Sự thật về ứng dụng iCheck kiểm tra mã vạch hàng hóa
Các ứng dụng quét mã vạch như iCheck hoàn toàn không phải là ứng dụng dùng để kiểm tra phân biệt hàng giả, mà đó chỉ là ứng dụng giúp chúng ta tìm hiểu thông tin, công dụng và giá bán của sản phẩm, với điều kiện là sản phẩm đó phải được đăng ký thông tin lên hệ thống ứng dụng iCheck, nếu sản phẩm bạn quét chưa được đăng ký thông tin lên ứng dụng thì khi quét sẽ không check ra thông tin mã vạch của sản phẩm đó. Vì thế cho dù sản phẩm đó là hàng giả, nhưng được đăng ký thông tin trên ứng dụng thì bạn quét mã vạch vẫn ra giống như quét hàng thật. Và mọi thông tin xuất hiện khi bạn quét mã vạch sản phẩm thành công thì đó chính là thông tin của những người đang bán sản phẩm đó, họ đã bỏ tiền để đăng ký thông tin sản phẩm của mình lên ứng dụng iCheck kết hợp với mua bán sản phẩm sẽ xuất hiện giá bán và trang web của người bán đã đăng ký thông tin. Vì vậy mọi thông tin khi bạn quét mã vạch trên các ứng dụng iCheck đều không giúp bạn xác định được sản phẩm mình quét là hàng thật hay hàng giả, hãy đọc và tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm.
Thời gian gần đây, nhiều người thường dùng các phần mềm quét mã vạch trên smartphone để xác định hàng thật giả khi mua hàng hoá. Liệu kiểm tra mã vạch có giúp chúng ta xác định được hàng thật hay hàng nhái hay không?
Mã vạch là gì?
Để tạo thuận lợi và nâng cao năng suất, hiệu quả trong bán hàng và quản lý kho, người ta thường in trên hàng hoá một loại mã hiệu đặc biệt gọi là mã số mã vạch của hàng hoá. Mã số mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: mã số của hàng hoá và mã vạch là phần thể hiện mã số bằng vạch để cho máy đọc.
Mã số của hàng hoá là một dãy con số dùng để phân định hàng hoá, áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất, bán buôn, lưu kho, phân phối và bán lẻ tới người tiêu dùng. Nếu thẻ căn cước giúp ta phân biệt người này với người khác thì mã số hàng hoá là “thẻ căn cước” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.
Nhưng bản thân mã số chỉ là một dãy số đại diện cho hàng hoá, không liên quan đến đặc điểm của hàng hoá. Nó không phải là số phân loại hay chất lượng của hàng hoá, trên mã số cũng không có giá cả của hàng hoá.
Ý nghĩa dãy số trên mã số và mã vạch?
Hiện nay, có nhiều loại mã vạch phổ biến được sử dụng để in trên hàng hóa, phổ biến là EAN 13 và Code 128. Mỗi loại mã vạch này sẽ được cấu tạo gồm một dãy số theo quy định và có quy tắc riêng.
Chẳng hạn mã vạch EAN-13 gồm 13 chữ số có cấu tạo từ trái sang phải là:
+ Mã quốc gia: hai hoặc ba con số đầu
+ Mã doanh nghiệp: có thể gồm từ bốn, năm hoặc sáu con số
+ Mã mặt hàng: có thể là năm, bốn, hoặc ba con số tùy thuộc vào mã doanh nghiệp
+ Số cuối cùng là số kiểm tra.
Phân biệt hàng thật hàng giả bằng mã vạch là đúng hay sai?
Trong mỗi quốc gia, mã số hàng hoá giúp các doanh nghiệp và các nhà cung cấp thuận lợi khi quản lý, phân phối và biết được xuất xứ, nguồn gốc của mỗi loại sản phẩm.
Trong giao lưu thương mại quốc tế, các nhà sản xuất và các nhà cung cấp tránh được các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Sản phẩm hàng hóa có thể lưu thông trên toàn cầu mà vẫn biết được lai lịch của nó cũng như đảm bảo độ chính xác về giá cả và thời gian giao dịch rất nhanh. Trong giao dịch mua bán, kiểm soát được tên hàng, mẫu mã, quy cách, giá cả xuất, nhập kho hàng không bị nhầm lẫn và nhanh chóng, thuận tiện.
Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng các ứng dụng kiểm tra thông tin mã vạch trên điện thoại để kiểm tra hàng thật hàng giả. Tuy nhiên, điều này là sai lầm.
Mã số mã vạch chỉ là chìa khóa dẫn đến kho dữ liệu tương ứng (mô tả thông tin về sản phẩm) chứ không thể chỉ dùng mã số mã vạch để phân biệt hàng giả và hàng thật. Để phân biệt hàng thật hàng giả phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau của sản phẩm.
Dãy mã vạch được in trên bao bì sản phẩm chỉ có thể giúp người tiêu dùng kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa đó như sản xuất ở nước nào, công ty sản xuất, chứ hoàn toàn không có chức năng để phân biệt hàng thật hàng giả. Mã vạch nhìn qua có vẻ phức tạp và khó để làm giả nhưng thật ra rất đơn giản vì mã vạch cũng giống như sản phẩm khác, hoàn toàn có thể làm giả một cách dễ dàng.
Hơn nữa, khi bạn sử dụng các ứng dụng kiểm tra thông tin mã vạch nếu bạn không thấy bất cứ thông tin của sản phẩm như công ty sản xuất…. thì cũng không cần lo lắng vì đối với một số mặt hàng như mỹ phẩm, nhà sản xuất thường xuyên thay đổi mẫu mã, bao bì và với mỗi mẫu mã và một lô sản xuất thì thường sẽ có một mã vạch khác nhau để thuận tiện cho việc quản lý. Do đó, không chắc rằng các ứng dụng kiểm tra mã vạch trên điện thoại này có thể cập nhật các thông tin từ nhà sản xuất nhanh nhất và kịp thời.
Chỉ mất vài phút để tạo ra mã vạch giả
Thực tế, việc làm giả mã vạch cực đơn giản và không hề mất nhiều thời gian.
Trên mạng hiện nay có nhiều công cụ giúp tạo mã vạch miễn phí, chỉ cần lên Google và tìm từ khoá “tạo mã vạch” sẽ thấy vô số công cụ giúp tạo mã vạch giả cho đủ các thể loại mã từ UPC, EAN hay Code 128. Người làm giả chỉ cần biết được thông tin mã vạch là có thể tạo ra một mã vạch giống trên bao bì sản phẩm và in ra để dán lên hàng giả và hàng nhái. Việc làm giả càng trở nên nhanh chóng nếu có trên tay một máy đọc mã vạch.
Làm thế nào để tránh mua phải hàng giả hàng nhái?
Hiện nay, sự tinh vi trong các công đoạn làm giả đã đạt đến ngưỡng chẳng thua kém gì hàng thật. Tuy vậy, vẫn có một số cách để có thể giúp mua được hàng chất lượng.
– Lựa chọn địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy.
– Để ý đến giá: giá tiền không phải yếu tố quyết định nhưng sản phẩm chính hãng thường không có giá quá rẻ. Nếu rẻ quá thì bạn nên cân nhắc.
– Chọn sản phẩm nguyên hộp: nên mua các sản phẩm vẫn còn nguyên niêm phong (seal) và giấy bóng kính.
– Để ý các chi tiết trên hộp: Hàng chuẩn thường có vỏ hộp được in cẩn thận, rõ ràng, hài hoà về mặt thẩm mỹ và cực kỳ ít lỗi sai.
– Cảm quan cá nhân trên sản phẩm: Điều này bạn cần có một chút kinh nghiệm. Sản phẩm chính hãng thường ít có lỗi vặt như chỉ thừa, may lỗi… (đối với những mặt hàng như giày dép, quần áo). Với nước hoa, thứ cần nhận biết chính là mùi hương, thời gian bay mùi…
Quan trọng hơn cả, hãy nhớ rằng mã vạch hay mã QR không hoàn toàn là công cụ để kiểm tra hàng giả hàng nhái.
– Nguồn: google –