So sánh giữa dạy học offline và dạy học online | IZONE
Luận bàn về việc học offline và học online, anh Nguyễn Khánh Linh, một giảng viên với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cùng với một kiến thức chuyên sâu tại IZONE chia sẻ:
Có thể nói đại dịch Covid-19 đã mang đến sự thay toàn trong hệ thống giáo dục thế giới. Trước sự diễn ra hàng loạt của cách ly xã hội, chúng ta đã thấy sự chững lại của các lớp học truyền thống (với tên gọi khác là loại hình học offline) để nhường chỗ sự trỗi dậy và trưởng thành của giáo dục trực tuyến (hay còn gọi là lớp học online). Có thể nói các lớp học online là điều khiến giáo dục vẫn diễn ra được trong thời điểm dịch. Và tại thời điểm này, dù học viên đã quen và sẵn sàng đón nhận mô hình lớp online nhiều hơn so với trước đây, việc số số hóa hoàn toàn giáo dục sẽ chưa thể diễn ra trong tương lai trước mắt, bởi lẽ cả giáo dục trực tuyến và trực tiếp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét cả hai phương pháp này dưới góc nhìn của giảng viên trên phương diện tổ chức cũng giảng dạy.
1. Đặc điểm của lớp học online và offline về mặt tổ chức
Về cơ bản, giáo dục trực tuyến là một hệ thống học tập linh hoạt, cho phép học sinh học qua Internet trên máy tính cá nhân tại nhà, hoặc bất cứ nơi nào họ thấy phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc gặp mặt trực tiếp giữa giáo viên và học sinh là không bắt buộc, cho phép học sinh học ở bất kỳ đâu.
Trên thực tế, đợt địch Covid-19 vừa rồi đã mở ra cơ hội tốt với hoạt động giáo dục trực tuyến, giúp các đơn vị thực hiện đào tạo online như Izone đón hàng ngàn học viên trên ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hệ quả là làn sóng này này dẫn đến đặc điểm chủ đạo của lớp học tại Việt Nam là đến trường và tham gia lớp học trực tiếp với giáo viên bị thay đổi hoàn toàn.
Hình 1: Dạy online (Nguồn: Unsplash)
Sự thay đổi đột ngột về vị trí tổ chức lớp học này đã kéo theo nhiều chuyển biến khác liên quan đến việc bố trí sắp xếp như sau:
LỚP HỌC ONLINE
LỚP HỌC OFFLINE
Vị trí
Phòng học ảo, phụ thuộc vào điều kiện mạng.
Phòng học trực tiếp
Công cụ giảng dạy
Sử dụng các công cụ và phương pháp giảng dạy trên nền tảng số như Zoom, Google Meet, Microsoft Team và các công cụ hỗ trợ giảng dạy khác khác.
Sử dụng các công cụ và phương pháp dạy học truyền thống như sách, bảng, bút/ phấn, và các công cụ hỗ trợ khác như thẻ hoặc tranh ảnh.Ngoài ra, có 1 số trung tâm/đơn vị được đầu tư máy chiếu/màn hình trong quá trình giảng dạy, còn một số đơn vị khác thì không.
Chi phí vận hành (*)
Cần chi trả hàng tháng cho các phần mềm dạy học.
Cần quan tâm đến:Chi phí mặt bằng,Chi phí in ấn, tài liệu, văn phòng phẩm,Chi phí đi lại…
Tính linh hoạt
Lịch học linh hoạt, không bị gò bó vào đặt lịch phòng học, cũng như di chuyển.
Lịch học cố định, phụ thuộc vào điều kiện phòng học cũng như đi lại.
Tính lưu trữ
Có thể lưu trữ video bài giảng.
Không thể lưu trữ.
Cơ hội
Có thể tiếp cận học sinh từ nhiều vùng miền hơn.
Đối tượng học viên có thể tiếp cận được hẹp, do một trong những tiêu chí được học viên đặt ra là học ở cơ sở gần nhà.
Mức độ nghiêm túc của học sinh
Học sinh dễ bị mất tập trung do có nhiều sao nhãng xung quanh trong quá trình học. Giáo viên cũng khó có thể quan sát nếu học sinh từ chối mở camera.
Học sinh có xu hướng nghiêm túc và tận tâm hơn với việc học của mình do nội quy trên lớp có thể được đảm bảo khắt khe hơn thông qua sự giám sát trực tiếp.
(*) Các chi phí phức tạp hơn liên quan đến marketing hay quản lý, hành chính sẽ không được nhắc đến ở đây do còn tùy thuộc vào quy trình quản lý chất lượng và quy mô trung tâm/ lớp học. Bài viết chỉ tập trung vào các chi phí cơ bản để vận hành một lớp khi đã có học sinh.
Qua đó có thể thấy một lớp học online có nhiều lợi thế hơn so với lớp học offline về mặt sắp xếp và tổ chức. Tuy nhiên khâu vận hành và chuẩn bị nội dung cho một lớp online cần nhiều sự lưu tâm và chuẩn bị của giáo viên hơn.
2. Điểm khác biệt nổi bật của lớp học online so với offline về mặt giảng dạy trên lớp
Hạn chế về tương tác trên lớp
Không thể phủ nhận rằng, các lớp học trực tuyến giúp giáo viên rất nhiều thông qua việc cung cấp tài liệu đọc, bài tập, giao tiếp qua email, trò chuyện trực tiếp hoặc tin nhắn; đồng thời truyền tải nội dung bằng các bài thuyết trình, video ghi lại hoặc bài giảng. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù có tất cả những yếu tố này, vẫn có một số học sinh sẽ không thấy bài giảng online hấp dẫn so với bài giảng trên lớp. Điều này xảy ra do một trong những nguyên nhân chính như sau.
Có thể nói, giảng dạy trực tuyến giống như giao tiếp mà gần như không có ngôn ngữ cơ thể (body language). Đối với những công việc mà nhiệm vụ chính là truyền tải thông điệp thì việc bị hạn chế về sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một trở ngại rất lớn.
- Đầu tiên, có thể dễ dàng thấy rằng dưới góc quay hẹp của camera tích hợp sẵn trên các laptop, hoặc màn hình máy tính phổ thông, việc sử dụng tay, dáng điệu và cử chỉ để nhấn mạnh thông tin gần như là không thể.
- Giao tiếp qua ánh mắt, hay còn được gọi là ‘eye contact’ cũng bị hạn chế. Nhiều tranh luận cho rằng camera trên máy tính cũng cho phép giáo viên sử dụng ‘eye contact’ để thể hiện sự quan tâm đối với học sinh, đồng thời bao quát lớp một cách trực tiếp, thậm chí hiệu quả hơn cả lớp học truyền thống. Thật vậy, giảng dạy trên Zoom hoặc Microsoft Team cho phép theo dõi từng cử chỉ, sắc thái trên khuôn mặt của học sinh, giúp giáo viên xác định được nhanh những em chưa hiểu bài và giải quyết luôn khó khăn trên lớp. Tuy nhiên trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng yêu cầu học sinh mở camera được, bởi lẽ một bộ phận lớn học sinh, đặc biệt là đối tượng cấp ba và đại học, không muốn cho người ngoài thấy mình khi ở nhà. Nếu xử lý theo hướng bắt buộc, thiếu khéo léo, giáo viên sẽ rất có thể bị mất thiện cảm, và một khi điều này xảy ra thì chắc chắn chất lượng tiếp thu sẽ giảm đáng kể. Nhìn chung, việc không mở camera đang là vấn đề diễn ra ở khá nhiều lớp học trực tuyến, đồng nghĩa với việc yếu tố ‘eye contact’ giữa giáo viên với học sinh gần như không có, dẫn đến cảm giác khó làm chủ lớp học.
Như vậy có thể thấy, so với lớp học truyền thống, lớp học trực tuyến thua thiệt tương đối nhiều ở điểm này. Trước hai khó khăn về body language kể trên, để đảm bảo được tính hiệu quả trong truyền đạt kiến thức, giáo viên sẽ phải dựa rất nhiều vào hai yếu tố là biểu cảm khuôn mặt và giọng nói.
Hình 2: Tạo năng lượng tích cực qua biểu cảm và giọng nói (Nguồn: iStock)
- Nếu như trong lớp học bình thường, học sinh sẽ tập trung vào giáo viên qua dáng điệu, phong thái, cử chỉ, thì ở lớp online, thứ mà học sinh sẽ theo dõi nhiều nhất lại là nét mặt của giáo viên, một yếu tố mà gần như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng quan tâm. Chắc chắn ai cũng thừa nhận rằng, khuôn mặt con người cực kỳ biểu cảm. Nó có thể truyền tải vô số cảm xúc, hay nói cách khác là năng lượng (bao gồm cả tiêu cực và tích cực) mà không cần lời nói. Như vậy, trong hoàn cảnh mà gần như chỉ có hình ảnh thầy cô xuất hiện trên lớp online thì nét mặt vui buồn của giáo viên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí lớp học. Và để làm chủ được không khí lớp học thì điều đầu tiên giáo viên cần làm là làm chủ được cảm xúc của chính mình.
- Tương tự, tông giọng cũng là yếu tố mà các thầy cô cần chú ý hơn nhiều hơn trước trong lớp học online. Cụ thể, cần có sự lên xuống giọng hài hòa để nhấn mạnh thông tin, đồng thời giúp duy trì sự hứng thú, tránh làm học sinh buồn ngủ trong giờ. Thực tế, đây là vấn đề mà nhiều học sinh không dám nói ra nếu như các em không chủ động góp ý hoặc cởi mở nêu ý kiến khi được hỏi. Chính vì vậy, giáo viên cần có sự tự đánh giá khách quan lại về yếu tố này. Cần lưu ý là đối với những giáo viên chưa quen với việc phải điều chỉnh tông giọng cũng như âm lượng thì tình trạng hụt hơi, cạn năng lượng vào giữa hoặc cuối buổi sẽ thường xảy ra.
Cần nhiều thời gian chuẩn bị nội dung
Nhìn chung, về mặt kiến thức chuyển tải, hai hình thức này không có nhiều điểm khác biệt, ngoài yếu tố thời gian. Thời gian là một bài toán lớn trong giảng dạy trực tuyến bởi lẽ việc luận chuyển giữa các hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện mạng từ cả hai phía thầy cô và học trò. Qua kinh nghiệm thực tế từ trải nghiệm của các giáo viên ở IZONE, việc học sinh mất vài giây để bắt đầu trả lời câu hỏi, hoặc vài phút để truy cập các ứng dụng giảng dạy không phải là điều hiếm gặp. Do vậy để đảm bảo đầy đủ về mặt nội dung cũng như luyện tập cho học sinh trong mỗi buổi, các bài giảng sử dụng ở lớp offline cần được thiết kế và tinh chỉnh lại cho phù hợp với thời lượng lớp online.
Ngoài ra, do sự hạn chế về mặt tương tác nêu trên, việc tạo ra các hoạt động mang tính chất vừa học vừa giải trí cũng là điều cần thiết hơn cả. Các hoạt động này có thể được xây dựng dựa trên các ứng dụng có sẵn trên mạng như: Word Wall, Kahoot hay Quizlet (Hình 3). Tuy không sôi động như các trò chơi truyền thống trên lớp như đuổi hình bắt chữ, đố vui và bốc thăm may mắn do không có phần thưởng cũng như tương tác trực tiếp, các mini-game này cũng vẫn thực hiện rất tốt vai trò của mình trên khía cạnh giải trí, đồng thời giảm bớt sự chú ý của học sinh vào giáo viên. Nhưng để thực hiện được điều này, bên cạnh thời gian thiết kế tài liệu thuyết trình (slide Powerpoint), các thầy cô sẽ cần đầu tư thêm cả thời gian và sự sáng tạo thiết kế câu hỏi.
Hình 3: Các trò chơi tiêu biểu trên Wordwall
Như vậy, thoạt nhìn có thể thấy để chuẩn bị cho một lớp học trực tuyến, giáo viên sẽ không chỉ có mỗi nhiệm vụ là đọc giáo án, mà còn cần làm cả nhiệm vụ thiết kế sáng tạo. Hiển nhiên, tất cả những nhiệm vụ phụ này (bao gồm cả thời gian làm quen) sẽ tốn thời gian và công sức hơn. Nhưng giảng dạy trực tuyến cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, khi mới bắt đầu, chúng ta phải học rất nhiều và làm những điều mình chưa làm trước đây, và khi mọi việc đã vào quỹ đạo, không có lý do gì phương pháp này lại tiêu tốn nhiều thời gian hơn phương pháp truyền thống.
Để tìm hiểu thêm về các công cụ giảng dạy, các thầy cô có thể tham khảo các đường dẫn sau đây:
Như vậy, dạy online sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với offline?
Đồng ý rằng, việc khó duy trì độ tập trung của học viên trên lớp trực tuyến hơn cần nhiều công sức và chuẩn bị hơn. Tuy nhiên, khoảng thời gian chúng ta có thể tiết kiệm được từ khâu chuẩn bị này lại lớn hơn rất nhiều so với lớp học trực tiếp.
Dạy và đánh giá trên lớp
Đầu tiên, việc truyền tải nội dung bài giảng ở lớp online có phần nhẹ nhàng hơn. Thay vì mất thời gian viết lên bảng, thầy cô có thể trình chiếu nội dung bài học trên màn hình của mình để học sinh tiện theo dõi. Hiện tại thì ở Việt Nam, không phải lớp offline nào cũng có tích hợp máy chiếu để làm điều này.
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều các ứng dụng mini-game trực tuyến (điển hình như Nearpod, Kahoot) đang tích hợp các phương tiện báo cáo sau mỗi hoạt động (Hình 4). Bằng cách tận dụng những báo cáo như vậy giáo viên có thể lập tức kiểm soát được đâu là phần kiến thức cần được giải thích sâu hơn hoặc cần luyện tập thêm trong những bài giảng tiếp theo. Bên cạnh đó, qua điểm trung bình ở cuối mỗi trò chơi, thầy cô cũng có thể phát hiện ngay lập tức học sinh nào cần hỗ trợ.
Hình 4: Đánh giá khả năng làm bài của học sinh sau hoạt động
Hơn nữa, các đánh giá này đều có thể được xuất ra dưới nhiều dạng, trong đó có PDF (Hình 5) và xls, phục vụ cho việc thông báo kết quả cho phụ huynh cũng như học sinh. Sử dụng tính năng báo cáo này, các thầy cô cũng có thể linh hoạt giúp học sinh biết được mình đang nắm được kiến thức ở mỗi mảng trong một bài như thế nào.
Hình 5: Tạo báo cáo chi tiết cho từng học sinh sau mỗi hoạt động
Việc đánh giá trên lớp ở các lớp học trực tiếp như vậy thường diễn ra dưới dạng gọi ngẫu nhiên, hoặc các bài kiểm tra ngắn. Trong khi những hình thức đánh giá trực tiếp này vẫn còn chưa bao quát và vẫn còn có yếu tố cảm tính, thì việc chuyển đổi bài tập lên nền tảng số (cụ thể là biến chúng thành các mini-game, hay còn gọi là gamification, một hiện tượng đang ngày càng phổ biến trong lĩnh vực giáo dục trên thế giới) cho phép giáo viên có thể nhìn nhận kết quả một cách trực quan thông qua những con số. So với học offline đây là ưu điểm không những vượt trội hơn, mà còn mang tính tiết kiệm thời gian hơn về lâu về dài bởi lẽ toàn bộ công việc chấm cũng như tổng hợp dữ liệu đều diễn ra tự động và chỉ cần tạo một lần.
Chấm và quản lý bài tập về nhà
Ưu điểm về thời gian này còn được thể hiện trong quản lý bài tập về nhà. Thông thường, đối với các lớp học trực tiếp, thầy cô sẽ có nhiệm vụ chấm bài tập được giao trên sách hoặc chữa trực tiếp các bài vào thời gian đầu giờ trên lớp. Đối với các lớp online thì phần việc này sẽ được giảm tải đáng kể qua các ứng dụng chấm bài tự động tiêu biểu như Google Form và Google Sheet (Hình 6).
Hình 6: Chấm bài tự động sử dụng Google Sheet
Một điểm khá thú vị là cả hai ứng dụng này đều nằm trong hệ sinh thái của Google, đồng nghĩa với việc các thầy cô có thể tận dụng luôn Google Class, một ứng dụng quản lý tài liệu và bài tập về nhà khá phổ biến hiện nay. Thay vì sử dụng email và lưu trữ tài liệu trong tệp trên máy tính một cách truyền thống, Google Classroom cho phép chúng ta đăng tài liệu và giao cho học sinh theo từng bài, đồng thời kiểm soát tiến độ nộp cũng như điểm số của các bài đó một cách trực quan và giảm thiểu rủi ro sai sót hoặc bị trôi thông tin (Hình 7).
Hình 7: Quản lý bài tập về nhà qua Google Classroom
Quý thầy cô có thể tìm hiểu cụ thể hơn về ứng dụng này qua bài viết sau đây:
3. Tổng kết
Tóm lại, về vận hành và chuẩn bị nội dung, hình thức dạy online và offline có những điểm khác biệt chính như sau:
LỚP HỌC ONLINE
LỚP HỌC OFFLINE
Chuẩn bị tài liệu
Cần nhiều thời gian chuẩn bị khối lượng tài liệu lớn bao gồm: cả giáo án, slides, các trò chơi tương tác và bài tập về nhà. Các hoạt động trên lớp cũng cần được đầu tư hơn để tạo sự cuốn hút với học sinh.
Không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu do giáo trình hầu như đã được biên soạn đầy đủ trong sách giáo khoa. Ngoài ra các hoạt động trực tiếp thường vốn có bản chất sôi động nên không cần đầu tư quá nhiều thời gian vào thiết kế.
Tương tác với học sinh trong quá trình giảng bài
Hạn chế, phụ thuộc nhiều vào khả năng biểu cảm cũng như ngôn ngữ của giáo viên.
Có thể vận dụng nhiều hình thức tương tác qua ngôn ngữ cơ thể nhằm tạo không khí cho lớp học.
Dạy và đánh giá học sinh qua các hoạt động trên lớp
Các đánh giá được thực hiện một cách toàn diện và trực quan do được hỗ trợ qua số liệu báo cáo tự động sau mỗi hoạt động bài tập/ mini-game trên lớp. Điều này giúp dễ dàng phát hiện yếu điểm của học sinh cũng như lỗ hồng trong bài giảng từ sớm.Khâu giảng dạy luôn được hỗ trợ bởi công cụ chia sẻ màn hình, nên có xu hướng tiết kiệm thời gian hơn.
Các đánh giá trực tiếp trên lớp thường khó bao quát được toàn bộ học sinh do tính chất gọi và phát biểu ngẫu nhiên. Hầu hết các yếu điểm của học sinh chỉ xuất hiện sau khi đã làm bài tập về nhà hoặc sau những bài kiểm tra lớn.Hầu hết các lớp học chỉ có sự hỗ trợ của bảng viết, nên khâu trình bày nội dung bài học sẽ cần thời gian hơn.
Chấm và quản lý bài tập về nhà
Phần lớn đã được tự động hóa
Vẫn mang tính thủ công nhiều.
Như vậy, dưới góc nhìn từ phía giảng viên, nhìn chung các lớp học online sẽ tối ưu hơn về mặt chi phí tổ chức và thời gian vận hành quản lý lớp học, nhưng lại đòi nhiều hơn về kỹ năng giao tiếp cũng như về xây dựng nội dung để bài học diễn ra hiệu quả. Vậy, nên phát triển theo hướng online hay offline? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào phong cách của từng thầy cô. Tuy nhiên, dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các nhà cung cấp giáo dục hiện nay đang ngày càng sáng tạo hơn và có xu hướng tiến tới giáo dục kết hợp (blended education). Như vậy việc bổ sung và kết hợp những điểm mạnh của cả hai phương pháp có thể nói là hướng đi tối ưu nhất cho sự phát triển cũng như cạnh tranh của quý thầy cô trên thị trường giáo dục hiện nay.