Tết là ngày của gia đình, của họp mặt, của thương yêu, của hạnh phúc đủ đầy chan chứa.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trong buổi chiều tất niên ngày 30 đã cảm nhận nỗi cô đơn của người kỹ nữ trên phố cổ Hà thành khi biết cô không có chốn đi về để sum họp gia đình đón Tết. Và tác phẩm “Đêm đông” nổi tiếng đã ra đời từ đây, khi nhạc sĩ nhận thấy mình cũng cô đơn, không có ai thân thích bên cạnh mình để chia sẻ ngọt bùi, làm ấm cõi lòng yêu thương trong ngày Tết.

Mẫm cỗ ngày Tết

Tết Nguyên đán gọi tắt là Tết, đối với người Việt Nam bao giờ cũng là những ngày sum họp gia đình trên tất cả niềm vui khác. Dù giàu nghèo, dù lang bạt khắp bốn phương trời… thì khi Tết đến, chạnh lòng nhớ cố hương với bao khuôn mặt mến yêu cùng tình cảm sâu nặng khiến không ai có thể cầm lòng, nguôi nhớ. Tết đến, mọi người lại trở về nơi đang có một gia đình chờ đợi mỏi mòn mắt và tràn ngập nhớ nhung.

Tết, nơi trang trọng nhất trong gia đình, nơi được sửa soạn kỹ càng và cũng là thiêng liêng nhất đó là ban thờ tổ tiên, luôn sáng chưng đèn nến và nghi ngút khói hương trong suốt những ngày Tết. Chuẩn bị cho mâm cỗ Tết rất công phu, dù giàu nghèo thì cỗ Tết bao giờ cũng rôm rả, từ bữa cỗ tất niên cúng mời tổ tiên, đến mâm cỗ hóa vàng mùng 4 Tết.

Chiều 30, mọi người đã tề tựu đông đủ, trừ những người không về kịp như người lữ thứ “Rũ áo phong sương trên gác trọ. Lặng nhìn thiên hạ đón xuân dang” (Thế Lữ). Mâm cỗ mùng 4 hóa vàng, tiễn ông bà tổ tiên về Trời cũng vậy. Không ai vắng mặt. Vội vã ra đi thì cũng phải ở nhà xong ngày hôm nay rồi mới được ra đi. Tết không phải là dịp đi ăn cơm khách, hay đi nhà hàng dự tiệc. Gia đình mới là nơi họp mặt, nơi thể hiện tình máu mủ quấn quýt gắn bó.

Bà và mẹ hay chị gái, chị dâu thường là người vất vả nhất, phải lo làm cỗ, mà mâm cỗ tết không đơn giản chút nào, phải có đủ món từ đĩa nộm, đến đĩa thịt gà, đĩa giò, đĩa xôi gấc, rau sống… cho đến bát măng, bát miến, bát gà hầm… Chưa kể còn phải có thịt đông, cá kho, món xào thập cẩm, đĩa dưa muối hành, chiếc bánh chưng… Dù biết rằng cả nhà ăn cố cũng không thể hết. Nhưng thiếu 1 món thôi thì không thể chịu được, Nhất là bà và mẹ, những người vốn nổi tiếng chu đáo xưa nay, luôn mong muốn cho cả nhà đón cái Tết gia đình theo đúng tục lệ xưa truyền lại…

Mùng một lễ mẹ lễ cha…

Sáng mùng một Tết mọi người trong gia đình dậy sớm, quần áo chỉnh tề, mời ông bà cha mẹ ngồi lên phía trên, con cháu quây quần chúc Tết bằng những lời chúc tốt đẹp nhất như: bách niên giai lão, khỏe mạnh để sống lâu và dạy dỗ con cháu nên người. Ông bà cha mẹ cũng lại chúc Tết con cháu: làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, học hành tốt.

Ông bà cha mẹ sẽ mừng tuổi tiền cho tất cả mọi người. Tiền không để trong phong bao đỏ, (lệ phong bao là của người Hoa kiều). Người Việt thường mừng tuổi bằng số tiền tượng trưng, không nhiều, nhưng là tiền còn mới tinh, có khi là gồm nhiều số tiền, mỗi thứ một ít, ngụ ý trong năm sẽ kiếm được nhiều tiền. Trước khi mừng tuổi, thường là người đàn ông trong gia đình pha một ấm trà ngon đặt lên bàn thờ, trịnh trọng thắp hương khấn vái, cầu mong Tổ tiên về ăn Tết và phù hộ cho gia đình con cháu sang năm mới thịnh vượng, khỏe mạnh. Những nén hương này luôn được thắp tiếp trên ban thờ suốt những ngày Tết.

Tối mùng Một là lúc vui vẻ nhất. Mọi người quây quần trong ánh đèn lung linh. Ngày xưa, ở nông thôn còn có điều thú vị. Đó là chiếc ổ rơm thật ấm áp như bao nhiêu nắng mùa hè, mùa thu đọng lại bây giờ mới có dịp đưa ra tỏa ấm. Bà ngồi nhai trầu, ôm cháu bé vào lòng, anh chị em chơi bài tam cúc với nhau. Tiếng cười nói, bàn luận ầm ĩ suốt đêm.

Lời kết

Ngày nay nếp sống công nghiệp hóa làm cho Tết cổ truyền bị phai nhạt nhiều. Có nhiều người vì hoàn cảnh phải tha phương làm thân lữ thứ, Tết đến trong nỗi trống trải một thân một mình, không được hưởng trọn vẹn không khí gia đình thương yêu. Không có không khí nào quý giá và vui tươi bằng những buổi tối ngày Tết khi được sống trong sum họp đầm ấm.

 

Nguồn: giadinh.net.vn

Sưu tầm: Vũ Lâm – Tổ Bảo trì