Sắp đến ngày lắp đặt, thiết bị quan trắc trăm tỉ vẫn bị phủ bạt

Sắp đến ngày lắp đặt, thiết bị quan trắc trăm tỉ vẫn bị phủ bạt - Ảnh 1.

Trang thiết bị phủ bạt ngoài trời tại trụ sở cơ quan thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Năm 2019, sau khi khảo sát các vị trí lắp đặt trạm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cấp kinh phí hơn 112 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường. Tại báo cáo này, cơ quan tham mưu của UBND tỉnh Gia Lai còn khẳng định việc đầu tư nâng cấp là “hết sức cần thiết”.

Tuy nhiên, đến năm 2022, sau khi nhà thầu chuyển số trang thiết bị đến bàn giao thì cũng chính Sở Tài nguyên và Môi trường lại thông báo chưa thể lắp đặt do các vị trí từng được đề xuất có mật độ dân cư, giao thông, phát thải khí không lớn nên “chưa thật sự cần thiết” phải theo dõi, quan trắc.

Thiết bị quan trắc nằm phủ bạt nhiều tháng

Ghi nhận tại trụ sở Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, cả đống thiết bị vẫn đang nằm trong thùng các tông, thùng gỗ, chưa bóc tem, bị phủ bạt. Lãnh đạo trung tâm này cho hay số máy móc này xuất xứ từ Nhật Bản, trị giá hàng tỉ đồng, đã nằm ngoài sân nhiều tháng nay.

Một lãnh đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho biết số thiết bị trên được tập kết từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, chưa biết khi nào mới lắp đặt được vì các vị trí khảo sát đặt trạm quan trắc không nằm trong quy hoạch tại quyết định 568 năm 2020 và quyết định 254 năm 2021 của UBND tỉnh Gia Lai.

Trước đó, tháng 12-2021, ba đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần MOPHA (trực thuộc Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC); Công ty cổ phần Uy tín Toàn cầu và Công ty cổ phần tư vấn công nghệ – thiết bị Phan Lê ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho gói thầu “Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường, thuộc dự án Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường tỉnh Gia Lai” trị giá cả trăm tỉ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng trọn gói 720 ngày.

Sắp đến ngày lắp đặt, thiết bị quan trắc trăm tỉ vẫn bị phủ bạt - Ảnh 2.

Trụ sở Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Gia Lai – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ngày 17-1-2023, khi đã mua được trang thiết bị, sắp đến ngày lắp đặt, Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho lập đoàn khảo sát, báo cáo kết quả các vị trí dự kiến lắp đặt các trạm quan trắc.

Theo báo cáo khảo sát này, vị trí đặt trạm quan trắc không khí tự động, liên tục tại các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện… không thực sự cần thiết, do mật độ dân cư, mật độ giao thông, hoạt động của các doanh nghiệp có phát sinh khí thải không lớn. Đoàn khảo sát đề xuất không lắp đặt trạm quan trắc.

Còn đối với trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, đoàn khảo sát vị trí tại 7 huyện nhưng duy nhất vị trí tại huyện Đak Pơ đủ điều kiện, đáp ứng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất lắp đặt trạm quan trắc.

Đang thực hiện thì có thông tư

Trả lời câu hỏi tại sao cùng một vị trí đã được khảo sát, đề xuất nhưng trước nói được sau nói không, ông Lương Thanh Bình, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết thời điểm khảo sát các vị trí để đề xuất lắp đặt thiết bị (năm 2019) chưa có quy định cụ thể, nhưng sau này khi đã lựa chọn nhà thầu thì có thông tư cụ thể, chi tiết hơn.

“Năm 2019 chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn vị trí. Mãi đến năm 2021 thì thông tư 10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới nói ưu tiên lắp đặt tại một số vị trí. Sở thấy các văn bản tại các thời điểm quy định không thống nhất. Đang thực hiện thì có thông tư nên thấy vướng vướng”, ông Bình giải thích.

Đặt câu hỏi tại sao trong quá trình khảo sát, “thấy vướng” nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường không xin ý kiến, ông Bình cho biết do mới tiếp quản vị trí phó giám đốc nên phải rà soát lại việc này.

Theo quy định trong hợp đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường phải bàn giao mặt bằng cho chủ thầu để thi công trước ngày 27-1-2023. Tuy nhiên hiện nay số trang thiết bị trị giá gần 122 tỉ đồng vẫn đang nằm phủ bạt nhiều tháng trời. Về việc này, ông Bình cho biết hiện sở vẫn chưa tiếp nhận số lô hàng trên nên việc bảo quản thuộc về đơn vị chủ thầu.

Công an vào cuộc điều tra

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu thập tài liệu liên quan đến việc mua sắm thiết bị quan trắc môi trường. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường qua trao đổi cũng xác nhận đã cung cấp cho cơ quan điều tra toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc.

Cũng liên quan đến việc mua sắm thiết bị quan trắc môi trường, tại tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đang thanh tra tại một số đơn vị có mua sắm trang thiết bị do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) cung ứng tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo.

Cụ thể, năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk được giao mua sắm trang thiết bị lắp đặt cho hai trạm quan trắc khí tự động di động và nước tự động di động với tổng kinh phí gần 29 tỉ đồng.

Công ty AIC chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ hàng hóa, máy móc thiết bị của gói thầu do nhà sản xuất MCZ của Đức sản xuất nhưng sau đó đã kéo dài thời gian cung ứng thiết bị.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, kiểm tra 44/59 thiết bị của dự án, chỉ có 6/44 thiết bị đúng nhãn mác; 22/44 thiết bị không đúng nhãn mác; 12/44 thiết bị không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ; một thiết bị chưa được lắp đặt và phụ tùng kèm theo cho một trạm thiếu đồng bộ.

Lãng phí, chậm tiến độ nghiêm trọng tại các dự án bệnh viện, hàng trăm tỉ đồng thiết bị Lãng phí, chậm tiến độ nghiêm trọng tại các dự án bệnh viện, hàng trăm tỉ đồng thiết bị ‘đắp chiếu’

TTO – Đoàn giám sát của Quốc hội có báo cáo cho biết giai đoạn 2016 – 2021, việc đầu tư các dự án bệnh viện có nhiều tồn tại, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả. Việc “thổi” giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời.