So Sánh DJI Air 2S Và Mavic Air 2: Điểm Khác Biệt Và Những Nâng Cấp Đáng Có
Với những đánh giá ban đầu có vẻ rất tích cực về DJI Air 2S – máy bay không người lái mới nhất của DJI. Một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra, liệu nó có tốt hơn nhiều so với Mavic Air 2 trước đó không? Trả lời cho câu hỏi này, bài viết so sánh DJI Air 2S và Mavic Air 2 dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất.
Mục lục bài viết
Thiết kế và phần cứng
Hai chiếc Flycam này gần như giống hệt nhau về ngoại hình. Sự khác biệt duy nhất là DJI Air 2S có thêm bộ cảm biến khoảng cách ở phía trên, nhìn giống như bốn “con mắt” ở mặt trước thay vì hai “mắt” như ở Mavic Air 2. Điều này giúp gia tăng khả năng phát hiện và tránh chướng ngại vật cho Flycam khi bay ở tốc độ cao.
Đều là những chiếc Flycam có tính di động cao, chúng được thiết kế gấp gọn và bỏ túi tiện lợi. Tuy nhiên chiếc Air 2S có trọng lượng nặng hơn một chút so với Mavic Air 2 (nặng hơn 30g).
Hiệu suất máy ảnh
Đối với nhiều người chơi Flycam, Mavic Air 2 gần như là một chiếc máy bay không người lái hoàn hảo với hiệu suất bay, tính di động và thời lượng pin đủ ấn tượng. Tuy nhiên, không ngoại lệ Mavic Air 2 vẫn có những hạn chế nhất định dù camera của nó được đánh giá có chất lượng tuyệt vời.
Với cảm biến 1/2 icnh 48MP, camera trên Mavic Air 2 có thể tạo ra hình ảnh 48MP từ việc ghép bốn bức ảnh 12MP nhờ sử dụng công nghệ Quad Bayer và pixel-binning. Công nghệ Pixel-binning dù có nhiều ưu điểm xong có thể khiến hình ảnh của bạn bị mất chi tiết khi phóng to. Điều này hoàn toàn không xảy ra với DJI Air 2S vì nó không sử dụng công nghệ Quad Bayer hay pixel-binning, ảnh của nó vẫn là ảnh 20MP sắc nét nhờ được trang bị cảm biến 1 inch 20MP.
Kích thước cảm biến lớn hơn đồng nghĩa với việc thu phóng kỹ thuật số cũng tốt hơn. Với DJI Air 2S, bạn có thể phóng to 4X ở 4K 30fps, 6X ở 2.7K 30fps, 4X ở 2.7K 60fps, 6X ở 1080P 60fps và 8X ở 1080P 30fps. Tuy nhiên ở độ phân giải 5,4K hay khi quay HDR sẽ không có tùy chọn thu phóng kỹ thuật số này. Ngoài ra, camera trên Air 2S có thể chụp ảnh ở định dạng RAW để đảm bảo giữ lại tối đa chi tiết ảnh trong quá trình hậu kỳ cắt và chỉnh sửa.
Ngoài cho ra chất lượng ảnh tĩnh tốt hơn, DJI Air 2S còn có khả năng quay video với độ phân giải cao hơn 5.4K 30fps, trong khi Mavic Air 2 là 4K 60fps. Camera tích hợp gimbal 3 trục giúp làm mịn cảnh quay. Kết hợp với tốc độ bit đạt tới 150Mbps cao hơn Mavic Air 2 là 100Mbps đem tới chất lượng video tốt hơn với độ chi tiết cao, đồng thời ít bị suy giảm chất lượng khi chỉnh sửa.
DJI Air 2S cũng được hỗ trợ thêm một số tính năng chụp ảnh nâng cao, đặc biệt là MasterShots hoàn toàn mới cho phép Flycam thực hiện mười thao tác khác nhau để tạo một video ngắn ấn tượng chỉ với một cú chạm.
Tương tự như Mavic Air 2, phiên bản nâng cấp Air 2S cũng sở hữu khẩu độ cố định f/2.8, không phải là khẩu độ có thể điều chỉnh như trên Mavic 2 Pro.
Hiệu suất chuyến bay
Về tốc độ, cả hai máy bay không người lái đều đạt tốc độ khoảng 68 km/h ở chế độ S. Tuy nhiên, DJI Air 2 có thể bay nhanh hơn Mavic Air 2 một chút khi ở chế độ N (54 km/h so với 43 km/h).
Về khả năng bay, đây đều là hai thiết bị cho trải nghiệm bay thực sự tuyệt vời. Nhưng bởi là phiên bản nâng cấp nên DJI Air 2S được trang bị các công nghệ mới nhất của DJI bao gồm: ADS-B cảnh báo Flycam khi bay gần các thiết bị bay có người lái, máy bay trực thăng; OcuSync 3.0 mang lại hiệu suất truyền video mượt mà ổn định; ActiveTrack 4.0 theo dõi chủ thể nhanh và chính xác; Spotlight 2.0 khóa đối tượng khi chuyển động nhanh, phù hợp trong các môn thể thao tốc độ; Point of Interest 3.0 tự động đặt đường bay xung quanh đối tượng; APAS 4.0 tránh chướng ngại vật theo 4 hướng để Flycam bay an toàn trong khu vực chật hẹp dù ở tốc độ cao. Điều này giúp người dùng bay DJI Air 2S thông minh và an toàn hơn.
Thời lượng pin bay
DJI Air 2S có thời lượng pin giảm nhẹ so với Mavic Air 2. Phiên bản mới là 31 phút và người tiền nhiệm là 34 phút. Điều này không quá khác biệt bởi thời gian bay luôn thay đổi phụ thuộc vào cách bay của Flycam cũng như điều kiện thời tiết. Vì vậy, nó không quá ảnh hưởng đến tính năng ghi hình cho người dùng.
Có thể thấy, với những nâng cấp đáng giá từ DJI, Air 2S rõ ràng là chiếc Flycam cao cấp hơn và xứng đáng nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng. Tuy nhiên, cả Mavic Air 2 và DJI Air 2S vẫn là những thiết bị đáng sở hữu với hàng loạt những tính năng xuất sắc của mình.