Tết Nam Định trong những áng thơ Xưa
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, đất trời và vạn vật lại có dịp được giao hoà, dâng tràn nguồn sinh khí mới, muôn hoa lá cỏ cây lại đâm chồi nảy lộc và lòng người thêm xốn xang, phơi phới. Giữa khung cảnh nên thơ, giàu xúc cảm đó, hầu như mọi nhà thơ đều dành những trang viết trang trọng về ngày Tết cổ truyền. Từ xưa đến nay, thơ Tết vẫn luôn sinh sôi và rực rỡ sắc màu, đậm đà hương vị như chính bản chất của mùa xuân, của Tết vậy.
Quang cảnh chợ Hoa Xuân năm 2020.
Ảnh: Viết Dư
Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh những vẻ đẹp truyền thống, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta còn được tiếp nhận luồng gió mới từ phương Tây thổi vào. Sự đổi thay về quan niệm, lối sống trước tiên diễn ra ở các đô thị. Chính cái thời điểm đất nước có nhiều biến động và xáo trộn “mưa Âu gió Á” đó đã sản sinh ra nhà trơ trào phúng xuất sắc hàng đầu của nền văn học nước nhà, đó là Tú Xương. Riêng về chủ đề Tết, ông có một loạt bài như: Cảm Tết, Sắm Tết, Tết cô đầu, Năm mới, Tết dán câu đối, Xuân, Ngày xuân của làng thơ, Năm mới chúc nhau… và các câu đối Tết, trong đó nhiều tác phẩm đạt đến độ toàn bích. Thơ Tú Xương giống như những phóng sự, những thước phim quay khắp mọi góc khuất của cuộc sống. Dù viết về những mảng sáng tối của “nhân tình thế thái” hay là kể về chính gia cảnh của mình, thơ Tú Xương vẫn luôn hiện lên những hình ảnh chân thực, sinh động và luôn đầy ắp tiếng cười. Nói về cảnh nghèo của mình khi Tết đến, nhà thơ vẫn cất lên giọng điệu lạc quan, dí dỏm:
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
(Cảm Tết)
Bài thơ có giọng vui đùa, vừa để giễu cái cảnh nghèo của mình lại vừa tạo ra tiếng cười để quên đi sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất khi Tết đến, Xuân sang. Các đồ ăn thức uống đặc trưng của ngày Tết cổ truyền lần lượt được xuất hiện trong bài thơ, gợi ra sự ấm cúng, no đủ. Dù gia cảnh rất nghèo nhưng Tú Xương vẫn tạo nên một cái Tết khá sung túc… bằng thơ. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Tú là một người rất hóm hỉnh. Điều thú vị ở đây là, rõ ràng nhà thơ nói về cái sự không có nhưng hoá ra lại là có. Sự khéo léo và trào lộng của Tú Xương là ở chỗ đó! Qua từng câu chữ, người đọc vẫn cảm nhận được vị cay nồng của rượu cúc, hương thơm ngát của trà sen, vị ngọt của bánh đường và thơm ngậy của giò lụa… Hương vị Tết vẫn toả ra, hoà quyện vào nhau từ những câu thơ.
Đời sống vật chất thì như thế còn sinh hoạt văn hoá tinh thần trong thơ Tú Xương cũng luôn đậm đà hương vị, không khí Tết:
Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột
Loẹt loè trên vách bức tranh gà
(Xuân)
Tiếng pháo và tranh gà là những món ăn tinh thần quen thuộc vào những ngày Tết trước đây. Trong muôn nghìn thú chơi dân dã, nhà thơ đã lựa chọn hai hình ảnh tiêu biểu nhất để diễn tả không khí Tết. Âm thanh của tiếng pháo gợi ra sự vui vẻ, sôi động còn hình ảnh bức tranh gà thì gợi ra cảnh sinh sôi, tròn đầy, no đủ. Những thứ đó vừa làm cho đời sống văn hoá tinh thần thêm phong phú, vừa giúp thể hiện ước mơ ngàn đời về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.
Còn nhà thơ Đoàn Văn Cừ với thi phẩm tuyệt bút Chợ Tết đã đưa người đọc trở về với ngày Tết ở các làng quê.
Những câu thơ ăm ắp sắc màu và hình ảnh đã gợi ra không khí tưng bừng, phấn khởi của con người trong phiên chợ Tết và gợi ra sự trù phú, phồn sinh, tràn đầy sức sống của cảnh vật thôn quê. Thật hiếm có bài thơ nào lại miêu tả cảnh chợ Tết một cách đầy đủ, chân thực và gợi cảm như Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ. Người đọc dễ bị cuốn hút vào dòng chảy của những câu thơ dồi dào bút lực, của những hình ảnh rực rỡ, tinh khôi, thuần khiết trong buổi sáng ngày đầu năm mới. Sức xuân và không khí Tết cứ dâng đầy, lan toả lung linh trong từng câu chữ:
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bằng đôi nét phác hoạ, nhà thơ đã gợi tả những nét sinh hoạt văn hoá tinh thần ở các miền quê xưa, đó là thưởng tranh, chơi chữ… Nhà thơ đã kín đáo ngợi ca truyền thống hiếu học, chuộng chữ nghĩa và giàu văn hiến của quê hương mình. Sắc màu rực rỡ, tươi ngời của những bức tranh dân gian, của những câu đối, dòng thơ càng góp phần làm cho bức tranh quê thêm sinh động, giàu sức sống.
Nhà thơ Nguyễn Bính – thi sĩ của mùa xuân đồng quê lại diễn tả không khí bận rộn nhưng ấm cúng của mỗi gia đình khi Tết đến trong bài thơ Tết của mẹ tôi:
Sân gạch tường hoa người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu…
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ
Thời xưa, khi kinh tế còn khó khăn thì ngày Tết là những ngày vui nhất của trẻ con nhưng đó cũng là thời điểm lo lắng, bận bịu nhất của người mẹ trong mỗi gia đình. Vào dịp Tết đến, nhân dân ta có phong tục quét vôi, dọn dẹp lại cho ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp và vẽ cung trừ quỷ ngoài đầu ngõ, dựng cây nêu trước sân để mong đón một năm mới thật tốt lành; rồi chuẩn bị những thức ăn, đồ uống để vừa đảm bảo cuộc sống vật chất cho cả nhà và để tiếp khách, vừa thể hiện ước mong được đủ đầy, no ấm trong cả năm. Tất cả những công việc đó hầu như đều đổ dồn vào đôi tay người mẹ. Với việc liệt kê những công việc quen thuộc ngày Tết, nhà thơ vừa ca ngợi sự nhọc nhằn, vất vả của người phụ nữ, vừa thể hiện sự phong phú của đời sống tâm hồn dân tộc. Hình ảnh người mẹ đảm đang, chịu thương chịu khó cứ dần hiện lên thật đậm nét qua hàng loạt những công việc được kể liên tiếp tạo thành một vòng quay trong suốt bài thơ. Người mẹ ở đây vừa chăm lo cho tổ ấm gia đình, lại vừa là người giữ gìn những vẻ đẹp trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của gia đình, cộng đồng.
Không khí ngày Tết bỗng trở nên trang nghiêm và thiêng liêng hơn khi đứng trước bàn thờ tổ tiên, khi đặt bút trang trọng viết những câu văn, dòng thơ đầu tiên của năm mới:
Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên
Câu thơ gợi nhắc đến phong tục khai bút đầu xuân của các bậc văn nhân nho sĩ ngày xưa. Đó là thói quen của những người theo nghiệp bút nghiên, để tỏ chí khí hoặc thể hiện niềm ước mong việc học hành, thi phú được hanh thông, mãn nguyện. Đồng thời qua việc kể, tả một cách chân thực và cụ thể, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào về truyền thống trọng chữ nghĩa, giỏi văn chương của gia đình và của quê hương mình.
Thơ Tết của các thi nhân mỗi người một hương sắc khác nhau, nhưng đều góp phần tạo nên bức tranh quê rực rỡ và dồi dào, mang bản sắc rất riêng của miền quê Nam Định xưa./.
Trần Văn Lợi