Sửa đổi Luật Di sản phù hợp thực tiễn
Do đó mới đây, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chưa phù hợp vơi xu thế phát triển
Trên cả nước, UBND các tỉnh, TP trực T.Ư đã xếp hạng hơn 10.000 di tích; Bộ VHTT&DL xếp hạng 3.591 di tích cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Với di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật, trong đó 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét tuyển.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương: “Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung”.
Tuy nhiên, thực tiễn đang diễn ra trong lĩnh vực di sản đòi hỏi cấp thiết có những sửa đổi, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc. Đặc biệt, đối với những quy định có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi hoặc bãi bỏ như trong lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo tàng.
Góp ý sửa đổi Luật
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện các quy định về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể; di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; di sản tư liệu; bảo tàng để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản; nhằm phát huy vai trò và thuận lợi trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Phó Giám đốc Sở Hà Nội cũng nêu một số đề nghị về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân: “Đề nghị Luật quy định rõ đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương hưu, đang công tác hưởng lương ngân sách và người không có lương. Việc xét tặng Nghệ nhân cấp Nhà nước đang thực hiện ở 2 lĩnh vực: Di sản văn hóa phi vật thể và Nghề thủ công mỹ nghệ. Hai Nghị định này đều căn cứ Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Để đảm bảo quyền lợi và chế độ hỗ trợ, đãi ngộ cho các nghệ nhân và CLB đang hoạt động trong hai lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ và Di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị Luật nghiên cứu, sửa đổi phù hợp”.
Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Bên cạnh đó, đại diện Sở VH&TT nhận định, thời gian tới các bảo tàng tư nhân (bảo tàng ngoài công lập) tại Thủ đô sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào bức tranh bảo tồn di sản nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng.
Đồng quan điểm này, giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nhiều nhà sưu tập tư nhân muốn xây dựng bảo tàng, nhưng họ còn băn khoăn về cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật cụ thể. Nhà nước cần có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo tàng.
Bàn về “di sản đô thị”, giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng việc bổ sung định nghĩa này trong Luật Di sản văn hóa là rất cần thiết, trong đó có việc đưa “di sản đô thị” vào nông thôn. Lâu nay chúng ta gặp lúng túng trong việc bảo tồn di sản đô thị, bởi ở góc độ di tích thì phải giữ nguyên hiện trạng, trong khi đã là “đô thị” thì luôn biến đổi, không ngừng cải tạo theo nhu cầu phát triển của cuộc sống, vì vậy rất cần chính sách phù hợp để giải quyết hài hòa mâu thuẫn này.
Với lĩnh vực khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín cho hay, từ lâu, giới khảo cổ học đã mong đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Xuất phát từ thực tiễn, ông Tín nêu một số bất cập. Việc thực hiện các điều luật bảo vệ di sản văn hóa ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm. Vấn đề bảo vệ di tích sau khai quật trong Luật vẫn còn thiếu, chưa chặt chẽ. “Trong khảo cổ học, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ mới là thu thập tư liệu, khoảng 50% nhiệm vụ, còn lại một nửa là chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học. Nếu không làm hồ sơ khoa học, phác dựng lại quá khứ một cách chân thực, thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích, lãng phí, thế hệ sau không có tư liệu nghiên cứu lịch sử dân tộc trong khi di tích đã bị phá hủy rồi…” – PGS. TS Tống Trung Tín chia sẻ.
Từ các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội thải, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để Bộ VHTT&DL có thể hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào dịp cuối năm 2024.