Tết về Kiền Bái, thăm làng làm hương bài
Hương bài là loại cỏ sống dai, mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Dương… Rễ của cây hương bài có mùi thơm đặc trưng, được bà con xã Kiền Bái, H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra hương, nhang để thắp. Ngoài ra, loại cây này được sử dụng trong đông y.
Kỳ công khâu nguyên liệu
Khi làm hương bài, bà con chủ yếu sử dụng nguyên liệu chính là rễ cây hương bài. Sau khi thu mua về sẽ phơi khô rễ, nghiền nhỏ rồi trộn lẫn với thúy quế, hoa hồi… thành bột hương hoàn chỉnh.
Điều đặc biệt là, làng hương gần 30 năm tuổi, trải qua nhiều thời kỳ, nhưng trước sự du nhập của máy móc hiện đại, bà con nơi này vẫn duy trì phương pháp làm hương đập tay thủ công cùng hương liệu hoàn toàn tự nhiên nhằm mang lại những sản phẩm chất lượng đặc biệt.
Người làm hương bài ở đây vẫn lưu giữ được nét riêng của nghề làm hương xã Kiền Bái. Sau này, ngoài tên hương bài, người ta quen gọi là hương Kiền Bái.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, nơi này lại trở nên nhộn nhịp, không khí bà con hối hả làm hương cung cấp ra thị trường.
Điều đặc biệt của hương bài không chỉ từ nguyên liệu làm hương mà chân hương cũng được người dân chọn lựa kỹ lưỡng. Chân hương được làm từ tre, nứa ngâm, sau đó chẻ nhỏ đều tăm tắp. Phải làm chân hương như vậy để sau khi đắp bột hương sẽ dễ bắt lửa.
Bà Phạm Thị Hoan (chủ cơ sở hương Hưng Lan tại thôn 7, xã Kiền Bái, TP.Hải Phòng), người đã gắn bó hơn chục năm với nghề chia sẻ: “Nghề này tưởng chừng như đơn giản, nhẹ nhàng nhưng công sức bỏ ra cũng không kém nhọc nhằn so với làm nông. Chưa kể nghề này đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo và tiêu tốn thời gian cả năm trời để chuẩn bị nguyên liệu”.
Trong các công đoạn, phụ nữ sẽ làm hương, đấng mày râu phụ trách khâu chuẩn bị nguyên liệu là phơi khô rễ cây bài, nghiền nhỏ để trộn bột hương.
“Mỗi dịp tết đến, chúng tôi thường làm hai loại hương là hương nhúng và hương bài quấn. Đối với hương nhúng thì sau khi đập bột, đem phơi nắng là hoàn thành. Với hương bài, sau khi được phơi khô, người thợ sẽ dùng keo, bột hương và giấy để quấn thêm một lớp bên ngoài”, bà Hoan cho biết.
Để hoàn thiện một cây hương bài cần phải qua nhiều công đoạn. Chân hương được phơi khô dưới nắng, sau đó được người thợ nhúng qua nước pha keo, đập qua 4, 5 lần bột hương. Quá trình đập, người thợ phải làm thật nhanh tay giúp bột hương bám đều, đồng thời que hương không bị dính vào nhau.
Hương được đập qua 4, 5 lớp bột hương khá dày nên để tránh bị ẩm mốc thì việc hương được phơi đủ nắng và đạt được độ khô tiêu chuẩn rất quan trọng.
Nhọc nhằn gìn giữ hương bài truyền thống
Từ nhiều năm nay, hương bài đã trở thành một sản phẩm được người dân nhiều tỉnh ưa chuộng là thế. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, do công việc làm hương vất vả, cầu kỳ nhưng thu nhập không đáng kể nên người dân có xu hướng chuyển đổi sang các công việc khác. Do vậy, từ hơn 60 hộ làm hương nay xã Kiền Bái chỉ còn 2, 3 gia đình gắn bó.
Trăn trở về sự mai một của nghề, bà Phạm Thị Hoan không khỏi bồi hồi, bà nói: “Khi hương công nghiệp lên ngôi, không riêng làng nghề Kiền Bái mà nghề làm hương thủ công nói chung trên cả nước đều gặp nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu, tiền thuê nhân công, tiền bao bì và các chi phí phát sinh cứ thế “leo thang” khiến nhiều cơ sở làm hương không thể trụ nổi”.
Theo tìm hiểu, các hộ sản xuất hương Kiền Bái, ngày nay chỉ có từ 3 – 5 người thợ, trong đó có nhiều người chỉ làm thuê vào cuối tuần hoặc khi có thời gian rảnh. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên các cơ sở này chỉ sản xuất cầm chừng. Mức thu nhập của thợ làm hương cũng chỉ ở mức ổn định khoảng từ 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (29 tuổi), thợ làm hương của cơ sở hương Hưng Lan xã Kiền Bái, chia sẻ: “Việc phải ngồi cả ngày quấn hương rất gò bó, nhiều khi còn mệt hơn đi làm công nhân giày da. Cũng vì cái tết ấm no cho con cái, hơn nữa làm lâu thành gắn bó nên tôi vẫn thường xuyên nhận làm thêm hương tại nhà vào cuối tuần”.
Khó khăn chồng chất là vậy nhưng với sự cố gắng duy trì của những người thợ lành nghề, hương Kiền Bái ngày nay vẫn được rất ưa chuộng. Những ngày hưng thịnh của làng hương Kiền Bái tuy đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những que hương thủ công Kiền Bái vẫn giữ nguyên được cái “hồn”, cái chất của riêng mình.