Sử dụng hiệu quả thiết bị và dồ dùng dạy học ở trường TH
I. YÊU CẦU:
Thiết bị đồ dùng dạy học là những phương tiện vật chất giúp cho giáo viên và học sinh tổ chức hợp lý có hiệu quả, quá trình giáo dục, giảng dạy đối với các môn học trong nhà trường nhằm thực hiện chương trình dạy học. Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, thiết bị đồ dùng dạy học là một trong những điều kiện cơ bản không thể thiếu để giáo viên, học sinh thực hiện mục tiêu dạy học. Hơn nữa thiết bị đồ dùng dạy học tạo điều kiện trực tiếp cho học sinh huy động mọi năng lực hoạt động nhận thức, tiếp cận thực tiễn, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện kỹ năng học tập và thực hành.
Thiết bị đồ dùng dạy học là phương tiện, là điều kiện vật chất để đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học.
Khi nói đến việc sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học, người giáo viên nghĩ ngay đến các vật dụng trực quan cụ thể, các vật, hoá chất, mẫu vật, mô hình, tranh ảnh… Các tài liệu, ấn phẩm, sách giáo khoa, vở bài tập, phiếu bài học…
II. THỰC TRẠNG:
1. Thuận lợi:
– Về cơ sở vật chất, hiện nay nhà trường đã trang bị đầy đủ mỗi phòng học có 1 tủ đựng thiết bị 2 ngăn dành cho 2 giáo viên.
– Máy chiếu được trang bị 2 cái dành cho việc dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin.
– Bộ thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ GD-ĐT có đầy đủ theo từng khối lớp.
– Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được phát động thường xuyên vào đầu mỗi năm học.
2. Khó khăn:
Từ thực tế thiết bị đồ dùng dạy học cũng thiếu (do hỏng hóc trong quá trình sử dụng), bản thân giáo viên cũng ngại sử dụng, mỗi buổi phải dạy nhiều môn học. Đây là những nguyên nhân làm cho giáo viên lên lớp sử dụng đồ dùng thiếu thường xuyên.
III. NỘI DUNG
Từ những điều khó khăn nêu trên, tôi xin đề xuất một số kinh nghiệm, nhằm giúp cho giáo viên: “Sử dụng có hiệu quả Thiết bị – Đồ dùng dạy học ở Tiểu học”.
Sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học ở Tiểu học phải phụ thuộc vào các yếu tố sau:
+ Công tác quản lý của nhà trường với thiết bị đồ dùng dạy học.
+ Nhận thức về vai trò, tác dụng của đồ dùng dạy học trong quá trình dạy học .
+ Việc hiểu cấu tạo đồ dùng dạy học thuộc khối lớp mà mình phụ trách, về phạm vi sử dụng của mỗi đồ dùng dạy học trong các tiết dạy là hết sức cần thiết.
+ Các thao tác kĩ thuật khi sử dụng đồ dùng dạy học theo dụng ý sư phạm của bài dạy (thời điểm dùng, thứ tự thao tác trong khi dùng, dụng ý sư phạm trong khi dùng…)
+ Tự làm và cải tiến đồ dùng dạy học.
1 – Về phía nhà trường:
Ngay từ đầu năm học nhà trường cần bổ sung thêm một số đồ dùng còn thiếu hoặc hư hỏng do đồ dùng dạy học đã cũ hoặc do mưa bão không thể sử dụng được nữa.
Để giúp cho việc bảo quản và sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học. Nhà trường nên tạo cho mỗi lớp 1 tủ để bảo quản đồ dùng dạy học và được để ngay tại lớp học, rất thuận lợi cho giáo viên và học sinh khi sử dụng đồ dùng thiết bị.
2 – Với bản thân giáo viên:
Mỗi giáo viên phải nắm vững các danh mục đồ dùng dạy học đã được cung cấp, trên cơ sở đó giáo viên hoặc tổ chuyên môn có thể sắp xếp theo từng chủ đề, đề tài. Để giải quyết một số thiết bị đồ dùng còn thiếu, giáo viên trong cùng một tổ phối hợp với nhau sưu tầm, tự làm thêm đồ dùng theo chủ đề, đề tài.
3 – Nghiên cứu sử dụng đồ dùng dạy học mới.
Vấn đề đổi mới thiết bị đồ dùng dạy học được đặt ra đồng bộ với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa các môn học. Chính vì vậy sau mỗi đợt tập huấn về thay sách các tổ chuyên môn ở trong trường nên dành thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm hiểu chi tiết về bộ đồ dùng dạy học để từ đó lĩnh hội đầy đủ về cấu tạo và phạm vi sử dụng đồ dùng dạy học.
4 – Việc tổ chức cải tiến và tự làm đồ dùng
Xuất phát từ thực tế khi nghiên cứu kĩ các bộ đồ dùng, thấy được một số hạn chế và những bất hợp lý còn tồn tại ở đó. Hơn nữa hiện nay việc nâng cao chất lượng giáo dục cần đòi hỏi nhà trường phải có đầy đủ đồ dùng thiết bị dạy học và các thiết bị đồ dùng đó phải đảm bảo phù hợp, có tác dụng tích cực trong việc dạy và học. Trong mấy năm gần đây, nhà trường khuyến khích cho giáo viên “Tự làm và cải tiến đồ dùng, thiết bị dạy học”.
– Thiết bị đồ dùng dạy học tự làm, tự cải tiến thường sát với nội dung bài học.
– Hình thành được thói quen tiết kiệm cho giáo viên và học sinh.
– Góp phần làm phong phú thêm thiết bị, đồ dùng dạy học.
* Để làm thiết bị, đồ dùng dạy học chúng ta có thể:
– Sưu tầm tranh ảnh có ở các loại báo, họa báo, tạp chí, bìa lịch…
– Sưu tầm các vật dụng : Vỏ hộp, can nhựa, vỏ chai…
– Chọn các loại vật liệu sẵn có ở địa phương như: Trái cây, hoa, gỗ, tre, rơm, đất… phù hợp với bài dạy.
– Tổ chức cho các nhóm, tổ trong lớp thi đua trưng bày sản phẩm, tập hợp thành sản phẩm chung của cả lớp để sử dụng dạy học theo các chủ đề thích hợp, làm phong phú thêm nguồn thiết bị, đồ dùng dạy học.
5 – Sử dụng đồ dùng của học sinh
Nói đến thiết bị đồ dùng dạy học ta không chỉ quan tâm đến thiết bị đồ dùng dạy học của người thày mà đồ dùng học tập của học sinh cũng giữ một vị trí quan trọng trong việc hình thành kiến thức kỹ năng cho chính bản thân các em bởi vì dạy học là tổ chức hoạt động học tập để học sinh tự hình thành kiến thức như vậy đồ dùng học tập của học sinh cũng là phương tiện, là điều kiện vật chất để đổi mới phương pháp dạy học. Nhận thức được tầm quan trọng của đồ dùng dạy học của học sinh. Ngay từ đầu năm học trong các buổi sinh hoạt chuyên môn nên dành một ít thời gian để thảo luận các vấn đề này.
6 – Nguyên tắc sử dụng đồ dùng dạy học
Một điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây đó là muốn nâng cao hiệu quả khi sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học phải tuân theo những nguyên tắc sau đây:
– Phải sử dụng ĐDDH triệt để trong việc khai thác nội dung bài học.
– Thiết bị đồ dùng dạy học phải gắn với nội dung của sách giáo khoa.
– Phù hợp với hình thức dạy học bộ môn.
– Phù hợp với kế hoạch bài học.
– Đúng mục đích, đúng yêu cầu, đúng lúc, đúng chỗ.
– Tự làm và cải tiến đồ dùng dạy học phải phù hợp điều kiện kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo được tính chính xác, khoa học, thẩm mĩ. Không có một đồ dùng dạy học nào là vạn năng chỉ có thể sử dụng hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và kết hợp sự khéo léo mới đem lại hiệu quả thiết thực cho giờ dạy.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
– Căn cứ vào nội dung của chuyên đề, các tổ chuyên môn tiến hành đánh giá việc sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên trong toàn trường (kể cả giáo viên chuyên ngành).
– Đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị của từng giáo viên thông qua việc dự giờ lên lớp hoặc các hoạt động giáo dục khác.
– Nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra khâu hồ sơ của cán bộ thiết bị nhà trường để đối chiếu xem xét việc hỏng hóc của thiết bị.
– Ngoài các thiết bị sẵn có yêu cầu giáo viên khi thực hiện giờ lên lớp cần phải có các thiết bị hỗ trợ cần thiết để nâng cao hiệu quả giờ dạy (có thể kiểm tra qua kế hoạch bài dạy).
– Sau khi kiểm tra các tổ chuyên môn báo cáo theo các yêu cầu sau:
+ Việc sử dụng thiết bị thường xuyên của giáo viên.
+ Việc sử dụng ĐDDH có triệt để trong việc khai thác nội dung bài học không.
+ Thiết bị đồ dùng dạy học có gắn với nội dung của sách giáo khoa không.
+ Có phù hợp với hình thức dạy học bộ môn không.
+ Có phù hợp với kế hoạch bài học không.
+ Đúng mục đích, đúng yêu cầu, đúng lúc, đúng chỗ không.
V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ:
1.Ưu điểm:
– GV bám sát vào kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học chuẩn bị đầy đủ thiết bị và sử dụng thiết bị có hiệu quả khi sử dụng. Khai thác thiết bị dạy học triệt để phục vụ cho việc dạy học. Tổ chức linh hoạt trong việc đổi mới các hình thức dạy học đúng trọng tâm của bài.
– Thiết bị dạy học sử dụng gắn liền với nội dung SGK, phù hợp với hình thức dạy học, phù hợp với kế hoạch bài học.
– Trong quá trình dạy học ngoài các thiết bị sẵn có giáo viên còn làm thêm các đồ dùng dạy học cần thiết để nâng cao hiệu quả giờ dạy.
– Thông qua Hội thi ĐDDH cấp trường GV đã có những ý tưởng tốt trong quá trình khai thác thiết bị mang lại hiệu quả đáng kể.
– Cơ sở vật chất, trên thực tế nhà trường ngoài phòng thiết bị dạy học là nơi trang bị những thiết bị dùng chung ở mỗi phòng học nhà trường còn đặt thêm tủ đựng đồ dùng để giúp giáo viên thuận lợi trong việc sử dụng. Hằng năm nhà trường còn bổ sung nâng cấp một số thiết bị mới có tính hiện đại phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay.
2. Hạn chế:
– Tính thẩm mỹ của các đồ dùng dạy học tự làm chưa cao (một số đồ dùng chưa thực sự có ý nghĩa GD).
– Một số ít GV còn ngại sử dụng thiết bị dạy học hoặc còn lúng túng trong việc sử dụng thiết bị dẫn đến tính hiệu quả kém.
– Đồ dùng dạy học chỉ sử dụng tập trung ở các bộ môn như: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Lịch sử-Địa lý… Các bộ môn còn lại thì ít được sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.
VI. ĐỀ NGHỊ:
– Trong thời gian đến các khối chuẩn bị 1 đến 2 đồ dùng dạy học giàu tính sáng tạo, đa năng trong sử dụng, thuận lợi trong vận hành, vận chuyển để tham gia Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp trường năm học 2017-2018.
– Tiếp tục rèn luyện GV tổ mình phụ trách sử dụng tốt thiết bị hiện có và tự làm thiết bị nâng cao hiệu quả giờ dạy.
– Báo cáo kịp thời các thiết bị hỏng hóc về bộ phận thiết bị nhà trường theo định kì.
– Nhà trường tiếp tục bổ sung mới các thiết bị dạy học mang tính hiện đại để hỗ trợ. Khắc phục các thiết bị dễ hỏng qua quá trình sử dụng.
Trên đây là toàn bộ nội dung Chuyên đề “Sử dụng hiệu quả thiết bị và đồ dùng dạy học ở Trường tiểu học số 1 Mỹ Thọ”. Đề nghị các tổ chuyên môn, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy của nhà trường thực hiện tốt nội dung chuyên đề.