Sức lan tỏa trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Mục lục bài viết
Sức lan tỏa trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Trong những năm qua, xây dựng đời sống văn hóa (XDĐSVH) cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước phát triển và trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp.
Nhà văn hóa bản Giàng Vìn, xã Trí Nang (Lang Chánh) là nơi sinh hoạt, gắn kết cộng đồng dân cư.
Từ phong trào XDĐSVH cơ sở đã giúp cho hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa được tăng cường; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; khả năng sáng tạo, quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới đã có sự chuyển biến tích cực…
Huyện Như Xuân là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả phong trào XDĐSVH cơ sở. Bằng nhiều hình thức thực hiện, huyện Như Xuân đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân và mọi nguồn lực xã hội để thực hiện phong trào. Theo thống kê, năm 2021 toàn huyện có 77,9% thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; có gần 70% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa… Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa được huyện quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Các phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao ở địa phương phát triển rộng khắp, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, góp phần khơi dậy, gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Tại huyện Nông Cống, năm 2021 đã công nhận 175/201 làng, thôn, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 87%); có 43.002/48.373 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 88%); 38.774/48.373 hộ gia đình văn hóa 3 năm liên tục (đạt tỷ lệ 80%). Cùng với sự phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư, trên địa bàn huyện đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các ngành, như: công an, quân đội, giáo dục, ngân hàng, y tế…
Đối với phong trào XDĐSVH cơ sở lại được huyện Triệu Sơn hướng đến mục tiêu vừa phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Từ phương châm ấy đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo, thực hiện và có bước phát triển cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu; tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đạt 90%; đã có hàng nghìn lượt khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Từ phong trào hoạt động văn hóa cơ sở đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai phong trào XDĐSVH cơ sở ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ; nhiều thôn, làng văn hóa sau khi được công nhận có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, dẫn đến giảm sút về chất lượng; kinh phí đầu tư cho phát triển và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục – thể thao còn hạn chế dẫn đến hiệu quả tổ chức hoạt động chưa cao…
Để khắc phục những hạn chế trên, ban chỉ đạo phong trào trên địa bàn tỉnh đã đề ra một số biện pháp, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong Nhân dân, vận động toàn xã hội quan tâm XDĐSVH, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, XDĐSVH, phát triển phong trào hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao ở cơ sở; việc bình xét các danh hiệu văn hóa phải căn cứ vào các quy định của Luật Thi đua – Khen thưởng; quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu gia đình, xóm, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh tại các văn bản đã được UBND tỉnh ban hành…
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 776.759/957.825 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 81,1% có 3.133/4.357 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 71,9%…
Cùng với đó là nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được thực hiện tốt trong cộng đồng. Ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện đi vào nền nếp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được quan tâm triển khai thường xuyên trong cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường xã hội an toàn và lành mạnh cho sự phát triển về mọi mặt…
Thực tế cho thấy, XDĐSVH cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.
Bài và ảnh: Xuân Minh