất, thuận tiện cho người học” – ông Sơn nói.

GS. TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Các nhà xuất bản đang chạy theo lợi nhuận

Thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2021-2022, năm chương trình mới triển khai ở lớp 2 và lớp 6. NXB Giáo dục Việt Nam bất ngờ thông báo hợp nhất từ 4 bộ SGK ở lớp 1 thành 2 bộ SGK ở lớp 2. Điều này đồng nghĩa với việc, 2 bộ sách bị “xóa sổ” không thể sử dụng được nữa. Tôi thấy đây là chuyện không tưởng. Việc sách đã thẩm định rồi mà lại công bố rút đi là không thể chấp nhận được. Đáng nói là cơ quan quản lý không đưa ra được lý do thỏa đáng dư luận vì sao 2 bộ sách này rút đi. Do in, phát hành không bán được hay không có người lựa chọn cũng không giải thích rõ ràng. Như vậy chỉ có người học chịu thiệt. Phụ huynh bỏ cả vài trăm nghìn đồng mua sách rồi không sử dụng nữa quá lãng phí. Và ai chịu trách nhiệm về lãng phí này.

Tôi cho rằng, các NXB đang làm lũng đoạn thị trường SGK, chạy theo lợi nhuận và không vì học sinh. Tôi phản đối điều này. Thanh tra cần vào cuộc để xem xét, xử lý những bất cập còn tồn tại về vấn đề SGK chứ không thể giao quyền cho địa phương theo cách thả lỏng như hiện nay. SGK phải do Bộ GDĐT quản lý. Nếu SGK có những sai sót, tồn tại không thể chấp nhận được, lọt “sạn” vào trường học thì ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận, tìm hướng khắc phục, xử lý những người có trách nhiệm liên quan.