Sách So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành (TS. Trần Văn Hà)

Luật Minh Khuê giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn sách “So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành” do tiến sĩ Trần Văn Hà biên soạn, giúp bạn đọc dễ dàng đối chiếu, so sánh quy định của Bộ luật lao động 2012 và Bộ luật lao động năm 2019.

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành” do TS. Trần Văn Hà biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành

So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Tác giả: TS. Trần Văn Hà

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông

3. Tổng quan nội dung sách

Ngày 20/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8 khóa XIV, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14. Theo đó, Bộ luật này quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Đối tượng áp dụng là người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; người sử dụng lao động; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhằm giúp bạn đọc và những người làm công tác pháp luật về lao động thuận tiện trong việc nghiên cứu và áp dụng Bộ luật Lao động, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành” do TS. Trần Văn Hà – Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đã tập hợp, chọn lọc các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc áp dụng Bộ luật Lao động năm 2019. Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng Bộ luật Lao động khi so sánh 220 Điều của Bộ luật Lao động năm 2019 với 242 Điều của Bộ luật Lao động năm 2012. Ngoài ra cuốn sách còn in các văn bản pháp luật về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội để bạn đọc thuận tiện hơn trong việc tham khảo và áp dụng.

Nội dung cuốn sách gồm các phần như sau:

Phần thứ nhất. So sánh Bộ luật lao động năm 2012 – 2019

Phần thứ hai. Các văn bản pháp luật về lao động – tiền lương – bảo hiểm xã hội

Mục 1. Văn bản pháp luật về lao động

Mục 2. Văn bản pháp luật về tiền lương

Mục 3. Văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế

Mục 4. Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

4. Đánh giá bạn đọc

Bằng việc xây dựng bảng so sánh, đối chiếu 2 cột tương ứng với 2 Bộ luật của tác giả trong cuốn sách sẽ giúp bạn đọc dễ dàng nhận diện những sửa đổi, hay bổ sung của từng điều luật tương ứng trong mỗi Bộ luật. Từ điểm này, thuận tiện cho bạn đọc trong việc nghiên cứu, đánh giá quy định mới của Bộ luật lao động năm 2019 hiện hành, góp phần phổ biến quy định pháp luật lao động mới trong nhân dân.

Ngoài ra, tác giả còn dành phần hai của cuốn sách để trình bày nhiều văn bản pháp luật quy định về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội phục vụ bạn đọc tra cứu, áp dụng trên thực tiễn.

Cuốn sách không có những phần bình giải vì sao lại có sự sửa đổi, đơn giản chỉ là hệ thống dưới hình thức đối chiếu. Do đó, nếu bạn đọc kỳ vọng sẽ có những bình giải để hiểu sâu và đa chiều vấn đề hơn thì đây không phải là cuốn sách giải quyết được vấn đề đó.

Cuốn sách được tác giả hệ thống và biên soạn năm 2020, cho đến nay, với sự ra đời và có hiệu lực thi hành của Bộ luật lao động năm 2019 đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết được ban hành sau thời điểm cuốn sách xuất bản, cũng có một số văn bản tác giả hệ thống trong cuốn sách có thể đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đó, để đảm bảo lựa chọn, áp dụng đúng quy định còn hiệu lực cũng như kịp thời cập nhật những quy định mới bạn đọc chủ động tra cứu lại một lần nữa hiệu lực văn bản được viễn dẫn trong cuốn sách.

5. Kết luận

Cuốn sách “So sánh Bộ luật lao động năm 2012-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành” giúp bạn đọc tiết kiệm được thời gian soi chiếu từ 2 Bộ luật để tìm ra điểm khác biệt. Việc bạn sở hữu cuốn sách chính là bạn đã sở hữu nội dung của 2 bộ luật lao động.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!

Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!

Luật Minh Khuê chia sẻ với bạn đọc một số điểm mới nổi bật của Bộ luật lao động năm 2019 so với Bộ luật lao động năm 2012:

Hình thức của HĐLĐ

Bộ luật Lao động 2012 quy định HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 quy định hai bên chỉ có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng. Ngoài ra, BLLĐ 2019 bổ sung thêm một hình thức của HĐLĐ, đó là HĐLĐ được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đó, HĐLĐ được giao kết theo hình thức này cũng có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.

Chấm dứt HĐLĐ

Ngoài các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo Bộ luật Lao động 2012 thì Bộ luật Lao động 2019 quy định thêm 3 trường hợp sau:

– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ

Bộ luật Lao động 2019 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ so với Bộ luật Lao động 2012.

Theo Bộ luật Lao động 2012, NLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp luật định và phải đảm bảo nghĩa vụ thông báo trước cho NSDLĐ

Theo Bộ luật Lao động 2019, NLĐ không cần phải đưa ra lý do cho việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ thông báo trước ít nhất 45 ngày, 30 ngày hoặc 3 ngày làm việc tùy theo loại HĐLĐ. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt sau đây thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần thông báo trước:

–  Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;

– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;

– Đủ tuổi nghỉ hưu;

– NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

Theo Bộ luật Lao động 2012, NSDLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp luật định, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì NSDLĐ cũng phải thông báo trước cho NLĐ.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm 3 trường hợp mà NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

– NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu;

– NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; hoặc

– NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

Đồng thời, Bộ luật Lao động 2019 cho phép NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần thông báo trước trong trường hợp NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Ngoài ra, một điểm mới nữa của Bộ luật Lao động 2019 là nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và NLĐ quay trở lại làm việc thì NLĐ phải hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ.

Tăng thời gian làm thêm giờ cho người lao động

Bộ luật Lao động 2012 quy định số giờ làm thêm của NLĐ không được quá 30 giờ/tháng thì nay, tại Bộ luật Lao động 2019, số giờ làm thêm đã được tăng lên, không quá 40 giờ/tháng.

Tăng ngày nghỉ lễ Quốc khánh thêm 01 ngày trước hoặc sau ngày 02/9 hằng năm

Theo Bộ luật Lao động 2012, NLĐ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương vào ngày Quốc khánh (ngày 02/9 dương lịch) hàng năm.

Đối với Bộ luật Lao động 2019, NLĐ sẽ được nghỉ thêm 01 ngày hưởng nguyên lương vào ngày Quốc khánh. Như vậy, vào ngày Quốc khánh, NLĐ sẽ được nghỉ 02 ngày, ngày 02/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau ngày 02/09, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết của NLĐ trong năm từ 10 ngày lên 11 ngày.

Tăng độ tuổi nghỉ hưu cho NLĐ từ năm 2021

Theo BLLĐ 2019, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ (Khoản 2 Điều 169).

Như vậy, so với Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường của NLĐ (nam từ đủ 60 tuổi và nữ từ đủ 55 tuổi) đã được điều chỉnh tăng lên.

Ngoài ra, nhiều nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn so với Bộ luật Lao động năm 2012 như: đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, trình tự lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể …