Sử gia của những bảng xếp hạng âm nhạc
TTCT – Joel Whitburn, nhà nghiên cứu và người sáng lập Record Research – công ty xuất bản sách chuyên về bảng xếp hạng Billboard, qua đời ngày 14-6.
Joel Whitburn và bộ sưu tập đĩa nhạc của ông. Ảnh: Record Research
Tạ thế ở tuổi 82, nhưng đã có đến 70 năm đắm đuối với những cái tên, thứ hạng và con số của bảng xếp hạng âm nhạc Billboard – “phong vũ biểu” của thị hiếu âm nhạc nước Mỹ. Chừng ấy cũng đủ hình dung về niềm đam mê và di sản đồ sộ của Whitburn.
“Joel Whitburn là người đầu tiên ghi chép có hệ thống về các bản nhạc được xếp hạng – chính bằng cách ấy, ông ấy đã viết nên chính sử của ngành công nghiệp thu âm. Biên niên sử do Joel viết nên đã giúp [bảng xếp hạng Billboard] Hot 100 có được tính chính danh trên toàn nước Mỹ” – Silvio Pietroluongo, một lãnh đạo cấp cao của Billboard, nói với The New York Times. Đó là những lời tưởng nhớ một huyền thoại. Joel Whitburn, nhà nghiên cứu và người sáng lập Record Research – công ty xuất bản sách chuyên về bảng xếp hạng Billboard, qua đời ngày 14-6.
Mục lục bài viết
Người “kể chuyện” âm nhạc bằng số liệu
Sinh năm 1939 trong một gia đình trung lưu tại bang Wisconsin, cậu bé Joel đã sớm thể hiện niềm đam mê với thể thao và âm nhạc. Năm 12 tuổi, Joel lần đầu cầm trên tay cuốn tạp chí Billboard được mẹ mua tặng – đó cũng là lúc mối duyên nhiều thế kỷ giữa cậu và tạp chí này bắt đầu.
“Tôi chưa từng biết có một bảng xếp hạng với chừng ấy thông tin… đầy những ca khúc tôi yêu thích” – ông nhớ lại trong một bài phỏng vấn với Billboard năm 2014. Ông bắt đầu sưu tập các số tạp chí từ năm 1953 – và không bỏ lỡ một số nào cho đến cuối đời mình.
Vào thập niên 1960, Joel bỏ dở việc học đại học và trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi được hãng đĩa RCA tuyển mộ để phân phối băng đĩa nhạc và sắp xếp quầy đĩa cho các cửa hàng tại bang Wisconsin và Illinois. Lúc này, ông đã duy trì thú vui theo dõi và nghiên cứu bảng xếp hạng Billboard được vài năm. Sử dụng thông tin từ chồng tạp chí mình dày công sưu tập, Joel ghi lại thông tin từng ca khúc lọt vào danh sách Hot 100 của từng tuần, đồng thời tỉ mỉ theo dõi sự tăng/sụt hạng của chúng trong sổ ghi chú cá nhân.
Các quyển sách của Joel Whitburn.
Ghi chép kỳ công là vậy, nhưng phải đến giữa thập niên 1960, Joel mới nhận ra giá trị của chúng khi đến thăm các đài phát thanh – phương tiện quảng bá âm nhạc phổ biến nhất thời bấy giờ. “[Các DJ radio] đều nói các dữ liệu [tôi mang tới] như trời ban, bởi hồi đó họ chưa tiếp cận được thứ gì tương tự” – ông nhớ lại.
Nhận thấy tiềm năng thương mại từ đam mê của mình, Joel quyết định từ bỏ công việc tại RCA vào năm 1970 để tập trung thực hiện vựng tập đầu tay về bảng xếp hạng Billboard. Cuốn sách, với tên gọi Top Pop Singles được hoàn thiện cùng năm, được Joel đem lên quảng cáo trên chính tạp chí Billboard – một hành động tương đối liều lĩnh, bởi các lãnh đạo Billboard chưa từng cấp phép cho Joel dùng số liệu của mình để in sách.
“Anh không thể dùng bảng xếp hạng Hot 100 để quảng cáo mà chưa có sự chấp thuận từ chúng tôi” – Hal Cook, giám đốc xuất bản của Billboard, gọi điện thông báo cho Joel sau khi thấy mẩu quảng cáo sách trên tạp chí của mình. Tuy vậy, thay vì dọa kiện, Cook đề nghị được đọc thử cuốn sách, và hai tuần sau đó đã hồ hởi gọi lại Joel: “Cuốn sách thật tuyệt vời. Chúng tôi rất thích”. Cook mời Joel và vợ đến Los Angeles, và sau chuyến đi, nhà nghiên cứu trở về cùng bản hợp đồng 26 trang cho phép ông toàn quyền sử dụng thông tin bảng xếp hạng của Billboard để viết vựng tập – đổi lại là một khoản phí bản quyền trích từ lợi nhuận xuất bản sách.
“Tôi chỉ là một người yêu âm nhạc”
Với bản hợp đồng ấy, Joel đã xây dựng cho mình một đế chế nghiên cứu âm nhạc với di sản đáng kinh ngạc. Ông và các cộng sự tại Record Research liên tục ra mắt sách khảo cứu trong các thập niên tiếp theo, với đề mục chi tiết của các ca khúc và album lọt vào tốp đầu qua từng tuần, cũng như các khám phá về thị hiếu âm nhạc nước Mỹ được rút ra từ khối dữ liệu trải dài hàng thập niên.
Với quy mô khó có thể tìm thấy ở các nghiên cứu tương tự, sách của Joel có được một chỗ đứng nhất định trong giới học thuật, cũng như các thảo luận của làng nhạc pop và cả giới nghệ sĩ. Trong một bài phỏng vấn với Billboard năm 2016, Joel nhớ lại lần gặp gỡ với danh ca Elton John – người từng 9 lần đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Khi được Joel ngỏ ý tặng bộ sách của mình, John bật cười đáp lại: “Tôi có hết sách của anh rồi mà, Joel”.
Joel Whitburn và một trong những album hiếm nhất trong bộ sưu tập cá nhân của ông: Yesterday and Today của The Beatles. Ảnh: Mark Hoffman
Dù công việc có vẻ dễ khiến con người lạc trong ma trận dữ liệu khô khan, Joel vẫn giữ cho mình một tình yêu không hề suy suyển với âm nhạc sau hàng chục năm. “Tôi muốn nghe thử mọi tác phẩm được ra mắt, đặc biệt là những thứ trên bảng xếp hạng chính thống. Đôi khi nghe được những nghệ sĩ mới như Sheppard, Kim Cesarion hay Lilly Wood, rồi tự hỏi họ là ai. Tôi chưa từng biết đến họ, nhưng nhạc của họ có thể là thứ gì đó tôi thích… Tôi luôn thấy phấn khích vì khả năng ấy” – ông nói.
Theo ước tính, bộ sưu tập đĩa nhạc của ông bao gồm trên 200.000 đĩa đơn, chưa kể “tất cả các album từng leo hạng Billboard từ xưa đến nay”. Bộ sưu tập đồ sộ đến nỗi ông và gia đình đã phải xây hai nhà kho để chứa hết. “Tôi thích đi vào thư viện ấy một mình – những bản thu âm giống như những người bạn cũ của tôi” – ông trả lời tờ Minneapolis Star Tribune năm 1986.
Nói về căn cơ niềm đam mê không nghỉ – cũng là ngọn nguồn cho sự nghiệp thành công của mình, Joel bộc bạch: “Tôi chỉ đơn giản là một người yêu âm nhạc, đồng thời có niềm yêu thích các bảng xếp hạng. Tôi thích theo dõi quá trình thành công của người nghệ sĩ. Cảm giác chộn rộn ấy đến hằng tuần. Và trên thế giới cũng có hàng triệu người giống như tôi”.■
Bắt nguồn từ một niềm đam mê con trẻ với cuốn tạp chí Billboard, Joel đã để lại một di sản đồ sộ với hơn 300 đầu sách tra cứu số liệu về bảng xếp hạng Billboard. Trong 3 thập niên cuối của thế kỷ 20, khi việc tra cứu thông tin xếp hạng qua Internet còn chưa tồn tại, các đầu sách của Whitburn đã trở thành nguồn tư liệu quý giá cho các DJ, nhà sản xuất âm nhạc và cả giới nghệ sĩ – đồng thời cũng giúp đẩy lùi nạn “khai khống” thành tích của ca sĩ, vốn tràn lan trong các chiến dịch marketing âm nhạc vào đầu những năm 1970.
Billboard – uy tín nay có còn?
Tạp chí Billboard đăng tải bảng xếp hạng doanh số các bản ghi âm toàn nước Mỹ đầu tiên vào ngày 27-7-1940. Bảng xếp hạng Hot 100 ra mắt trong ấn bản ngày 4-8-1958. Với tuổi đời và quy mô của mình, Billboard gần như là cái tên đầu tiên được công chúng nhớ tới khi cần tìm một thước đo thành công cho các sản phẩm âm nhạc. Nghệ sĩ cần có ít nhất một đĩa đơn lọt top 10 Billboard Hot 100 để được gọi là “thành công” ở thị trường Mỹ; danh hiệu này thậm chí còn có thể giúp họ tăng khả năng thắng giải Grammy.
Nghiên cứu gần nhất do Record Research xuất bản – Top Pop Singles số 17 – vừa ra mắt tập 1 hồi tháng 11-2021, bao trọn các cái tên, giai điệu và xu hướng âm nhạc trong giai đoạn 1955-1989. Tập 2, giai đoạn 1990-2021, sẽ được ra mắt đầy đủ cuối năm nay.
Tuy vậy, trong bối cảnh các kênh phân phối nhạc và streaming thống trị thị trường, công thức tính điểm truyền thống của Billboard – vốn xây dựng dựa trên các kênh bán nhạc truyền thống – lại đang chật vật thay đổi để phản ánh đúng thị hiếu khán giả.
Năm 1991, đơn vị này đã chuyển từ phương pháp khảo sát lượng bán từ các chủ cửa hàng bán đĩa (vốn dễ gây sai số do thiên kiến của từng người chủ) sang sử dụng hệ thống dữ liệu SoundScan của Nielsen, dựa trên thông tin doanh số bán đĩa của các bên phân phối với độ chính xác cao.
Thuật toán này lại một lần nữa được thay đổi vào năm 2005, khi iTunes và các kênh phân phối nhạc số bắt đầu áp đảo các kênh bán nhạc truyền thống. Số liệu từ iTunes, Rhapsody hay AmazonMP3 lần đầu được đưa vào công thức tính điểm, giúp Billboard bắt kịp thị trường trong một thời gian ngắn.
Từ đây, tốc độ “đổi ngôi” của các kênh phân phối nhạc ngày một tăng, dẫn đến những thay đổi liên tục từ phía Billboard – trong đó có sự xuất hiện của lượng view YouTube và lượng nghe trên các trang streaming như Spotify. Các hệ số tương quan với từng kênh cũng được liên tục điều chỉnh để phản ánh độ phổ biến của kênh với công chúng.
Tuy vậy, sau mỗi lần thay đổi cách tính điểm, một hạn chế khác của bảng xếp hạng lâu đời này lại lộ ra – những điểm yếu luôn được các nghệ sĩ nhanh nhạy nắm bắt nhằm “thổi phồng” thành tích của mình.
Điển hình là việc bán album kèm vé hòa nhạc hay quà tặng – các nghệ sĩ như Billie Eilish, Taylor Swift hay EXO đều đã gây tranh cãi khi dùng phương án này để kích cầu album, từ đó buộc Billboard phải khấu trừ lượng bán ra theo dạng này trong công thức tính điểm của mình từ giữa năm 2020.
Một chiến thuật khác là ra album với nhiều bài hát ngắn để đẩy cao số lượt nghe – điển hình là Scorpion của Drake ra mắt năm 2018, với tổng cộng 25 bài hát, thu về 1 tỉ lượt stream, doanh thu 745,9 triệu đôla và nghiễm nhiên giành #1 Billboard 200 trong tuần đầu ra mắt – mặc cho phần nội dung bị giới phê bình chê thậm tệ.
“Số liệu xếp hạng Billboard ngày nay chỉ còn quan trọng với các công ty thu âm – khán giả không còn mặn mà lắm với các bảng xếp hạng nữa”, sử gia âm nhạc Donald S. Passman cho biết. Trong thời đại ngày nay, khi hành vi tiêu thụ âm nhạc của người dùng trẻ đang bất ổn định với nhiều biến số hơn bao giờ hết, tính chính danh của Billboard có vẻ đang phai nhạt dần – hoặc biến mất hoàn toàn nếu đơn vị này không đưa ra các phương án thích ứng kịp thời.
Joel Whitburn đã tạm biệt thế giới trước khi điều đó xảy ra, dẫu sao cũng tránh được phút đau lòng.■