Sự ra đời của văn học so sánh trong thời đại lãng mạn và những bước khởi đầu của nó

20180702 comparative

Văn học so sánh ra đời trước hết gắn với các tư tưởng là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế giới và chủ nghĩa lịch sử – tất cả đều là sản phẩm của thời đại Lãng mạn.

Từ Hán Việt “lãng mạn” là một sự phiên âm từ các ngôn ngữ châu Âu: gốc từ “roman” và các biến thể của nó (romanz/romance/romanesque/romantic, v.v…) trong văn học châu Âu dùng để chỉ những khái niệm khác nhau (thể loại, phong cách, trào lưu…), nhưng về từ nguyên trước hết chỉ các tiếng Romance, tức các ngôn ngữ của các dân tộc bản địa, vốn có nguồn gốc từ tiếng Latin thông tục (Vulgar Latin) trong đế quốc La Mã – loại hình ngôn ngữ đối lập với tiếng Latin chính thống, kinh điển, chủ yếu mang tính bác học, sách vở. Về sau, các tác phẩm tự sự trung cổ về đề tài hiệp sĩ viết bằng các ngôn ngữ Romance này cũng được mang tên “romauns” hay “romance”. Khái niệm lãng mạn nơi các tác gia Trung cổ hậu kỳ hay Phục hưng gắn với sự phi thường, kỳ ảo (thuật ngữ romantic đồng nghĩa với fantastic) và các tác phẩm theo phong cách này cũng chủ yếu viết bằng các ngôn ngữ dân tộc. Hai anh em August (1767 – 1845) và Friedrich Schlegel (1772 – 1829) là những người đầu tiên đưa khái niệm lãng mạn vào văn học khi nói đến romantische Poesie (thơ lãng mạn). Họ dùng từ “lãng mạn” với nghĩa ban đầu của nó là các ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc Romance, cũng là đại diện cho “hiện đại” (modern) như sự đối lập với tiếng Latin như đại diện của “cổ điển” (classical). “Tôi kiếm tìm cái lãng mạn giữa những nhà hiện đại sơ kỳ, nơi Shakespeare, nơi Cervantes, trong thơ ca Ý, trong thời đại của hiệp sĩ, ái tình và ngụ ngôn, từ đó mà hiện tượng và bản thân từ này ra đời” – Friedrich Schlegel viết như vậy trong công trình Đàm thoại về thơ ca (Gespräch über die Poesie, 1800).[1] Như vậy, “lãng mạn” trước hết bao hàm ý nghĩa “dân tộc” và gắn với “hiện đại”.

Dân tộc (nation) và chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là những khái niệm hiện đại[2]. Trong suốt lịch sử, con người gắn bó với mảnh đất quê hương, với các phong tục tập quán, các truyền thống của cha ông để lại, xây dựng và xác lập cương vực lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, chỉ đến cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX mới có thể nói đến “dân tộc” như một cộng đồng kinh tế xã hội, văn hoá chính trị và tinh thần, hay đúng hơn, chỉ khi đó mới hình thành ý thức và quan niệm về dân tộc.

Thời kỳ chuyển giao giữa hai thế kỷ chứng kiến những biến động lớn lao ở châu Âu. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã mở ra những chân trời mới, hứa hẹn những tiến bộ nhưng cũng tiềm ẩn đầy hiểm nguy, khủng hoảng cho tương lai của châu lục, và rộng hơn là cả thế giới. Tinh thần Khai sáng làm đổ vỡ các thể chế, gây hoài nghi với những chuẩn mực xã hội và đạo đức của xã hội cũ. Các cuộc chiến tranh Napoléon trong 15 năm đầu thế kỷ XIX không chỉ thay đổi sự phân chia lãnh thổ và quyền lực chính trị ở châu Âu, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự phổ biến tư tưởng cách mạng tư sản, cũng như làm nảy sinh ý thức dân tộc ra khắp châu Âu. Sự phát triển động cơ hơi nước và các thành tựu kỹ thuật khác báo hiệu cuộc cách mạng công nghiệp. Trong bối cảnh đó, lãng mạn trở thành một khái niệm rộng lớn bao trùm các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, nghệ thuật và văn học, với tên gọi “chủ nghĩa lãng mạn” – như một trào lưu, một thời đại đối lập với “chủ nghĩa cổ điển”.

Những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội, vừa tích cực vừa tiêu cực, vừa là tiến bộ vừa là khủng hoảng, đã tác động đến đời sống tinh thần, tạo nên thái độ phức tạp, mâu thuẫn của con người trước hiện thực. Khi nói đến những đặc điểm của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học, người ta thường nói đến trước hết là sự chú trọng cá nhân, nhấn mạnh cảm xúc, đi vào nội tâm nhưng xa lánh hiện thực xã hội, xu hướng muốn vượt ra khỏi quán tính, ra khỏi cái thường nhật, tính chất phi lý, phi hiện thực.

Tuy nhiên, chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới, mà về bản chất đều liên quan đến quan hệ giữa con người với thời gian và không gian, mới là những đặc tính quan trọng của chủ nghĩa lãng mạn, khiến thời đại lãng mạn trở thành môi trường nảy sinh văn học so sánh như một bộ môn, một xu hướng nghiên cứu văn học.

 “Chúng ta bước vào tương lai từ quá khứ” (Nous entrons dans l’avenir à reculons) – câu nói nổi tiếng đó của Paul Valery có thể dùng để nói về chủ nghĩa lịch sử thời đại lãng mạn.

Chủ nghĩa lịch sử là phương thức tư duy chú trọng đến ý nghĩa của bối cảnh cụ thể, chẳng hạn như một thời đại lịch sử, vị trí địa lý và văn hoá địa phương. Nó đối lập với chủ nghĩa duy lý mang tính siêu nghiệm của thế kỷ XVII – XVIII, nhưng cũng đồng thời đối lập với chủ nghĩa thực nghiệm nửa sau thế kỷ XIX, cả hai đều không chú ý đến vai trò của truyền thống. Tính chất thông diễn cũng là một đặc điểm mà chủ nghĩa lịch sử hướng tới, bởi nó mong muốn lý giải thông tin một cách cẩn trọng, nghiêm túc và gắn với bối cảnh. Nó cũng hướng tới tính tương quan, bởi từ chối những quan điểm lý giải mang tính phổ quát, nền tảng và bất biến. Vào thời đại lãng mạn đầu thế kỷ XIX, tư tưởng biện chứng lịch sử của triết gia Đức Georg Hegel (1770 – 1831) đã có ảnh hưởng lớn đến cả châu Âu, rồi sau đó được khẳng định trong những công trình của Karl Marx (1818 – 1883).

Cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ của những tái khám phá những cội nguồn các dân tộc châu Âu thời sơ kỳ trung cổ và cội nguồn của các ngôn ngữ và văn học châu Âu. Tuy nhiên, quá khứ đó không còn là chủ nghĩa nhân văn cổ đại Hy Lạp – La Mã nữa. Mối quan tâm của các nhà ngữ văn học vào thời lãng mạn là ngôn ngữ và văn học các dân tộc “dã man” – đó là một hiện tượng được xem là “sự đảo ngược của Phục hưng” (reversal of the renaissance), hay xu hướng “trung cổ luận lãng mạn” (romantic medievalism). Những thời kỳ lịch sử hùng mạnh nhất của các nước châu Âu trung cổ, như thời đại của các chiến binh Viking ở Scandinavia từ cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ XI, thời đại “Tự do hoàng kim của quý tộc” (Złota wolność szlachecka) của Ba Lan thế kỷ XVI trở nên hấp dẫn các nhà văn, nhà thơ. Cảm hứng về thời trung cổ làm nảy sinh những tiểu thuyết và kịch lịch sử như Ivanhoe của Walter Scott, Boris Godunov của Alexander Pushkin,… hay xu hướng tự sự và trữ tình được gọi tên là “Gothic”, tức các sáng tác lấy đề tài, bối cảnh, nhân vật thời trung cổ mang không khí kinh dị, ma mị, đầy kịch tính (nên còn có khi được gọi là “lãng mạn đen”/dark romanticism) như các tác phẩm của E.T.A. Hoffmann của Đức, Nikolai Gogol của Nga, Mary Shelley của Anh, Edgar Poe của Mỹ, v.v… Mối quan tâm đến nghệ thuật Gothic còn thể hiện ở các tác phẩm liên quan đến kiến trúc: sau khi chiêm ngưỡng nhà thờ ở Strassbourg, Goethe đã viết bài báo nổi tiếng Về kiến trúc Đức và xem kiến trúc Gothic là tinh hoa của tinh thần Đức, điều về sau được Friedrich von Schlegel nâng lên thành tinh hoa của Công giáo Catholic. Tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo thì được gợi cảm hứng từ ngôi nhà thờ được xây dựng trong hơn hai thế kỷ (khởi công từ 1165 đến 1345 mới hoàn tất). Chính sự nổi tiếng của tiểu thuyết đã đánh thức mối quan tâm đến toà kiến trúc Gothic đang gần như bị bỏ quên này và dẫn đến cuộc đại trùng tu vào năm 1845.

Quá khứ không chỉ là đề tài của những tác phẩm văn học, nhiều nhà văn còn đóng vai trò của nhà sử học có các công trình nghiên cứu lịch sử, như Nikolai Karamzin viết Lịch sử nhà nước Nga (1816 – 1826), Pushkin có công trình Lịch sử phong trào Pugachev (1834), nhà văn Anh Thomas Carlyle có các tác phẩm như Lịch sử cách mạng Pháp (1837), Về các anh hùng, việc thờ phụng anh hùng và tính anh hùng trong lịch sử (1841), Quá khứ và hiện tại (1843), F. von Schlegel của Đức thì có các bài giảng về lịch sử, sau được tập hợp thành cuốn Triết học về lịch sử (1829), v.v…

Có đóng góp quan trọng cho chủ nghĩa lịch sử thời đại lãng mạn là các nhà ngữ học. Ngôn ngữ như động lực thống nhất dân tộc cũng được nhìn dưới cái nhìn lịch sử. Người ta bắt đầu biên soạn những cuốn từ điển sinh ngữ, từ điển tiếng dân tộc (chẳng hạn như ở Nga vào đầu thế kỷ XIX nhà từ điển học nổi tiếng Vladimir Dahl đã khởi công xây dựng bộ Từ điển giải nghĩa sinh ngữ Đại Nga và mất 53 năm để hoàn thành). Ở các dân tộc nằm dưới ách cai trị của các đế quốc lớn (như Ba Lan, Ukraina, Belarus,…trong đế quốc Nga, Bulgaria, Serbia, Hy Lạp,… trong đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, Czech, Slovakia, Hungary,… trong đế quốc Áo) thì dấy lên phong trào chống lại ảnh hưởng của ngôn ngữ ngoại lai, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ dân tộc,  gắn với nó là sự phục hưng những giá trị ngôn ngữ quá khứ dân tộc được lưu giữ trong văn học dân gian và văn học trung cổ, từ đó mà nổi lên các nhà thơ dân tộc và lãng mạn nổi tiếng như Adam Mickiewicz của Ba Lan, Taras Shevchenko của Ukraina, v.v…

Chủ nghĩa lịch sử là một thái độ đối với thời đại đầy biến động của các nhà lãng mạn. Phản ứng bất an, thất vọng với hiện tại, các nhà lãng mạn tìm kiếm sự bình ổn trong quá khứ. Đó cũng là sự tìm kiếm mối dây kết nối giữa các thế hệ trước với thời hiện tại để xác định được căn cước, bản sắc không chỉ trên phương diện cá nhân – điều đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, mà còn cả trên phương diện cộng đồng: người ta có thể có cùng chung số phận, chia sẻ những di sản chung của quá khứ như ngôn ngữ, văn hoá, chủ nghĩa anh hùng, niềm tin mang tính huyền thoại rằng “thời đại hoàng kim” luôn nằm trong quá khứ[3].

Chủ nghĩa lịch sử không hoàn toàn là sự quay lưng với hiện tại. Là phản ứng, nhưng cũng là con đẻ của thời đại cách mạng tư sản – tức thời đại nổi dậy của những người bình dân (bourgeois) chống lại giai cấp quý tộc (nobles), nên chủ nghĩa lãng mạn với lịch sử tính của mình mang tinh thần dân chủ, hướng tới con người bình dân, tìm kiếm lý tưởng trong con người bình dân, đặc biệt là con người bình dân ở nông thôn, ở những miền hoang dã nơi chưa bị nền văn minh thành thị phá hỏng. Thế giới những người hoang dã lý tưởng (bon sauvage/noble savage) đã chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của các nhà lãng mạn (như Atala của Chateaubriand, Người tù Kavkaz và Những người Digan của Pushkin, Người cuối cùng của bộ lạc Mohican của Cooper, v.v…), và có liên quan đến điều này là sự kiếm tìm những giá trị cũng như bản sắc của con người cá nhân và cộng đồng trong văn hoá dân gian của các dân tộc. Vào giao thời hai thế kỷ XVIII-XIX, khoa văn hoá dân gian (folkloristics) bắt đầu hình thành như một ngành nghiên cứu chuyên biệt. Những quan tâm của các nhà văn hoá dân gian đầu tiên chủ yếu tập trung vào tầng lớp nông dân ở thôn quê ít học, hoặc một số nhóm người mà lối sống chưa bị đời sống hiện đại chạm tới (như người Digan ở châu Âu, người da đỏ ở châu Mỹ), khảo sát những phong tục và tín ngưỡng dân gian nhằm dò tìm cội nguồn cổ xưa của chúng, từ đó phác thảo ra lịch sử tinh thần của nhân loại. Những truyện cổ tích nổi tiếng do Jacob và Wilhem Grimm sưu tầm mà lần đầu tiên được xuất bản với nhan đề Truyện kể cho trẻ em và gia đình (Kinder- und Hausmärchen, với 86 truyện ở ấn bản đầu tiên năm 1812, và đến ấn bản thứ 7 năm 1857 đã gồm 212 truyện), sau được phổ biến khắp thế giới với tên thông tục Truyện cổ Grimm thực chất là một phần trong sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá trung cổ Đức của hai nhà lãng mạn này, với niềm tin rằng bản sắc dân tộc có thể tìm thấy trong văn hoá dân gian của những người bình dân (Volk).

Bộ sưu tập truyện cổ của anh em Grimm không chỉ là những truyện của Đức, mà còn có nhiều truyện do Charles Perrault của Pháp sưu tầm và xuất bản hàng trăm năm trước đó. Sự phổ biến các cốt truyện dân gian nổi tiếng (như Lọ Lem, Người đẹp và quái vật, Chú mèo đi hia, v.v…) trong các dân tộc châu Âu và các khu vực khác trên thế giới được các nhà lãng mạn quan tâm, đặc biệt là mối quan hệ giữa châu Âu với Ấn Độ – từ đó có thuyết Ấn – Âu (Indo-European) cho rằng nguồn gốc các dân tộc châu Âu là từ Ấn Độ – và làm nảy sinh phương pháp so sánh lịch sử trong nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu ngôn ngữ, và nghiên cứu văn học.

Mặc dù những công trình so sánh các hiện tượng văn học giữa các dân tộc châu Âu đã có từ các thế kỷ XVII-XVIII như Luận về sử thi (Essai sur la poésie epique) của Voltaire xuất bản năm 1727, Quan điểm so sánh về các dân tộc Pháp và Anh trong các phong tục, chính trị và văn học của họ (Comparative View of the French and English Nations in Their Manners, Politics and Literature) của John Andrews xuất bản năm 1785, hay Những suy ngẫm về tình trạng hiện tại của văn học ở châu Âu (Considérations sur l’état présent de la littérature en Europe) của Jean-Baptiste-René năm 1762, v.v…, tuy nhiên, nói như Claudio Guillén, văn học so sánh chỉ trở thành chính đáng khi hội đủ hai điều: “một là khi đã tồn tại một số lớn các nền văn học hiện đại – tức các nền văn học đã nhận thức về mình như nó có, và hai là khi một nền thi học thống nhất hay tuyệt đối ngừng được tiếp nhận như kiểu mẫu. Khi đó chúng ta sẽ thấy mình đứng trước một nghịch lý đầy triển vọng mang tính lịch sử: sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo nền tảng cho một chủ nghĩa quốc tế mới.”[4]

Cái “chủ nghĩa thế giới” (cosmopolitanism) mới mẻ đó xuất hiện trước tiên nơi các nhà lãng mạn Đức, tức cũng chính là những người đã đề xuất khái niệm “dân tộc”. Nghiên cứu dân tộc từ góc độ xã hội – sinh học của các nhà lãng mạn Đức (như thuyết căn nguyên/primordialism của Johann Gottfried Herder, cuối thế kỷ XVIII) đã xem “dân tộc” (nation) như sự chuyển đổi từ “đoàn thể huyết tộc” (ethnos) lên một mức phát triển cao hơn, nghĩa là như một hiện tượng mang tính chất sinh học. Bởi thế, họ cũng cho rằng hiện hữu một nguyên lý phi lý trí, siêu nhiên, nằm trong các dân tộc khác nhau và quyết định sự độc đáo, riêng biệt của chúng (so với nhau), thể hiện trong “máu” và trong chủng tộc, và đó là “tinh thần dân tộc” (Volkgeist)[5] (từ đây mà có chủ nghĩa dân tộc, nhưng cực đoan của quan niệm này về sau là chủ nghĩa quốc xã của phát xít). Tuy nhiên, cũng cùng là thành viên phong trào “Bão táp và xung kích” như tiền thân của chủ nghĩa lãng mạn Đức với Herder, nhưng đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe lại tuyên ngôn về “văn học thế giới” (Weltliteratur). Trong cuộc đàm thoại với Johann Peter Eckemann, Goethe đưa ra nhiều ý tưởng so sánh. Chẳng hạn khi nói về tiểu thuyết diễm tình Trung Hoa (mà có lẽ là Hảo cầu truyện của Danh Giáo Trung Nhân, được dịch sang tiếng Anh năm 1761 với nhan đề Hao Kiou Choaan or The Pleasing History, rồi sau đó sang tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Hà Lan vào các năm 1766 và 1767, và là tiểu thuyết đầu tiên của Trung Hoa được dịch sang ngôn ngữ phương Tây), Goethe cho rằng “người Trung Hoa suy nghĩ, hành động và cảm xúc gần như giống chúng ta [tức người châu Âu]; và chúng ta sẽ sớm thấy rằng họ giống người Trung Hoa, trừ việc các hành động của người Trung Hoa rõ ràng hơn, thuần khiết hơn và đúng mực hơn so với chúng ta”. Goethe chú ý đến bản chất kép vừa đặc thù vừa phổ quát của văn học, “ngày càng tin rằng thơ ca là tài sản chung của nhân loại, phát lộ ở mọi nơi, mọi thời đại, nơi hàng trăm và hàng trăm con người” và “thời đại của văn học thế giới đang đến gần”[6]. Tư tưởng này về sau đã được khẳng định thêm trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của K. Marx và F. Engels: “Thành quả hoạt động tinh thần của những dân tộc riêng biệt đã trở thành tài sản chung. Sự đơn độc và hạn chế trong một dân tộc càng trở nên không thể được, và từ vô số các nền văn học dân tộc và địa phương tạo nên một nền văn học thế giới”[7].

Quan niệm văn học thế giới thể hiện mong muốn của Goethe, cũng như của các nhà lập thuyết của chủ nghĩa Marx rằng tất cả các nền văn học dân tộc sẽ rộng mở giao lưu với nhau, kết hợp thành một chỉnh thể thống nhất các bộ phận tương liên. Điều này đã truyền cảm hứng cho những nghiên cứu đầu tiên của văn học so sánh và có ý nghĩa to lớn đối với văn học so sánh về sau trên toàn thế giới.

Thực ra, sự xuất hiện của chủ nghĩa thế giới mới mẻ trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc này không phải là “nghịch lý”, mà là điều tất yếu của thời đại của những giao lưu. Đó là hai mặt của một mối quan hệ biện chứng: “cái của mình” (national) chỉ có thể được nhận thức trong tương quan với “cái khác” – tức cái quốc tế (international), và ngược lại, cái quốc tế cũng chỉ có thể hiện hữu khi có dân tộc.

Có thể nói, nếu như các khái niệm làm nền tảng cho văn học so sánh là chủ nghĩa lịch sử, tinh thần dân tộc và tinh thần quốc tế nảy sinh từ nước Đức, thì nước Pháp là nơi đầu tiên những tinh thần đó được cụ thể hoá thành một bộ môn học thuật. Tên gọi “văn học so sánh” mô phỏng các lĩnh vực khoa học, cụ thể là thuật ngữ “giải phẫu học so sánh” của nhà tự nhiên học Georges Cuvier (1769 – 1832), người vào năm 1800 xuất bản cuốn sách Các bài giảng về giải phẫu học so sánh (Leçons d’anatomie comparée) rất nổi tiếng ở châu Âu. Với Giáo trình văn học so sánh (Cours de littérature comparée) của François-Joseph-Michel Noël ra đời năm 1816, lần đầu tiên môn học mới mẻ này được gọi tên, cho dù công trình này chưa hẳn là văn học so sánh đúng nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay (nó là một hợp tuyển văn học Pháp, Anh, Hy Lạp, La Mã…), nhưng “sự đăng quang của một tên gọi bao giờ cũng là một sự kiện trọng đại, vì tên gọi đánh dấu một giai đoạn của nhận thức” (Marc Bloch)[8]. Đó là giai đoạn nhận thức về văn học như một tiến trình lịch sử, và “văn học so sánh” đúng ra là “văn học sử so sánh”. Abel François Villemain (1790 – 1867) khi làm giáo sư về tu từ học ở đại học Sorbonne Paris đã có loạt bài giảng Lịch sử văn học Pháp (Cours de littérature française) và trong phần đầu về thế kỷ XVIII được xuất bản thành 4 tập vào các năm 1828-29 với nhan đề Phác thảo văn học Pháp thế kỷ XVIII (Tableau de la littérature française au XVIIIe siècle), ông đã nhiều lần sử dụng các cụm từ “nghiên cứu so sánh”, “lịch sử so sánh” và “văn học so sánh” khi đánh giá những tri thức uyên bác về văn học, triết học và lịch sử của các tác gia thế kỷ XVIII. Trong 2 tập xuất bản tiếp sau đó (1830) bàn về văn học trung cổ ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh lại lần nữa nói đến từ “văn học so sánh”, và chính ông khoe rằng mình là người đầu tiên trong giới đại học Pháp đã vận dụng phương pháp “phân tích so sánh” để nghiên cứu lịch sử một số nền văn học hiện đại – và sự khoe khoang đó là điều không có gì sai[9].

Jean-Jacques Ampère, người đầu tiên giới thiệu cho công chúng Pháp sử thi của Scandinavia và của Đức trong công trình Về lịch sử thơ ca (De l’histoire de la poésie, 1830), đã tiếp tục phổ biến khái niệm “văn học so sánh” và quan niệm về nó như là một bộ môn của lịch sử văn học, điều được khẳng định trong Lịch sử văn học Pháp thời trung cổ so sánh với các nền văn học nước ngoài (Histoire de la littérature française au moyen âge comparée aux littratures étrangères, 1841) và các công trình khác của ông, cũng như trong công trình của các học giả khác, như Văn học nước ngoài so sánh (Littérature étrangère comparée, 1835) của Philarète Chasles, hay bộ 2 tập Lịch sử so sánh văn học Pháp và Tây Ban Nha (Histoire comparée de la littérature fançaise et espagnole, 1843) của Adolphe-Louisde Puibusque, hay các bài viết của Sainte-Beuve đăng trên Tạp chí hai thế giới (Revue de deux mondes) năm 1840 và 1868.

Người Đức (chính xác hơn là thế giới tiếng Đức) với truyền thống triết học cổ điển nặng tinh thần duy lý có xu hướng xem văn học so sánh thiên về lý luận, về triết học hơn là lịch sử. Moritz Carriere là người đầu tiên dùng cụm từ “vergleichende Literaturgeschichte” (văn học sử so sánh) trong công trình Bản chất và các hình thức của thơ ca (Das Wesen und die Formen der Poesie, 1854), nhưng sau đó nơi Hugo von Meltzl với tờ Tạp chí văn học so sánh thế giới (Acta Comparationis Litterarum Universarum) thì trở thành “vergleichende Literaturwissenschaft” (nghiên cứu văn học so sánh, với thành tố wissenschaft nghĩa là khoa học). Meltz có ý thức khi gọi tên bộ môn như vậy (cũng như việc đặt tên tờ tạp chí của mình có tính từ “universarum” – tiếng Latin nghĩa là phổ biến thế giới): ông không muốn văn học so sánh chỉ hạn chế trong lĩnh vực lịch sử. Sau Meltz, Marx Koch (1855-1931) cũng thành lập tờ Tạp chí văn học sử so sánh (Zeitschrift für vergleichende Litteraturgeschichte) xuất bản định kỳ, mà trong “Lời tựa” của nó được chính Koch viết, đã vạch ra hai mục đích của tạp chí: thứ nhất là thảo luận ngắn gọn về phê bình văn học so sánh ở Đức và lịch sử của nó, và hai là phân biệt văn học so sánh Đức ở chỗ nó rũ bỏ việc xem văn học so sánh là một nhánh của lịch sử văn học. Hai mục đích này cũng là cương lĩnh cơ bản của tờ Tạp chí văn học so sánh (Zeitschrift fur vergleichende Literaturgeschite, 1887-1910) và chị em của nó là series học thuật Nghiên cứu lịch sử văn học (Studien zur vergleinchenden Literaturgeschichte, 1901-1909), mà Koch tổng hợp thành các phương diện: nghệ thuật dịch thuật; lịch sử các thể loại và đề tài văn học và những tác động xuyên biên giới dân tộc; lịch sử tư tưởng; những quan hệ giữa lịch sử chính trị và lịch sử văn học; những liên kết giữa văn học với nghệ thuật, triết học và sự phát triển văn học, v.v…; và văn học dân gian (folklore).[10] Những quan điểm đó không chỉ liên quan tới nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song của văn học so sánh, mà còn mở rộng phạm vi nghiên cứu văn học so sánh ra các lĩnh vực văn hoá tư tưởng, điều sẽ được thể hiện trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Vào đầu thế kỷ XX, “nghiên cứu văn học” (Literaturwissenschaft) được hiểu bao trùm cả “lý luận văn học” và “phê bình văn học”. Điều này có nguyên nhân khách quan của nó, bởi đến cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc (imperialism), tức “chính sách mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của một quốc gia thông qua hệ thống thuộc địa”[11], thì đối tượng và phạm vi của văn học so sánh không chỉ còn nằm trong khu vực châu Âu bé nhỏ, mà trở nên rộng lớn, vươn tới các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hutcheson Macaulay Posnett, người sinh ra ở Ireland nhưng trở thành giáo sư đại học ở Auckland của New Zealand là một kiểu công dân toàn cầu ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Có lẽ vì thế mà trong công trình Văn học so sánh công bố ở London năm 1886, ông đã so sánh trên một bình diện rộng lớn hơn rất nhiều về không gian (từ châu Âu tới Mexico, Trung Hoa, Ấn Độ, châu Đại Dương) và thời gian (từ cổ đại Hy – La đến hiện đại) để tìm kiếm những ý nghĩa có tính khái quát, vươn tới cái “siêu dân tộc” (khái niệm “supranationality” như sự phân ly khỏi những mối liên hệ vay mượn, ảnh hưởng cụ thể, trực tiếp giữa các dân tộc). Văn học so sánh của Posnett có thể được xem là chuyên luận đầu tiên về lý thuyết trong lĩnh vực này. Năm 1900, Posnett còn xuất bản một tiểu luận nhan đề Khoa học văn học so sánh (The Science of Comparative Literature) – Posnett sử dụng khái niệm “the science” cho bộ môn, và tiểu luận này về sau củng cố vị trí của ông như một nhà phê bình, người đầu tiên đã cẩn thận cân nhắc “các phương pháp và nguyên tắc” của văn học so sánh, và nhấn mạnh mối quan hệ thống nhất giữa “so sánh” (comparative) và “lịch sử” (historical).

Ở các nước châu Âu khác và ở Bắc Mỹ, bộ môn văn học so sánh cũng xuất hiện. Alexander Veselovsky (1838-1906) sau một thời gian làm việc và học tập tại Tây Ban Nha, Czech, Đức, Ý đã trở về Nga và năm 1870 có khoá giảng Lịch sử văn học thế giới ở Đại học St. Petersburg. Đây cũng là năm mà học giả Nga này hướng nghiên cứu của mình vào vấn đề thi pháp lịch sử trong luận án tiến sĩ của ông, điều sau này có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của văn học so sánh nói chung và của trường phái Nga nói riêng. Học giả Ý Francesco Sanctis (1817-1883) từ năm 1861 đã có bài giảng về lịch sử văn học so sánh, và năm 1871, trở thành chủ nhiệm bộ môn Văn học so sánh (Literatura Comparata) đầu tiên ở Đại học Napoli, đánh dấu sự khởi đầu văn học so sánh như một bộ môn của đại học Ý, điều sau đó sẽ được phát triển, phổ biến ở khắp châu Âu. Tuy nhiên, cách hiểu về văn học so sánh của Sanctis còn hết sức hạn hẹp so với ngày nay, bởi ông chỉ hạn chế việc so sánh văn học trong nước và tin rằng làm như thế thì có thể có được một chuẩn mực thống nhất. Đối với ông, việc so sánh chỉ có ý nghĩa khi được vận dụng trong phạm vi truyền thống của một đất nước, chẳng hạn như so sánh Dante với Boccaccio, bởi như thế so sánh mới có được một cơ sở chung. Do vậy, ông phản đối việc so sánh tương đồng và so sánh song song bởi tin rằng “việc so sánh đề tài hay nhân vật nào đó, cả hai đều phải được thực hiện trong một nền văn học duy nhất của một đât nước, thay vì ở phạm vi quốc tế”[12].

Benedetto Croce (1866-1952) là người Ý tiếp theo sau Sanctis bàn đến các vấn đề của văn học so sánh, và cho rằng việc so sánh là một phương pháp hơn là một lĩnh vực nghiên cứu. Năm 1903, Croce xuất bản một tiểu luận nhan đề “So sánh văn học” (“La letteratura comparata’”) đăng trên số đầu tiên tờ tạp chí 2 tháng 1 kỳ La Critica do chính ông thành lập tiếp tục giữ quan điểm rằng sự so sánh như được vận dụng trong văn học so sánh là phương pháp nghiên cứu cơ bản, thuận lợi, phổ biến và không thể thiếu khi tác phẩm văn học được đặt vào bối cảnh lịch sử của văn học thế giới, nhưng cũng chính vì thế mà nó không thể là một bộ môn độc lập. Thái độ như vậy của Croce đối với văn học so sánh ở đầu thế kỷ XX đó đã có những ảnh hưởng lớn và cản trở sự phát triển của văn học so sánh Ý về sau này. Tuy nhiên, nó cũng có tác động tích cực, khiến cho các nhà văn học so sánh luôn phải nhìn lại và tự thẩm xét, phê phán chính mình và từ đó tìm kiếm những lối đi mới để khắc phục những hạn chế của mình. Bởi vậy, Croce vẫn luôn được xem là người có đóng góp quan trọng đối với lý luận văn học so sánh.

Ở Mỹ, trong các thập niên cuối thế kỷ XIX lần lượt xuất hiện các bài giảng, các seminar đầu tiên về văn học so sánh của Charles Shackford (1815-1895) ở Đại học Corneille, của Charles Mills Gayley ở Đại học Michigan, của Arthur Marsh ở Đại học Harvard.

Nhiều khoá học khác nhau về văn học so sánh tiếp tục được giới thiệu ở khắp các châu lục Âu, Mỹ, Úc đã dẫn đến kết quả: văn học so sánh như một bộ môn chính thức nằm trong chương trình giảng dạy đại học với một hướng dẫn lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu rõ ràng.

Như vậy, văn học so sánh như một bộ môn ra đời vào thế kỷ XIX ở châu Âu. Nó nảy sinh từ chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới, vừa là những phản ứng, là sản phẩm của thời đại Lãng mạn. Trong những bước phát triển đầu tiên của mình, văn học so sánh được xác định trước hết là sự nghiên cứu so sánh lịch sử văn học các nền văn học châu Âu, nhưng cho đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX thì nó đã mở rộng địa hạt của mình sang lý luận và phê bình văn học, tức đi từ những mối quan hệ cụ thể, thực tế (rapports de fait) sang những vấn đề có tính bản chất, quy luật của văn học.

Cho đến nay, văn học so sánh đã trải qua hơn hai thế kỷ phát triển, không chỉ ở các quốc gia Âu – Mỹ, mà ngày càng có nhiều sự tham gia đóng góp của các nước phương Đông, tạo nên những xu hướng và những triển vọng mới mẻ. Nhà văn học so sánh nổi tiếng David Damrosch từng viết: “Trong khi phác hoạ quỹ đạo phía trước của văn học so sánh, một cách để xác định vị trí của chúng ta là nhìn về lại quá khứ”[13]. Thời đại Lãng mạn và những bước khởi đầu trong thế kỷ XIX là quá khứ giúp soi chiếu cho hành trình tương lai như thế.

[1] Dẫn theo: Ferber Michael, A Companion to European Romanticism, Blackwell publishing Ltd., 2005, trang 2.

[2] Hiện đại (modernus trong tiếng Latin, với gốc từ modo nghĩa là “bây giờ”) là một khái niệm mang tính loại hình lịch sử, chỉ giai đoạn hậu trung đại, hậu truyền thống. Đó là thời kỳ xã hội có những biến chuyển sang một trật tự mới – trật tự tư bản chủ nghĩa, với các tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và thế tục hóa. Một đặc trưng tiêu biểu của hiện đại là việc đề cao tinh thần duy lý, những phát minh khoa học giúp người ta tin vào sự tiến bộ của con người, vào khả năng tư duy có thể giúp con người hiểu và kiểm soát được thế giới khách quan. Về điều này, chúng tôi đã trình bày trong công trình Những vấn đề văn học Nga hiện đại (Đề tài NCKH cấp ĐHQG-C, 2013-2015).

[3] Thuật ngữ “thời đại hoàng kim” bắt nguồn từ các huyền thoại cổ đại Hy Lạp – La Mã về “các thời đại của loài người”, gồm 5 thời đại (Vàng, Bạc, Đồng, Anh hùng, Sắt – theo Hesiod của Hy Lạp) hoặc 4 thời đại (Vàng, Bạc, Đồng, Sắt – theo Ovid của La Mã), và thời đại hoàng kim là đầu tiên, khi con người sống trong thế giới hoà bình, hài hoà cùng với các thần linh, sống rất lâu với diện mạo luôn trẻ đẹp, trí tuệ thông thái, khôn ngoan.

[4] Claudio Guillén, The Challenge of Comparative Literature, Harvard University Press, 1993, trang 27.

[5] Theo: Atsuko Ichijo, Gordana Uzelac (eds.), When is the Nation?: Towards an Understanding of Theories of Nationalism, Rouletdge, New York, London, 2005, trang 51. Theo các tác giả sách này, Herder được xem là một trong những nhà lý thuyết sớm nhất về dân tộc.

[6] John Oxenford, Conversations of Goethe with Eckermann and Soret, London, Smith, Elder & CO., 1850, trang 154, 350-351 (Bản trên Internet:

 https://archive.org/stream/conversationsofg01goetuoft#page/350/mode/2up)  

[7] Karl Marx, Frederick Engels, “Manifesto of Communist Party”, Trong: Marx, Engels, Selected Works, Vol.1, Progress Publishers, Moscow, 1969, trang 16.

[8] Dẫn theo: P.Brunel, Cl.Pichois, A-M.Rousseau, “Sự ra đời và phát triển của khoa văn học so sánh” (Nguyễn Thị Thanh Xuân dịch), Trong: Khoa Ngữ văn và Báo chí, Văn học so sánh: nghiên cứu và dịch thuật, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2002, trang 26.

[9] Theo: R.Wellek, “The Name and Nature of Comparative Literature”, bản trên Internet: https://www.scribd.com/doc/54829733/Wellek-Name-and-Nature-of-Comparative-Literature

[10] Hai tờ tạp chí này ngừng xuất bản vào các năm 1909 và 1910. Những thập niên sau đó, văn học so sánh Đức dần trì trệ, đặc biệt dưới thời Đức Quốc xã, khi chủ nghĩa dân tộc đi đến cực đoan và Đức học trở thành môn học được tăng cường, còn vị trí của văn học so sánh thì không còn quan trọng nữa.

[11] Từ điển Oxford, Oxford University Press. Bản online, truy cập ngày 16/4/ 2016.

[12] Dẫn theo: Shunqing Cao, The Variation Theory of Comparative Literature, Springer, 2013, trang 5.

[13] David Damrosch, “Rebirth of a Discipline: The Global Origins of Comparative Studies”, Comparative Critical Studies 3.1-2, 2006, trang 99.

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học – Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.168-178.