Tết cổ truyền của người Mông trong cuộc sống hiện đại
(PLVN) – Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con đồng bào Mông thu hoạch xong mùa màng, người Mông cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tết của người Mông trước đây thường bắt đầu vào mùng 1/12 (Âm lịch) và kéo dài trong vòng 1 tháng.
Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con đồng bào Mông thu hoạch xong mùa màng, người Mông cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Nhiều năm trở lại đây ngày Tết của người Mông đã có nhiều thay đổi để hòa chung Tết Nguyên đán của đa số các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, nhiều người trẻ của cộng đồng người Mông giờ đây đang ngày càng yêu mến gìn giữ nhiều phong tục độc đáo trong ngày Tết của tổ tiên.
Người Mông ăn Tết sớm
Không giống như đa phần các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam, đồng bào người Mông không định ra một ngày cụ thể trong năm để đón Tết mà ăn Tết theo mùa vụ. Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng, khi bà con thu hoạch xong mùa màng, người Mông trong một vùng sẽ thống nhất cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tết của người Mông trước đây thường bắt đầu vào mùng 1/12 (Âm lịch) và kéo dài trong vòng 1 tháng.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhiều địa phương như Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình… người Mông đã tổ chức đón Tết cổ truyền trùng với Tết Nguyên đán. Dù việc chuyển đổi này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng lại rát thuận lại cho những người thân đi học, đi công tác xa nhà có được cơ hội về sum họp ăn Tết cùng gia đình. Dù hòa chung thời điểm đón Tết cổ truyền cùng với cả nước nhưng những phong tục, tập quán và hoạt động ăn, chơi ngày Tết của đồng bào Mông vẫn được gìn giữ.
Các gia đình người Mông đến chơi nhà và chúc Tết nhau (ảnh Báo Giáo dục Việt Nam).
Người Mông chuẩn bị Tết từ ngày 30, dọn dẹp nhà cửa, giã bánh dày, thịt, rượu cúng tổ tiên. Món bánh trưng không quan trọng lắm trong ngày Tết nhưng với người Mông ba món không thể thiếu là thịt, rượu ngô và bánh ngô. Trong ngày Tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dày được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người Mông vun trồng.
Gạo nếp ngon được đồ chín thành xôi, đổ ra phên tre và những thanh niên trong nhà dùng chày gỗ giã cho đến khi thật nhuyễn thì nặn tròn lại rồi đặt lên lá chuối tươi. Những ngày Tết, tuỳ thuộc vào mỗi xóm, bản, người Mông lại tổ chức thi giã bánh dày, nhà nào làm được bánh dày vừa dẻo, vừa thơm, lại tròn đẹp thì sẽ được thưởng. Phần thưởng chính mâm bánh dày đó. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày tròn tượng trưng cho Mặt Trăng, Mặt Trời, đây cũng là món ăn chính trong suốt tháng Tết của người Mông.
Các tiết mục văn nghệ trong sự kiện đều tái hiện truyền thống văn hóa của dân tộc và mang nhiều thông điệp ý nghĩa.
Đặc biệt trong ba ngày Tết chính là mùng 1, mùng 2, mùng 3, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận.
Người Mông không đón giao Thừa, đối với họ, tiếng gà trống gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Từ nửa đêm 30, người ta cúng Tổ tiên bằng một con lợn sống, một con gà trống còn sống rồi sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt. Họ nấu một mâm cỗ rồi ăn cơm uống rượu cho đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Trong ba ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn. Các đồ vật trong nhà cũng được “mặc áo mới” để đón Tết. “Áo mới” của các đồ vật là giấy bạc của người Mông được làm từ cây giang. Bình thường, loại giấy này được sử dụng trong đám cúng, đám ma hoặc sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên vào năm mới, giấy được cắt hình con chim, con phượng dán lên các đồ vật và các vị trí trong nhà để xua đuổi tà ma và cầu mong sự may mắn, tốt lành.
Du khách còn được thể nghiệm truyền thống giã bánh dày – một loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Mông.
Bàn thờ chính của người Mông được đặt ở gian chính giữa của nhà, ngoài ra còn hai bàn thờ phụ đặt ở hai bên cửa chính. Bên cạnh bàn thờ chính được bày biện các công vụ lao động như cuốc, thuống, dao, rựa… đã được mặc áo mới.
Khi có tiếng gà gáy đầu tiên sớm mùng Một, gia đình nào cũng dậy sớm để đi gánh nước mới về nấu ăn. Ai gánh được nước sông suối về đầu tiên thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng, thành công hơn những gia đình khác. Hiện nay, nhờ đã có những bể nước tập trung mà nhiều nơi bà con người Mông không còn phải ngày ngày đi gánh nước nhưng tập tục gánh nước đầu năm không hề bị lãng quên.
Người Mông làm lễ cúng tổ tiên và từ chiều mùng Một, mùng Hai họ sẽ đi thăm họ hàng, thầy cô. Sau khi làm lễ tiễn tổ tiên vào mùng Ba thì người lớn trẻ nhỏ nô nức đi trẩy hội, du Xuân.
Trong những ngày Tết, các chàng trai, cô gái H’Mông thường tổ chức các trò chơi dân gian như: Ném Pao, đánh Cầu lông gà, chơi Quay hay thổi Khèn, múa ô, hát ống, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và đua ngựa…
“Tết Mông xuống phố”
Vào ngày Chủ Nhật 10/1/2021, tại không gian vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra sự kiện văn hóa “Tết Mông xuống phố” năm 2021. “Tết Mông xuống phố” là sự kiện tết về văn hóa của người Mông được tổ chức hàng năm bởi nhóm sinh viên Mông đang học tập tại Hà Nôi và Câu lạc bộ Sinh viên Mông tại Hà Nội. Sự kiện đã bước qua năm thứ 5.
Chị Phàng Thị Khia – Trưởng Ban tổ chức sự kiện “Tết Mông xuống phố” cho biết: Nhiều đồng bào dân tộc đang là sinh viên hay người đi làm xa nhà rất khó để có thể về quê sum vầy với gia đình. Sự kiện đã phần nào giúp họ được trải nghiệm văn hóa của dân tộc mình ngay tại nơi mình học tập, làm việc và sinh sống.
Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Mông từ mọi vùng miền hội tụ, giao lưu văn hóa với nhau. Từ đó, giới thiệu cho cộng đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu, trân trọng để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.
Nhiều gia đình trong bản cùng chung nhau làm thịt một con lợn to để ăn Tết (Ảnh: Báo Giáo dục Việt Nam).
“Tết Mông xuống Phố 2021 có chủ đề trọng điểm là “Nhạc cụ – dân ca của người Mông”. Công chúng đã được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc qua phần thi giữa các nhóm sinh viên Mông thuộc nhiều tỉnh thành và trường đại học tại Hà Nội thể hiện. Với đa dạng thể loại nghệ thuật, các đội thi đã mô tả sinh động phong tục tập quán của dân tộc mình, truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến với khán giả.
Tái hiện lại lễ hội Gầu Tào của dân tộc mình, tiết mục múa nghệ thuật của nhóm sinh viên mông tỉnh Lào Cai đã khiến người dân và du khách được trải nghiệm một lễ hội truyền thống cầu bình an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhà nhà yên vui.
“Mỗi lễ hội truyền thống giờ đây đã không chỉ đơn thuần là nơi hội ngộ, thờ cúng linh thiêng, mà còn là nơi để chúng ta cùng nhau kết nối, giao lưu giữa các dân tộc anh em với nhau” – thành viên của nhóm sinh viên mông tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Với lối diễn xuất gần gũi, thân thương, đậm chất mộc mạc của dân tộc Mông, thông điệp của nhóm sinh viên Mông tỉnh Cao Bằng khi thể hiện tiết mục kịch “Nkauj sua thiab tub Luj nkawv lub neej” (nghĩa là các cô gái hãy trân trọng bản thân, khi gặp chuyện bất hạnh đừng lựa chọn cái chết với lá ngón để giải thoát) .
Sau phần thi múa Hội Gầu Tào đầy ấn tượng, đội thi của tỉnh Lào Cai đã xuất sắc giành giải Nhất. Đội thi của tỉnh Lai Châu với 2 tiết mục đã được Ban Tổ chức trao giải Nhì cùng đội thi tỉnh Sơn La và 1 giải Ba.
Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình qua tiếng khèn, tiếng sáo với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
Chia sẻ về không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông tại sự kiện, chú Nguyễn Văn Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Tết truyền thống của người Mông thời nay đã có nhiều thay đổi với trước, nhiều nơi phong tục cũng mai một và được rút gọn đi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng nhờ tiếng khèn, những làn điệu dân ca truyền thống của người Mông, không khí Tết vẫn vẹn đầy, ai cũng hân hoan vui tết, nó như một thứ thiêng liêng, mọi người qua đó sẽ xóa bỏ rào cản để tới gần nhau hơn”.
Các gian hàng trưng bày cũng đều là những sản phẩm truyền thống của dân tộc, du khách được chiêm ngưỡng những chiếc khèn, chiếc sáo đa dạng với đủ màu sắc, kiểu dáng, kích thước, hoa văn khác nhau của đồng bào dân tộc Mông.