Tết Trung thu: Đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế

đồ chơi

Tết Trung Thu 2022

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, trên các tuyến phố lớn chuyên kinh doanh đồ chơi ở Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm)… đã tràn ngập sắc đỏ của các món đồ như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao… Đáng chú ý, năm nay các loại đồ chơi truyền thống được làm thủ công trong nước có lợi thế hơn hẳn so với đồ chơi hiện đại vì gần gũi văn hóa và an toàn.

Đồ chơi Tết Trung thu nội địa chiếm ưu thế tại chợ phố cổ

Những ngày này, không chỉ trẻ em mà cả các bậc phụ huynh cũng vô cùng háo hức khi hòa vào không khí nhộn nhịp với muôn sắc màu rực rỡ của các món đồ chơi trung thu trên khắp các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược… Có thể thấy, trong những năm gần đây, đồ chơi Trung thu sản xuất trong nước đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường.

Đồ chơi Tết Trung thu nội địa chiếm ưu thế tại chợ phố cổ

Tại quầy hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, những món đồ chơi nhập khẩu sản xuất trong dịp Tết Trung thu hầu như chỉ chiếm một phần nhỏ. Theo các tiểu thương bán đồ chơi Trung thu, lượng người mua những món đồ chơi nước ngoài không còn nhiều.

Đồ chơi truyền thống được nhiều bạn trẻ yêu thích trong dịp Trung thu năm nay

Đồ chơi truyền thống được nhiều bạn trẻ yêu thích trong dịp Trung thu năm nay

“Các loại đồ chơi truyền thống vẫn là những sản phẩm bán chạy nhất. Một chiếc mặt nạ giấy bồi của Việt Nam sản xuất có giá hơn 30.000 đồng, đắt gấp 3 lần so với mặt nạ do nước ngoài sản xuất nhưng lại bán được rất nhiều”, chị Nguyễn Thu Trang, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ.

Cũng theo chị Trang, năm nay, các mẫu đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước được cải tiến nhiều về mẫu mã, màu sắc, phụ huynh và trẻ em rất yêu thích. Cửa hàng nhập về nhiều loại đồ chơi hàng Việt, chủ yếu như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng… phong phú về hình dạng, kích cỡ, màu sắc. Tháng trước, khách hàng chủ yếu mua buôn, đến thời điểm này chỉ có khách mua lẻ nhưng đông gấp đôi so với tuần trước.

Ghi nhận tại các cửa hàng, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay, mẫu mã khá đa dạng, giá cả tăng nhẹ so với năm trước khoảng 10 – 15%, đồ thủ công trong nước chiếm nhiều ưu thế. Cụ thể, đèn lồng Trung thu hình thú phát sáng có giá từ 25.000 – 40.000 đồng; Đèn ông sao có giá từ 10.000 – 30.000 đồng; Đèn lồng giấy phát nhạc từ 30.000 – 60.000 đồng/chiếc; Mặt nạ giấy từ 15.000 – 40.000 đồng/chiếc; Đầu lân có giá cao hơn, từ 150.000 – 600.000 đồng/chiếc tùy loại…

Đồ chơi Tết Trung thu nội địa chiếm ưu thế tại chợ phố cổ

Bên cạnh các loại lồng đèn, những sản phẩm mặt nạ quen thuộc như ông địa, chú hề, chú tễu… làm bằng giấy bồi với màu sắc tươi tắn bắt mắt cũng được bày bán nhiều tại các cửa hàng, thay thế cho mặt nạ nhựa có nguồn gốc từ nước ngoài sản xuất.

Cẩn thận lựa chọn đồ chơi trung thu cho hai con nhỏ, anh Nguyễn Quốc Anh (trú tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, đồ chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của con trẻ. Vì vậy, những mặt hàng không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng và mang tính bạo lực cần phải được loại bỏ.

“Năm nay, tôi thấy sản phẩm đồ chơi truyền thống khá phong phú và đa dạng, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn. Tôi chọn mua cho các con những món đồ chơi này để chúng hiểu được cội nguồn, ý nghĩa Tết Trung thu”, anh Quốc Anh nói.

Đồng quan điểm, chị Lê Hà, một phụ huynh khác cho rằng: “Vào Tết Trung thu, tôi muốn mua cho con những món đồ chơi truyền thống để dạy về văn hóa xưa của Việt Nam. Đó là nét đẹp cần gìn giữ”.

Các bạn trẻ thích thú check-in cùng các sản phẩm truyền thống

Các bạn trẻ thích thú check-in cùng sản phẩm truyền thống

Tuy nhiên, bên cạnh các loại đồ chơi truyền thống mang tính văn hóa cao, tại một số cửa hàng vẫn bày bán các loại đồ chơi mang tính bạo lực, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, như kiếm nhựa, lưỡi hái thần chết, mặt nạ kinh dị… thu hút một bộ phận thanh niên nghịch ngợm, hiếu kỳ.

Nhận xét về những đồ chơi này, các chuyên gia sức khỏe cho rằng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn gián tiếp do chúng chứa rất nhiều chất nguy hại tới sức khỏe của trẻ khi tiếp xúc. Các bậc phụ huynh cần tránh chọn các món đồ chơi bạo lực hoặc đồ chơi có ánh sáng laser hay âm thanh quá lớn.

Đồ chơi Tết Trung thu nội địa chiếm ưu thế tại chợ phố cổ

Trong tháng 9 và những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố. Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 8, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 11.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu, trên 2.800 đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Ban chỉ đạo 389 của thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo trong cuối năm 2022, triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong các dịp lễ, Tết và những tháng cao điểm”.

Thời điểm này tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng bánh, kẹo, bánh Trung thu, đồ chơi nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Trung thu tiếp tục gia tăng. Chỉ trong tháng 8, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra trên 2.500 vụ; xử lý hơn 2.300 vụ với các vi phạm chủ yếu là hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Hàng hóa thu giữ gồm thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… chuyển khởi tố 4 vụ với 15 đối tượng. Thu nộp ngân sách Nhà nước trên 368 tỷ đồng.

Bài viết: Phạm Mạnh