Thái Nguyên trong nền văn hóa Đông Sơn
Khi lập nước Văn Lang, Hùng Vương đóng đô tại Phong Châu, nay là Lâm Thao, Phú Thọ. Thời Hùng Vương chia cả nước thành 15 bộ, Thái Nguyên thuộc bộ Vũ Định. Thời Hùng Vương, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cư dân nước ta có một trình độ lao động và văn hóa khá cao, thể hiện sâu đậm trên những sản phẩm đồ đồng trên khắp miền Bắc Việt Nam ngày nay, từ vùng biên giới phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang tới vùng Quảng Bình.
Di tích Đông Sơn tập trung tại lưu vực của sông Hồng, sông Mã, sông Cả, phân bố trên diện rộng. Sự phân bố tương đối tập trung của di tích Đông Sơn tại vùng đồng bằng đã phần nào chứng tỏ sự phát triển của cư dân người Việt cổ trong việc khai phá, làm chủ các vùng châu thổ mầu mỡ.
Văn hóa Đông Sơn được lấy tên của di tích khảo cổ học Đông Sơn nằm bên tả ngạn sông Mã, phát hiện vào năm 1924, chính thức được định danh năm 1934. Văn hóa Đông Sơn chính là bản sắc văn hóa dân tộc Việt thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.
Tại Thái Nguyên, các nhóm hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện đều nằm bên bờ sông, bờ suối thuận tiện cho cuộc sống sinh hoạt của lớp cư dân cổ. Trên địa bàn Thái Nguyên đã phát hiện 6 trống đồng và mặt trống đồng. Số lượng trống tập trung tại huyện Đồng Hỷ, được phát hiện ngẫu nhiên khi người dân đào ao, đào mương và đào móng làm nhà.
Cùng với trống đồng, các sản phẩm làm từ đồng để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của cư dân Đông Sơn như rìu đồng, giáo đồng cũng được tìm thấy tại Thái Nguyên, đặc biệt là chiếc rìu đồng hình hia – một loại công cụ điển hình của văn hóa Đông Sơn đã được tìm thấy tại Thần Sa.
Bộ sưu tập công cụ bằng đồng ở Văn Lăng, Đồng Hỷ (gồm rìu có họng tra cán, búa đồng, giáo đồng), mang dáng vẻ của đồ đồng Đông Sơn giai đoạn muộn với kỹ thuật đúc đồng cao. Những di vật của văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Thái Nguyên, phối hợp với các kết luận về nền văn hóa Đông Sơn đã đủ cơ sở để khẳng định rằng Thái Nguyên nằm trong vùng văn hóa Đông Sơn xuất hiện khá sớm và huyện Đồng Hỷ, nơi phát hiện tương đối tập trung di vật Đông Sơn, có thể là một trung tâm chính trị, kinh tế của Thái Nguyên thời kỳ đầu Công nguyên.
Như vậy, cư dân Thái Nguyên vào thời kỳ đầu Công nguyên đã cùng với cư dân thời kỳ Đông Sơn ở nước ta xây dựng cho mình một nền văn hóa bản địa truyền thống giàu tính dân tộc, tạo ra nền văn hóa Đông Sơn với kỹ thuật luyện kim đạt trình độ cao. Chính nền văn hóa Đông Sơn vơi tính chất thống nhất đã tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt mang tính cộng đồng.