Sức mạnh mềm văn hóa Thăng Long – Hà Nội – Cổng thông tin Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội

Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú là “mỏ vàng” văn hóa bất tận của Thủ đô – Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh

1. Trong các nguồn lực văn hóa tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội có một vị trí và sứ mệnh đặc biệt. Là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc, Thăng Long – Hà Nội là “lõi vàng” của nền văn hiến Việt Nam.

Toàn bộ hệ giá trị cao quý, toàn bộ hệ thống di sản phong phú – vật thể và phi vật thể – là “mỏ vàng văn hóa” bất tận của Thăng Long – Hà Nội. Tiềm năng văn hóa đó phải trở thành nguồn lực văn hóa, thành sức mạnh mềm của Thủ đô. Đặc biệt, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế, Hà Nội nhất thiết và mãi mãi là Thủ đô văn hóa.

Các di tích lịch sử, văn hóa trên đất Thăng Long – Hà Nội là di sản vô giá. Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao biến động dữ dội giữa các triều đại và thời kỳ lịch sử, Hà Nội hôm nay ôm trong lòng mình biết bao di tích – di tích chồng lên di tích. Vì thế, khi xây dựng các công trình, khó tránh khỏi sự động chạm vào di tích trên mặt đất hay dưới lòng đất. Điều quan trọng nhất là phải có quan điểm đúng và cách ứng xử đúng. Đó là thái độ đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, không vì phát triển mà xâm hại bảo tồn. Hà Nội đang nêu một kinh nghiệm quý khi giải quyết vấn đề này.

Gần 20 năm trước, tại số 18 phố Hoàng Diệu, việc khai quật khảo cổ lúc đầu chỉ nhằm giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia và Nhà Quốc hội. Khi 10.000 mét vuông ở khu A, khu B, một phần khu D được khai quật thì đột ngột hiện ra tầng tầng lớp lớp di tích Hoàng thành Thăng Long xưa. Trước một kho báu di sản đặc biệt vừa phát lộ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia về Mỹ Đình. Trong số 20.000 mét vuông khu vực 18 Hoàng Diệu, chỉ sử dụng 9.000 mét vuông xây dựng Nhà Quốc hội, còn diện tích Khu A và Khu B được dành hoàn toàn cho việc bảo tồn Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Thông điệp từ lòng đất, tiếng vọng của lịch sử lay động chúng ta, nhắc nhở chúng ta phải ứng xử đúng. Một công viên lịch sử – văn hóa đa năng đã được quyết định xây dựng bằng việc kết hợp dự án Nhà Quốc hội và dự án bảo tồn dấu tích kinh thành Thăng Long xưa vào một dự án tổng thể. Đây là trường hợp điển hình về việc giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn – phát triển, để Nhà Quốc hội vẫn được xây mà chúng ta vẫn giữ gìn được một di sản vô cùng quý giá để lại cho muôn đời và đã được UNESCO vinh danh.

Bảo tồn di sản không chỉ để giáo dục truyền thống, cân bằng tâm thức xã hội mà còn tạo nguồn lực phát triển. Phải có kiến thức để phân loại cái gì cần bảo tồn hoàn toàn, dứt khoát không được động đến, cái gì thì bảo tồn từng phần, cái gì thì đưa vào bảo tàng với những bước đi hết sức khoa học.

Cho dù đã và đang phải chịu sự va đập âm thầm nhưng rất bạo liệt của làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của thời đại thông tin kỹ thuật số, nhưng Hà Nội vẫn đang nỗ lực giữ cho bằng được hồn cốt của vùng đất “kinh sư muôn đời” linh thiêng và hào hoa. Hồn cốt chính là tất cả những gì ta yêu quý, tự hào về Hà Nội, là cái gì sâu kín, tinh tế, thanh khiết, ân tình nhất. Nó ẩn hiện, lấp lánh trong cảnh sắc của Hà Nội, trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Một Hà Nội văn minh, hiện đại nhưng vẫn đầy cảm xúc và mộng mơ, một Hà Nội yêu thương để chúng ta được vui sống trong sinh quyển Thăng Long – Hà Nội.

Hà Nội đang mở rộng thêm nhiều tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Đó là thêm một việc làm đẹp, được nhìn nhận như một hành động văn hóa để góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

2. Xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người. Sự phát triển và hoàn thiện của con người cần và chỉ có thể thực hiện trong văn hóa và bằng văn hóa. Văn hóa nơi công cộng, văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa môi trường…, rất nhiều việc phải tiến hành đồng bộ, nhưng tôi nghĩ phải đặc biệt coi trọng văn hóa trong giáo dục, văn hóa học đường. Văn hóa là môi sinh của giáo dục.

Văn hóa ứng xử là gương mặt của văn hóa. Hẳn nhiều người còn nhớ, hơn 30 năm trước, hai bộ phim tài liệu chính luận “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy được công chiếu đã lay động sâu sắc tâm thức người Hà Nội. Giờ đây, “chuyện tử tế” vẫn nóng bỏng tính thời sự không chỉ của riêng Hà Nội. Người tử tế, chuyện tử tế không thiếu quanh ta, nhưng chuyện không tử tế, người không tử tế có vẻ như không ít đi mà cách thức biểu lộ có chiều còn lây lan theo những trận “ném đá” bạo liệt và độc địa trên mạng xã hội.

Một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Biết bao nhiêu việc làm tốt đẹp, đầy tình thương yêu con người trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước đã một lần nữa làm sáng ngời tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái sâu sắc trong xã hội ta.

Làm sao để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục được duy trì, biến thành hành động thường nhật, nếp sống nêu gương cho cả nước. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”. Chấn hưng văn hóa người Hà Nội rất cần ý thức tự giác. Tuy nhiên, bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục, cần có chế tài buộc mọi người phải tuân thủ, từ đó tạo thành thói quen, dần dần hình thành nếp sống. Hai quy tắc ứng xử mà Hà Nội đang triển khai thực hiện đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng văn hóa ứng xử ở Thủ đô. Công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, căn cước công dân mà cần “căn cước văn hóa” trong mỗi con người.

3. Khi nhấn mạnh văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, toàn bộ hệ thống của chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng trong mỗi quyết sách về kinh tế, chính trị thì văn hóa cần hiện diện để soi rọi, cảnh báo và điều chỉnh. Thế nhưng, trên thực tế, văn hóa vẫn còn bị xem nhẹ, có lúc bị phớt lờ, và thường ở phía sau các cuộc phân bổ nguồn lợi, nguồn lực, kể cả việc quan trọng nhất là sắp xếp nhân sự. Còn một tình trạng khá phổ biến là coi văn hóa chỉ là để giải trí, không phải là chuyện “nước sôi lửa bỏng’, “cháy nhà chết người”; thậm chí hạ thấp văn hóa, coi đó chỉ là chuyện “cờ đèn kèn trống”. Cách hiểu, cách cảm lệch lạc đó đã dẫn tới những hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng. Văn hóa thiếu vắng hoặc mờ nhạt cả trong quá trình lập và điều hành chính sách, trong thứ tự ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội. Đã không thiếu những dự án bất động sản nuốt chửng nhu cầu văn hóa thiết yếu; nhiều nơi thiếu hụt quỹ đất cho nhà trẻ, trường mẫu giáo, công trình văn hóa. Rõ ràng, khi văn hóa bị xem nhẹ thì các yếu tố thị trường sẽ lấn lướt, các món lợi vật chất sẽ hất tung giá trị tinh thần, thậm chí các yếu tố phi văn hóa, phản nhân văn có thể xâm nhập vào môi trường chính trị, kinh tế, gây nên hậu quả khôn lường.

Trong khi đó, nếu chúng ta thấm nhuần vai trò và giá trị của văn hóa thì mọi hoạt động văn hóa, nếu được tổ chức tốt, chắc chắn còn đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Trong giá trị kinh tế do văn hóa mang lại sẽ có cả giá trị tinh thần. Mấy năm trước đây, lãnh đạo thành phố đã kiên quyết thu hồi một loạt dự án nặng tính thương mại có nguy cơ xâm hại văn hóa. Mới đây, Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng dành tới 70% diện tích cho cây xanh đã được Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đánh giá rất cao và được trao giải Ý tưởng. Đó là một thái độ văn hóa đẹp đối với môi trường sống. Và từ đây, trên nền tảng của văn hóa, sẽ mở ra những cơ hội tốt để phát triển kinh tế gắn với văn hóa.

Thăng Long – Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc. Ảnh: Thanh Hà

4. Hà Nội có lợi thế hiếm địa phương nào sánh được để phát triển công nghiệp văn hóa. Thời gian gần đây đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn, tọa đàm sôi nổi về vấn đề này. Công nghiệp văn hóa ở Thủ đô cần phát huy được các giá trị của hệ thống di sản vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài.

Ba năm trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, tôi đã có dịp tham quan các phim trường hoành tráng, nơi đã sản xuất những bộ phim nổi tiếng như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Thủy hử”… được chuyển thể từ những kiệt tác của văn học Trung Hoa. Du khách nườm nượp đến tham quan, trải nghiệm đã biến các phim trường này thành những địa danh du lịch nổi tiếng, đưa lại những nguồn thu không nhỏ. Tôi cũng đã đến thăm đảo Jeju nằm ở cực Nam của Hàn Quốc, nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Nơi đây có một bức ảnh lớn về một cảnh lãng mạn trong phim của hai nhân vật chính. Du khách tấp nập đến đây, dường như không ai quên ghi một tấm hình trước bức ảnh lớn đó. Đó chính là nguồn lợi lớn từ du lịch văn hóa. Hàn Quốc là quốc gia rất thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa (hiện chiếm tới 9% GDP), trong đó điện ảnh, âm nhạc và thời trang là ba “độc chiêu”, “làm mưa làm gió” trên thị trường quốc tế, chinh phục được công chúng trên phạm vi toàn cầu, góp phần làm nên “sự thần kỳ Hàn Quốc”.

Việt Nam ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP. Hà Nội với vai trò dẫn dắt, là trung tâm công nghiệp văn hóa lớn nhất cả nước, ước tính con số này phải đạt ít nhất khoảng 10% GDP của thành phố. Đó là một mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi phải có những giải pháp có tính đột phá.

Kết quả một cuộc bình chọn quốc tế vừa được công bố gần đây đã xếp Hà Nội trong số 10 thành phố có sức hấp dẫn du lịch nhất thế giới; một cuộc bình chọn quốc tế khác lại xếp phở Hà Nội là một trong 10 món ăn tuyệt hảo nhất. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và khai thác các tài nguyên du lịch của Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với giá trị của di tích và các lợi thế.

Là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội lại được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Đây là tiền đề rất thuận lợi để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Trong 4 yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp văn hóa (tài nguyên di sản, chính sách, công nghệ và khả năng sáng tạo) thì Hà Nội có hai yếu tố căn cốt nhất là tài nguyên di sản và khả năng sáng tạo. Tham gia vào công nghiệp văn hóa là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ văn hóa và các tầng lớp nhân dân. Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, mở ra môi trường sáng tạo và kinh doanh thuận lợi, phát huy tối đa sự tham gia của thành phần tư nhân, nhất là lực lượng sáng tạo trẻ. Theo đường hướng ấy, Dự án Hà Nội Rethink lấy người trẻ làm trung tâm, sẽ tạo ra và thúc đẩy nền tảng kết nối các sáng kiến văn hóa, hỗ trợ việc tích hợp công nghệ mới vào công nghiệp sáng tạo của lớp trẻ.

Các đô thị lớn thường được xây dựng bên các dòng sông lớn. Sông Hồng có 40km chảy qua Hà Nội. Đây là không gian lý tưởng cho sáng tạo, nơi tất cả các ý tưởng sáng tạo được hội tụ, giao thoa, giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước. Hy vọng nơi đây sẽ trở thành không gian phát triển sôi động, một cú hích mạnh cho công nghiệp văn hóa, để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Là một nền văn hóa mở, biết chấp nhận và tôn trọng các giá trị khác biệt, trong quá trình giao lưu và tiếp biến, văn hóa Việt Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng vừa quyết giữ được bằng được các giá trị truyền thống cốt lõi của mình, vừa chọn lọc được tinh hoa, kinh nghiệm của các nước khác để làm giàu cho nền văn hóa của mình, trong đó có cách thức phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta đi tới tương lai theo phương châm “tinh thần Việt Nam, tinh hoa thế giới”.

5. Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long – Hà Nội là mảnh đất có hấp lực đặc biệt đối với văn học nghệ thuật, và chính văn học nghệ thuật đã góp phần làm lung linh, rạng rỡ nền văn hiến ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội và của dân tộc Việt Nam.

Mảnh đất linh thiêng, hào hoa này đã sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ lừng danh, nhưng đồng thời cũng có sức hút vô song đối với văn nghệ sĩ bốn phương cùng cất lên tiếng lòng tha thiết, ngân lên những âm thanh diệu kỳ nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp cốt cách con dân đất Việt nói chung và người Hà thành nói riêng.

Bằng sức truyền cảm đặc biệt, văn học nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trở thành luồng ánh sáng có sức lay động và thức tỉnh. Tài năng của trí thức, văn nghệ sĩ là vốn quý của Thủ đô và đất nước. Có thể nói, chưa bao giờ trí thức, văn nghệ sĩ lại có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo như hiện nay. Các văn nghệ sĩ của Thủ đô sẽ luôn cống hiến và cống hiến hết mình để bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hà Nội bằng chính những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Văn học, nghệ thuật sẽ tham gia một cách chủ động hơn, hiệu quả hơn vào công nghiệp văn hóa. Các hãng phim, các nhà đài cần kịch bản phim tốt. Các nhà hát cần kịch bản sân khấu hay. Các nhà xuất bản cần bản thảo sách chất lượng cao. Các đơn vị sản xuất và dịch vụ về văn hóa nghệ thuật đang khát khao chờ đón những tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt giá trị về tư tưởng, nghệ thuật để dàn dựng, phục vụ công chúng.

Sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa Hà Nội, bên cạnh đội ngũ dày dạn kinh nghiệm đã có những đóng góp đáng tự hào, đang rất cần những gương mặt mới trẻ trung, tràn đầy khát vọng cống hiến và dồi dào năng lượng sáng tạo, để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực cho công cuộc kiến tạo Thủ đô và đất nước trong thời đại mới.

HỒ QUANG LỢ[email protected]