Tăng năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn cho du lịch Việt
ANTD.VN – Ngày 15-3, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch sau 2 năm phải tạm đóng do khủng hoảng dịch bệnh. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành du lịch về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, 2/3 các hãng lữ hành đã phải dừng hoạt động. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi.
Theo dự tính, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch, tuy vẫn còn nhiều ngổn ngang nhưng thực sự đã đến lúc phải “thích ứng, chung sống với Covid-19”.
Tín hiệu khả quan về chặng đường phục hồi
Ngày 11.3 vừa qua, trong Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức trước thời điểm mở cửa, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2021, ngành du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Riêng chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11-2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. Khách du lịch nội địa tháng 2-2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 2-2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12-2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12-2021 đến đầu tháng 1-2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1-1-2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1-2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21-1 tăng 425%, thời điểm ngày 3-2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Nới lỏng nhưng vẫn phải dự phòng đồng bộ
Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, việc mở cửa hoàn toàn du lịch sẽ là điều kiện tiên quyết để cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Và để hình thành một luồng xanh cho du lịch Việt Nam, Tổng Cục Du lịch đã đưa ra chuỗi vấn đề. Đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tạo dấu ấn bằng các giải thưởng uy tín
Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2021, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín: Điểm đến văn hóa, Điểm đến di sản, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á… Tổng Cục Du lịch Việt Nam được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (giải thưởng do WTA – World Travel Awards bình chọn). Việt Nam cũng được tạp chí Travel & Leisure của Mỹ xếp hạng đứng thứ 16/20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân năm 2021. Trong khi đó, CNN Travel đánh giá Việt Nam xếp hạng 13/21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Trên thế giới, các làn sóng dịch vẫn có nguy cơ diễn ra khi tiến hành mở cửa ở quy mô rộng và các biện pháp đảm bảo an toàn không được duy trì triệt để, cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng virus mới là vấn đề đáng quan tâm. Theo cập nhật mới nhất ngày 4-3-2022 trên trang thông tin của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Mỹ, gần 160 quốc gia vùng lãnh thổ được đưa vào danh sách mức độ 4 “Không đi lại”.
Tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai và đạt tín hiệu khả quan, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch lớn độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, cũng như còn có sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa một vài địa phương cũng như tình hình lây lan dịch bệnh trên cả nước hiện nay với các biến chủng trong đó có Omicron. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ. Tiếp tục khẳng định “5K” là cần thiết, tuy nhiên nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, áp dụng cần linh hoạt, các “K” phải bổ trợ cho nhau. Ví dụ, trong du lịch, nguyên tắc “5K” ở ngoài trời, tại bảo tàng và trong nhà hàng phải khác nhau. Cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch. Chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, cần khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm.
Tăng cường khai thác đường bay quốc tế, kết nối thị trường trọng điểm
Việt Nam hiện đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15-2-2022. Các chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại hoạt động như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.Tiến sĩ Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam thông tin, việc mở lại đường bay quốc tế sau 2 năm dịch bệnh gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại. Khó khăn do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách, cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.
Trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế. Chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường tiềm năng như thời điểm trước dịch. Hiện tại, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam (14 nước) cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Trước mắt, ngành du lịch cần tiếp tục phối hợp với ngành ngoại giao và y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam.
Đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt
Sau 2 năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.
Bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chuẩn bị sẵn sàng thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại. Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam cần phải làm gì trong xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh luôn là bài toán lớn đặt ra.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, trước mắt ngành du lịch tiếp tục tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các địa phương xem xét ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng được đặc biệt quan tâm. Sau thời gian chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Cần khôi phục chế độ visa như trước năm 2020
Theo tôi, cách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cụ thể nhất là các văn bản chỉ đạo cần đơn giản, dễ thực hiện. Trong quá trình triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, chúng ta thấy được sự vô cùng gian nan bởi các quy định chồng chéo, không đồng bộ, mỗi địa phương một khác.
Ngày 15-3 tới, du lịch mở cửa hoàn toàn là tin vui nhất của toàn ngành. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành. Mở cửa du lịch thì không phải chỉ có ngành du lịch phục hồi mà còn tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành khác phục hồi theo. Cho nên, cũng không nên dồn cho du lịch mọi vấn đề trách nhiệm, phải làm thế này, phải làm thế kia… Mở cửa du lịch thực chất là mở cửa ngành kinh tế.
Tôi mới đi khảo sát ở nhiều địa phương, nói thật là không gian vắng lặng như tờ vì không có khách. Mà không có khách thì không có hoạt động gì cả. Vậy thì làm sao khách vào được? Việc dừng lại tất cả các vấn đề cấp visa cho khách khi có dịch là đúng và cần thiết. Nhưng đến khi có đầy đủ cơ hội mở cửa trở lại thì phải mở visa cho khách vào. Trước năm 2019, chúng ta đã đạt được đỉnh cao về du lịch, thế mà khi phục hồi sau dịch, chúng ta lại đi ngược lại những gì đã làm từ năm 2019. Cho nên, tôi đề nghị một điều rất đơn giản, hãy triển khai chế độ visa như trước năm 2020. Nước nào miễn song phương hãy cứ miễn song phương, nước nào miễn đơn phương hãy cứ miễn đơn phương. Khi chúng ta cần khôi phục mà lại đưa ra các chính sách còn khó hơn cả trước đây thì làm sao mà khôi phục được? Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch mà chỉ mong muốn khôi phục lại cái chúng ta đã có từ trước 2022.
Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel: Trong bối cảnh cạnh tranh thì không nên đặt điều kiện ngặt nghèo
Du lịch không phải là hàng hóa dịch vụ thiết yếu, nó là xa xỉ nên nếu không thoải mái và thuận tiện thì chẳng ai có nhu cầu. Bất cứ một rào cản nào cũng hạn chế và triệt nhu cầu của du khách. Vì thế, nếu không có sự thống nhất về việc xét nghiệm thì đó coi như tạo rào cản ngăn trở hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Nhu cầu thị trường mà không có, doanh nghiệp du lịch có cố gắng cách nào cũng “việt vị”, thì việc mở cửa này chẳng có ý nghĩa gì. Mở cửa không chỉ có “thông thoáng” mà cần phải “tiện nghi”, tiện ích, hấp dẫn và nhiều giá trị hơn cho du khách thì mới kích thích được nhu cầu của người dân trong nước và khách hàng quốc tế. Việt Nam chỉ là một điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới, xung quanh chúng ta còn rất nhiều đất nước có thể thay thế. Với sự cạnh tranh như vậy mà chúng ta cứ đặt điều kiện ngoặt nghèo thì sao thu hút được du khách? Họ sẽ chọn Thái Lan, Indonesia hay bất cứ quốc gia nào chào đón họ một cách nồng hậu và không kèm theo điều kiện phải cách ly.
Trong trường hợp thông thoáng, không còn rào cản về y tế và các điều kiện khác thì tôi nghĩ du lịch sẽ phục hồi nhanh và vấn đề nhân sự sẽ rất nóng đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Vì nhân lực lành nghề trước đây đã phải chuyển hướng mưu sinh với nghề khác trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, có người sang làm bảo hiểm, có người làm môi giới bất động sản, có người kinh doanh online, có người mở cửa hàng bán lẻ, và giờ thì một trong số đó cũng thành công nên họ sẽ không quay lại. Sinh viên mới ra trường thì 2 năm gián đoạn phải học trực tuyến không có thực tập, thực tế thì làm sao làm nổi việc? Nguồn cũ vơi đi, nguồn mới không có thì lấy đây ra nguồn cung nhân lực? Việc thiếu hụt sẽ kéo dài 1-2 năm khi du lịch đã phục hồi và ổn định chứ không thể giải quyết ngay được. Thậm chí nếu không có chính sách tốt để nghề du lịch hấp dẫn trở lại thì bài toán nhân lực sẽ còn nan giải rất dài với ngành công nghiệp không ống khói này.