So sánh PR và Quảng cáo trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp
Trong hoạt động Marketing của hầu hết doanh nghiệp hiện nay, PR và Quảng cáo luôn là những công cụ được ưu tiên sử dụng hàng đầu. Tuy nhiên, có không ít sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này trong quá trình triển khai chiến lược tiếp thị, kéo theo những rủi ro không mong muốn. Cùng PharMarketing so sánh PR và Quảng cáo để thấy được đặc điểm riêng biệt của hai công cụ này trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
PR và Quảng cáo là gì?
PR và Quảng cáo đều được biết đến là những hoạt động Marketing trọng điểm giúp mang hình ảnh của thương hiệu, sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hai công cụ này được sử dụng để đạt được những mục tiêu riêng biệt với những cách thức thực hiện hoàn toàn khác nhau.
PR và Quảng cáo là gì?
Quảng cáo là hình thức tiếp thị được trả phí nhằm mục đích giới thiệu những thông tin về sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu đến khách hàng mục tiêu. Hình thức này thường được triển khai qua các phương tiện truyền thông như Internet, truyền hình, truyền thanh, báo chí, tờ rơi,…
Như vậy, quảng cáo là một hình thức truyền thông phi trực tiếp và mang tính một chiều, trong đó doanh nghiệp cần trả một khoản phí để các phương tiện truyền thông đưa thông tin đến khách hàng.
Trái lại, PR là một hoạt động tiếp thị mang tính hai chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu. Khái niệm PR hay Quan hệ công chúng được hiểu là việc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quan hệ giao tiếp với cộng đồng để tạo dựng một hình ảnh tích cực về thương hiệu trong mắt công chúng. Nếu như Quảng cáo giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng, thì PR là công cụ không thể thiếu để giúp bạn kết nối với khách hàng, xây dựng niềm tin và tạo dựng mối quan hệ lâu dài.
Chuỗi hoạt động PR của doanh nghiệp có thể phải trả phí hoặc miễn phí, bạn có thể thực hiện PR dưới nhiều hình thức như các câu chuyện thương hiệu, các bài báo chí, sự kiện, talkshow,…
So sánh PR và Quảng cáo?
Trên thực tế, các hoạt động PR và Quảng cáo có thể dễ dàng nhận biết qua một số yếu tố sau:
Vai trò
Các chiến dịch Quảng cáo được thực hiện nhằm mục tiêu quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ, thu hút các đối tượng khách hàng tiềm năng và tăng mức độ nhận diện cho thương hiệu, sản phẩm. Còn PR hướng tới các mục tiêu tạo dựng, bảo vệ và duy trì hình ảnh tốt đẹp của của doanh nghiệp trong mắt công chúng. Chính vì vậy, hoạt động quan hệ công chúng thường mang tính dài hạn hơn so với các chiến dịch quảng cáo.
Nếu như Quảng cáo có khả năng thu hút người xem và tạo ấn tượng ban đầu thì PR lại giúp thương hiệu của bạn có được sự tín nhiệm hơn từ khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường quảng cáo đông đúc như hiện nay, người tiêu dùng dần cảm thấy nhàm chán và trở nên kém tin tưởng vào các ấn phẩm quảng cáo. PR thường mang lại các nội dung có tính xác thực cao từ các bên thứ 3 nói về doanh nghiệp giúp giảm thiểu sự nghi ngờ của khách hàng.
Tính chất
Theo các nguồn đánh giá, hầu hết các ấn phẩm PR mang tính khách quan và có độ tin cậy cao hơn khá nhiều so với hoạt động Quảng cáo. Bởi lẽ, Quảng cáo là những gì mà doanh nghiệp nói về chính bản thân mình, mang tính chủ quan nhiều hơn. Trong khi đó, PR sử dụng các bên thứ 3 như: Báo chí, truyền hình, hay chính bản thân người dùng trải nghiệm từ đó nêu lên những quan điểm về sản phẩm.
Đối tượng tiếp cận
Đối với hoạt động quảng cáo, doanh nghiệp thường dễ dàng hướng đến một nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể. Đặc biệt là các loại hình quảng cáo trực tuyến, nơi bạn có thể thiết lập quảng cáo theo những đặc điểm của nhóm đối tượng mục tiêu.
So sánh PR và Quảng cáo?
PR hướng đến nhóm đối tượng rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều. Không chỉ là các khách hàng mục tiêu, PR còn có thể tác động đến các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà đầu tư, nhà phân phối, cộng đồng…
Hình thức thực hiện
Một số loại hình PR được sử dụng phổ biến hiện nay như:
- Quan hệ truyền thông
- Tổ chức sự kiện
- Quan hệ cộng đồng
- Truyền thông nội bộ
- Trách nhiệm xã hội
- Xử lý khủng hoảng truyền thông
Đối với Quảng cáo, các hình thức phổ biến bao gồm:
- Quảng cáo truyền thống: Báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình,…
- Display Ads
- Social Media Ads
- Quảng cáo ngoài trời (OOH)
- Quảng cáo tự nhiên (Native Ads)
Thông thường, các nội dung quảng cáo thường rất linh hoạt, đa dạng, có thể là những ấn phẩm mang tính hài hước, cũng có thể ẩn chứa những thông điệp cảm động, ý nghĩa. Trong khi đó, cách thức chuyển tải thông tin của PR có phần nghiêm túc và chuẩn mực hơn.
Ngoài ra, các hình thức quảng cáo chỉ mang tính một chiều, mang thông tin từ doanh nghiệp đến khách hàng. Còn PR tạo ra môi trường tương tác hai chiều, doanh nghiệp truyền tải các thông điệp đồng thời lắng nghe phản hồi của công chúng.
Ngoài ra, Doanh nghiệp có thể thể kiểm soát các nội dung Quảng cáo một cách thống nhất, đồng bộ trên mọi phương tiện truyền thông. Nhưng với PR, bạn sẽ khó đảm bảo tính đồng bộ đó.
Chi phí
Mẫu quảng cáo của doanh nghiệp có thể đăng tải bất cứ lúc nào, chỉ cần doanh nghiệp trả phí đầy đủ cho các bên quảng cáo. Các nội dung quảng cáo có thể hiển thị đa dạng nhiều kênh với nhiều lần lặp lại để nhắc nhở và tạo ấn tượng với khách hàng. Trái ngược với đó các thông điệp PR không rầm rộ và lặp lại nhiều lần như quảng cáo, mỗi nội dung thường chỉ được truyền tải 1 lần trên một vài kênh nhất định, có thể là những kênh có trả phí hoặc không.
Vì vậy, thông thường quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn các hoạt động PR. Đặc biệt khi tính chi phí trên đầu người, quảng cáo hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu nhất định, còn PR lại có khả năng bao phủ thị trường rộng rãi hơn.
KẾT LUẬN
PR và Quảng cáo đều là những công cụ tiếp thị hiệu quả của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Phân biệt rõ ràng các hoạt động PR và Quảng cáo sẽ giúp bạn có được cái nhìn chính xác và khai thác tối ưu những lợi ích mà chúng mang lại. Hy vọng những kiến thức PharMarketing mang tới trong bài viết này có thể giúp ích cho bạn trong quá trình chinh phục thành công! Hẹn gặp lại bạn trong số bài viết tiếp theo!