So sánh 2 TV Mini-LED LG và Sony: chọn TV Hàn hay Nhật đây?
Đây là hai mẫu TV 4K đầu bảng của LG và Sony hiện nay được trang bị công nghệ đèn nền mini-LED.
Công nghệ đèn nền mini-LED là tiến bộ công nghệ lớn với các TV LED ra mắt vài năm gần đây. Các TV dùng công nghệ đèn nền mini-LED có số lượng đèn nền và số vùng làm tối cục bộ (local dimming zone) nhiều hơn gấp nhiều lần so với các TV LCD thông thường. Điều này cho phép TV điều khiển đèn nền hiệu quả hơn từ đó cải thiện độ tương phản, độ sâu màu đen và màu sắc.
Hai mẫu TV mini-LED mình dùng trong bài so sánh này là bản 65 inch, mẫu LG có tên mã QNED86SQA, còn Sony là XR-65X95K. Cả hai đều là những TV bán ra trong năm 2022.
Với LG, QNED86SQA là năm thứ hai họ làm TV mini-LED, còn XR-65X95K là chiếc TV mini-LED đầu tay của Sony. Cả hai đều là những TV 4K ở phân khúc cao cấp. Mức giá công bố thời điểm mở bán của hai TV này chênh nhau không nhiều. Bản 65 inch của TV của LG QNED86SQA có giá 54,9 triệu đồng, còn XR-65X95K là 60,9 triệu đồng.
Tuy vậy, mình tham khảo trên Điện Máy Xanh vào thời điểm viết bài (8/2/2023) thì giá của mẫu LG giảm còn 37,9 triệu đồng, trong khi giá của TV Sony không thay đổi. Như vậy, có thể thấy mức giá mua thực tế của LG QNED86SQA đang mềm hơn rất nhiều.
Mục lục bài viết
Thiết kế: Sony ghi điểm
Hai TV có điểm chung là có thể treo tường tiện lợi. Mặt lưng của hai TV đều phẳng, các cổng kết nối được bố trí hướng ra cạnh bên và phía dưới để có thể cắm dễ dàng khi treo TV lên tường. Khu vực của các cổng kết nối của hai TV đều có nắp che và các ống để đi dây gọn gàng. Tuy vậy, TV Sony sẽ đòi hỏi bức tường để treo TV phải khỏe hơn vì trọng lượng tới 32kg so với 27kg của TV LG.
Sony XR-65X95K (bên trái) và LG QNED86SQA (bên phải)
Phía mặt trước, TV Sony có viền mỏng hơn chút so với LG. Bên cạnh đó, khung TV Sony là kim loại thanh mảnh hơn, còn LG là nhựa nên to bản hơn. Chân đế của TV Sony có thể lắp 3 kiểu được gồm kiểu lắp chân thấp, lắp chân cao để đặt loa thanh hoặc lắp hai chân hẹp vào bên trong. Trong khi đó, chân đế của TV LG là chân đế bán nguyệt đặt ở giữa. Mình thấy chân đế của hai TV đều đảm bảo độ vững chắc cho TV.
Sony XR-65X95K (bên trái) và LG QNED86SQA (bên phải)
Nhìn chung ở khía cạnh thiết kế, mình đánh giá Sony cao hơn do có viền mỏng, khung kim loại đẹp mắt hơn và chân đế có cách lắp đặt đa dạng hơn.
Chất lượng hình ảnh: LG gây bất ngờ
Bên cạnh công nghệ đèn nền mini-LED, cả hai TV đều được nhà sản xuất trang bị những công nghệ như chấm lượng tử để cải thiện màu sắc, độ tương phản cũng như góc nhìn.
TV LG (phải) tái tạo màu sắc chuẩn hơn TV Sony (trái)
Khi so sánh thực tế giữa hai TV, mình thấy TV Sony có đỉnh sáng cao hơn khá rõ rệt so với TV LG. Nhưng ở khía cạnh màu sắc thì TV LG lại ghi điểm tốt hơn. Cả hai đều là những TV có dải màu rộng và mang lại hình ảnh sống động nhất trong thế giới TV LCD hiện nay. Tuy vậy, khi so sánh trực diện ở nhiều bối cảnh khác nhau từ các video về thiên nhiên đến các bộ phim bom tấn thì TV LG đều thể hiện màu sắc chính xác hơn khi cả hai TV cùng xem ở chế độ hình ảnh Tiêu chuẩn, Sống động hay Phim ảnh. Cân bằng trắng của chiếc LG được làm tốt hơn. Màu trắng trên TV LG hiển thị trắng, còn TV Sony bị ám đỏ.
So sánh trực tiếp, TV LG (phải) có màu đen đen hơn và độ tương phản sâu hơn TV Sony (phải).
Khi so sánh các cảnh trong phim bom tấn của Hollywood, mình thấy TV LG cũng có màu đen sâu hơn và độ tương phản tốt hơn so với TV Sony. Ở một số cảnh nhìn bằng mắt thường có thể thấy màu đen trên TV Sony gần chuyển sang màu xám. Điều này làm mình bất ngờ bởi TV Sony dùng tấm nền VA, trên lý thuyết sẽ có độ tương phản tốt hơn tấm nền IPS trên TV LG. Mình phỏng đoán nguyên nhân có thể đến từ lượng vùng làm tối cục bộ trên TV LG (900 vùng) nhiều hơn so với TV Sony (432 vùng). Số vùng làm tối cục bộ nhiều hơn cho phép TV điều chỉnh ánh sáng tối hiệu quả hơn.
Về góc nhìn, cả hai TV đều có góc nhìn khá rộng, màu sắc đảm bảo không thay đổi khi 3-4 người cùng ngồi xem phía trước TV nhưng khi nhìn vào từ góc xa thì cả hai TV đều giảm về màu sắc cũng như độ sáng.
Hai TV đều có khả năng nâng cấp nội dung thông thường lên độ phân giải 4K tốt.
Về khả năng nâng cấp (upscale) nội dung, mình không thấy sự khác biệt giữa hai TV. Cả hai đều làm tốt việc này. Các nội dung thông thường và nội dung từ YouTube, các kênh truyền hình được nâng cấp mượt mà, trơn tru và có độ chi tiết tốt khi xem ở khoảng cách phù hợp với kích cỡ TV.
Nhìn chung, về phần hình ảnh, khi đặt hai TV cạnh nhau và so sánh các loại nội dung, mình đánh giá TV LG tái tạo hình ảnh màu sắc chuẩn hơn, màu đen sâu hơn và độ tương phản tốt hơn. Trong khi đó, TV Sony chỉ có ưu thế về đỉnh sáng cao hơn.
Trải nghiệm chơi game: game thủ sẽ thích LG hơn
Với độ phân giải 4K và tần số quét 120Hz, bạn có thể chắc chắn rằng cả LG QNED86SQA và Sony X95K đều sẽ mang đến trải nghiệm gaming mượt mà, hình ảnh chìm đắm trong mọi khoảnh khắc. Ngay khi chiếc máy chơi game PlayStation 5 của mình khởi động xong, hai chiếc TV đã lập tức đề nghị được tùy chỉnh các thiết lập hiển thị, âm thanh tối ưu.
Những công nghệ như HDMI 2.1, VRR (Variable Refresh Rate) và ALLM (Auto Low Latency Mode) đều có sẵn trên cả hai TV để đảm bảo bạn sẽ tận dụng được tối đa khả năng những cỗ máy chơi game console hay hệ thống gaming PC mới nhất của mình. Ngoài ra, cả hai cũng có những bộ xử lý hình ảnh để nâng cấp (upscale) nội dung hiển thị nên cũng đừng quá lo lắng nếu tựa game yêu thích của bạn đã cũ và không hỗ trợ độ phân giải 4K.
Tuy nhiên, chiếc LG QNED86SQA có một vài ưu thế nhất định khi nói về trải nghiệm gaming. Đầu tiên, đại diện của LG trang bị công nghệ chống rách hình AMD FreeSync Premium, trong khi chiếc Sony X95K thì không, công nghệ tương tự của Nvidia là G-Sync cũng không có luôn. Khi chơi game ở tần số quét cao tính năng này rất cần thiết vì nếu tần số quét màn hình và tốc độ khung hình trong game không được đồng bộ với nhau sẽ xảy ra hiện tượng rách hình (screen tearing) rất khó chịu.
Việc thiếu vắng cả AMD FreeSync Premium và Nvidia G-Sync cũng đồng nghĩa nếu bạn muốn chơi game trên chiếc Sony X95K, lựa chọn duy nhất để tránh tình trạng rách hình là V-Sync, một công nghệ đã cũ với nhược điểm chí mạng là tăng độ trễ hiển thị, điều mà các game thủ không ai muốn.
Bên cạnh đó, chiếc TV LG còn tích hợp Game Optimizer, bộ tính năng cho phép bạn theo dõi và tùy chỉnh những thiết lập liên quan đến trải nghiệm gaming, chẳng hạn như cân bằng đen/trắng, chế độ Low Latency, hoặc lựa chọn những profile được thiết kế dành riêng cho các thể loại game như bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS), game chiến thuật (RTS), nhập vai (RPG) hay thể thao (Sport). Chẳng hạn, khi chơi PES mình rất thích màu cỏ xanh mướt của profile Sport, sân Mỹ Đình mà thay được màu cỏ như tính năng này thì dân mạng đã chẳng có chuyện để bàn tán.
Sony X95K cũng chuyển sang chế độ hình ảnh Game khi kết nối PS5, nhưng nếu nói về số lượng cài đặt có thể tùy chỉnh thì không thể phong phú được như LG QNED86SQA. Tất nhiên không phải ai cũng thích hay có thời gian “vọc vạch” những tùy chỉnh chuyên sâu, nhưng nếu những thiết lập mặc định do hai chiếc TV đề xuất chưa đủ khiến bạn hài lòng, rõ ràng LG QNED86SQA sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Trải nghiệm âm thanh: Sony gây ấn tượng với phim ảnh, còn LG lại thắng thế về âm thanh trong game
Về thông số, Sony X95K nhỉnh hơn khi có hệ thống loa 2:2:2 tổng công suất tới 60W, trong khi hệ thống loa của LG QNED86SQA là loa 2:2 với tổng công suất 40W. Ở khía cạnh âm lượng, mình thấy cả hai đều không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc lấp đầy căn phòng khoảng 40m2 của mình nhưng so sánh giữa hai TV ở cùng một mức âm lượng thì Sony X95K phát ra âm thanh lớn hơn.
Về trải nghiệm âm thanh, Sony X95K cho trải nghiệm cực kỳ sinh động khi xem phim. Công nghệ Acoustic Multi-Audio phối hợp với hệ thống loa tweeter và subwoofer giúp hiệu ứng âm thanh vòm rõ rệt hơn, chính xác hơn. Từng tiếng súng nổ, đường dao chém trong Tyler Rake (Nhiệm vụ giải cứu) được tái hiện chân thực và tách bạch tốt với âm thanh nền. Tiếng “leng keng” khi vỏ đạn rơi xuống hay tiếng nổ đặc trưng của AK47 trên Sony X95K cũng được tái hiện rõ rệt.
Nhưng rất bất ngờ là khi chơi game trêm PS5, máy chơi game console do chính Sony phát triển, sự sống động ấy lại “chìm” đi rất nhiều. Tiếng hò reo của khán giả trong PES hay những âm thanh trong rừng sâu của Returnal có cảm giác thiếu sức sống hẳn, một điều khá kỳ lạ.
LG QNED86SQA có phần ngược lại. Vẫn với phim Tyler Rake, việc không có hai loa midrange đảm nhiệm âm thanh tầm trung nên các dải âm trầm có phần lấn lướt các dải còn lại. Tiếng súng trong phim nghe đục hơn chứ không đanh chắc như Sony X95K, và các nguồn âm dường như “dính” vào nhau nhiều hơn chứ không thực sự tách bạch một cách rõ rệt. Dù vậy, giọng nói của diễn viên được thể hiện tốt, rõ ràng, giữa hai TV không chênh lệch đáng kể.
Khi chơi game, LG QNED86SQA lại có bộ mặt hoàn toàn khác. Những âm thanh như tiếng mưa rơi tí tách, tiếng động vật hay những con quái tấn công nữ nhân vật chính, tất cả đều được tái hiện một cách sinh động đến bất ngờ trong khu rừng của Returnal, giống như mình đang ở chính giữa màn chơi đó vậy.
Trải nghiệm phần mềm
Hai TV sử dụng những nền tảng hệ điều hành khác nhau. TV LG là WebOS 22, còn Sony dùng Google TV. Các chức năng cơ bản về phần mềm thì cả hai đều áp ứng đủ: có kho ứng dụng cung cấp nhiều ứng dụng phổ biến, hỗ trợ điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại và có trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt.
Cả hai TV này đều sử dụng trợ lý ảo Google Assistant, riêng TV LG còn có thêm trợ lý ảo tiếng Việt tích hợp trong nền tảng WebOS. Trên cả 2 TV này, người dùng có thể dùng nút riêng trên điều khiển từ xa để gọi trợ lý ảo Google Assistant hỗ trợ tìm kiếm và điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt. Đây cũng là trợ lý giọng nói tiếng Việt trên TV tốt nhất hiện tại.
Cách sắp giao diện trên cả hai TV đều khá trực quan, dễ dùng. Mặc dù nền tảng hệ điều hành khác nhau nhưng cả hai đều hỗ trợ nhiều tài khoản (mỗi tài khoản hiển thị theo thói quen sử dụng khác nhau), có thể điều chỉnh nhiều chế độ hình ảnh và âm thanh không làm gián nội dung đang xem.
Về điều khiển từ xa, cả hai TV đều tích hợp các nút gọi ứng dụng cơ bản và trợ ảo tiếng Việt Google Assistant. Sản phẩm đi kèm TV Sony nhỏ gọn hơn hẳn nhưng LG lại có đặc sản “chuột bay” mang lại trải nghiệm điều khiển tốt nhất trong các hãng TV hiện nay. Việc cuộn chuột linh hoạt, mượt và tiện lợi hơn nhiều so với thao tác di chuyển bàn phím trên điều khiển TV của Sony. Đặc biệt, khi đọc báo trên TV, con trỏ chuột trên điều khiển từ xa của LG có thể cuộn trang tự nhiên như dùng máy tính.
Tổng kết
Không có TV nào chiến thắng tuyệt đối trong cuộc so đọ này. Tuy nhiên, điều khiến mình bất ngờ là chiếc TV LG QNED86SQA lại có chất lượng hình ảnh tốt hơn đối thủ Sony XR-65X95K, đặc biệt là độ tương phản sâu hơn, màu đen đen hơn và cân bằng trắng cũng chính xác hơn. Vì vậy khi xem phim thì TV LG sẽ tái tạo hình ảnh gần hơn với mong muốn của nhà sản xuất.
TV của LG cũng mang lại trải nghiệm chơi game tối ưu hơn so với Sony, kể cả khi chơi trên chính chiếc PS5 của hãng điện tử Nhật. Trong khi đó, TV Sony XR-65X95K lại có ưu thế về thiết kế viền mỏng hơn và hình thức đẹp hơn, đỉnh sáng cao hơn và loa ngoài mang đến chất âm ấn tượng hơn khi xem phim.
Về giá, hai TV không chênh đáng kể ở thời điểm mở bán (54,9 triệu đồng với LG QNED86SQA và 60,9 triệu đồng với Sony XR-65X95K). Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá thực tế trên thị trường TV LG đã rẻ hơn nhiều có nơi giảm còn 38 triệu đồng, trong khi TV Sony giảm ít hơn còn 55,9 triệu đồng.
>> Đèn nền mini-LED trở thành cuộc đua mới của các hãng TV
>> Công nghệ đèn nền mini-LED trên TV là gì? Vì sao nó quan trọng?