So sánh việc áp dụng pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế trong thương mại quốc tế ?
Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của khách hàng sau: “Thưa Luật sư, em có câu hỏi muốn được giải đáp: So sánh việc áp dụng pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế trong thương mại quốc tế….”
Khách hàng: Thưa Luật sư, em có câu hỏi muốn được giải đáp: So sánh việc áp dụng pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế trong thương mại quốc tế.
Em xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn văn bản pháp luật. của Công ty luật Minh Khuê.
>> Luật sư tư vấn văn bản pháp luật trực tuyến gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Minh Khuê, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:
Mục lục bài viết
1. Khái niệm pháp luật quốc gia
Luật quốc gia là hệ thống các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo những trình tự thủ tụ và hình thức nhất định. Luật quốc gia được xây dựng trên cơ sở ý chí của nhà nước sở tại, không có sự tự nguyện.
Pháp luật quốc gia được hình thành bằng hai con đường: do nhà nước đặt ra các quy tắc xử sự mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà các quy tắc xử sự khác (đạo đức, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng) không điều chỉnh hết hoặc điều chỉnh không có hiệu quả hoặc không điều chỉnh được. Nhà nước thừa nhận các quy tắc xử sự có sẵn trong xã hội phù hợp với ý chí nhà nước nâng lên thành luật; thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trong thực tế sử dụng làm khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác có tính tương tự (án lệ).
2. Khái niệm pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế
Luật quốc tế có thể hiểu là tổng thể những nguyên tắc, những qui phạm pháp luật quốc tế do các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế xây dựng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, thông qua đấu tranh, thương lượng nhằm điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt (chủ yếu là quan hệ chính trị) giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau trong những trường hợp cần thiết cần thiết luật quốc tế được bảo đảm thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hoặc tập thể do chính các chủ thể luật quốc tế thi hành hoặc bằng sức đấu tranh của nhân dân cùng dư luận tiến bộ Thế giới.
Tập quán quốc tế là những qui tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể của luật quốc tế thừa nhận rộng rãi là những qui tắc có tính chất pháp lý bắt buộc. Đó là những quy tắc xử sự chung ban đầu do một hay một số quốc gia đưa ra và áp dụng trong quan hệ với nhau. Sau một quá trình áp dụng lâu dài, rộng rãi và được nhiều quốc gia thừa nhận như những qui phạm pháp lý nên những qui tắc xử sự đó đã trở thành tập quán quốc tế. Vậy, tập quán quốc tế là những qui tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể của luật quốc tế thừa nhận rộng rãi là những qui tắc có tính chất pháp lý bắt buộc.
3. Con đường hình thành tập quán quốc tế
Quá trình hình thành tập quán quốc tế rất lâu dài và đòi hỏi phải có sự liên tục. Không có một thước đo chung cho thời gian hình thành các tập quán. Tuy nhiên, tập quán quốc tế chủ yếu hình thành theo các con đường sau:
– Con đường truyền thống: hình thành từ thực tiễn quan hệ quốc tế (từ thực tiễn xử sự của các quốc gia).
– Từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết có tính chất khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Ví dụ chứng minh: Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3314 ngày 14/12/1974 đã chỉ rõ hành vi xâm lược là hành vi của quốc gia này sử dụng bất hợp pháp lực lượng vũ trang để tấn công vào lãnh thổ quốc gia khác…việc các quốc gia đồng tình với nghị quyết trên về định nghĩa xâm lược đã thể hiện sự thừa nhận hiệu lực thực tế của nghị quyết, để từ đó các quốc gia hành động theo những chuẩn mực được quy định trong nghị quyết này. Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia đã thừa nhận áp dụng áp dụng tập quán quốc tế mới với tư cách là quy phạm pháp lý ràng buộc mình.
– Từ thực tiễn thực hiện các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế
Ví dụ: Vụ tranh chấp giữa Nauy và Anh về quyền đánh cá trong khu vực biển ngoài khơi Nauy đã hình thành nên tập quán quốc tế về cách thức xác định đường cơ sở thẳng.
– Hình thành từ một tiền lệ duy nhất.
Ví dụ: Năm 1975, Liên Xô là nước đầu tiên phóng tàu vào vũ trụ. Sự im lặng đồng tình của các quốc gia cũng đồng nghĩa với sự công nhận một quy phạm tập quán mới của Luật quốc tế, đó là quy phạm tập quán về quyền bay qua không gây hại trong vũ trụ bên trên khoảng không lãnh thổ của các quốc gia khác.
– Hình thành từ điều ước quốc tế: Từ điều ước quốc tế, tập quán quốc tế có 2 cách hình thành khác nhau:
Thứ nhất, tập quán quốc tế được hình thành từ điều ước quốc tế được pháp điển hóa.
Ví dụ: Trước khi Công ước luật Biển có hiệu lực, các quốc gia đã áp dụng như các tập quán.
Thứ hai, tập quán quốc tế được hình thành từ thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế của bên thứ 3.
4. Điểm giống nhau của pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế
Tập quán quốc tế và luật quốc gia đều là những hệ thống các nguyên tắc quy phạm pháp luật được các quốc gia và các chủ thể tham gia quy phạm pháp luật xây dựng.
5. Bàn luận về sự khác nhau sự áp dụng pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, trong mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do thoả thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại hoặc tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả các án lệ (tiền lệ xét xử). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nên chọn nguồn luật nào, làm thế nào để chọn được nguồn luật thích hợp nhất để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình? Để chọn được luật áp dụng phù hợp, cần phải nắm được một số nguyên tắc sau đây: Lựa chọn luật quốc gian, áp dụng tập quán quốc tế về thương mại.
Trong đó, Tập quán quốc tế về thương mại có thể là luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Tập quán quốc tế về thương mại là những thói quen, phong tục về thương mại được nhiều nước áp dụng và áp dụng một cách thường xuyên với nội dung rõ ràng đẻ dựa vào đó các bên xác định quyền và nghĩa vụ với nhau.
Tập quán quốc tế về thương mại sẽ được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế khi:
– Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định.
– Các điều ước quốc tế liên quan quy định.
– Luật thực chất (luật quốc gia) do các bên lựa chọn không có hoặc có nhưng không đầy đủ.
Tập quán quốc tế về thương mại chỉ có giá trị bổ sung cho hợp đồng. Vì vậy, những vấn đề gì hợp đồng đã quy định thì tập quán quốc tế không có giá trị, hay nói cách khác, hợp đồng mua bán hàng hóa có giá trị pháp lý cao hơn so với tập quán thương mại quốc tế. Khi áp dụng, cần chú ý là do tập quán quốc tế về thương mại có nhiều loại nên để tránh sự nhầm lẫn hoặc hiểu không thống nhất về một tập quán nào đó, cần phải quy định cụ thể tập quán đó trong hợp đồng.
Khi áp dụng tập quán quốc tế về thương mại, các bên cần phải chứng minh nội dung của tập quán đó. Do đó, nếu các bên biết trước những thông tin về tập quán thương mại quốc tế đó trước khi bước vào đàm phán sẽ rất thuận lợi. Các thông tin đó các bên có thể tìm hiểu thông qua sách báo, tài liệu hoặc ở các văn bản của các Phòng Thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp), ở các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài…
Khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế, cần phải tiến hành phân loại tập quán quốc tế. Nếu có tập quán chung và tập quán riêng thì tập quán riêng có giá trị trội hơn.
Khi nào luật quốc gia trở thành luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế?
Khi hợp đồng quy định: Có hai cách quy định. Cách thứ nhất là các bên quy định về luật áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng, bằng cách chỉ rõ trong hợp đồng rằng luật của một nước nào đó sẽ được áp dụng cho hợp đồng. Trường hợp này gọi là các bên đã quy định trong hợp đồng điều khoản luật áp dụng cho hợp đồng. Ví dụ:
“Mọi vấn đề không được quy định hoặc quy định không đầy đủ trong hợp đồng này sẽ được giải quyết theo luật Việt Nam”
Hoặc:
“Các vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này được giải quyết theo luật nước người bán”.
Khi tranh chấp phát sinh, các bên và tòa án có thể dựa vào luật Việt Nam hoặc luật nước người bán để giải quyết.
Cách thứ hai là các bên thoả thuận lựa chọn luật quốc gia là luật áp dụng cho hợp đồng sau khi ký kết hợp đồng, thậm chí khi tranh chấp phát sinh. Cách này được các bên áp dụng khi trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà các bên đã ký trước đó không có điều khoản về luật áp dụng. Trong thực tế, cách này là rất khó áp dụng vì các bên khó có thể đạt được một sự nhất trí về việc chọn luật áp dụng khi mà tranh chấp đã phát sinh: người bán thì chỉ muốn áp dụng luật của nước nào bảo vệ được quyền lợi cho mình trong khi đó người mua cũng chỉ muốn áp dụng luật của nước bảo vệ được quyền lợi cho mình. Trong trường hợp này, hai bên chỉ đạt được sự thống nhất khi luật được lựa chọn là luật không nghiêng quá về bảo vệ quyền lợi cho bên nào. Công ước Viên năm 1980 là giải pháp tối ưu cho các bên trong trường hợp này.
Khi toà án hoặc trọng tài quyết định:
Điều 7 khoản 2 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 quy định: “Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn (…)
Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định”.
Như vậy, Trọng tài thương mại Việt Nam sẽ có quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế khi phát sinh tranh chấp nếu như các bên không thoả thuận được luật áp dụng.
Khi hợp đồng mẫu quy định:
Trong rất nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, để tiết kiệm thời gian, các bên thường chỉ quy định những nội dung cơ bản liên quan đến đối tượng mua bán và giá cả. Những nội dung còn lại, các bên thường dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu. Hợp đồng mẫu thường được các tập đoàn, công ty buôn bán lớn soạn thảo.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật Minh Khuê