“Tan cửa nát nhà” vì đầu tư tiền ảo
–
Thứ năm, 19/05/2022 13:11 (GMT+7)
Tại Việt Nam, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. Thế nhưng vì ôm mộng giàu nhanh, nhiều người bất chấp rủi ro đổ tiền đầu tư để rồi trắng tay, “tan cửa nát nhà”.
Vụ sụp đổ của LUNA đặt ra nhiều câu hỏi về tính ổn định của các tài sản mã hóa. Ảnh minh họa: Phan Anh
“Tan cửa nát nhà” vì tiền ảo
Thấy nhiều người giàu lên vì tiền ảo, Nguyễn Minh Hùng (Tam Nông – Phú Thọ) bắt đầu tìm hiểu và học cách giao dịch từ năm 2019. Là nhân viên tại một công ty dệt may với mức lương gần 9 triệu đồng/tháng, cuộc sống của Hùng và gia đình vốn rất bình yên. Thế nhưng từ ngày đầu tư tiền ảo, không chỉ công việc bị ảnh hưởng, hạnh phúc gia đình cũng xuất hiện nhiều rạn nứt.
“Tổng thu nhập của tôi và vợ là khoảng 16 triệu đồng/tháng. Chi tiêu ở quê cũng rẻ, nhà cửa sẵn ở nên hai vợ chồng cũng để ra được 500 triệu đồng. Năm 2019 thấy bạn bè đầu tư tiền ảo và thu lợi rất nhanh nên tôi tìm hiểu và bàn với vợ kế để học theo. Tuy nhiên vợ tôi phản đối rất gay gắt nên tôi đã giấu vợ lấy tiền đầu tư.
Khi biết chuyện, vợ chồng tôi đã tranh cãi rất nhiều. Vợ tôi thậm chí đưa con về bà ngoại ở một thời gian. Sau đó đồng tiền tôi đầu tư tăng giá nên tôi rút tiền về đưa vợ cất. Tuy nhiên vì thấy dễ kiếm tiền, tôi đã vay họ hàng để đầu tư. Sau đó giá trị đồng tiền tôi đầu tư liên tục giảm khiến tâm trạng tôi gần như sụp đổ. Có những ngày mắt tôi không thể rời điện thoại để kiểm tra diễn biến thị trường. Vì vậy công việc tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi thường xuyên bị lãnh đạo khiển trách vì không tập trung cho công việc”.
Chia sẻ với PV Lao Động, Hùng thừa nhận việc đầu tư tiền ảo “rủi ro hơn cả đánh bạc”: “Thực sự rủi ro, nếu như đánh bạc mình còn được cầm bài trong tay thì chơi tiền ảo mình hoàn toàn bị động. Những người có khả năng chi phối thị trường họ quyết định tất cả. Trường hợp như tôi chỉ thua lỗ 70% số tiền đầu tư. Bạn tôi đầu tư vào Luna, mất sạch giá trị chỉ sau một đêm.
Giờ gia đình không hạnh phúc, số tiền vợ chồng tích cóp vất vả cũng mất sạch. Bố mẹ, họ hàng góp ý, trách móc, thậm chí chửi mắng rất nhiều. Giờ tôi cũng hối hận và đã từ biệt với tiền ảo, thế nhưng danh dự con người cũng đã mất hết, giữa hai vợ chồng cũng xuất hiện những vết nứt không thể hàn gắn”.
Càng lún càng sâu
Thực tế lâu nay giá trị tiền ảo trồi sụt thất thường, thậm chí mất gần như toàn bộ giá trị không phải hiếm. Tuần trước, thị trường tiền số liên tục biến động. Giá Bitcoin có lúc xuống sát 25.400 USD, thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Luna và stablecoin UST – hai token luôn nằm trong nhóm tiền số mạnh nhất thế giới thời gian dài – đã lao dốc khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Thị trường tiền số nói chung cũng trở nên ảm đạm khi hơn 300 tỉ USD bị xóa sổ chỉ trong ít ngày.
Sự sụp đổ của Luna thậm chí được giới đầu tư coi là một trong những sự kiện Thiên nga đen lớn nhất của thị trường Crypto. Bởi các yếu tố cực kỳ hiếm xảy ra, không thể đoán trước và có tác động nghiêm trọng đến toàn bộ thị trường Crypto.
Không ai có thể nghĩ rằng một đồng stablecoin lại giảm xuống dưới 1 USD. Hay một đồng tiền mã hóa thuộc hàng top và được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng lại có thể sụt giảm từ mức giá hơn 100 USD xuống chỉ còn 0.0001 USD, tức chia khoảng 1 triệu lần. Tức nếu bạn đầu tư 1 tỉ đồng vào Luna, thì sau một đêm, tài khoản của bạn có thể chỉ còn lại 1.000 đồng.
Những diễn biến trên đã khiến New York Times đưa ra nhận định “thế giới tiền điện tử đang rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Sự mong manh thể hiện qua việc các loại tiền số đều đang ở quá trình thử nghiệm và chưa được kiểm soát”.
Thế nhưng tại Việt Nam, bất chấp cảnh báo rủi ro, khi Luna lao dốc và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhiều người quyết định xuống tiền “vét đáy”. Anh Nguyễn Văn Hòa (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cho biết, anh đã bắt đầu tìm hiểu về tiền ảo từ năm 2017. Dù liên tục thua lỗ, tài khoản bị chia nhiều lần nhưng khi thấy thị trường đổ xô mua vào Luna, anh cũng xuống tiền.
“Đầu tiên tôi theo dõi để xem đồng nào để đầu tư để mình vừa lướt sóng vừa giữ. Trước đây tôi đầu tư thua lỗ rất nhiều vào Bitcoin, thế nhưng mới đây khi Luna có dấu hiệu tăng từ đấy, tôi đầu tư thêm 5.000 USD để “vét đáy”. Không ngờ đáy mà tôi nghĩ lại bị chia thêm nhiều lần nữa nên lại thua lỗ. Biết là nguy cơ mất trắng, thế nhưng càng lỗ tôi lại càng đổ tiền vào”.
Hòa thừa nhận, người đầu tư tiền ảo sẽ bị chi phối về cảm xúc và đưa ra lời khuyên cho người đầu tư: “Tôi thấy thông thường chơi tỉ lệ thua lỗ là nhiều, người chơi mất tiền là chính chứ tiền không dễ kiếm. Vì đây là một thị trường rất lớn nên các “cá mập” họ điều phối, người chơi nhỏ lẻ thường không có dữ liệu căn cứ phân tích để theo được. Người chơi có thể mất trắng toàn bộ tài sản trong một đêm”.