SỰ TƯƠNG ĐỒNG TRONG QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI GIỮA KHUYNH HƯỚNG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VÀ VĂN XUÔI HIỆN THỰC 1930 – 1945

TS. Thành Đức Bảo Thắng

1. Mở đầu

Quan niệm nghệ thuật về con người là “sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó”[9; tr 55]. Là hình thức đặc thù thể hiện con người trong văn học nên quan niệm nghệ thuật về con người có cơ sở xã hội, lịch sử, văn hóa. Nó vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội, văn hóa, vừa mang dấu ấn sáng tạo của nghệ sĩ. Vì vậy, phát hiện, nắm bắt được quan niệm nghệ thuật về con người giúp người đọc thấy được sự phát triển mang tính quy luật và nét độc đáo, không lặp lại cũng như chiều sâu tư tưởng khi chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật.
Văn học hiện đại là văn học của thời kì con người cá nhân tư sản mới xuất hiện, thể hiện “ý thức cá tính của tác giả” cũng như “ý thức nghệ thuật tự giác trong các cương lĩnh trào lưu”[9; tr, 73]. Nghiên cứu văn học trước năm 1945, Trần Đình Sử đã phát hiện ba hiện tượng văn học với những quan niệm nghệ thuật về con người đáng chú ý: văn xuôi lãng mạn (xu hướng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn), Thơ mới và văn xuôi hiện thực. Ở cái nhìn khái quát, ông chỉ ra những nét khác biệt độc đáo của các hiện tượng văn học này. Văn học lãng mạn “quan niệm con người cá nhân xung đột gia đình với khát vọng thoát ly… để thỏa mãn bản năng tự do”. Đó còn là quan niệm nghệ thuật về con người gắn với đời sống nội tâm, với “thế giới cảm giác”. Văn học hiện thực xem con người là “sản phẩm của hoàn cảnh”, phải chịu sự tác động của hoàn cảnh [9, tr 73-74]. Song, lý thuyết cũng như thực tế đời sống văn học, giữa các khuynh hướng, giữa các tác giả cũng có những tương đồng trong quan niệm nghệ thuật về con người. Tương đồng trong quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện rõ trong hai khuynh hướng văn xuôi lãng mạn và hiện thực, phản ánh bước vận động theo hướng hiện đại của văn học giai đoạn này.
 

Mục lục bài viết

2. Nội dung

2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân
Con người cá nhân là yếu tố nổi bật trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945. Con người được biết đến với tư cách cá nhân, có vị trí tương đối độc lập với xã hội, được tự do thể hiện ước mơ, khát vọng, ham muốn riêng, được khẳng định quyền làm người, quyền sống chính đáng của mình. Chính vì vậy, lí giải, cắt nghĩa con người với các mối quan hệ xã hội theo quan niệm con người cá nhân làm thay đổi toàn diện cách tiếp cận cuộc sống của nhà văn và mở ra cách nhìn mới, đa dạng phong phú. Chú ý và khẳng định vai trò của con người cá nhân là bước chuyển biến lớn, góp phần mở ra những giá trị mới cho văn học, đưa văn học chuyển nhanh sang thời kì hiện đại.
Từ sự bừng tỉnh ý thức cá nhân, con người cá nhân ngoài xã hội đã đã trở thành hình tượng trung tâm trong văn học. Trong văn học lãng mạn nói chung và trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nói riêng, quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân là một trong những vấn đề quan trọng xuyên suốt quá trình sáng tác của khuynh hướng này. Khảo sát các nhân vật lí tưởng của Tự lực văn đoàn, Lê Thị Dục Tú cho rằng: “Con người cá nhân có cả một lịch sử trình tự ý thức về mình: Từ con người cá nhân xã hội mang đậm màu sắc chính trị qua con người cá nhân lãng mạn lập dị đến con người cực đoan liều lĩnh” [11, tr. 45]. Con người cá nhân được đặt trong cuộc đấu tranh giữa một bên đại diện cho tư tưởng mới với một bên là thành trì của cái cũ, cái lạc hậu. Chính vì vậy, nhân vật của Tự lực văn đoàn đấu tranh trên tinh thần tự ý thức về giá trị của cá nhân mình. Ý thức chống đối mạnh mẽ, không thỏa hiệp của những cô gái như Mai (Nửa chừng xuân), Loan (Đoạn tuyệt) cho thấy họ nhận thức được phẩm giá cũng như giá trị của mình đang bị đe dọa, bị chà đạp. Ý thức về cuộc sống với một quan niệm mới xuất hiện ở những thanh niên của thời đại mới đã “trót nhiễm những tư tưởng mới” luôn thường trực trong con người của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nhân vật Mai (Nửa chừng xuân), ngay từ những trang đầu của tác phẩm đã xuất hiện với ý thức về bản thân cũng như những giá trị của mình trong cuộc sống hiện tại. Rơi vào cảnh khó khăn, Mai vẫn luôn ý thức nhắc nhở mình và em phải sống cho đúng với tâm nguyện của cha lúc lâm chung: “giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc” [10; Tập 2; tr. 80]. Ý thức về mình, Mai biết mình là cô gái trẻ, có nhan sắc: “Mai không già… Mai trẻ lắm… mới mười chín cái xuân xanh… Mai cũng biết Mai trẻ, Mai đẹp… chỉ ngắm cái nét mặt khinh khỉnh của mấy chị em con bác phán, Mai cũng đủ hiểu rằng Mai đẹp…”[10; Tập 2; tr. 85]. Sâu sắc hơn, nàng luôn nhận thức rất rõ về ý nghĩa của cuộc sống, không chấp nhận đi theo lối mòn khi biết chắc chắn: “Suốt đời làm nô lệ” [10, Tập 2; tr. 87] khi nhã nhặn từ chối đề nghị của ông Phán (người bác trong gia đình). Rất cảm động trước hoàn cảnh và sự hi sinh của Diên (bán mình kiếm tiền nuôi em ăn học) song Mai cũng không chấp nhận cuộc sống đó. Có thể khẳng định, ý thức về mình, về nhân phẩm trong suy nghĩ và hành động của Mai đã trở thành động lực sống mạnh mẽ, là điểm tựa vững chắc cho cuộc đấu tranh quyết liệt, không thỏa hiệp với bà Án (mẹ Lộc) sau này. Với Loan trong Đoạn tuyệt, ý thức sẵn sàng đoạn tuyệt với cuộc sống gia đình cũng vang lên ngay từ đầu tác phẩm trong cơn “giận dữ” khi nghe tin một cô gái tự tử vì bị “mẹ chồng ghét, chồng bênh mẹ đuổi đi”: “Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì lại càng đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng…” [10; Tập 1; tr. 21]. Đây là phản ứng của một cô gái được theo học trường Tây, có quan niệm mới về cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Nàng dám nói giọng cả quyết trước sự áp đặt nhân duyên của cha mẹ mình: “Thưa thầy me, thầy me cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa”. Quan niệm mới về “chữ hiếu” của Loan giờ đây không phải là sự phục tùng một cách “vô học” những lời nói hay sự áp đặt cuộc sống của cha mẹ, mà phải là cách xử sự của người “đã đi học”, phải “cư xử theo sự học”[10; Tập 1; tr. 34]. Ý thức ngày càng sâu sắc về bản thân, về cuộc sống với niềm vui, nỗi buồn đã được khẳng định trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Quan niệm về con người cá nhân còn được thể hiện trong ý thức thể hiện những khát vọng, ham muốn cá nhân vượt thoát khỏi mọi ràng buộc. Quan niệm này được các nhà văn lãng mạn thể hiện qua các nhân vật mang khát vọng cải cách xã hội (Dũng trong Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bảo – Hạc trong Gia đình, Duy trong
Con đường sáng) và các nhân vật sống với cái tôi tuyệt đối (Tuyết trong Đời mưa gió, Trương trong Bướm trắng, Cảnh trong Thanh Đức).
Quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân cũng là sản phẩm của thời đại và mang tính lịch sử nên ở mỗi khuynh hướng có một cách thể hiện riêng. Văn học hiện thực phê phán tiếp thu và thể hiện trên bình diện rộng, đan xen phức tạp của nhiều yếu tố khác trong quan niệm nghệ thuật. Chú trọng tới việc tái hiện chân thực cuộc sống hiện thực, từ đó phê phán, phủ định hiện thực nên nổi bật trong văn xuôi hiện thực là quan niệm nghệ thuật về con người trên “tinh thần giai cấp”. Song, khảo sát thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của những nhà văn tiêu biểu của khuynh hướng hiện thực phê phán như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, ta bắt gặp quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân đan xen với quan niệm về con người xã hội – giai cấp, con người “có nghĩa lý” và con người “vô nghĩa lý” trong ý nghĩa tồn tại của nó. Sự tự ý thức của cá nhân về cuộc đời, số phận cũng như băn khoăn, trăn trở trước hiện thực cuộc sống là biểu hiện rõ nét nhất trong quan niệm con người cá nhân của các cây bút hiện thực. Người trí thức trong tác phẩm của Nam Cao luôn rơi vào bi kịch cá nhân giữa một bên là khát vọng sống cao đẹp, hữu ích, được cống hiến với một bên là hoàn cảnh “áo cơm ghì sát đất”, với nhịp sống mòn. Hộ (Đời thừa), Thứ (Sống mòn) là những nhân vật tiêu biểu cho kiểu người này. Luôn ý thức về giá trị nghề nghiệp (nghề văn), về mục đích cầm bút, luôn suy tư, dằn vặt về ý nghĩa cao cả hay thấp hèn của cuộc sống, suy cho cùng đó là những biểu hiện sâu sắc của quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân. Thứ trong Sống mòn của Nam Cao luôn thường trực trong mình khát vọng sao cho xứng đáng với danh hiệu con người: “Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều… phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung” [1; tr. 35]. Hộ cay đắng nhận ra mình đang sống một cuộc đời thừa. Chiều sâu trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao không chỉ dừng ở sự thức tỉnh ý thức cá nhân mang ý nghĩa bản thể mà còn đặt nó trong ý thức cộng đồng.
Vũ Trọng Phụng là người đặc biệt quan tâm, suy ngẫm về con người và cũng có quan niệm riêng của mình. Bên cạnh quan niệm về con người trên “tinh thần giai cấp” còn là quan niệm về con người bản năng, con người tha hóa, con người “có nghĩa lý” và vô nghĩa. Xét đến cùng, đó là quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân với các biểu hiện khác nhau. Sự trỗi dậy thái quá của đời sống bản năng là đặc điểm thường thấy trong nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Từ các nhân vật tiêu biểu cho căn tính dâm đãng như Xuân tóc đỏ, Phó Đoan (Số đỏ) đến những nạn nhân của xã hội như thị Mịch, Long (Giông tố) đều bị “sai khiến” bởi dục tình hoặc luôn mang trong đầu những ám thị sau những tai biến “dâm sự”. Khi tác giả đề cao thái quá yếu tố này đã tạo ra những bất cập trong quá trình miêu tả, cắt nghĩa các hiện tượng xã hội, nhưng chú ý tới “đời sống bản năng” đã thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân. Ở một góc nhìn tương đối mới, khám phá đời sống bản năng và miêu tả nó như một yếu tố quan trọng trong cấu trúc nhân cách của con người là sự mở rộng, đào sâu cách nhìn về con người bởi “ý thức về nhu cầu bản năng là biểu hiện của ý thức cá nhân” [8; tr.171]. Cũng là vấn đề con người cá nhân, một số nhân vật trong tác phẩm của ông được miêu tả trên tinh thần ý thức sâu sắc về giá trị tồn tại của con người trong xã hội: con người “vô nghĩa lí”. Có thể Vũ Trọng Phụng chưa thể hiện sâu sắc cái nhìn về con người với tình trạng “vô nghĩa lí” trong xã hội cũ như sáng tác của Nam Cao sau này, song ý thức về con người cá nhân trong quan niệm về con người của Vũ Trọng Phụng đã mở ra cái nhìn mới, đa diện, nhiều chiều khi khám phá con người.
Chú ý tới con người cá nhân là chú ý tới đời sống tâm lí phong phú và phức tạp. Với nhận thức ngày càng sâu sắc về con người, các cây bút lãng mạn và hiện thực đã mạnh dạn tìm hiểu, mổ xẻ, khám phá đời sống nội tâm, khám phá phần “khuất lấp” khó nắm bắt của con người. Khám phá con người bên trong là cách tiếp cận mới, hiện đại, có chiều sâu về con người, trở thành mục đích hướng tới của các tác giả lãng mạn và hiện thực.
Văn xuôi lãng mạn coi đời sống tâm lí của con người là đối tượng khám phá và miêu tả con người. Phạm Thế Ngũ khi bàn về Tự lực văn đoàn đã chú ý tới nhận định của Thế Lữ khi chống lại quan niệm văn nghệ lí tưởng của các “văn gia” lớp trước: “Cái hay của một cuốn truyện về phong tục không phải ở cái luân lý của câu chuyện ấy” và khẳng định: “Chỉ có những cảm giác của cuộc đời là thật, còn lại và in sâu trong trí nhớ của người đọc, còn một cốt truyện kể ra và kết cấu một cách khéo léo cho vừa ý độc giả sẽ bị quên ngay, không ai bàn đến nữa” [3; tr 22]. Chú ý tới đời sống nội tâm với các trạng thái cảm xúc, cảm giác là yếu tố quan trọng trong ý thức thể hiện con người của văn xuôi lãng mạn. Trong bài “Viết và đọc tiểu thuyết”, Nhất Linh cho rằng: Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề trong lẫn bề ngoài, diễn tả được một cách linh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh tế nhị của tâm hồn.
Thạch Lam nhiều lần đề cập tới tiêu chí này trong cuốn tiểu luận Theo dòng. Để trả lời câu hỏi: Tiểu thuyết để làm gì? Thạch Lam đưa ra quan niệm: “cái đời sống cần là đời sống bên trong, cái đời sống của tâm hồn”[5; tr. 297]. Ông là người hơn ai hết ý thức một cách sâu sắc rằng: những trang viết tinh tế và sâu sắc về đời sống tinh thần con người là một yêu cầu của những người đọc chân chính. Ông cho rằng: “Trong các nguyên cớ khiến cho tiểu thuyết được hoan nghênh tôi có thể chỉ ra cái cớ này: sự nảy nở của đời sống trong tâm hồn riêng của từng người. Khi người ta bắt đầu có một đời sống bên trong, hay tìm xét những trạng thái của tâm hồn mình, người ta thích đọc tiểu thuyết. Trái lại, tiểu thuyết lại giúp cho đời sống bên trong được dồi dào, sâu sắc thêm” [5; tr. 282]. Có thể khẳng định, về phương diện lí thuyết, Thạch Lam có cả hệ thống lí thuyết tập trung thể hiện quan niệm con người với đời sống nội tâm: Từ mục đích sáng tác “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”, đến cái tài của tác giả là: “diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của con người”, sự cần thiết và giá trị bất tử của tác phẩm, tác giả: “cốt nhất phải đi sâu vào trong tâm hồn mình tìm những tính tình và cảm giác thành thực: tức là tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà không biết” (Theo dòng). Không chỉ trên phương diện lí thuyết, quan niệm nghệ thuật về con người với chiều sâu nội tâm của ông thể hiện khi khám phá con người trong tác phẩm. Truyện của Thạch Lam không có những xung đột kịch tính và mạch truyện được dẫn dắt bởi các trạng thái cảm xúc, cảm giác. Câu chuyện Hai đứa trẻ đi theo dòng tâm trạng của cô bé Liên. Tối ba mươi ghi lại những biến động trong tâm hồn hai cô gái nhà săm vào thời khắc giao thừa. Các cô đã sống những giây phút đầy mặc cảm của thân phận đan xen với những kí ức trong sạch, ấm áp xưa; những ê chề, tủi hổ của cuộc sống nhơ nhớp với những khát vọng mang tính người khi hướng về tổ tiên bằng tấm lòng nâng niu thành kính. Đôi khi Thạch Lam mở đầu thiên truyện của mình bằng sự diễn tả tâm trạng: “có những ngày mà tự nhiên, không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì…”. Đó là sự khởi đầu cho một hành động, một cơn giận vô cớ và rồi kết cục của nó là sự ân hận, sự day dứt, sám hối trước nỗi đau của đồng loại (Một cơn giận).
Quan niệm nghệ thuật về con người với đời sống nội tâm là yếu tố gặp gỡ tất yếu, mang tính quy luật giữa văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực bởi sự thức tỉnh của ý thức cá nhân. Cũng quan tâm tới con người với đời sống bên trong, Ngô Tất Tố đã sáng tạo được hệ thống nhân vật “sau lũy tre xanh” với đời sống tâm lí sinh động. Phú Hương bày tỏ sự khâm phục khi đọc Ngô Tất Tố “mỗi lúc ông tả những nhân vật sau lũy tre xanh, y như ta thấy ngay trước mặt” [4; tr. 204]. Song cũng phải thấy rõ, quan niệm về con người với đời sống bên trong chưa được Ngô Tất Tố chú ý khai thác và biểu hiện và bị mờ đi trước quan niệm về con người trên tinh thần giai cấp. Phải đến Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, con người với đời sống nội tâm được chú ý khai thác, đào sâu và thể hiện. Vũ Trọng Phụng gửi gắm quan niệm về con người với đời sống nội tâm qua các nhân vật tha hóa như Long, Mịch (Giông tố), Huyền (Làm đĩ) nhằm mục đích minh họa cho cái nhìn của ông về cuộc đời. Long xuất hiện trong tác phẩm với thế giới nội tâm xuôi chiều, không quá phức tạp. Các cảm giác căm thù, lo sợ, rạo rực bùng cháy của dục tình diễn ra đúng theo ý muốn chủ quan của Vũ Trọng Phụng, hướng tới minh họa cho đời sống bản năng, có dấu ấn cực đoan. Coi tâm lí là đối tượng khám phá song Vũ Trọng Phụng mới chỉ bước đầu thăm dò thế giới tâm hồn con người.
Nghiên cứu Nam Cao, Trần Đăng Suyền nhận thấy một hướng đi riêng trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực. Ông cho rằng: “Đối với Nam Cao cái quan trọng hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thực cuộc sống là cái chân thực của tư tưởng, của nội tâm nhân vật… Cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố tự thân mà là con người trước sự kiện, biến cố” [7; tr. 156]. Nam Cao đã kế thừa các cây bút lãng mạn một cách sâu sắc ở yếu tố nghệ thuật này. Truyện của Nam Cao thường ít sự kiện, nhiểu tâm trạng. Sự kiện chỉ là cái cớ để nhân vật bộc lộ tâm trạng, hay nói cách khác, cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố tự thân mà là con người trước sự kiện, biến cố. Trong tiểu thuyết Sống mòn, Nam Cao đưa ra quan niệm về con người: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ, có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng.”[1; tr. 172]. Tư tưởng và cảm giác của con người là hứng thú đặc biệt khi cầm bút của Nam Cao. Nhà văn hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá con người trong con người, miêu tả và phân tích mọi chuyển biến trong thế giới tâm hồn của nhân vật. Sức hấp dẫn của Nam Cao thể hiện ở những trang phân tích tâm lí sắc sảo giúp người đọc thấy được sự vận động của đời sống tâm hồn với quy luật riêng của nó.
Khi tập trung miêu tả hiện thực bằng các điển hình nghệ thuật, yếu tố cá thể hóa, cá tính hóa chính là biểu hiện cao độ quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân bên cạnh quan niệm con người xã hội của các nhà văn hiện thực. Trong thực tiễn văn học, sức sống bền vững, vượt thời gian của các nhân vật trong văn xuôi hiện thực phê phán bắt nguồn từ sự hài hòa giữa quan niệm nghệ thuật về con người xã hội với con người cá nhân. Tương đồng trong quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân là yếu tố nổi bật, thể hiện cái nhìn mới mẻ, hiện đại và tinh thần dân chủ trong văn xuôi hiện thực và lãng mạn thời kì này.
2.2. Con người gắn với hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh
Con người gắn với hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh là yếu tố nổi bật trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học hiện thực khi hướng tới phản ánh hiện thực khách quan đời sống. Trước đây, trong cái nhìn chính trị, một số nhà nghiên cứu đối lập văn học hiện thực với văn học lãng mạn và khẳng định: Văn học lãng mạn thoát li hiện thực. Văn xuôi lãng mạn có
xu hướng thoát li hoặc không trực tiếp đề những mâu thuẫn cơ bản, nóng bỏng trong lòng xã hội (mâu thuẫn giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột, mâu thuẫn dân tộc với thực dân). Trong thực tế, văn học lãng mạn không hoàn toàn thoát li hiện thực đời sống mà hướng tới phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội ở phương diện văn hóa (Tinh thần đấu tranh chống lễ giáo phong kiến, tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây). Không chỉ vậy, nhiều tác phẩm của văn xuôi lãng mạn in đậm dấu ấn của hiện thực đời sống như: Nửa chừng xuân, Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Thoát Ly… hay truyện ngắn của Thạch Lam: Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi, Một cơn giận, Đói, Hai lần chết, Một đời người. Nhiều nhân vật phản diện của văn xuôi lãng mạn được đánh giá như những hình tượng của chủ nghĩa hiện thực, được miêu tả rất thật, rất sống như: bà Án (Nửa chừng xuân), Nga (Gia đình), bà Ba (Thừa tự), bà phán Trinh (Thoát ly).
Trong quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả văn xuôi lãng mạn, con người gắn với hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Các nhân vật chính diện, đại diện cho cái mới, tư tưởng tiến bộ đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của hoàn cảnh sống. Cuộc đời, số phận của những cô gái như Mai (Nửa chừng xuân), Loan (Đoạn tuyệt), Nhung (Lạnh lùng) đều long đong, lận đận bởi lễ giáo phong kiến khắc nghiệt, lạc hậu. Trong Gia đình của Khái Hưng, An có thể được nhìn nhận như “nhân vật tha hóa” của văn học hiện thực – là sản phẩm tiêu biểu cho “Gia đình” với những ham muốn công danh phú quý, với những ghen ghét đố kị, hiềm khích. Quan niệm về con người của Thạch Lam rất biện chứng. Ông đã nhận thấy con người có quan hệ mật thiết với xã hội xung quanh “người ta không sống một mình, và có liên hệ mật thiết với những người khác, với xã hội”. Ở chỗ khác, ông khẳng định: “Người ta bao giờ cũng chịu rất sâu xa ảnh hưởng của hoàn cảnh và người ta trước hết là được tạo nên để sống với hoàn cảnh”[5; tr. 313]. Với quan niệm như vậy, thế giới nhân vật của ông luôn phải chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Số phận của họ thay đổi do tác động của hoàn cảnh. Cuộc sống của mẹ Lê (Nhà mẹ Lê) và mười một đứa con ám ảnh người đọc bởi cái đói cái nghèo. Để có cái ăn cho 11 đứa con, mẹ đã phải đi vay gạo và bị chó của địa chủ cắn nên sau đó đã chết. Ở truyện ngắn Đói, trước cảm giác đói “đã lấn át khắp người như nước triều tràn lên bãi cát”, đang sôi nổi như “cào ruột xé gan”, Sinh đã gục ngã một cách đau đớn khi “ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt”[5; tr. 70] gói đồ ăn có được từ đồng tiền bán mình của vợ (Mai), đồng tiền mà Sinh khinh bỉ, căm ghét. Thanh (Một cơn giận), Dung (Hai lần chết), Bào (Người bạn trẻ) Minh (Người bạn cũ)… là những nhân vật như vậy. Song sự tác động của hoàn cảnh tới con người trong quan niệm của Thạch Lam không bắt nguồn từ nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực mà do ý thức muốn được “thành thật” với cuộc đời. Thạch Lam đề cao cách viết chân thực. Sự thành thực của tâm hồn và phẩm cách là vấn đề lớn và có trọng yếu đối với người nghệ sĩ: “Một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ… Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi” [5; tr. 280]. Với Thạch Lam, trung thực bao hàm cả sự trung thành với hiện thực lẫn sự trung thực của tâm hồn nhà văn. Xét mối quan hệ nhà văn – hiện thực, Thạch Lam phê phán với thái độ quay lưng với hiện thực của những “nhà văn không dám nhìn thẳng vào sự thật bao giờ” [5; tr. 305]. Thạch Lam khẳng định:“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” [5; Lời nói đầu].
Khái Hưng đồng tình với Thạch Lam khi cho rằng: “Tiểu thuyết phải gắn với cuộc đời, phải là đời với những lúc sướng lúc khổ, phải có những cái nhỏ nhen, tầm thường, cao thượng của đời, phải có những cái đáng thương, những cái buồn cười, những cái bực tức” [6; tr. 82]. Khái Hưng và các nhà văn Tự lực văn đoàn đề cao thứ văn chương gắn với cuộc đời và con người trong tác phẩm của họ không thể tách rời hoàn cảnh. Quan hệ giữa con người – môi trường là quan hệ có tính quy luật và được các nhà văn của nhiều thời đại, nhiều khuynh hướng quan tâm. Đây cũng là yếu tố gặp gỡ giữa văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực thời kì 1932-1945 trong quan niệm nghệ thuật về con người.
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc, ông đã nhìn thấy mối quan hệ biện chứng giữa con người với hoàn cảnh. Con người là “Tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”, bởi vậy, con người không tồn tại như một thực thể độc lập, tách biệt mà luôn chịu sự chi phối, tác động của hoàn cảnh sống. Hoàn cảnh sống không chỉ tác động làm thay đổi cuộc sống mà còn thay đổi tính cách của con người trong sáng tác của ông. Chí Phèo, Tư cách mõ, Sao lại thế này?… thể hiện rất rõ quan điểm con người gắn với sự tác động của ngoại cảnh của Nam Cao. Truyện ngắn Sao lại thế này là truyện ngắn luận đề minh họa cho quan niệm con người gắn với hoàn cảnh của ông. Câu chuyện kể về một người đàn bà với những thay đổi trong cuộc đời. Gắn với cuộc sống khổ cực khi là vợ của một học trò trường huyện, phải sống trong cảnh túng thiếu, thị hiện lên với bao tật xấu, “bẩn thỉu và cục mịch”. Nay hoàn cảnh đổi khác, người đàn bà khi xưa đã trở thành bà Hưng Phú – vợ của một người giàu có và trở thành “một người đàn bà kiểu mẫu”, biết vui mà không lơi lả, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Mượn lời nhân vật, Nam Cao lí giải: “Một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không cách xa nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi rất có thể người đổi, tâm tính đổi”[tập2; T2; tr. 85]. Nam Cao đã nhìn thấy sự tác động của hoàn cảnh đối với con người. Hiện tượng biến chất của Chí Phèo và hàng loạt các nhân vật Binh Chức, Năm Thọ, Trương Rự, Binh Tư… đều do hoàn cảnh xô đẩy như một quy luật không cưỡng lại nổi. Quan niệm nghệ thuật về con người gắn với hoàn cảnh được các nhà văn hiện thực thể hiện mang tính quy luật: Hoàn cảnh thay đổi tính cách. Song không phải bất cứ tác phẩm nào cũng áp dụng một cách máy móc nguyên tắc nghệ thuật này. Thực tiễn cho thấy, trong sáng tác của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng và Vũ Trọng Phụng (với nhân vật “có nghĩa lí”), nhân vật mặc dù cũng phải chịu sự tác động mạnh mẽ của hoàn cảnh song không phải nhân vật nào cũng thay đổi tính cách. Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng là những nhân vật như vậy.

3. Kết luận

Sự tương đồng trong quan niệm nghệ thuật về con người giữa khuynh hướng văn xuôi lãng mạn và khuynh hướng văn xuôi hiện thực đã phản ánh bước phát triển theo chiều hướng hiện đại, dân chủ trong cảm quan về con người. Yếu tố nhân văn, tiến bộ thể hiện rõ khi hai khuynh hướng này cùng hướng về con người cá nhân, tìm và khẳng định giá trị của cá nhân con người trong xã hội với quyền sống chính đáng của mình. Con người với đời sống tinh thần phong phú, con người với thế giới tâm lí phức tạp, khó nắm bắt trở thành đối tượng hướng tới khám phá. Đây là bước phát triển trong cái nhìn về con người và cũng là yếu tố gặp gỡ giữa văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực trong tư tưởng nghệ thuật.
Tài liệu tham khảo

[1]. Hà Minh Đức (1999), Nam Cao toàn tập, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội.
[2]. Hà Minh Đức (sưu tầm và giới thiệu), (1975, 1976), Nam Cao: tác phẩm, tập 1, 2, Nxb Văn học, Hà Nội.
[3]. Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn) (2000), Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[4]. Mai Hương – Tôn Phương Lan (tuyển chọn và giới thiệu) (2000), Ngô Tất Tố: về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5]. Phong Lê (1988), Tuyển tập Thạch Lam, Nxb Văn học, Hà Nội.
[6]. Vương Trí Nhàn (1996) (sưu tầm, biên soạn), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn,
Hà Nội.
[7]. Bích Thu (1998), (Biên soạn và tuyển chọn) Nam Cao về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8]. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại, Vụ Giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
[9]. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[10]. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (giới thiệu và tuyển chọn) (2001), Văn chương Tự lực văn đoàn, tập 1, 2, 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[11]. Lê Thị Dục Tú (1994), Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn qua ba tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Viện Văn học, Hà Nội

(Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”, Nxb. Khoa học xã hội, 2017, tr.256 – 263)