Tám loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam – Heritage Vietnam Airlines

Tạp chí Heritage tổng hợp

Nghệ thuật văn hóa dân gian là những hình thức nghệ thuật thị giác được thực hiện trong bối cảnh đời sống thường nhật. Ở Việt Nam, hầu như mỗi vùng đất đều có một loại hình nghệ thuật của riêng mình. Và dù được diễn ra dưới hình thức nào, thì những loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam này đã thực sự trở thành những lăng kính, mà thông qua nó, bạn bè bốn phương có thể hiểu được cách nhìn nhận cuộc sống, hiểu được tâm hồn của các dân tộc Việt Nam, kết nối Việt Nam với thế giới. Cùng Heritage tìm hiểu 8 loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam nhé!

viet-nam-nghe-thuat-van-hoa-dan-gian-da-sac-mauviet-nam-nghe-thuat-van-hoa-dan-gian-da-sac-mau

Việt Nam – nghệ thuật văn hóa dân gian đa sắc màu
(Ảnh: Thanh Hiền)

1. Chèo

Hình thành và phát triển từ khoảng thế kỷ thứ X, chèo là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các vở chèo được người nghệ nhân lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại hay tích cổ truyền miệng dân gian về những số phận bi thương, mối tình chưa thể nên duyên, thói xấu của người đời… Đây đều là những câu chuyện dễ tác động đến cảm xúc người xem. Tính trữ tình và niềm tự hào dân tộc phản ánh rõ nét qua từng tác phẩm được biểu diễn ở sân đình và được công chúng đón nhận nhiệt tình.

Đặc biệt, “phi trống bất thành chèo”. Tiếng trống giòn giã là âm thanh đặc trưng của nghệ thuật chèo Việt Nam. Lễ hội mùa xuân hay lúc nông nhàn là thời điểm biểu diễn phổ biến của hoạt động nghệ thuật này. Lúc này, dân làng ùa về sân đình trong nhịp trống hào hùng, lắng nghe tiếng hát, tiếng đàn và chiêm ngưỡng điệu múa uyển chuyển của người nghệ nhân.

bieu-dien-vo-cheo-quan-am-thi-kinhbieu-dien-vo-cheo-quan-am-thi-kinh

Biểu diễn vở chèo Quan âm Thị Kính
(Ảnh: Xuân Vinh)

2. Đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, phổ biến ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Xuất hiện khoảng 100 năm trước, các loại nhạc cụ được sử dụng trong loại hình nghệ thuật này bao gồm: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Như tên gọi đã chỉ ra, đây là hình thức nghệ thuật kết hợp giữa đàn và ca, thường được người dân vùng sông nước biểu diễn cho nhau xem sau giờ lao động. 

Được biết đến như loại hình văn hóa dân gian có sức sống mãnh liệt nhất trong cộng đồng thời hiện đại, hiện đờn ca tài tử đã trở thành một nét văn hóa hấp dẫn du khách bốn phương. Nếu bạn có ghé thăm miền Tây, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức trực tiếp loại hình nghệ thuật này nhé.

trinh-dien-don-ca-tai-tu-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-namtrinh-dien-don-ca-tai-tu-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam

Trình diễn Đờn ca tài tử tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
(Ảnh: Báo Dân Tộc)

3. Ca trù

Tồn tại với nhiều tên gọi khác như hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ…, ca trù là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Đó cũng là lý do mà tồn tại câu nói, “Không có đào nương bất thành ca trù”. Tiếng ngâm nga mang giai điệu đặc thù của các đào nương hòa quện vào các nhạc cụ truyền thống như đàn đáy, phách, trống… đã trở thành nét hấp dẫn tuyệt vời của loại hình nghệ thuật này.

Thàng 10/2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại. 

nhom-dinh-lang-viet-bieu-dien-ca-trunhom-dinh-lang-viet-bieu-dien-ca-tru

Nhóm Đình Làng Việt biểu diễn ca trù
(Ảnh: Mai An)

4. Tuồng

Tuồng hay còn gọi là hát bộ, hát bội là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở miền Trung Việt Nam. Câu chuyện của các vở tuồng thường xoay quanh câu chuyện những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về ứng xử của con người với cái chung và cái tiêng, giữa gia đình và tổ quốc. Vì vậy, Tuồng mang âm hưởng hùng tráng và có thể nói, đây là một đặc trưng của nghệ thuật Tuồng. Ngoài ra, diễn xuất, phục trang và hóa trang đầy tính ước lệ cũng là một đặc trưng độc đáo khác của Tuồng.

Hai địa phương có nghệ thuật tuồng phát triển nhất ở miền Trung Việt Nam là Huế và Bình Định. Đây là những nơi nghệ thuật Tuồng trở nên đặc sắc và có tính bác học cao với lỗi diễn xuất, hát múa đạt tới đỉnh cao.

trich-doan-dao-tam-xuan-de-cotrich-doan-dao-tam-xuan-de-co

Trích đoạn “Đào Tam Xuân đề cờ”
(Ảnh: Đoàn Thắng)

5. Hát xoan

Hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho vùng Đất Tổ – Phú Thọ. Là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục được biết đến với các tên gọi khác như hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, Hát Xoan là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Trong Hát Xoan, múa và hát luôn song hành với nhau; điệu múa được dùng để minh họa cho lời hát. Các tiết mục múa hát trong Hát Xoan thường theo thứ tự nhất định. Sức sống của loại hình nghệ thuật này nằm ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.

hat-xoan-phu-tho-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cho-nhan-loaihat-xoan-phu-tho-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cho-nhan-loai

Hát xoan Phú Thọ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại
(Ảnh: Anh Tuấn)

6. Dân ca quan họ Bắc Ninh

Nhắc đến quan họ, ai mà không nghĩ đến những làn điệu dân ca nổi tiếng nhất vùng đất Bắc Ninh. Nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian này là tiếng hát đối đáp của các đôi nam nữ trao đổi tình cảm với những đề tài về tình yêu, về lòng yêu nước.

Mỗi mùa xuân – thu, Bắc Ninh lại vang lên những tiếng ca ngọt ngào và trữ tình làm sôi nổi làng xóm, xua tan mỏi mệt trong những tháng ngày lao động không ngừng nghỉ. Quan họ là tiếng ca cần được gìn giữ, tôn vinh nét sinh hoạt cộng đồng.

lien-chi-quan-holien-chi-quan-ho

Liền chị quan họ
(Ảnh: daidoanket.vn)

7. Múa rối nước

Phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam là sân khấu không người nhưng lại là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất ở khu vực này. 

Từng con rối tượng trưng cho những nhân vật quen thuộc với cuộc sống lao động như: anh nông dân, chú trâu cày, tiều phu… Các câu chuyện của Rối nước đều có xuất phát từ cuộc sống thường nhật được kể trên nền âm nhạc và các làn điệu truyền thống. Tất cả những điều này khiến cho múa rối gần gũi, thân thương với người dân trong nước, đồng thời trở thành một cách thức khám phá cuộc sống, văn hóa miền Bắc Việt Nam vô cùng cùng thú vị với người nước ngoài. 

san-khau-mua-roi-nuoc-dac-sacsan-khau-mua-roi-nuoc-dac-sac

Sân khấu múa rối nước đặc sắc
(Ảnh: CINET 2011)

8. Hát Then

Hát Then được mệnh danh là giai điệu thần tiên, xuất phát từ cuộc sống dân tộc của người Tày và Nùng. Nghệ thuật diễn xướng tín ngưỡng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của các đồng bào Tày, Nùng, Thái.

Bên cây đàn tính, những câu ca được xuất phát từ cuộc sống lao động, mang những giá trị văn hóa đặc sắc, những lời ngợi ca đạo đức, phê phán thói xấu gửi gắm đến người xem. Hát Then thường diễn ra vào các dịp lễ quan trọng như: lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc.

nghe-nhan-dang-say-sua-hat-thennghe-nhan-dang-say-sua-hat-then

Nghệ nhân đang say sưa hát then
(Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra)

Bài viết liên quan: